Trong lòng biết kính sợ, sẽ học cách khiêm nhường



Kính sợ là những cảm xúc được sinh ra khi đối mặt với uy quyền, trang nghiêm, hay những thứ cao cả, nó mang cảm giác sợ hãi, kính trọng và cả kinh ngạc. Trong “Vi lư dạ thoại ” có nói: “Cách để đứng vững vô cùng đơn giản, chỉ cần một chữ kính mà thôi, thì mọi thứ đều sẽ thành”. Khi đối nhân xử thế, chỉ cần luôn giữ ý kính trọng, thì sẽ có thể suôn sẻ trong tất cả mọi chuyện.

Khổng Tử nói: “Quân tử có ba nỗi sợ: sợ thiên mệnh, sợ đại nhân, sợ thánh nhân”. Trong “Sử ký” Lỗ Chu công thế gia” có viết: “Người nhận lệnh của thiên đình, phải cứu giúp khắp thiên hạ, giúp cho hậu duệ có thể sinh sống yên bình, cho nên dân chúng khắp nơi không ai không kính sợ”. Hàn Dũ thời nhà Đường có viết trong “Hạ thái dương bất khuy trạng” rằng: “Bệ hạ kính sợ thiên mệnh, luôn giữ mình để tu thân”.

Từ thời xa xưa, người ta đã biết giữ tâm kính sợ, chẳng hạn kính sợ ông trời. Ông trời nhân từ, có đức dày nâng đỡ vạn vật. Ông trời công bằng, khuyến khích việc thiện và trừng phạt cái ác. Thế nên mới có một câu thế này: “Người đang làm, trời đang nhìn, trên đầu ba thước có Thần linh”. Chuyện trái lương tâm không thể làm được, làm chuyện bừa bãi ngang ngược cũng không được.

Làm kinh doanh, giá cả rõ ràng, không làm ăn gian dối; khi học tập, lời nói ra phải có cơ sở, kiên trì khẳng định điều gì phải có nguyên do; khi làm quan, không chiếm đoạt tài sản của dân, không làm tổn thương kẻ vô tội; làm một người đàn ông, không bán rẻ bạn bè, không làm chuyện trái với lương tâm.

Con người một khi không biết kính sợ, thì họ sẽ trở nên ngang ngược vô lý, muốn làm gì thì làm, không theo khuôn phép nào cả, thì cuối cùng sẽ phải nuốt lấy trái đắng do chính mình tạo ra.

Trong lòng biết kính sợ, sẽ học cách khiêm nhường

Sự kính sợ bắt nguồn từ đức tin của con người, khi trong lòng của chúng ta có điều gì đó khiến chúng ta kính sợ hay sợ hãi, thì chúng ta mới biết điều tiết và kiềm chế ngôn từ cử chỉ của bản thân mình. Những người luôn biết kính sợ thì trông họ vô cùng khiêm nhường.

Trong quá khứ, người ta rất tin vào số mệnh, nhưng mệnh là gì thì cũng không ai biết, dù sao thì điều tốt hay xấu gì, họ đều cho rằng đó là mệnh. Trước khi làm bất cứ điều gì, họ đều sẽ cân nhắc suy nghĩ về nó rất lâu, cảm thấy như trên đầu 3 thước là có Thần linh, nên không được làm những chuyện ác chuyện xấu.

Dương Chấn thời Đông Hán là một người sống rất công bằng trung thực, không truy cầu lợi ích cá nhân. Một lần nọ, ông đi từ Kinh Châu đến quận Đông Lai (nay là khu vực Yên Đài, Uy Hải thuộc tỉnh Sơn Đông) để nhậm chức Thái thú, trên đường đi có ngang qua quận Xương Ấp. Huyện lệnh Vương Mật là một viên quan từng được Dương Chấn lúc đang làm Thứ sử Kinh Châu đề bạt lên, nghe thấy ông đến liền đến ngoại ô để chào đón ân sư của mình.

Vào buổi tối, Vương Mật đến thăm gặp Dương Chấn, lúc chào tạm biệt, Vương Mật đột nhiên lấy vàng được cất trong người mình ra và đặt lên bàn, rồi nói: “Thật hiếm khi ân sư ghé đây. Con đã chuẩn bị một món quà nhỏ để báo đáp công ơn dạy dỗ của người”.

Dương Chấn nói: “Trước đây vì ta biết được tài năng thực sự của con, cho nên mới đề bạt con, hy vọng con có thể làm một vị quan tốt. Sự đền đáp tốt nhất của con đối với ta chính là ra sức phục vụ đất nước, chứ không phải là biếu tặng ta thứ gì đâu”. Tuy nhiên, Vương Mật nhất mực nói: “Ban đêm ban hôm, sẽ không ai biết đâu ạ, xin người hãy nhận lấy!”

