BRVT: Tổng hợp hoạt động khóa sinh hoạt hè tại thiền tôn Phật Quang
Các em học sinh về tham dự Khoá hè đa phần là những học sinh ngoan đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, nhưng không có nghĩa là các em được miễn nhiễm trước sức hút của những cám dỗ từ cuộc sống bên ngoài. Thiết nghĩ, sự phát triển không ngừng của khoa học đem lại cho con người nhiều lợi ích, sự giao lưu văn hoá giữa các nước cũng đem đến nhiều thuận lợi. Nhưng nếu không khéo tất cả những điều đó sẽ gây nên những điều tiêu cực, làm nhân cách trẻ đi xuống.
Xuất phát từ thực tế đó, Khoá sinh hoạt hè ở Thiền Tôn Phật Quang có loạt bài về các vấn đề xã hội như: Thế giới thật và thế giới ảo; Tâm lý đua đòi; Sử dụng tiền bạc hợp lý; Khắc phục bạo lực cuộc sống; Nói không với Game … nhằm trang bị những kiến thức xã hội, giúp các em có cái nhìn đúng đắn để sống có ý nghĩa.
Một điều đặc biệt là nội dung bài học đều được lồng vào đó nhân quả, tội phước. Các bài giảng đều được quý Thầy đầu tư kỹ lưỡng từ khâu tìm kiếm tài liệu, nên đưa hình ảnh nào, clip nào cho phù hợp, cho đến việc soạn bài, thuyết trình đều phải làm đi làm lại nhiều lần để làm sao truyền tải đến các em đơn giản mà hiệu quả nhất.
Ngày 16/06/2015, chú Toàn Chân, chú Toàn Nghĩa đã khéo léo phối hợp với nhau trong bài giảng “TÂM LÝ ĐUA ĐÒI” để đem đến cho các em một buổi học lý thú. Việc thích một món đồ và muốn có cho bằng được, thần tượng một ngôi sao nào đó,…các em cứ tưởng đó là điều bình thường, nhưng nó lại là một căn bệnh của giới trẻ. Bởi khi muốn có một thứ gì đó, các em không biết nó có thực sự cần thiết cho mình không, nhưng vẫn muốn cho được. Nếu không được đáp ứng, các em sẽ giận hờn, bỏ nhà ra đi, rồi trở thành miếng mồi cho kẻ xấu. Các em tự gây đau khổ cho mình và cho người thân chỉ vì những điều không đáng.
Ngoài ra, đắm chìm trong các trang mạng xã hội, sống theo lối sống của thần tượng trên phim ảnh là xu hướng của giới trẻ và cũng là một dạng tâm lý đua đòi.
“Đua đòi” là một căn bệnh, một tâm lý chung mà nếu không biết cách các bạn khó có thể vượt qua. Với thời lượng 90 phút, quý thầy đã truyền đạt cho các em một số đạo lý, xoáy mạnh vào nhân quả, giúp các em biết kiềm chế mình. Có một yếu tố giúp các em thoát khỏi sự đua đòi đó là Tình thương. Khi các em biết thương cha mẹ, người thân thì sẽ biết cách làm cho cha mẹ yên lòng. Các em cũng hãy nghĩ đến những người xung quanh còn thiếu thốn, những người thiếu ăn, thiếu mặc, những bạn đồng trang lứa đang phải lăn lộn ngoài đường góp nhặt từng đồng… nghĩ đến họ với sự cảm thông, chia sẻ các em sẽ kiềm chế trước những đòi hỏi của mình.
Tiếp theo, bài giảng “THẾ GIỚI THỰC – THẾ GIỚI ẢO” do Thầy Thích Khải Đạo đảm trách. Trước tiên, Thầy đem đến cho các em phút giây thư giãn bằng âm nhạc sôi động, lôi cuốn. Sau đó với những phân tích, những ví dụ khá sâu sắc và thực tế đã cho các em cái nhìn đầy đủ về mặt trái của thế giới ảo. Qua bài này các em có cơ hội hiểu hơn về bản chất của các trang mạng xã hội, đa phần các em chỉ chạy theo sự hấp dẫn bề ngoài mà không nghĩ đến hậu quả của nó.
Tác hại của thế giới ảo là: gây nghiện, lãng phí thời gian, tiền bạc, sức khoẻ, suy giảm đạo đức, thiếu kỹ năng sống thực tế, bỏ quên thế giới thật, sống ích kỷ chỉ lo cho bản thân, đạo đức suy giảm.
