Khó khăn trong việc chuẩn hóa Phật giáo Việt Nam
Trải qua hơn 2.000 năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, Phật giáo đã tiếp xúc ngay với các tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, vì vậy Phật giáo mang nhiều đặc trưng riêng của từng giai đoạn phát triển của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay trang phục, kiến trúc của Phật giáo Việt Nam dễ nhầm lẫn với nhiều quốc gia khác. Để tạo đặc trưng riêng cho Phật giáo Việt Nam thì, ngay từ đầu năm 2015, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xây dựng 4 đề án nhằm định hướng đặc trưng trang phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, việc chuẩn hóa này là một việc không hề dễ dàng.
Mỗi tôn giáo đều có pháp phục riêng của mình nhằm mục đích nói lên tính thống nhất, biểu tượng, có tổ chức. Y phục Phật giáo ở nước ta rất phong phú và đa dạng, điều này được nhận thấy rõ nhất ở những buổi thực hiện nghi lễ và thường nhật. Nhìn vào y phục của người xuất gia cũng thấy được các hệ phái trong Phật giáo. Phật giáo Việt Nam có nhiều hệ phái, trong đó chủ yếu là hệ phái Bắc tông và Nam tông. Do có nhiều điểm khác nhau về hình thức cũng như màu sắc của pháp phục từng hệ phái, cho nên những người xuất gia của từng hệ phái cũng không muốn thay đổi y phục đặc trưng riêng của hệ phái mình. Ngoài ra, lựa chọn màu sắc, chất liệu và thiết kế như thế nào cũng không phải là việc làm dễ. Theo các chư tăng, giáo phẩm của Phật giáo cũng như nhiều chuyên gia cho rằng, đây là những vấn đề mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể quyết định được, nếu có sự đồng thuận từ người đứng đầu các Hệ phái và các vùng miền của đất nước để có thể có một trang phục mang đặc trưng riêng của Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra, việc dịch tàng thư, kinh, dịch của Phật giáo sang tiếng Việt để phù mọi hệ phái cũng là việc làm không dễ. Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phân tích: “Việt hóa toàn bộ Đại Tạng Kinh hoàn toàn không dễ dàng chút nào hết. Nếu như chúng ta biết rằng, trong ngôn ngữ Tiếng Việt của chúng ta từ 70 – 80% những khái niệm, những từ thuộc về trừu tượng, những khái niệm siêu hình là thuộc về gốc Hán. Đó là những khó khăn, những thách thức mà chúng ta phải đương đầu”.
Đại đức Thích Chúc Tiếp, Chánh Văn phòng Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên dẫn ra một thực tế, trong nghi thức hành lễ đạo Phật, nghi thức hành lễ rất đa dạng và tùy thuộc tông phái người hành trì, nhưng phổ biến nhất hiện nay đó là nghi thức tụng niệm. Tuy nhiên, theo từng buổi lễ, từng ngôi chùa ở từng vùng miền, lại có những cách đọc, cách tụng kinh khác nhau nên việc việt hóa phần tụng đã khó, phần tán trong nghi lễ Phật giáo còn khó hơn nhiều: “Trong nghi lễ Phật giáo có tụng và tán, phần tụng thì nên dịch ra tiếng Việt để mọi người hiểu, chứ phần tán thì khó lắm, nó không hay… lấy ví dụ miền nam thì đọc là “chúng sanh” ngoài bắc thì là “chúng sinh”, hay là cúng giàng và cúng giường, cho nên chuẩn hóa tiếng Việt trong nghi lễ Phật giáo rất khó”
Một vấn đề khó nữa mà Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi đặt ra khi định hướng đặc trưng cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Đó là trên thực tế, Phật giáo đã xuất hiện ở Việt Nam hơn 2.000 năm, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, vì thế ở mỗi thời kỳ các kiến trúc của Phật giáo lại mang bản sắc riêng, ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Sư bácThích Thanh Tịnh, ở Tịnh Thất Tây Thiên Tam Đảo, Vĩnh Phúc cho rằng, đây sẽ là thách thức lớn cho những người tìm đặc trưng riêng cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam: “Mình không minh định được kiến trúc nào là thuần Việt, kiến trúc nào là bị ảnh hưởng, vì thế mà bây giờ đưa về thuần Việt là cái mà vô cùng khó khăn. Nhà chùa cho rằng, mình chẳng cần cố chấp để tìm kiến trúc riêng mà quan trọng kiến trúc Phật giáo phải mang những nội dung mà Phật gửi gắm”
Việc chuẩn hóa Phật giáo Việt Nam trong trang phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản Phật giáo mà Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt ra cũng là mong muốn của nhiều tăng ni, phật tử, nhằm tạo bản sắc riêng mỗi khi Phật giáo Việt Nam bước ra trường quốc tế. Thế nhưng, để đạt được kết quả hay không, trước hết những đề án này cần sự đồng thuận và nỗ lực hơn nữa của toàn bộ hệ thống Phật giáo Việt Nam hiện nay./.
Thu Thùy - Duy Quyền