Vai trò cư sĩ với Phật giáo phát triển, hội nhập hiện nay



Theo cách hiểu nôm na, Cư sĩ là người tu Phật, cúng dường Tăng, hay nói sâu hơn một chút mà các Tổ thầy thường dạy -  Cư sĩ là người cận sự Phật.

Thực tế, theo lý và sự mà tách bạch ra thì dài dòng, nhưng nếu không căn cứ vào sự, lý để phân định, thì nhiều khi chúng ta hiểu không rõ ràng, mạch lạc dẫn đến hành xử và thực thi thiếu chánh kiến, chánh tư duy chắc chắn sẽ bị thụ động sai lạc.

Khái niệm cư sĩ Phật giáo

Theo Phật học từ điển của học giả Đoàn Trung Còn (nhà xuất bản Tp. HCM 09/1997) cho rằng: “Cư sĩ theo Phạn ngữ kêu là Ưu-bà-tắc, chỉ người ở tại nhà, tu theo đạo Phật, vốn không thích danh lợi. Thường thường thì bậc cư sĩ có bốn cái đức, tức bốn thể cách:

1. Không cầu chức tước, quan vị.

2. Càng bớt tình dục, càng chứa thêm đức.

3. Có tiền của gia sản đặng ở nhà lo tu học và bố thí.

4. Đọc kinh hoặc nghe thuyết pháp thì thông hiểu ý nghĩa.

Trong kinh Phật, nếu đi với những chữ Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Trưởng giả, Cư sĩ, thì chữ Cư sĩ chỉ chủng tính thứ tư, (theo Ấn Độ xưa chỉ hạng làm ruộng rẫy). Theo Phạn ngữ: Thủ-đà-la, hạng Cư sĩ (Thủ-đà-la nhờ làm ruộng rẫy, làm nghề thủ công mà được dư giả bèn ở nhà lo tu học. Hạng thứ ba là Trưởng giả (Phệ xá) nhờ đi buôn bán trong nước và ngoài nước mà làm giàu, bèn lo bố thí và tu học. Trên hai hạng người này, còn có hạng Bà-la-môn là phái thầy tu và hạng Sát-đế-lỵ là phái vua quan, võ sĩ. Đó là bốn hạng người, bốn chủng tính ở Ấn Độ.

Ưu-Bà-Tắc: theo Phật học từ điển này cũng cho rằng: “Người đàn ông có lòng lành, quy y Tam bảo, nhưng ở tại nhà mà tu học. Nên gọi là Thiện nam Cư sĩ, Hán dịch: Cận sự nam. 

Còn người đàn bà con gái tu tại gia, thì gọi là Ưu-Bà-Di (tức tín nữ). Ưu-Bà-Tắc, Ưu-Bà-Di là chữ Phạn, có nghĩa là: người nam, người nữ ở xa, nhưng hằng tưởng nhớ Tam bảo. Người ấy đáng gọi là thiện nam, tín nữ, tuy cái thân thì ở xa Tam bảo, nhưng cái Tâm chẳng lìa Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng).
 
Hồi Đức Thế Tôn mới thành đạo, hai vị Ưu-Bà-Tắc đầu tay của Ngài là hai người thương khách Bạc-lệ-ca (Bhallka) và Đế-lê-phú-bà. Hai người này cúng dường cho Ngài khi còn ngồi đại định ở gốc Bồ-đề, trước khi Ngài chuyển bánh xe pháp truyền đạo!

Người nam nào thọ Tam quy (Quy Phật, quy Pháp, quy Tăng) có thể gọi là Ưu-Bà-Tắc. Thiện nam tử vừa tin cậy vào ngôi Tam bảo, vừa giữ Năm giới (không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu), nếu ai dũng mãnh thì có thể trì Bát giới (tức giữ thêm ba giới nữa) là: chẳng dùng hoa, phấn, dầu; chẳng xem hát xướng, kỹ nhạc; chẳng nằm giường cao, nệm rộng. Người Ưu-Bà-Tắc nên cúng dường chư Tăng và hộ trì Tam bảo. Đó là một cách tạo phúc đức vậy.

