Ý nghĩa Bố tát


Truyền thống lễ Bố tát đã có từ khi Phật còn tại thế. Chiếu theo lời thỉnh cầu của vua Tần Bà Sa La, đức Phật chấp thuận cho chúng Tỳ kheo cùng sống trong một vùng phải tập họp lại một chỗ gọi là giới trường vào ngày trăng tròn và ngày đầu trăng để thuyết giới, tức đọc giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa. Lúc ban đầu, nội dung đọc tụng Ba La Đề Mộc Xoa được rút gọn trong bài kệ :

諸惡莫作,
眾善奉行;
自淨其意,
是諸佛教.

Chư ác mạc tác, 
Chúng thiện phụng hành; 
Tự tịnh kỳ ý ,
Thị chư Phật giáo.

Dịch:

Không làm các điều ác, 
Vâng làm các việc lành; 
Thanh tịnh hoá tâm ý ,
Đó là lời Phật dạy.

Bố tát là qui định của giới luật, nếu người xuất gia không Bố tát dễ vi phạm giới luật. Khi đức Phật sắp nhập niết bàn, môn đồ hỏi Phật “Sau khi Phật nhập diệt, lấy gì làm thầy?” Phật trả lời là “Lấy giới luật làm thầy”. Cho nên, bất cứ tông phái nào cũng phải hành theo giới luật, chẳng được vi phạm.
Ảnh minh họa
Muốn giữ giới phải Bố tát, chẳng phải có năm – ba người mới Bố tát, một người cũng phải Bố tát. Hễ một người thì tự tụng tự nghe, năm người thì một người tụng bốn người nghe; ba người thì một người tụng hai người nghe, một trăm người cũng vậy.

Bố tát theo luật xuất gia là rất cần, chẳng những tụng giới, trước khi tụng, vị Yết-ma hỏi chúng ba lần: Vị nào trong nữa tháng này có phạm giới thì phải tự mình đứng ra phát lồ sám hối”. Hỏi ba lần và không ai đứng ra tức cả chúng đều giữ giới trong sạch; phải giữ giới trong sạch rồi mới được tụng giới, nếu có người nào giữ giới không trong sạch thì không được tụng.

* Vị Yết-ma thường phải hỏi ba lần, tụng một lần, tức bốn lần. Do giới luật rất nhiều nên phải nữa tháng tụng một lần để nhắc nhở. Vào thời Phật thì thọ giới, trì giới luôn trong ngày Bố tát, ở Trung Quốc đời sau này, Đạo Tuyên Luật sư lập ra Luật tông, bất kể tông phái nào đều phải lấy giới luật làm căn bản, ai ai cũng phải giữ giới; người Tỳ Kheo phải tu mười năm mới được xa thầy, trong mười năm phải học hai bộ luật Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni. Còn Tỳ Kheo Ni phải học mười hai năm mới được xa thầy. Vì Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni gọi là “人天師俵-Nhân Thiên, Sư biểu”, là bậc thầy của Trời, người, là Tăng bảo. Nếu trong Tam bảo có Phật bảo, Pháp bảo mà thiếu Tăng bảo thì làm sao giáo hóa chúng sinh? Phật pháp ắt phải bị tiêu diệt vậy. Muốn Tam bảo thường trụ thế gian, chắc chắn phải giữ giới luật.

* Về Tổ Sư Thiền, ngài Bác Sơn Thiền sư là người kiến tánh dưới Tào Động Tông, làm Tổ của Thiền Tông và Luật Tông, Thiền với luật đi song song chứ chẳng phải tu Thiền mà bỏ Luật. Phật giáo Trung Hoa thời gần đây, nhị vị Thánh Tăng, Thiền sư Hư Vân (1840-1959), Thiền sư Lai Quả (1881-1953), cũng là những bậc bậc Hạnh Giải kiêm ưu, nghiêm trì Giới luật. Tổ Đức Sơn Tuyên Giám (780-865) có cây “Đức Sơn Bảng” rất nổi tiếng, người đến hỏi pháp chưa mở miệng đã bị gậy đánh lên đầu. Ngài có tiếng là vị mắng Phật mắng Tổ, nhưng giữ giới thì chưa ai bằng. Sở dĩ có mắng Phật mắng Tổ là do người chấp vào Phật thì mắng Phật, chấp vào Tổ thì mắng Tổ để phá chấp chứ chẳng phải thật sự mắng Phật mắng Tổ. Nên nói bất cứ pháp môn nào đều phải lấy giới luật làm căn bản, không thể lìa bỏ. Hễ lấy giới luật làm căn bản thì tất nhiên chẳng Nối pháp Tòng lâm cũng có thể hưng thịnh.

Có người nói giữ giới và trì giới có hai cấp: Cấp phổ thông là giữ giới luật, cấp thứ nhì là Thiền giới, cũng gọi là định-cộng-giới. Sao gọi Thiền giới? Ví như Tham Thiền, khởi lên Nghi tình hai mươi bốn giờ chẳng gián đoạn, vọng tưởng nổi lên không được, không trì không Phạm, gọi là Thiền giới. Nếu công phu chưa đến đó, còn một giây phút gián đoạn, chính giây phút đó có thể phạm giới, chẳng được gọi là trì giới. Thế thì làm sao nói “khỏi bố tát!”

Thiền sư Thích Duy Lực