Xây dựng hạnh phúc gia đình trong cuộc sống hiện đại
Theo Công giáo, hôn nhân được coi là một bí tích (gọi là bí tích hôn phối), mang tính tôn giáo thiêng liêng trở nên một giao ước vĩnh cửu giữa người nam và người nữ, trong một giao ước do chính Chúa Giêsu đã lập. Nhưng trong Phật giáo, chúng ta không xem xét việc hôn nhân không có tính thiêng liêng hay không thiêng liêng, và cũng không phải một bổn phận mang tính tôn giáo mà mang tính cá nhân và có ý nghĩa là một bổn phận về mặt xã hội mà thôi.
Do có quan điểm, đặc tính như vậy nên người Công giáo tin rằng đôi nam nữ lãnh nhận bí tích hôn nhân sẽ phải yêu thương nhau mãi mãi. Còn với quan điểm của Phật giáo, hạnh phúc hay không đều là kết quả của những hành động của chính mình. Muốn có cuộc sống hạnh phúc, an lành thì cần tự tu sửa mình, gieo nhân tốt đẹp thì sẽ có quả tốt lành.
Nhiều cặp vợ chồng bắt đầu cuộc sống gia đình với hạnh phúc vô bờ, với nhiều niềm tin về một cuộc sống phía trước. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, trong đa số trường hợp, họ không còn thấy tin tưởng và hạnh phúc như những ngày đầu nữa. Đó là vì những chuyện thường ngày sẽ rất dễ bào mòn tình cảm và hạnh phúc. Hạnh phúc không tự nhiên mà có, để có được cuộc sống gia đình trọn vẹn, hạnh phúc, mỗi người đều phải dành thời gian và tâm sức để xây dựng gia đình.
Nếu cuộc sống gia đình là sự không hòa hợp giữa hai nửa và là sự không hiểu nhau giữa hai tâm hồn thì cả hai vợ chồng cần tìm hiểu, nhìn nhận vấn đề cho đúng và cùng nhau khắc phục vấn đề chứ không đổ lỗi cho nhau, không chịu đựng sự bất hòa hợp chỉ vì một ràng buộc nào đó.
1. Có trách nhiệm với gia đình
Cuộc sống vật chất với những gánh nặng chi tiêu khiến ai cũng phải “vùi đầu” vào công việc. Chịu vất vả để gia đình có đủ tài chính lo cho con cái, cho tương lai là một điều không có gì xấu. Chúng ta thường dành thời gian đi kiếm tiền nhiều hơn so với việc đi chơi với bạn bè, đó là điều bình thường. Nhưng nếu chúng ta đã dành quá nhiều thời gian mỗi ngày để làm việc mà phần nào quên mất gia đình thì lại là không bình thường.
Ai đó đã nói: “Nếu ngày mai chúng ta chết, công ty nơi chúng ta làm việc sẽ tuyển một người mới thay chúng ta chỉ trong vài ngày. Nhưng những người trong gia đình chúng ta thì sẽ phải gánh chịu mất mát ấy suốt đời. Thế mà chúng ta vẫn lao vào công việc và dành thời gian làm việc nhiều hơn rất nhiều so với thời gian dành cho gia đình. Phải chăng chúng ta không nhận ra rằng gia đình mới là khoản đầu tư đáng giá nhất?”
Chúng ta vẫn thường nghĩ “có trách nhiệm với gia đình” nghĩa là đem nhiều tiền về cho gia đình mình. Điều này chưa đủ. Chúng ta còn phải dành thời gian và tình cảm cho các thành viên trong gia đình nữa. Chúng ta làm ra thật nhiều tiền, xây căn nhà thật lớn, cho con cái học những trường quốc tế thật mắc tiền. Thế nhưng: căn nhà to mà lạnh ngắt, con cái học giỏi nhưng cô đơn không có cha mẹ dìu dắt. Đó không phải là một gia đình hạnh phúc.
2. Đừng đổ bực dọc, lo lắng lên người bạn đời
Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta chỉ chú ý tới việc kiếm nhiều tiền, xây dựng sự nghiệp vững chắc, sống sao cho sung túc, mà quên đi cách cư xử khôn ngoan, kiên nhẫn và quên đi cách cảm thông với nhau. Trong công việc, cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều điều khiến chúng ta không hài lòng, khiến chúng ta bực dọc, lo lắng. Nhưng đừng vì vậy mà đổ những bực dọc, lo lắng ấy lên người bạn đời của mình.
