BẢN SẮC DÂN TÔC LÀ MỤC TIÊU TỐI THƯỢNG
(VHPG) – Phật giáo VN có mặt trong cộng đồng xã hội VN từ rất sớm. Nhưng do ảnh hưởng sâu sắc của hệ phái, miền Bắc ảnh hưởng Bắc truyền, ở phía Nam phần lớn là truyền thừa của hệ Nam truyền và Khất sĩ đến từ các quốc gia Ấn Độ, Myanma, Srilanca, Thailand v.v… Sự ảnh hưởng sâu đậm này trải qua nhiều thế kỷ, nhiều thế hệ không chỉ trong đời sống, ngôn ngữ, cách thức thờ phụng lễ nghi, mà cả văn hóa trang phục v.v… Trăn trở và mong muốn tìm một phong cách dân tộc trong trang phục cho tu sĩ, và cư sĩ Việt Nam, Ban Văn hóa Trung ương (VHTW) được HĐTS Giáo hội Phật giáo (GHPG) VN giao thực hiện Đề án Pháp phục là một phần trong Đề án “Văn hóa PGVN thống nhất trong đa dạng”.
Sau hơn 4 năm kiên trì triển khai, lãnh đạo Ban VHTW GHPGVN nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan chức năng, và một số Công ty, Nhà may tâm huyết trong cả nước về vấn đề này. Ngày 21.9.2019, cuộc thẩm định đầu tiên được tổ chức tại TpHCM đông đủ các bên cùng tham gia với GHPGN, Thượng tọa (TT) Thích Thọ Lạc - Trưởng Ban VHTW chủ tọa hội nghị đã có ý kiến: “Chúng ta đã thống nhất xong màu sắc, chất liệu vải cũng đã được xem xét, chọn lựa; chỉ còn yếu tố cuối cùng là kiểu dáng. Các nhà may được giao thiết kế các mẫu lễ phục, thường phục của cư sĩ nên đầu tư có những mẫu trang phục đẹp, trang nghiêm, để thẩm định lần thứ 2 …”.
Và, sau hai tuần của cuộc họp đó, chiều 5.10, tại Chùa Pháp Hoa, các Nhà may đã đem đến những mẫu trang phục mới kèm theo những thuyết minh về sản phẩm, lắng nghe sự góp ý nhiệt thành của Chư tôn đức tăng ni và các đại biểu khách mời… Họ như những ong thợ cần mẫn hết mình và đúng hẹn góp mật ngọt cho đời!
Chư tôn đức tăng ni tham dự chứng minh buổi thẩm định gồm có: Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Ủy viên Ban Thư ký HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban VHTW – chủ trì cuộc họp; HT Thích Hải Ấn – Phó TBTT Ban VHTW; TT Thích Giác Hoàng - Phó Ban VHTW; ĐĐ Thích Minh Đăng – Chánh Thư ký Ban VHTW; TT Thích Quảng Minh – Phó TK, CVP2 Ban VHTW; Ni sư Thích nữ Huệ Liên – thành viên Ban VHTW cùng các chư tôn đức thành viên. Đại diện khách mời, gồm có bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng TK Hiệp hội Dệt may VN, ông Phúc – Công ty Dệt Thiên Nam, bà Sao Kim - Viện Mẫu thời trang VN và lãnh đạo một số Nhà may: Nguyên Dung, Liên Hoa, An Nghiêm, Trang Nhã, Đông Phương v.v…
Sôi động hỏi – đáp
TT Thích Thọ Lạc - Trưởng Ban VHTW phát biểu ý kiến
Định hướng cho buổi thẩm định pháp phục cư sĩ (CS) lần thứ hai này đạt hiệu quả, TT Thích Thọ Lạc – Trưởng Ban VHTW – nói rằng: “Chương trình này đã có quá trình triển khai 4 -5 năm. Pháp phục tu sĩ đã xong, nhưng sắc phục CS thì mới chọn được màu nâu cho nam CS, màu lam cho nữ CS, và màu trắng cho CS thuộc hệ phái khất sĩ và Nam truyền. Thay mặt lãnh đạo Ban VHTW, TT Trưởng Ban cảm ơn các nhà may đã làm việc nỗ lực, đúng lịch hẹn, sau hai tuần có sản phẩm để trình thẩm định. Ban VHTW đánh giá rất cao sự nhiệt tâm của các nhà may tham gia chương trình. Ở đời thường, người dân có thể trang phục tùy theo sở thích, tuổi tác, và thu nhập; nhưng là cư sĩ đến chùa lễ Phật, hoặc làm các công việc trong khuôn viên chùa nhất thiết phải tuân thủ vẻ đẹp kín đáo, trang nghiêm. Vì vậy, các nhà thiết kế trang phục cư sĩ về pháp phục và thường phục phải thực hiện nghiêm ngặt quy định về màu sắc, kiểu dáng và chất liệu, giá thành v.v…để phục vụ được cho nhiều loại đối tượng, kể cả người nghèo”.
