Và vết thương sẽ nở hoa…


 
Lắng nghe dòng sông, và học cách làm cho những vết thương bỏng rát trong lòng được nở hoa.
"Shiddhartha" của Hermann Hesse được trao giải Nobel văn chương năm 1946, được coi là "một cuốn kinh Đại thừa" với những chiêm nghiệm tận cùng về sự sống, vạn vật và thế giới. Câu chuyện lấy bối cảnh thời Đức Phật còn tại thế.

Chàng thanh niên Shiddhartha sinh trưởng trong một gia đình Bà La Môn - một trong bốn đẳng cấp ở Ấn Độ, gồm các tu sĩ, triết gia, học giả và các nhà lãnh đạo tôn giáo, rất được tôn trọng.

 

Chàng trai mẫn tiệp, khao khát học hỏi, đã luôn kiên quyết chọn con đường đi riêng: từ bỏ đời sống sung túc để trở thành một tu sĩ khổ hạnh - rời bỏ chiếc áo sa môn để trở thành người tình của cô gái điếm thượng lưu Kamala và làm một doanh nhân giàu có - rồi lại trút bỏ những chán chường trong phú quý để trở thành một người chèo đò.

 

Ở đây, hàng ngày Shiddhartha học cách lắng nghe dòng sông, trò chuyện với dòng sông, và học hỏi từ dòng sông. Có ba điều dòng sông đã dạy chàng, để vượt qua những cơn đau tinh thần trong cuộc đời thế tục: sự chờ đợi, kiên nhẫn và lắng nghe.

 

Thử thách ghê gớm cuối cùng đối với Shiddhatha trước khi đạt đến trạng thái tuyệt đích về "cái-không" là cuộc tìm kiếm đứa con trai - kết quả tình yêu của chàng với nàng Kamala.

 

Shiddhatha đã kiên nhẫn và dịu dàng hết mực để chăm sóc và bảo vệ đứa con trai. Nhưng điều đó là vô nghĩa. Chàng hiểu ra: mình không thể giúp đỡ đứa con, và không được bám khư khư vào nó.

 

"Anh yêu tha thiết đứa con đã bỏ trốn kia như cảm thấy một vết thương âm ỉ trong lòng, song đồng thời cũng cảm thấy vết thương ấy không phải để khuyấy lên mà phải để nó thăng hoa, tỏa sáng".

 

Cơn đau cuối cùng dày vò chàng trai đến cùng cực. "Chao ôi, vết thương vẫn chưa nở hoa, tim anh vẫn chống chọi lại định mệnh, niềm hân hoan thắng lợi vẫn chưa rộ lên từ nỗi đau khổ của anh."

 

Shiddhatha tìm đến người lái đò tri kỉ để kể hết về những vết thương lòng rát bỏng, về sự ghen tức, về những ao ước điên rồ, và cả sự đấu tranh hoài công để chống lại những ao ước... Sự giãi bày đó chính là việc tắm táp những đau khổ trong dòng sông.


"Thế giới, không phải không toàn thiện hay đang chậm chạp trên đường tiến tới toàn thiện đâu. Không đâu, nó toàn thiện trong từng khoảnh khắc, mọi tội lỗi đều mang sẵn trong nó sự ân xá, mọi trẻ thơ đều mang sẵn tuổi già...

"Và khi Shiddartha chăm chú lắng nghe dòng sông này, lắng nghe bài ca muôn điệu này, khi anh không nghe riêng nỗi khố đau này hay tiếng cười vui, khi anh không ràng buộc hồn mình vào một thứ tiếng riêng lẻ nào và thâm nhập nó với tiểu ngã của mình, mà nghe tất cả, thấu triệt cái toàn diện, cái nhất thể, thì lúc ấy ca khúc vĩ đại muôn điệu kia chỉ bao hàm một từ duy nhất, đó là "Om" - nghĩa là toàn thiện."

Khi đã về già, gặp lại người bạn chí thân từ thuở thiếu thời, nay đã là đệ tử của Đức Phật, Shiddhatha bày tỏ rất giản dị về những điều anh chiêm nghiệm được:

"Học cách yêu thương thế giới, để thôi không so sánh nó với một thế giới tôi tự nghĩ, tự mơ ước, với một sự toàn thiện tôi tưởng tượng, mà nó thế nào thì cứ để thế ấy, thương yêu nó và vui thích được dự phần trong đó".

Đó chính là cách để cho những vết thương lòng được nở hoa. Đúng như cách mà dòng sông đã dạy: gột rửa mọi tội lỗi, nhục dục, phỉ báng, đau đớn; gột rửa cả tuổi già, tham vọng, say đắm... và trở thành trẻ thơ hân hoan giữa cuộc đời.

"Và khi Shiddartha chăm chú lắng nghe dòng sông này, lắng nghe bài ca muôn điệu này, khi anh không nghe riêng nỗi khố đau này hay tiếng cười vui, khi anh không ràng buộc hồn mình vào một thứ tiếng riêng lẻ nào và thâm nhập nó với tiểu ngã của mình, mà nghe tất cả, thấu triệt cái toàn diện, cái nhất thể, thì lúc ấy ca khúc vĩ đại muôn điệu kia chỉ bao hàm một từ duy nhất, đó là "Om" - nghĩa là toàn thiện."Khi đã về già, gặp lại người bạn chí thân từ thuở thiếu thời, nay đã là đệ tử của Đức Phật, Shiddhatha bày tỏ rất giản dị về những điều anh chiêm nghiệm được:"Học cách yêu thương thế giới, để thôi không so sánh nó với một thế giới tôi tự nghĩ, tự mơ ước, với một sự toàn thiện tôi tưởng tượng, mà nó thế nào thì cứ để thế ấy, thương yêu nó và vui thích được dự phần trong đó".Đó chính là cách để cho những vết thương lòng được nở hoa. Đúng như cách mà dòng sông đã dạy: gột rửa mọi tội lỗi, nhục dục, phỉ báng, đau đớn; gột rửa cả tuổi già, tham vọng, say đắm... và trở thành trẻ thơ hân hoan giữa cuộc đời.