Vua Lý Thánh Tông và Thiền phái Thảo Đường


Chúng tôi nghiên cứu Văn hóa Lịch sử thời nhà Lý, thấy sự kiện vua Lý Thánh Tông trọng dụng vị Thiền sư người Tàu, qua nước Chiêm Thành, bị vua Lý Thánh Tông bắt làm tù binh, đưa về Thăng Long. Sauk hi phát hiện tài năng của Thiền sư Thảo Đường, Lý Thánh Tông đã cho phép ông lập Thiền phái Thảo Đường tại nước Đại Việt và phong làm Quốc sư triều Lý Thánh Tông.

       Câu chuyện lịch sử Văn hóa Phật giáo Việt Nam này thật đáng kính phục.

      Theo Wikipedia. Thảo Đường là một Thiền sư nước Tàu, không rõ thân thế. Là Quốc sư dưới triều vua Lý Thánh Tông. Là người sáng lập thiền phái Thảo Đường trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

        Năm 1069. Vua Lý Thánh Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành. Theo sách An Nam chí lược của Lê Tắc, trong số những tù nhân bắt được trong chiến cuộc ấy, có một Thiền sư người Tàu. Nhưng chẳng ai biết ông là Thiền sư.

        Khi về tới kinh đô Thăng Long, Vua Lý Thánh Tông chia số tù nhân bắt được cho các quan để làm người phục dịch. Tình cờ Thiền sư được chia cho một người tăng lục, chuyên coi việc tăng sự tại triều.

         Một hôm, trong lúc viên tăng lục đi vắng, vị sư nô bộc, lật xem thử những bản ngữ lục Thiền học chép tay, để trên bàn của chủ. Thấy trong bản chép có nhiều chỗ sai quá, Thiền sư cầm bút sửa chữa.

          Khi vị tăng lục về, khám phá ra, rất ngạc nhiên, tâu lên vua. Vua Lý Thánh Tông cho vời tên nô bộc kỳ lạ ấy lên hỏi, thì biết đó là Thiền sư Thảo Ðường ở nước Tàu, nhân đi qua Chiêm Thành truyền giáo mà bị bắt.

  Dùng tù binh Thiền sư, lập Thiền phái Thảo Ðường

       Vua Lý Thánh Tông thấy Thiền sư Thảo Đường là người "có đức hạnh, lại tinh thông Phật điển, bèn bái làm thầy"  và phong làm Quốc sư (1069) mời đến trụ trì tại chùa Khai Quốc (chùa Trấn Quốc ngày nay) tại kinh thành Thăng Long.

         Thiền học của Quốc sư Thảo Đường có những nét mới lạ, so với hai Thiền phái đương thời là Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông, Vua cho phép thành lập một Thiền phái mới, lấy tên là Thiền phái Thảo Ðường.

        Theo tư liệu nghiên cứu, Thiền sư Thảo Đường là đệ tử của thiền sư Trùng Hiển (980-1052, thuộc về thế hệ thứ ba của Thiền phái Vân Môn, sau được vua Tống ban hiệu là Minh Giác đại sư ở núi Tuyết Đậu (Chiết Giang, Trung Quốc). Vân Môn và Tuyết Ðậu (hiệu Minh Giác đại sư) đều là Thiền sư bác học và có khuynh hướng Văn học.

        Cả hai người đều nhằm tới hoằng dương Thiền học trong giới trí thức, đưa giới Nho gia đến gần với đạo Phật và trở nên Phật tử. Đặc điểm này đã ảnh hưởng nhiều tới Phật giáo đời Trần ở Việt Nam.

        Theo sách Thiền sư Việt Nam, đến 50 tuổi, Thiền sư Thảo Đường có chút bệnh, ngồi kiết già mà tịch.

       Thiền phái Thảo Đường

      Chùa Trấn Quốc, nơi trụ trì của Thiền sư Thảo Đường.

         Thiền phái Thảo Đường do Thiền sư Thảo Đường sáng lập truyền thừa được 5 đời, từ 1069- 1205. Nhưng vì có quá ít tài liệu, nên người đời sau gần như không biết nhiều về tư tưởng của phái Thiền này.

        Sách Thiền Uyển Tập Anh ghi tên tuổi 19 người thuộc phái Thảo Đường, nhưng không ghi lại tiểu sử, niên đại và các bài truyền thừa của mỗi vị. Tất cả được phân làm sáu thế hệ.

       Thiền sư Thảo Ðường đã giảng các tập Tuyết Đậu ngữ lục mang vẻ đẹp thơ của thầy (tức thiền sư Tuyết Đậu)  tại chùa Khai Quốc. Khuynh hướng Thiền học trí thức và thi ca đã từ đó ảnh hưởng đến hai Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông.

        Sau này Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của đời Trần còn tiếp tục chịu ảnh hưởng này.

        Thiền phái Thảo Đường chỉ truyền đến năm 1205 thì dứt. Lý giải điều này, sách Việt Nam Phật giáo sử luận (Tập 1) nhận xét:

 ...Vì khuynh hướng thiên trọng trí thức và văn chương

 của thiền phái Thảo Ðường, nên thiền phái này đã không cắm rễ được trong quần chúng mà chỉ ảnh hưởng đến một số trí thức có khuynh hướng văn học.

