Vì sao lại bỏ tết Ta theo tết Tây?


Gần đây có một số người nói rằng "Nên bỏ Tết ta theo Tết tây", vì không còn phù hợp nữa. Đã có người đồng tình và cũng có người phản đối. Riêng bản thân tôi, xin được mạo muội đưa ra quan điểm của mình như một lời giải đáp cho những lý do vì sao không nên bỏ Tết ta theo Tết tây của các giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo, nhà văn, nhà kinh tế.v.v...

TAI-SAO-BO-TET-TA-THEO-TAY
 
1- "Nếu còn ăn Tết ta là còn theo Tàu".

Cho đến giờ này các nhà sử học vẫn chưa xác định được Tết bắt nguồn từ đâu và thời gian cụ thể như thế nào. Nhưng từ lâu lễ Tết đã thấm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn cho đời đời con cháu Việt Nam. 

Tết trở thành ngày lễ lớn nhất trong năm để chúng ta được sum vầy bên mâm cơm đại gia đình, được bày tỏ lòng tri ân và báo ân tới Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ. Không những thế, lễ Tết còn nhắc nhở chúng ta luôn nhớ ơn và đền ơn Tổ Quốc, đồng bào, các vị anh hùng dân tộc, những người lính áo vải trải qua bao đời đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh, giữ gìn nền độc lập cho nước nhà và mang lại sự bình yên cho dân tộc. Ngoài ra lễ Tết còn mang đậm nhiều nét bản sắc văn hoá đẹp khác. 

Nếu bạn nói rằng "...còn ăn Tết ta là còn theo Tàu..." Thì nên coi lại, vì đã là con người thì điều đạo đức đầu tiên cần phải biết tri ân và báo ân.

Nếu "bỏ Tết ta theo Tết tây", tức là bỏ luôn lịch ta theo lịch tây. Như vậy đồng nghĩa với việc bỏ luôn ngày giỗ ông bà, cha mẹ và những người đã khuất. Cũng đồng nghĩa với việc dỡ bỏ bàn thờ, lư hương. Mỗi khi lễ Tết được dẹp bỏ thì các lễ khác cũng sẽ bị chôn vùi. Như vậy sẽ không còn có lễ nào nữa. Người không có lễ tức là vô lễ!

TET-TA-TET-TAY
 
2- "Mất nhiều cơ hội làm ăn, ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài".

Đất nước nào cũng có Tết, có nền văn hoá và phong tục riêng. Mỗi khi đã bắt tay làm ăn với nhau đều phải tìm hiểu về nhau. Trước khi ký hợp đồng, hai bên cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị và sau đó mới chọn thời gian, địa điểm thích hợp để ký kết. Chứ không phải cứ chiều tối xách cặp vào nhà hàng, sau khi "cơm no, rượu say, tay mỏi" rồi mới ký hợp đồng như kiểu của ta.

Nếu hợp đồng được ấn định vào ngày Tết thì các tổ chức, công ty, xí nghiệp dù muốn dù không vẫn phải cử những người có thẩm quyền đại diện lên đường để hoàn tất phần ký kết chứ không phải điều động toàn bộ công nhân, nhân viên đi ký hợp đồng. Và cũng không phải chỉ vì một cái hợp đồng rồi bắt toàn bộ hơn 90 triệu dân không được ăn Tết ta. Ai ở cương vị nào hãy nên cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình, nếu không làm được thì trước đó đừng nên chạy chọt để được chút chức, chút quyền.

Nên nhớ, ngày Tết đang rất gần kề, chúng ta hãy nghĩ tới các chiến sỹ đang ngày đêm cầm chắc tay súng, sẵn sàng tình nguyện bảo vệ hải đảo, biên cương, vùng trời và biển cho Tổ quốc luôn được bình yên. Cuộc sống của người chiến sỹ luôn khó khăn, thiếu thốn đủ bề và cận kề mọi hiểm nguy là thế, nhưng họ đâu có kêu ca gì. Ngược lại họ luôn vui vẻ, bình tĩnh, tự tin, sáng suốt và luôn tự hào vì họ là bộ đội Cụ Hồ, luôn đánh thắng và đập tan mọi âm mưu của quân xâm lược.

