Truyện ngắn: Người thợ săn chim
Người Thợ săn chim
Ngày xưa có một người thợ săn chim, anh ta giăng lưới trong rừng vắng, dùng thức ăn mà chim ưa thích đặt vào trong lưới. Các loại chim cùng bạn bè tranh nhau đến ăn. Khi ấy thợ săn kéo sập lưới xuống, tất cả chim đều bị rơi vào bẫy lưới. Lúc ấy, có một con chim lớn đủ sức mạnh, dùng đôi cánh lớn quạt gió, cất bổng lưới lên, cùng với các chim khác bay đi. Thợ săn thấy bóng liền đi theo.
Có người nói với người thợ săn:
–Chim bay trên trời cao, còn ngươi thì đi bộ dưới đất, sao mà ngu vậy?
Thợ săn đáp:
–Không như ông nói đâu, chim kia khi trời tối sẽ tìm chỗ nghỉ, ý muốn tiến tới, thoái lui không đồng nhau. Như vậy sẽ bị rơi xuống.
Thợ săn nói như vậy và tiếp tục đi theo. Mặt trời đã sang xế chiều, thợ săn ngước nhìn bầy chim, thấy chúng nó bay ngược, bay xuôi, cạnh tranh nhau. Có con muốn đến phía Đông, con khác lại muốn sang Tây. Nhiều con mong lên rừng sâu, hoặc có con lại muốn xuống suối, khe; tranh nhau không dừng. Do ý chí bất đồng như thế, chỉ trong khoảnh khắc liền bị rơi xuống đất tất cả. Thợ săn tóm trọn rồi lần lượt giết hết.
Thợ săn là ma Ba-tuần. Giăng lưới cũng như kết sử. Mang lưới mà bay cũng như người chưa lìa kết sử mà muốn ra khỏi ba cõi. Trời chiều, tìm chỗ nghỉ, như người biếng nhác, không cầu tiến lên. Tìm chỗ nghỉ không đồng, như khởi sáu mươi hai kiến chấp tương phản nhau. Chim rơi xuống đất, như người chấp nhận tà giáo bị rơi vào địa ngục.
Do đây chúng ta biết được kết sử và trần cấu là lưới ma. Kết sử phủ che con người như lưới giăng. Được hưởng phước trời, người thì phải khéo giữ gìn thân nghiệp và khẩu nghiệp, tâm không buông lung vì chúng ta còn ở trong lưới ma. Ba đường ác là khổ, vì phải chịu sinh tử lâu dài, không thể kham nhẫn ở mãi đây vậy.
Nguồn: Kinh Tuyển tập Thí dụ, Quyển 2, bài số 24