Theo lịch Phật giáo cho rằng, từ xa xưa đã có hiện tượng Cư sĩ tham gia tập Thiền, Tịnh Độ và nghiên cứu Phật học, nhưng thời cổ đại, việc cư sĩ tại gia học Phật là hành vi tự phát riêng lẻ, không có tổ chức đoàn thể đại chúng cùng tu tập. Trong quá trình lịch sử phát triển của Phật giáo Trung Quốc, các cư sĩ có vai trò rất tích cực trong việc học và hoằng dương đạo Phật, trải qua nhiều thời đại đã xuất hiện không ít những vị cư sĩ có cống hiến lớn lao với đạo. Đến đời nhà Thanh, do mạng mạch truyền thừa bị gián đoạn, khiến Phật giáo suy yếu. Sau đó cư sĩ Dương Nhân San phát tâm gánh vác, vận động lập ra hình thức đoàn thể cư sĩ để phục hưng Phật giáo. Tiến hành các hoạt đông kết tập, in ấn, phát hành kinh điển, mở trường lớp, nghiên cứu Phật giáo, bồi dưỡng nhân tài, cải cách hưng long Phật giáo. Đó là thời kỳ đầu phát triển cư sĩ Phật giáo.

Thời cổ đại, Nho và Đạo gia Trung Quốc dùng từ “Cư sĩ”như một cách tôn xưng những người thoái ẩn, cũng là để khẳng định nhân cách đối với những nhân sĩ ở ẩn, vì thế gọi cư sĩ là một hình thức tán dương những người đáng được tôn kính. Khi phiên dịch các kinh Phật từ tiếng Phạn ra tiếng Hán, các vị cổ đức mượn cách gọi “cư sĩ” vốn quen thuộc của dân gian Trung Quốc để biểu thị “người học Phật tại gia” thay cho “Ưu-Bà-Tắc, Ưu-Bà-Di”. Ở Ấn Độ cổ đại cũng gọi người học Phật tại gia là hàng đệ tử “bạch y”, bởi đệ tử tục gia tại Ấn Độ cổ xưa thường có tập quán mặc y phục màu trắng.

Ngày nay, chúng ta dùng cách biểu đạt tự xưng cư sĩ thể hiện được sự trang nghiêm và phong vị văn hóa gần gũi hơn so với danh xưng Ưu-Bà-Tắc, Ưu-Bà-Di.

Như vậy, đệ tử của Đức Phật gồm có hai chúng là “xuất gia”“tại gia”. Người xuất gia là các Tỳ kheo hoặc Tỳ kheo ni. Những người xuất gia học Phật, cũng gọi là Tăng nhân, vị Tăng nhân thuyết pháp thì gọi là pháp sư. Thực ra cách gọi đầy đủ là “Tăng già”, dịch âm của chữ Shangha, có nghĩa là tăng đoàn. Người Trung Quốc quen gọi người xuất gia là “Hòa thượng”, cách dùng Hòa thượng bắt nguồn từ cách gọi tăng nhân thường thấy trong cổ thư, theo căn cứ khảo cứu thì cũng là dịch âm của chữ Shangha. Quá trình dịch thuật kinh điển Phật giáo không chỉ làm phong phú văn hóa Trung Hoa mà còn thúc đẩy sự hình thành Phật giáo Trung Quốc. Tuy vậy, theo các Tổ thầy dạy, Phật giáo Ấn Độ hay Phật giáo Trung Quốc cũng là cùng chung một mạch nguồn, với mục đích là để tiếp diễn lời dạy của Phật Thích Ca nên không phân biệt Phật giáo Ấn Độ hay Phật giáo Trung Quốc.

Cư sĩ bố thí, cúng dường, học Phật

Theo Phật pháp và Tổ thầy dạy, Cư sĩ Phật giáo cũng y cứ vào nền tảng Phật pháp, giống như người xuất gia tu tập dựa vào Giới-Định-Tuệ; ngoài trì giới, định tâm rồi dùng trí tuệ mà góp sức hoằng hiển đạo pháp còn thêm hành hạnh bố thí cúng dường; là pháp môn tu hành viên mãn gọi chung là phúc huệ song tu. Kinh Kim Cang nói: “Phật pháp bình đẳng không có cao thấp”, vì thế bất luận xuất gia hay tại gia đều buộc phải y theo giáo lý Phật giáo, tu theo Phật pháp, tôn kính Phật Đà, học Phật như vậy mới là như pháp, mới là cứu cánh, và chân thật tu hành.