Người làm kinh tế, bạn nên nhớ, thương trường là chiến trường. Vì vậy bạn hãy nên học tập những kỹ năng chiến đấu như một người lính thực sự. Đức của người lính là bảo vệ quê hương, giống nòi. Đức của người làm kinh tế là tạo ra của cải vật chất, phát triển đất nước. Nhưng xin đừng bán rẻ sức lao động của dân, đừng bán rẻ lương tâm bằng các loại thực phẩm chứa đầy hoá chất độc hại. Đừng công nghiệp hoá bằng cách xả rác thải làm ô nhiễm môi trường sống của mọi loài, trong đó có con người, có đồng bào ta, dòng họ ta và gia đình ta.
 
3- "Tết gây ra nạn biếu xén, rượu chè, cờ bạc, tai nạn giao thông".

Tết không có lỗi! Các tệ nạn trên là do con người gây nên. Nạn biếu xén được sinh ra từ chỗ chọn người nhà chứ không chọn người tài. Nếu muốn dẹp nạn biếu xén thì trước hết hãy thay đổi tư duy, nhận thức bằng cách chọn người tài đức, sắp xếp công việc phù hợp với khả năng, trình độ của họ. Chúng ta đã bỏ phí rất nhiều chất xám và chúng ta cũng đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội đầu tư phát triển chất xám cho các học sinh, sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư... Nhưng chúng ta lại sẵn sàng đầu tư cho các cầu thủ, vận động viên thể thao, ca sĩ, người mẫu, á hậu, hoa hậu... Đó là một sự thật đau lòng!

Biếu tặng là một động thái tích cực, mang hàm nghĩa biết ơn, lòng cảm tạ. Nhưng những ai lạm dụng nó thì sẽ trở thành hành động biếu xén theo đúng nghĩa đen tiêu cực. Mỗi khi đã muốn biếu xén thì dù có Tết hay không có Tết, người ta cũng sẽ tìm mọi cơ hội để thực hiện hành vi này. Ví dụ như các dịp ma chay, cưới xin, sinh nhật thậm chí ngay cả khi vợ của sếp đau bụng vì táo bón, hay đau bụng vì đến chu kỳ!

Nạn rượu chè, cờ bạc là do thói say sưa, đam mê đỏ đen. Những người này chỉ là một thành phần nhỏ trong xã hội nhưng họ cũng đang làm khuynh đảo xã hội. Với họ ngày nào không có rượu bia, không có thắng thua thì họ như bị trói chân trói tay vậy. Vì thế bạn đừng nên đổ lỗi cho lễ Tết cổ truyền của dân tộc.

Tai nạn giao thông ư? Đó là do nhận thức và đạo đức của người tham gia giao thông. Nếu bạn đã uống rượu bia, dùng các chất gây say, gây ảo giác, gây ngủ thì đừng nên lái xe và tham gia giao thông. Khi ra đường đừng nên vừa đi vừa lướt web, hay vừa lái xe vừa buôn điện thoại. Không nên phóng nhanh vượt ẩu. Không nên nóng vội, nóng giận. Luôn tôn trọng luật giao thông và điều cần lưu ý là nên đề phòng lỗi của người khác. Nếu bạn mắc phải những lỗi này thì ngay mọi thời điểm đều có thể xảy ra tai nạn giao thông chứ đừng đổ lỗi cho lễ Tết bạn nhé!
 
4- "Gộp Tết ta với Tết tây lại để con cháu ở xa tiện về quê ăn Tết".

Bạn nên biết, Tết ta sẽ rơi vào khoảng thời gian từ ngày 21/01 đến ngày 21/02 tây lịch. Tết tây người ta nghỉ đúng 1 ngày, sang ngày 02/01 thì ai vào việc nấy. Không lẽ sáng bay về gặp ông bà, cha mẹ ở sân bay mấy phút rồi chia tay nhau để con cháu bay trở lại luôn cho kịp giờ đi học, đi làm hay sao?

Con cháu ở xa, nên tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện và khả năng của mình cho phù hợp với việc sắp xếp lịch về quê ăn Tết. 
 
5- "Hà cớ gì Tết ngày càng nhạt mà cứ khăng khăng giữ hồn".

