Về với Tết quê


Bên ly cà phê trong cái se lạnh cuối năm tôi có dịp trầm tư, ký ức lại ùa về. Trong muôn vàn náo nhiệt đô thành, của vòng xoay vận hội, có lúc thấy mình ồn ào, đôi khi lại thấy lẻ loi giữa đám đông… tôi mới thấm thía cảm giác thân thuộc của tuổi thơ, của ký ức giờ chỉ còn mong manh trong một chiều cuối năm.

Tiếng người đàn bà mang đậm chất giọng người miền Trung bên tai “Mua bà cái chi (gì) để về quê thôi cháu”. Tôi giật mình nhìn về thực tại, hình ảnh bà cụ đã ngoài sáu mươi tuổi, vai đeo giỏ hàng rong nào là bông tai, móc khóa… một đời vai gánh nặng tuổi thơ con, vai cuốc cày sớm hôm tần tảo, bới nhặt mom sông, thân cò chở tuổi thơ con qua cái đói của những ngày giáp hạt, cũng mẹ quạt nồng những trưa hè oi nóng, hay đêm rét kéo mền bông cũ kỹ đưa con qua mùa đông, rồi thu, xuân, hè. Chính mẹ tảo tần thay cha bước qua mọi chông chênh để cha đi trả nghĩa cuộc đời. Cũng mẹ đã nhiều mùa qua bên kệ cửa ngóng con ở miền xa… Mẹ!

Mẹ! người phụ nữ nối thời gian, nối mùa màng để cuộc sống đi qua. Tôi hai tay run run cầm những đồng tiền trả lại từ tay mẹ, bàn tay nắm thời gian đã phai mòn cũ kỹ nhưng cũng đầy thách thức. Mẹ lại đi, những bước chân phố thị, vẫn gói tăm và mấy món đồ lặt vặt, dáng liêu xiêu bóng đổ nối sang mùa.

ve-voi-tet-que
Ảnh minh họa (Hiền Triết - Vietnam Street Photography)

Còi xe khiến tôi giật mình, mắt mở to, phố xá náo nhiệt, hối hả hơn những ngày thường. Ngày cuối năm nối dài cảm xúc. Rời góc phố nhỏ, bỏ lại ly café đen còn ấm nóng, tôi khoác túi vội vã hướng về phía Nam thành phố cho kịp chuyến xe cuối chiều. Ai cũng nói quê tôi "chó ăn đá, gà ăn sỏi”, ngẫm mà thấm, đúng là chim khê mùa úng. Trai gái trong làng lớn lên là tìm cách đi làm ăn xa, ngóng làng trên xóm dưới toàn người già và trẻ em trông nhau. 

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã biết đến mùi cafe ở vùng đất đỏ Bazan Tây Nguyên, thấm cái nắng đỏ gạch và những lần chạy mưa chiều ở xứ mộng mơ, nơi ra đời những trang sử thi oai hùng…

Ở đó, đã xuất hiện những ông chủ đồn điền cafe, hồ tiêu là người quê tôi. Không ít người quê tôi làm thuê cuốc mướn rồi dựng vợ gả chồng, lập thân lập nghiệp ở những vùng xa xứ ấy. Giờ đây, thanh niên quê tôi đa số đều được học hành, trở thành những cử nhân, kỹ sư, thợ lành nghề…những người ở lại quê hương cũng hăng hái thực hiện chương trình nông thôn mới nên đời sống đã khác xưa nhiều. Những ngôi nhà tranh vách đất đã đi vào niềm ký ức.

Tôi đã trở về, đây rồi triền đê ngày nào gắn chặt tuổi thơ tôi. Nó trông như con trăn khổng lồ gánh làng tôi qua bao bận lũ lớn. Đám trẻ con vẫn đùa nghịch chân trần phong phanh trong chiếc áo lấm lem. Làng tôi tựa vào núi, phải đi qua một bãi bồi ngô đậu, một chiếc cầu nhỏ, dọc theo triền đê đến trạm bơm nước đã cũ kỹ rồi rẽ xuống con đường nhỏ rải đầy đá được lấy về từ núi. Khác với các vùng quê Bắc Bộ, quê tôi không có hàng rào tre trúc, không có những thảm tơ hồng quấn ngang rặng cúc tần. Nhà ai cũng xây tường rào bằng đá, lối đi bằng đá, xây nhà cũng dùng đá…

Còn cách nhà không xa lắm, tôi chậm bước, suy tư về những tháng ngày thơ ấu, tường đá đã xám xịt, rêu phong chứng kiến mọi đổi thay của làng, của những thế hệ đã đi qua. Đây rồi cổng cũ vườn xưa…Tôi đứng lại nhìn vào sân, mẹ ngồi ngay hiên nhà với tấm thân hao gầy, quanh mẹ nào là dong, gạo nếp, lạt buộc…mẹ bình thản lau từng chiếc lá cẩn thận rồi đặt sang bên trái. Chưa lúc nào thôi thúc tôi muốn chạy đến ôm lấy mẹ như lúc này, bình yên quá. Mắt tôi cay xè…

tet
 
Hình ảnh mẹ và tết quê thật giản dị, vẫn chiếc áo cũ đã phai màu tháng năm, vẫn những câu mắng yêu như thuở tôi còn thơ dại, vẫn tần tảo nối những mùa sang, tiễn những năm cũ ở một ngôi làng quê nghèo nhưng sâu đậm yêu thương. Tôi đã về với mẹ, với Tết quê, bao bộn bề nơi phố hội đã gửi lại để đón mâm cơm chiều ba mươi, vẫn rau mẹ trồng, dưa hành mẹ muối, vẫn vị nồng nồng từ rơm rạ tuổi thơ tôi.