Mục đích cuối cùng của người cư sĩ Phật giáo là phải trừ được phiền não, giải thoát và thành tựu Bồ đề. Xuất gia học Phật đương nhiên là tốt, song tại gia học phật cũng tốt như vậy. Do mỗi dạng có nhân duyên khác nhau, nhưng đều có điểm chung là giải thoát luân hồi, hiểu rõ nhân quả báo ứng và thông đạt nghiệp lực. Vì vậy nói người học Phật tại gia ngoài việc phụng hành bố thí cúng dường thì tự mình phải nỗ lực tu hành để thanh tịnh thân tâm là điều quan trọng nhất; bởi không tu hành thì không có công đức, không có tri thức Phật pháp, dẫn đến hiểu biết thiếu sót về Giới-Định-Tuệ, xa rời pháp môn giải thoát thì khó mà liễu ngộ được ý nghĩa thù thắng thâm hậu của Phật pháp như Tính Không, Vô Thường, Vô Ngã, cho đến Tứ Thánh Đế (khổ-tập-diệt-đạo).
 
Phật giáo nói, khổ là bản chất của nhân sinh, cũng là một hiện tượng vô thường. Vô thường là quy luật của vũ trụ. Vô ngã là bản tính của không, cũng là nguồn gốc của chư pháp và là bản thể của vũ trụ vạn vật. Thông qua tu hành mới có thể lý ngộ rồi thể nghiệm thực tiễn ý nghĩa vi diệu của Vô thường, Vô ngã. Nhờ tu Thiền hoặc Niệm Phật mà đắc “định cảnh”, mà thể hội được nội hàm của Giới-Định-Tuệ và Tứ Thánh Đế, lần lần hướng đến pháp môn giải thoát rốt ráo sau cùng. Pháp xuất thế gian là mục đích xác thực nhất mà người xuất gia và tại gia học Phật đều phải hướng đến nỗ lực tu chứng.

Là phật tử chúng ta đã biết, sau khi đức Thế Tôn thành đạo, suốt 49 năm hoằng pháp chỉ đường cho tín chúng. Với lòng bi mẫn, Thế Tôn đã dùng nhiều phương thức giáo dục để truyền dạy Phật pháp đem lại lợi ích chúng sinh. Sau đó lại do các đệ tử truyền miệng từ người này sang người khác phổ biến Phật pháp khắp thế gian. Và cuối cùng thông qua kết tập ghi chép thành văn tự lưu truyền cho hậu thế. 

Di sản văn hóa Phật giáo để lại vô cùng đồ sộ, kho tàng Kinh-Luật-Luận của Phật pháp phong phú và có giá trị lớn trong nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên theo các Tổ thầy có tư tưởng cấp tiến, và các học giả nghiên cứu đạo Phật cho rằng: “Do chịu ảnh hưởng lâu dài của tư tưởng xã hội gia tộc (tông pháp), nội bộ Phật giáo phân liệt khiến giáo pháp dần đi vào bảo thủ dẫn đến tư tưởng bi quan nghiêng nặng về việc tu để hướng vào kiếp sau. Giáo pháp nhân bản không theo kịp thời đại, lợi ích chủ đạo của Phật pháp bị che lấp, khiến cho Phật giáo có xu hướng xa rời quần chúng, đi ngược lại tinh thần nhập thế và nguyện vọng phổ độ chúng sinh thoát khổ của Phật Thích Ca. Phật giáo vốn Trí tín và Lý tín đã biến thành tín ngưỡng tôn giáo với hình thức mê tín, cuồng tín; tư duy tôn giáo lấy con người làm gốc biến thành lấy thần thánh làm chủ. (Đó chính là nhận định và giải thích của không ít người khi nhìn nhận thực tế Phật giáo hiện nay).