Bà Ngọc Dung - Giám đốc Công ty TNHH may Nguyên Dung – rất tâm đắc về đề án pháp phục cư sĩ, bà cùng Công ty tìm các mẫu dành cho CS nam, CS nữ, tham khảo ý kiến của những người sử dụng sản phẩm của Nguyên Dung để hoàn thiện. Bà đã trình bày về 5 mẫu thường phục của CS nữ, có 2 mẫu dành cho lứa tuổi trẻ, 2 mẫu truyền thống dành cho tuổi trung niên và cao tuổi, còn mẫu thứ 5 là kiểu áo dài cách tân; Và 5 mẫu áo tràng, thì mẫu của cư sĩ Nam tông (mẫu 11) không phải bàn, hai mẫu áo tràng dài cách điệu (số 7 + số 8) thì có thể sử dụng trong các lễ hội nhưng không dùng lễ Phật, lễ Tam Bảo; mẫu áo tràng (số 9) hiện đang được dùng đại trà từ Bắc vào Nam thì là mẫu y giống của Trung Quốc, Đài Loan, chỉ khác về màu sắc cần được thay thế bằng một mẫu kiểu hoàn toàn mang đặc trưng, sắc thái của VN – đó là sự cần thiết của đề án. HT Thích Hải Ấn góp ý: “Các nhà may cần chú ý trong các bộ thường phục ống quần không nên bó, cần đủ rộng để khi ngồi thiền, lễ lạy, hoặc chấp tác được dễ dàng; Tà áo không được xẻ cao, không cách điệu, không vát góc, mà phải vuông góc, vạt áo phải trùm mông. Nên dùng áo tràng truyền thống để lễ Phật và ngồi thiền…”. TT Thích Giác Hoàng cũng nhận xét một thực trạng đáng báo động mà GHPGVN rất cần có ý kiến, đó là “Cư sĩ hiện nay sử dụng loại áo tràng mà tay áo quá dài rộng 8 tấc – 9 tấc như tu sĩ , là một tình trạng rất phổ biến từ Bắc đến Nam…”. Bà chủ Nhà may An Nghiêm trình bày mẫu áo tràng vừa thiết kế trên hình mẫu áo bà ba; HT Thích Hải Ấn nhận xét “Áo này đúng với truyền thống, trên cơ sở của áo 5 thân ngày xưa của các cụ. Nhà may cần chú ý là cổ áo phải cao thêm 2 cm (như cổ áo số 7 – Nguyên Dung) thì đẹp. Bà Sao Kim – Viện Mẫu thời trang VN – có ý kiến: “Chúng ta đã có “tông” của các cụ từ xưa là chiếc áo dài truyền thống dành cho các dịp đại lễ, chỉ nam khác nữ, giờ đã có màu xác định cho các CS nam, nữ, CS Nam Tông rồi thì không nên duyệt nhiều phương án mà khó chọn lựa…”. Đại diện nhà may Trang Nhã có mẫu thường phục nữ, các bộ áo dài và trang phục trẻ đi chùa khá ấn tượng. Góp ý cho các mẫu của Trang Nhã, Chư tôn đức đề nghị: với đồ trang phục của trẻ đến chùa ống quần cần ngắn hơn; Các bộ trang phục áo dài cũng cần được thống nhất nhất quán, chú ý đến các đối tượng sử dụng, vì không phải mọi người đến chùa ai cũng có khả năng kinh tế, tránh các họa tiết trang trí trên trang phục (đắt tiền) dễ xảy ra tình trạng thể hiện sự phân biệt giàu – nghèo v.v… Sư Thích Tịnh Hạnh - thừa mệnh của HT Thích Bửu Chánh – trình bày các mẫu thường phục, lễ phục của Nam truyền các nước láng giềng hiện đang ảnh hưởng chủ yếu đến đời sống tu tập, hành trì và trang phục của cư sĩ VN. Việc chọn màu trắng cho trang phục cư sĩ Nam Tông và Khất sĩ cũng còn một chút tranh luận. HT Thích Hải Ấn đặt câu hỏi: “Đó là màu sắc các QG khác sử dụng. Vậy Nam Tông VN chọn ra bản sắc gì”? TT Thích Giác Hoàng khuyên ” Sư Tịnh Hạnh bạch lại HT Bửu Chánh về vấn đề này để các bậc cao tăng của hệ phái có ý kiến; bởi hiện cư sĩ có nhiều nhóm, mỗi nhóm lại theo thầy của các quốc gia khác nhau, mà nhiều nhóm như vậy thành ra trang phục không có bản sắc !”.