         Trong số 19 người thuộc thiền phái Thảo Ðường được ghi chép ở sách Thiền Uyển Tập Anh, ta thấy chỉ có 10 vị là người xuất gia: Thảo Ðường, Thiệu Minh, Phạm Âm, Ðỗ Ðô, Trương Tam Tạng, Chân Huyền, Hải Tịnh, Bát Nhã, Không Lộ và Ðịnh Giác (tức Giác Hải, đồng thời cũng thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông).

         Ta thấy có tới 9 vị là cư sĩ, mà phần nhiều là vua với quan: Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông và Lý Cao Tông (đều là vua), Ngô Ích là quan tham chính, Ðỗ Vũ là quan thái phó, Nguyễn Thức là quan quản giáp... Vì những lý do trên, thiền phái Thảo Ðường đã không đủ sức tạo nên một truyền thống sinh hoạt tăng viện độc lập có thể lưu truyền về sau. Ảnh hưởng của thiền phái này chỉ đáng kể về mặt học tập...

 

                  Thiền sư Tuyết Đậu

         Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thiền sư Tuyết Đậu là một thiền sư nổi tiếng về một môn phái thiền học gọi là Vân Môn. Thiền sư Tuyết Đậu tịch năm 1052. Thiền sư Thảo Đường bị bắt về Đại Việt năm 1069. Sau khi thiền sư Tuyết Đậu tịch thì thiền sư Thảo Đường về phương Nam để hành đạo. Ngài đi thẳng vào nước Chiêm Thành.

        Vân Môn, một trong năm thiền phái lớn nhất của Trung Quốc gọi là Hoa sinh Ngũ diệp, một bông hoa nở ra năm cánh, trong đó có hai thiền phái Tào Động, và Lâm Tế. Thiền sư Tuyết Đậu rất nổi tiếng và đã được vua nhà Tống ban cho danh hiệu là Minh Giác Đại Sư.  Ngài tịch năm 73 tuổi.

     Thiền sư Tuyết Đậu đã chọn lọc những tinh yếu trong các bộ Lục để làm ra 100 bài tụng cổ.

     Thoại đầu là câu nói của một vị thiền sư, và trong câu nói đó cũng có những ý nghĩa rất sâu xa. Trong bộ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục người ta sao lục được khoảng 1700 cổ tắc, công án và thoại đầu. Thầy Tuyết Đậu đã rút những tinh yếu của 1700 cổ tắc đó để làm ra 100 bài tụng cổ.

       Tụng cổ nghĩa là đọc lại những cổ tắc, những công án, và những thoại đầu. Những đề tài được thầy đưa ra cho đệ tử làm đề án tham thiền thì gọi là công án.

       Công án là những mẩu chuyện giữa các thiền sư và đệ tử, ý nghĩa rất thâm sâu. Người ta đem những câu chuyện đó ra làm đề tài cho thiền tập.

       Đối với một công án hay cổ tắc, vị thiền sư cho ra một bài tụng để giúp người đệ tử có thể hiểu được công án đó, và bài đó gọi là tụng cổ.

         Thời Trần các vua tu Thiền đều chịu ảnh hưởng của Thiền sư Tuyết Đậu do Thiền sư Thảo Đường truyền qua Thiền Phái Thảo Đường tại Việt Nam.

       Vua Trần Nhân Tông cũng đã viết những bài tụng cổ để giúp cho các đệ tử tham thiền.

        Bài tụng cổ của vua Trần Thái Tông:

Vừa tới cửa ngoài nghe tiếng hét,
Tỉnh giấc hôn trầm lũ cháu con,
Một tiếng sấm Xuân vừa chấn động,
Khắp nơi cây cối nẩy mầm non.

         Phân tích, bình giải bài tụng cổ:

       Vừa tới cửa ngoài nghe tiếng hét. Vừa mới tới cửa ngoài của hang sư tử thì đã nghe tiếng hét của sư tử,

      Tỉnh giấc hôn trầm lũ cháu con. Lũ cháu con đây là đệ tử. Tác dụng của tiếng hét là làm tỉnh cơn mê của đệ tử.

       Một tiếng sấm Xuân vừa chấn động. Chúng ta đang ở trong mùa Đông và chúng ta chịu sự lạnh lẽo. Tất cả cây cối đều không mọc lên được một ly nào.

        Nhưng khi có tiếng sấm của Chúa Xuân bắt đầu nổi dậy thì giống như một cái lệnh cho biết mùa Xuân đã đến. Từ lúc đó trở đi, tất cả cây cối bắt đầu nẩy mầm Xuân.

       Đó là tác dụng của tiếng hét của thiền sư. Tiếng hét của thiền sư không phải để la mắng mình mà để làm cho mình thức tỉnh, và tất cả năng lượng, tất cả những hạt giống tốt ở trong mình có cơ hội bộc phát, nẩy mầm.

 

 

Mai Thục