Tết không hề nhạt! Hoa đào vẫn vẹn hồng sắc thái, hoa mai vẫn vàng ươm thắm đượm, bánh chưng vẫn vuông như tự thuở nào và bánh dầy vần cứ tròn khoe không hề méo mó. Nếu có nhạt là do tình người đã bạc trắng như vôi.

Hồn ở đây là hồn thiêng sông núi Việt Nam, hồn dân tộc, hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, hồn của những người chẳng tiếc máu xương, họ đã ngã xuống vì cuộc sống của bạn và tôi. Nếu bạn thấy nhạt thì trước hết hãy nên coi lại chính mình, sau đó hẵng trách cứ người khác bạn nhé. Phàm làm người không biết đền ơn và đáp ơn thì đó là người vô ơn bội nghĩa. "Hà cớ chi nhạt là đúng"!
 
6- "Thời đại mới, chúng ta hoàn toàn có thể du nhập một cái Tết mới, bỏ cái Tết cũ".

Nếu tôi nói rằng: Một cái Tết ta, bằng ba cái Tết tây! Bạn có tin không? Tết tây nhạt lắm bạn ơi. Tối 31/12 người ta ra đường thi nhau đốt pháo, rồi cũng thi nhau vào bệnh viện vì các tai nạn về pháo gây ra. Người ta thi nhau nhảy nhót hát ca, uống mừng năm mới, rồi người ta cũng thi nhau vào nhà thương vì ngộ độc rượu bia và các chất gây say khác. Nhà tôi ở cạnh một trong những bệnh viện lớn của thủ đô Berlin nên tôi biết điều đó rõ hơn ai hết. Người tây vui chơi Tết cho đến 9-10 giờ sáng ngày 01/01. Sau đó mạnh ai người nấy về nhà ngủ, lấy lại sức để sáng mai còn phải đi làm, chứ không có nết chúc Tết ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng hay bạn bè như chúng ta. 

Tây lịch tức là lịch Ky Tô giáo. Họ có rất nhiều ngày được nghỉ lễ trong năm mà nước ta không có. Ví dụ như: ngày lễ Phục sinh, lễ Giáng sinh, ngày lễ của mẹ, ngày lễ của cha và ngày lễ của những người đã chết. Như vậy, trừ lễ Phục sinh và Giáng sinh thuộc về Tôn giáo ra, ba ngày lễ còn lại rõ ràng được bao hàm trong ngày lễ Tết cổ truyền của dân tộc ta. Thế thì tại sao bạn lại cho rằng nên bỏ cái Tết cũ để du nhập một cái Tết mới.

Nếu nói về Tôn giáo thì bạn hãy nên biết rằng, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng Tổ quốc bằng tinh thần "Đạo Pháp Dân Tộc", phụng sự đất nước. Trong lịch sử hào hùng của nước nhà, trang sử vàng đã ghi danh của những bậc Phật tử, chân tu ngời sáng như Thiền Sư Vạn Hạnh, Vua Lý Công Uẩn, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Hoà Thượng Thích Quảng Đức.v.v... Với giới Tu sĩ Phật giáo Việt Nam, nếu đất nước lâm nguy thì họ luôn luôn sẵn sàng cởi áo Cà sa khoác chiến bào. Với tinh thần tri ân và báo ân, Phật giáo Việt Nam đã có ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu, lễ cầu siêu cho các vị anh hùng dân tộc, cho đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và cho tất cả những người đã khuất trùng dương. 

Tết ta có hoa đào, hoa mai. Tết tây có cây thông. Nếu bạn đem cây thông đó cắm vào vườn Việt thì màu xanh của nó cũng chẳng khác gì màu xanh của cây cỏ Việt Nam. Ngược lại, nếu bạn đem hoa đào, hoa mai cắm ở xứ người thì chắc chắn sắc hoa nồng ấm đó sẽ góp phần xua tan đi cái không khí lạnh lẽo ở trời tây.

Vì thế thiết nghĩ, là người Việt Nam, bạn và tôi cũng như tất cả chúng ta hãy nên cố gắng giữ gìn truyền thống uống nước nhớ nguồn. Thông qua lễ Tết cổ truyền của dân tộc, chúng ta nên quảng bá nhiều hơn nữa nét đẹp văn hoá thắm đượm tình người đó ra khắp bạn bè năm châu.