Cần phân định tôn giáo & những hiện tượng tương tự
GNO - Những năm gần đây, trong bối cảnh mở cửa của đất nước và với sự bùng nổ thông tin, nhiều vấn đề phức tạp đã nảy sinh, gây nhiễu loạn dư luận, trong đó có những sự việc liên quan tới Phật giáo.
Một người khoác lên chiếc áo nâu, áo lam, áo vàng… tham gia các chương trình thi thố giải trí cũng được gán cho là người xuất gia (Tăng, Ni), mục đích để chỉ tạo nên hiện tượng “độc, lạ”, thu hút người quan tâm vì những sự tương phản với các giá trị đạo đức truyền thống đã trở nên quá quen thuộc với số đông.
Những cuốn sách mang "nhãn mác" nội dung Phật giáo nhưng lại xuyên tạc đạo Phật
Và hễ cứ nói “thiền” là người ta liền nghĩ đến một phương pháp rèn luyện tâm thức của Phật giáo, mà không cần biết nội dung của nó như thế nào, đôi khi rất xa lạ với phương pháp thiền định mà Đức Phật đã dạy trong kinh điển.
Phật giáo là tôn giáo truyền thống ở nước ta, về phương diện lịch sử. Qua quá trình vận động, hệ thống các giá trị đạo đức Phật giáo cũng đã ăn sâu vào tâm thức của người dân, cùng với các nguyên tắc ứng xử khác được tiếp biến văn hóa.
Trên phương diện tôn giáo, Phật giáo mặc nhiên được xem là tôn giáo không giáo điều, không ràng buộc tín đồ theo kiểu ban phước giáng họa. Tùy nhu cầu của Phật tử, theo đó có thể tìm thấy ở đạo Phật một triết lý, lối sống tỉnh thức, phương pháp rèn luyện tâm, làm chủ cảm xúc, sống thăng bằng giữa các mối quan hệ xã hội phức tạp.
Không phải thế mà muốn gán gì, cho Phật giáo là gì đều được. Vấn đề không phải chỉ đối với Phật giáo, mà ảnh hưởng chung lên xã hội, tác động trực tiếp đến đời sống của số đông người dân.
Hiện nay, chúng ta thấy không ít hiện tượng mượn hình ảnh Phật giáo, đôi khi viện dẫn cả kinh điển với cách diễn giải theo hướng minh họa cho chủ trương của mình, nhằm tạo dựng chỗ đứng cá nhân, hoặc vì mục tiêu nào đó, được phổ biến rộng rãi qua con đường được bảo hộ về pháp lý - sách vở được cấp giấy phép xuất bản, những kênh truyền thông của mạng xã hội…
Không ít các ấn phẩm được các cơ quan chức năng quản lý về xuất bản của nhà nước cấp giấy phép lưu hành được cho là mang nội dung Phật giáo nhưng lại xuyên tạc đạo Phật.
Trong khi đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức tôn giáo đại diện cho Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, có tư cách pháp lý, có hệ thống các viện, ban ngành chuyên môn thì lại không hề được tham khảo ý kiến trong các ấn phẩm có nội dung Phật giáo. Tất cả thẩm quyền cho in ấn và phổ biến đều do các nhà xuất bản, cục xuất bản thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông quyết định.
Chất lượng các ấn phẩm, theo đó, cũng tùy thuộc vào chuyên môn của các biên tập viên, cán bộ trách nhiệm các nhà xuất bản. Báo Giác Ngộ đã từng có một số bài viết phản ánh về những câu chuyện “dở khóc dở cười” khi các biên tập viên không có kiến thức cơ bản về Phật học, đã sửa những thuật ngữ Phật giáo thành những từ ngớ ngẩn, xa lạ.
Chính những điều đó đã tác động lên sự hiểu biết của số đông về Phật giáo, nếu không nói là làm nhiễu loạn thêm tình hình tôn giáo ở nước ta hiện nay, tạo cơ hội cho những hiện tượng mang màu sắc tôn giáo có thêm điều kiện để bùng phát, vô hình trung dễ dẫn tới những hiểu lầm chính sách của Nhà nước về lĩnh vực này.
Diệu Nghiêm