Từ thực trạng nêu trên, trong bài viết “Khái lược về Cư sĩ Phật giáo” của tác giả Thích Giải Hiền - HVPG tại Hà Nội, trên trang phatgiao.org.vn. (tháng 01/2018) tác giả nêu xung quanh vấn đề việc thay đổi cách nhìn và tư duy đối với Phật giáo hiện nay, người viết bài này, coi đây là thực tế tâm huyết, xin được nêu nguyên văn ý này từ bài viết nói trên: “Thay đổi chính mình, cải biến ý thức và cách nhìn của xã hội đối với Phật giáo là nhiệm vụ thiêng liêng của Phật giáo đồ hiện nay, đẩy mạnh giáo dục văn hóa Phật giáo là trách nhiệm chung của người học Phật, bởi vì đó là động lực để hưng thịnh Phật pháp. Nếu còn tiếp tục giấu giếm đi khuyết điểm, câu nệ vào tri kiến tông phái như: Thiền tông câu nệ không lập văn tự, Tịnh Độ tông thì thiên về lý tưởng thế giới tha phương, Mật tông lại quá nghiêng về lễ nghi thần tướng hóa, Phật giáo Nam truyền lại bảo thủ và hành trì phương thức tu hành, lễ nghi của Ấn Độ cổ xưa hoặc coi tăng nhân là cao quý, người phàm là hèn kém. 

Nếu cứ tiếp tục như vậy, sẽ làm tổn hại đến Phật giáo, khiến Phật giáo xa rời xã hội, Phật pháp không thể phát dương. Hậu quả bi ai cho Phật giáo chính là không thể tri thức hóa, trẻ hóa, nên chúng ta cần phải biết nhìn lại lịch sử vết xe đổ trong quá khứ suy vi của Phật giáo để làm gương. Trong thế kỷ văn minh cao, khoa học phát triển, tin tức nhanh nhạy của thời đại thông tin như ngày nay, người cư sĩ Phật giáo phải biết đưa Phật giáo ra quốc tế, hướng đến lĩnh vực văn hóa giáo dục”.


Chúng ta thấy, “trong quá trình bài trừ những yếu tố phi Phật giáo” việc đẩy mạnh giáo dục văn hóa Phật giáo đã làm sống dậy những tư tưởng Phật pháp chân chính, hướng thượng mang đầy tính nhân văn. Giá trị chân thực của Phật pháp là lợi ích chúng sinh, hành động thực tiễn của Phật pháp là để lợi lạc hữu tình, trên phương diện này người cư sĩ đóng vai trò tích cực. Cư sĩ Phật giáo phát huy tác dụng bên ngoài chùa viện để đem Phật pháp đến với mọi tầng lớp xã hội, phổ biến đến mọi vùng miền trên thế giới. Đây cũng là sự phát huy vai trò của cư sĩ Phật giáo đối với sự thịnh vượng của Phật giáo hiện đại

Cũng theo tác giả Thích Giải Hiền: “Đẩy mạnh Cư sĩ Phật giáo là thúc đẩy tu hành Phật pháp, nghiên cứu Phật học, phát biểu bằng tác phẩm nghiên cứu của mình cũng có nghĩa là giúp họ tinh tấn tu hành để hướng lên đại đạo Bồ đề, tránh được hình thức hóa và sùng bái cá nhân. Cư sĩ học Phật thường bị hiểu lầm cho rằng chỉ cần bố thí cúng dường chính là học Phật, và đây cũng chính là bổn phận của cư sĩ. Cách nói như vậy, không phải hoàn toàn sai; nhưng Phật pháp có nêu, bố thí cúng dường là tu nhân thiên phúc báo, không phải là cứu cánh của tu hành, chỉ có phúc huệ song tu, kết hợp tu tập Phật học, tu trì Phật pháp với bố thí cúng dường mới là nền tảng đúng đắn trong học Phật”.