Vùi mình trong thế giới ảo thì Nhân quả là các em sẽ trở thành những người ích kỷ, cô độc, nghèo khổ, không làm được việc gì có ích cho cuộc đời, rồi rơi vào tuyệt vọng. Xa lánh thờ ơ với mọi người thì nhân quả là mình không xứng đáng sống trong cõi người, mà một kiếp sống đau khổ, thấp hèn hơn đang chờ đợi. Vì vậy, thầy cảnh tĩnh các em hãy biết cân bằng giữa thế giới thật và thế giới ảo, chỉ dùng thiết bị thông minh cho công việc, học tập, tra cứu, cập nhật thông tin. Tốt nhất nên tìm đến chân lý của đạo Phật, dành thời gian cho những phút giây tụng kinh, lễ Phật, tọa thiền, học giáo lý để thanh lọc tâm hồn.
Hãy quay lại cuộc sống thật để cảm nhận nhiều điều tuyệt vời xung quanh mà bấy lâu nay ta đã bỏ quên, đây là thông điệp mà Thầy muốn nhắn gửi đến các em học sinh trước khi kết thúc bài học.
Tương tự, với bài giảng “NÓI KHÔNG VỚI GAME”, Thầy Thích Khải Thành đã giúp các em nhận biết dấu hiệu của một người nghiện game và những hậu quả tai hại của nó.
Dấu hiệu của người nghiện game là: Mất ngủ, không ăn uống, cơ thể mệt nỏi, bứt rứt, khó chịu, học tập sa sút, tâm lý nóng giận bất thường, ảo tưởng về những nhân vật trong game, hiếu thắng, lười vận động, trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Game mà không quan tâm đến người xung quanh.
Dưới sự hướng dẫn của Thầy, được sự chứng minh và gia hộ của Tam Bảo các em đã đồng phát nguyện “Từ nay và mãi mãi về sau con sẽ không bao giờ chơi Game nữa”. Và câu này được xem là câu thần chú mà mỗi buổi sáng sau khi tụng kinh xong các em đồng loạt phát nguyện trước Tam bảo.
Một trong những nguyên nhân khiến các em sống thiếu trách nhiệm với người xung quanh, chỉ nghĩ cho mình là do các em không ý thức được những gì mình đang có mà trân quý nó. Chưa khi nào các em nghĩ đến việc sử dụng tiền sao cho hợp lý, vì tiền các em có được quá dễ dàng. Thầy Thích Khải Tuệ thông qua bài giảng “SỬ DỤNG TIỀN BẠC HỢP LÝ” đã giúp các em thấy được giá trị của đồng tiền và hiểu phía sau những đồng tiền có được đó là gì.
Thầy dạy các em: Cha mẹ đã phải đánh đổi những giọt mồ hôi, nước mắt và cả những đắng cay để chắt chiu từng đồng. Vậy mỗi khi cầm tiền các em phải nhớ nghĩ đến công lao khó nhọc của cha mẹ, nghĩ đến những người khó khăn, đói kém, bất hạnh để biết cân nhắc khi muốn chi tiêu vào việc gì.
Nói chung, những bài giáo lý trên không những giúp các em trau dồi kiến thức xã hội mà còn biết nhân quả từ những việc làm sai trái để tự răn nhắc mình. Và để ôn lại giáo lý cơ bản qua 2 tuần học, chiều thứ 7 ngày 20/06/2015, các em đã làm bài kiểm tra giáo lý đầu tiên.
Cũng trong tuần này, các em đã có những buổi sinh hoạt ngoại khoá bổ ích như: Hội thảo “Tìm hiểu chỉ số hạnh phúc một Quốc gia”; Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Phật Quang”; Cuộc thi “Đường lên đỉnh núi Dinh”. Bên cạnh đó, các em cũng được quý Thầy, quý sư cô ôn văn hóa theo từng cấp lớp về môn: Toán; Lý; Anh văn. Và sau khi tụng kimh tối, các em được xem video TT.Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề CHỈ SỐ HẠNH PHÚC CỦA QUỐC GIA để các em nắm ý tưởng, có sự tư duy, để sáng hôm sao các em được tham gia hội thảo về chủ đề này.
Một tuần nữa lại trôi qua, những cơn mưa rả rích đầu mùa cũng có một chút ảnh hưởng đến sinh hoạt của các em, nhưng ngôi nhà Phật Quang đã dần chiếm vị trí trong lòng mỗi em. Những hoạt hoạt động ngoại khoá đã gắn kết các em hơn trong tình yêu thương đoàn kết.
Tuệ Đăng
Tuệ Đăng