Hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử dự lễ Khánh đản Đức Phật A Di Đà tại chùa Huê Nghiêm
Nhân dịp này, hơn 1.000 Tăng Ni sinh viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM đã trở về chùa Huê Nghiêm đảnh lễ Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN, Viện trưởng Học viện.
Ban huấn từ, Đức Pháp chủ GHPGVN đã nhắc lại ý nguyện của nhị vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội, đặc biệt là Đức Đệ nhất và Đức Đệ tam Pháp chủ, với sự quan tâm sâu sắc về việc đào tạo Tăng Ni. Ngài nhấn mạnh ý của các bậc tiền nhân, rằng nếu có chùa mà không có Tăng Ni thì Phật giáo không phát triển được; nhưng nếu có Tăng Ni mà không có tu học, hoặc chỉ có kiến thức mà không có giới hạnh thì Phật giáo sẽ suy đồi. Theo đó, ngài ân cần căn dặn Tăng Ni luôn cố gắng giữ gìn tịnh giới và oai nghi tế hạnh của người xuất gia, cùng với việc trau dồi kiến thức phù hợp, có như vậy mới phát triển đường con đương tu hành, góp phần làm tốt đời đẹp đạo.
Sau khi ban huấn từ, Đức Pháp chủ quang lâm khu vườn A Di Đà niêm hương và đảnh lễ trước tôn tượng của Ngài. Hoà thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương, trụ trì chùa Huê Nghiêm hướng dẫn toàn thể đại chúng tụng với thời kinh A Di Đà, đảnh lễ 12 lời nguyện An Dưỡng quốc, hồi hướng an lành, âm dương cùng lợi lạc.
Hoà thượng Thích Lệ Trang cũng đã có đôi lời nhắn nhủ trước đại chúng về việc tu tập theo lời dạy của Đức Phật A Di Đà. Buổi lễ được kết thúc hoàn mãn sau khi đại chúng hữu nhiễu tôn tượng Ngài trong chánh niệm.
Tín ngưỡng A Di Đà, một pháp môn Tịnh độ rất phổ biến trong các nước Phật giáo Đại thừa. Tín ngưỡng và pháp môn này có mặt tại Việt Nam rất sớm, thịnh hành từ thế kỷ thứ 5 Tây lịch, được lịch sử ghi nhận với sự kiện Sư Đàm Hoằng (? - 455) tự thiêu cầu vãng sinh.
Theo kinh A Di Đà, để được vãng sinh vào thế giới Cực lạc, ngoài sự thiết lập lòng tin có thế giới Cực lạc với những phương tiện tối thắng của nó, hành giả phải phát nguyện và thực hành niệm Phật.
Phát nguyện đây tức là nguyện vãng sinh về cõi Cực lạc.
Đó là điều hết sức quan trọng mà trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca và chư Phật mười phương đã nhiều lần khuyên chúng sinh phải thực hiện. Phát nguyện vãng sinh Cực lạc - nghĩa là xác định điểm đến và lý tưởng của mình. Điểm đến là thế giới Cực lạc và mục tiêu tức là thành Phật hay đạt được sự giác ngộ trọn vẹn.
Niệm Phật A Di Đà là pháp môn phổ biến và bất cứ thành phần nào trong xã hội - từ nông dân, thương gia, cho đến giới trí thức - đều cũng có thể thực hiện được. Điều này nói lên được tính chất khế lý và khế cơ tuyệt diệu mà chúng ta thấy chỉ có pháp môn niệm Phật mới có được. Do tính phổ biến, cũng như khế lý và khế cơ của nó, pháp môn Niệm Phật mở cửa giác ngộ cho mọi thành phần.
Đối với người có trí tuệ lớn, nếu siêng năng tinh tấn niệm Phật, họ sẽ có những sở đắc tâm linh - đạt được định lực hoặc niệm Phật tam muội. Đối với những người bận rộn với công việc gia đình và những công việc sinh kế, nếu tinh tấn niệm Phật, họ sẽ được “đới nghiệp vãng sinh”, thẳng tiến trên con đường giác ngộ, đạt đến hạnh phúc thật sự, thoát khỏi khổ đau, sầu muộn, lo âu và sợ hãi.
Diệu Nghiêm - Bảo Toàn/Báo Giác Ngộ