Theo dấu chân Phật, chúng ta tu hành Phật pháp với nhiều pháp môn phương tiện, nhưng mọi con đường đều có thể tiếp thông, chỉ có điều chúng sinh đều có cơ duyên và pháp duyên riêng biệt nên chỉ có thể dựa vào truy cầu Phật pháp để tự mình tu hành thanh tịnh bản tính mà không thể nhờ cậy vào sự tu hành của người khác. Phẩm Phổ môn Kinh Pháp Hoa có nói: “Phúc bất đường quyên” tức có nỗ lực tu hành nhất định có sở đắc.

Theo các Tổ thầy dạy, học Phật nên dựa vào sức mình nương theo Phật pháp mà tu, cầu xin tha lực hay thần lực chỉ đem lại lợi ích cho đời này, khó mà giải thoát. Vì thế học Phật mà không nghiên cứu Phật học, không nương vào Phật pháp tu hành thì khó đạt được thành tựu. Bởi vì không tu trì Phật pháp thì không hiểu được chân lý, tu hành trong mê vọng mà không có sự dẫn dắt của Phật pháp thì rất dễ lạc vào tà đạo, dẫn đến tẩu hỏa nhập ma. Quá trình học Phật buộc phải tuân theo ba pháp ấn là: Chư hành vô thường, Chư pháp Vô ngã, Niết bàn tịnh tĩnh làm gương chiếu rọi. Lấy trì giới làm nền tảng của tu tập, bởi có giữ giới mới có trí tuệ chân thật.

Như chúng ta đã biết, tu theo đạo Phật có hai dạng là tại gia và xuất gia, tuy nhiên bất luận tại gia hay xuất gia đều phải y theo chính pháp và lấy việc tu làm trọng. Bố thí cúng dường là đạo đức tốt đẹp của người cư sĩ tu phúc, đây là căn bản của phúc đức, chứ không phải công đức cứu cánh. Công đức do tự mình đạt được là kết quả do tu hành Phật pháp đem lại. Vì thế nói người học Phật tại gia ngoài việc tu phúc thì nên lấy công đức để viên mãn bản thân. Tu hành là điều kiện quan trọng để thanh tịnh Bản Tính và minh Tâm Kiến Tính. Đó là mục đích giải thoát luân hồi, cứu cánh Niết bàn, thành tựu Bồ đề.

Trong Phật pháp, Giới-Định-Tuệ là những điều kiện quan trọng của việc tu hành thành đạo, người tu tại gia cũng nên lấy đó làm gương soi chiếu. Bố thí cúng dường là điều Phật Thích Ca căn dặn đệ tử tại gia để duy trì việc tu hành bình thường của tăng đoàn, còn hành trì cúng dường là bổ trợ để tu phúc báo và tu hành công đức. Vì thế nói cư sĩ Phật giáo ngoài bố thí ra còn phải tu hành Phật pháp mới bước vào được con đường học Phật chân chính.

Người học Phật tại gia không nên dừng ở chỗ lễ bái cầu phúc, cầu nhân thiên phúc báo mà nên học tập Phật học, tu hành Phật pháp: Giới-Định-Tuệ làm cứu cánh, đó mới đúng là trình tự tu hành khổ-tập-diệt-đạo. Vậy Kinh Kim Cang nói: “nếu như người cầu hình tướng để thấy, cầu âm thanh để nghe, tức người đó đang hành đạo tà, không thể thấy được Như Lai”.

(Còn nữa...)

Bài viết: "Vai trò cư sĩ với Phật giáo phát triển, hội nhập hiện nay"


Tài liệu tham khảo:

- Phật học phổ thông (Do thầy Thích Thông Huệ- Biên tập theo cuốn Phật học phổ thông khóa 1 của cố HT Thích Thiện Hoa-và Tám quyển sách quý cùng tác giả-Do Nxb-Tp.HCM ấn hành năm 1987).

- Bài: Con người chết đi về đâu?, tác giá Cư sĩ Quảng Tịnh (Báo Điện tử- phatgiao.org.vn, năm 2016)

- Bài: Khái lược của cư sĩ Phật giáo, tác giả Thích Giải Hiền -  HVPG-Hà Nội (PGVN-phatgiao.org.vn tháng 01/2018)