Dương Chấn nghe vậy lập tức trở nên nghiêm nghị: “Con nói cái gì vậy, trời biết, đất biết, ta biết, con biết! Sao con có thể nói là không ai biết được chứ? Không có người khác ở đây, chẳng lẽ lương tâm của con và ta đã biến mất rồi sao?”. Vương Mật liền cảm thấy xấu hổ, nên nhanh chóng rời đi như một tên trộm vậy. Đây chính là câu chuyện “Dương Chấn từ chối vàng” nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

Cái gọi là “trên đầu 3 thước có Thần linh”, chính nói về sự kính sợ đối với lương tâm của chính mình. Chỉ khi con người biết kính sợ, thì mới có thể bàn đến lương tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo đức, và từ đó mới có thể hình thành được ý thức trách nhiệm, cống hiến vì sự nghiệp, tinh thần dân tộc.

Không sợ bất cứ điều gì mới là điều đáng sợ nhất

Lời kết về Vương Hy Phượng trong “Hồng lâu mộng” ghi rằng cô ta “phí công phí sức tính toán quá thông minh, ngược lại đã tự hại chết bản thân mình”, giống như nguyên nhân cái chết của cô là do đã quá thông minh.

Kỳ thực, Vương Hy Phượng thông minh không phải là sai, nhiều người nghĩ rằng cuộc đời của Vương Hy Phượng đã thất bại vì sự khôn lỏi, sai lầm của cô chính là ở chỗ thiếu hiểu biết và không biết sợ hãi, gan của cô lớn đến nỗi không biết sợ bất cứ điều gì. Người xưa có câu: “Ông trời muốn kẻ nào suy vong, thì sẽ khiến cho kẻ đó điên cuồng tự mãn”, thế nên cô không bị mất mát lớn mới là chuyện lạ.

Tất nhiên, điều này có liên quan mật thiết với sự giáo dục từ gia đình. Từ lúc còn là một đứa trẻ, Vương Hy Phượng luôn được cha mẹ chiều chuộng hết mực, không hề dạy dỗ uốn nắn, nên đã khiến cho ở cô hình thành tính cách không có kỷ luật và độc tài cao ngạo.

Hơn nữa, gia đình đã không để cô nhận được sự giáo dục văn hóa truyền thống, đường đường là vị tiểu thư của một gia đình có gia thế, nhưng lại mù chữ! Cô đã không được đọc qua các thư sách kinh điển của các thánh hiền, những lời giáo huấn của các thánh nhân, nên không hiểu biết gì nhiều về nhân – nghĩa – lễ – trí – tín, và thiếu mất những nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất để đối nhân xử thế.

Nếu không có kiến thức đạo đức cơ bản và tính tự kỷ luật, thì ắt hẳn sẽ trở nên rất đáng sợ, giống như những con hổ hoang dã không ai có thể chế ngự được vậy. Như vậy thì làm sao biết kính sợ, đâu còn nói được gì nữa chứ?

Con người mà không có đức tin, thì khó mà biết kính sợ, nếu không biết kính sợ thì sẽ chẳng có chuyện gì mà không dám làm. “Thường thì những người lương thiện biết sợ, thì tâm trí và cơ thể của họ rất ngay thẳng, lời nói chừng mực, bắt lỗi người khác có mức độ, đôi khi vượt quá quy củ, thì cũng không có hậu quả quá nghiêm trọng”. Gan quá quá lớn, lại không biết tiến lùi, nhẹ thì chịu thất bại, nặng thì bị mất mạng.

Trong lòng biết kính sợ thì không phải lo lắng hay sợ hãi

Chỉ khi con người biết kính sợ, thì họ mới có thể làm mọi chuyện một cách thận trọng; mới có được ý nghĩ e dè; và khi sống trong một xã hội biến đổi khôn lường và cực kỳ phức tạp thì mới có thể không bị phân tâm, không trở nên bốc đồng, không bị quấy nhiễu bởi tạp niệm tham lam ích kỷ, không bị mệt mỏi vì danh lợi cá nhân, mà luôn luôn khiêm tốn giữ được hòa khí, giữ được sự ung dung và điềm tĩnh trong tâm hồn.

Làm người, khi bản thân càng có ưu thế, thì càng phải biết khiêm nhường, bởi vì sự khiêm nhường chính là biết kính sợ. Lúc nào cũng luôn biết kính sợ thì sẽ không phải lo lắng hay sợ hãi gì. Gan quá bé, thì phải khởi động lòng can đảm của chính mình; gan quá lớn, thì phải bồi đắp thêm sự kính sợ, tôn trọng của mình đối với người khác.

Chỉ khi chúng ta có can đảm và biết kính sợ trong lòng, thì mới có thể phán đoán và phân tích những quy luật của sự vật một cách đúng đắn, mới có thể chầm chậm tiến về phía trước trong những khó khăn, và mới có thể đạt được thành tựu trong đời sống.


Tuệ Tâm