Hòa thượng Thích Hải Ấn phát biểu ý kiến
Pháp phục lễ Tam Bảo là áo tràng
Buổi thẩm định trang phục thật sự thu hút mọi người, bởi các nhà may – những người trình bày tác phẩm của họ đều tâm huyết bằng cách truyền cảm hứng đến người nghe về những dự định, trăn trở tìm cái đẹp, tìm gốc cội nguồn để cởi bỏ những gì không phải là của mình, là vay mượn, chắp vá mà bao nhiêu thời gian, bao nhiêu người cư sĩ đã sử dụng trong các buổi hành lễ, học đạo … để tìm hướng đi đúng cho pháp phục cư sĩ VN có chỗ đứng vững chãi trong lòng dân tộc và tự tin, khiêm nhường trước cư sĩ phật giáo quốc tế.
Thời gian không nhiều, nhưng thật ấn tượng khi các nhà may trình bày phương án, và câu hỏi từ Chư tôn đức đưa ra nhanh, gọn, đi sâu trọng tâm những nút gút cần tháo gỡ tạo nên một không khí làm việc chất lượng, hiểu và cảm thông, chia sẻ để công việc đạt hiệu quả. Các chị Ngọc Dung (Công ty may Nguyên Dung), Tuyết Mai (Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May VN), Sao Kim (Viện Mẫu thời trang VN) đã thốt lời chân thành: “Chúng con cảm ơn quý thầy đã công phu để chọn màu, chọn mẫu cho cái đẹp, cho sự thuần khiết…” mà sự thọ hưởng đó chính là cư sĩ mỗi khi bận trang phục vào chùa là đã đem theo lòng tự tôn dân tộc, đem theo niềm tự hào cư sĩ VN đảnh lễ Đức Phật.
TT Thích Thọ Lạc đã kết luận nhiều việc trong quá trình thẩm định, việc đầu tiên: Pháp phục cư sĩ là áo tràng VN. Nhà may An Nghiêm khẩn trương hoàn thiện các yêu cầu sửa chữa áo tràng mẫu mà Chư tôn đức đã góp ý kiến để sớm có sản phẩm. Hai mẫu áo dài (số 7 + số 8) của nhà may Nguyên Dung thì dùng trong các lễ hội truyền thống. Phật giáo nước nào cũng có những nét đặc trưng riêng, chúng ta cũng vậy. Kiểu dáng phải chọn để người ta nhìn vào biết ngay là cư sĩ VN. Vì vậy, việc thay thế những sao chép của các nước láng giềng trong trang phục cư sĩ mà lâu nay ít ai hay biết là việc làm cần thiết. Đó là ý nghĩa của việc triển khai thực hiện đề án. Đáp lời chị Sao Kim (“không nên duyệt nhiều mẫu, khó chọn”), TT Trưởng Ban VHTW quyết định: Chúng ta đã thống nhất màu trang phục cư sĩ nam là nâu, CS nữ là màu lam, vậy thường phục cũng nên giống nhau; lễ phục cũng giống nhau. Trang phục của cư sĩ Nam Tông và Khất sĩ cũng vậy (màu trắng). TT Thích Thọ Lạc khẳng định: “Màu sắc đã thống nhất, đã quy định không thay đổi. KIểu dáng đa dạng thì được, nhưng màu sắc thì phải tuân thủ quy định. Kiểu dáng của nhà may Trang Nhã là được, nhưng vẫn cẩn chỉnh sửa thêm. Đối với màu của cư sĩ Nam Tông và Khất sĩ, nên chọn màu trắng khác biệt (màu trắng ngà). Tuy nhiên vẫn có những ý kiến về màu trắng tinh, hay trắng ngà, nên TT Thích Giác Hoàng nêu ý kiến: “chúng ta định hướng thôi, còn trắng theo cách nào thì đề nghị quý sư Nam Tông và Khất sĩ kết luận”. Anh Phúc – Công ty Dệt Thiên Sơn – đã bạch TT Trưởng Ban và Chư tôn đức: Công ty chưa thể nào sản xuất vải kịp khi quý thầy chưa duyệt phương án. Nên trong một tháng có vải để giao các nhà may thì e không kịp, chúng con xin thêm 2 tuần mới kịp chuẩn bị. Xin quý thầy sớm duyệt màu trắng để chúng con kịp sản xuất. Riêng phần khăn Giới của cư sĩ Nam truyền, Chư tôn đức đã đồng ý sử dụng màu nâu (như cư sĩ nam).
Như vậy, với mục tiêu đặt ra: phải làm sao thực hiện được việc triển khai để cuối năm nay lan tỏa đến các nhà may toàn quốc, đến các nhà may cấp huyện về Đề án pháp phục này.
Một số hình ảnh khác của buổi họp :
Tỉnh Giác