Hãy hiểu rằng mỗi người đều có những lo lắng, nỗi niềm riêng. Người vợ dù ở nhà nội trợ hay đi làm công việc nhẹ nhàng hơn chồng nhưng không có nghĩa là họ sẽ không có những ấm ức, lo lắng riêng. Và họ cũng cần có một chỗ dựa, một điểm tựa tinh thần. Hãy để gia đình là một nơi chốn yên bình, dịu dàng để mỗi người lấy lại niềm tin, quyết tâm cho mình. Hãy cố gắng tạo ra bầu không khí dễ chịu trong gia đình. Hãy cùng thực hành lời khuyên:
3.Tôn trọng nhau
Người xưa có câu “phu phụ tương kính như tân” nghĩa là vợ chồng dù sống với nhau đã bao nhiêu năm cũng cần trân quý, tôn trọng nhau như khi mới quen. Thế nhưng trong cuộc sống hiện đại, còn mấy ai quan tâm và học theo những lời dạy của người xưa. Cộng với nhịp sống bận rộn, căng thẳng, cuộc sống gia đình đang ngày một nhạt nhẽo hơn, xa cách hơn.
Hãy nhìn nhận lại, hãy dành thời gian để nhận ra rằng: người vợ này chính là người con gái mà bao nhiêu năm trước đây mình đã say mê, đã theo đuổi và đã may mắn cưới được nàng. Người vợ này là người đã đồng cam cộng khổ với mình, đã giúp mình từ tay trắng xây dựng nên gia đình như hôm nay. Người vợ này đáng trân trọng hơn, quý giá hơn tất cả mọi đối tác, khách hàng. Không có dự án, không có hợp đồng nào có thể khiến mình bỏ bê, không quan tâm đến người vợ này.
4.Tìm những điểm tích cực của nhau
Hãy dành thời gian để thường xuyên nghĩ lại những điều mình yêu thích ở người bạn đời và nói cho người bạn đời những điều đó. Mỗi khi gặp chuyện không như ý trong cuộc sống chung, chúng ta thường nhìn thấy ngay những điều mình không thích ở người bạn đời và rất nhiều người thường tập trung, xoáy sâu vào những điều mình không thích đó để chỉ trích, dằn vặt nhau. Đừng làm như vậy.
Dù còn nhiều điểm mà chúng ta không vừa lòng về người bạn đời, nhưng hãy biết bỏ qua những điểm chưa tốt đó và tích cực tìm kiếm những điểm tốt ở họ. Cả hai người đều nên thường xuyên dành thời gian để nhận ra những điểm tốt của người kia, những điểm mà mình yêu thích từ khi mới quen nhau, hoặc những điểm tốt mình mới nhận thấy trong cuộc sống chung.
5. Giữ gìn sức khỏe
Một sức khỏe tốt, một cơ thể không bệnh tật là điều kiện quan trọng cho một cuộc sống gia đình ổn định, hạnh phúc và cũng cho phép chúng ta có điều kiện tu tập, làm Phật sự,… Với một cơ thể bệnh tật thì khó có thể có 1 tinh thần minh mẫn, không thể kiếm ra tiền và cũng không thể chăm lo, xây dựng gia đình của mình.
Vai trò của sức khỏe thì ai cũng biết nhưng chúng ta thường không nâng niu gìn giữ vì sức khỏe thường sẵn có. Chỉ đến khi ta mất đi sức khỏe thì ta mới hiểu được hết giá trị của nó.
Trong guồng quay hối hả của cuộc sống, bữa ăn, giấc ngủ bị coi nhẹ, chúng ta có thể làm việc thâu đêm, đi nhậu với khách tới muộn mới về, bữa cơm thất thường, giấc ngủ thất thường. Con người không còn có thời gian ăn, uống, nghỉ ngơi. Bệnh tật cũng bắt nguồn từ đó. Chúng ta hãy dành thời gian nhiều hơn cho việc chăm sóc sức khỏe bản thân để gánh nặng bệnh tật sẽ không còn đè nặng lên cuộc sống chúng ta.