Lao động và công phu
Thiền tông lại càng ngặt nghèo: làm sao “đạt đạo” thanh tịnh vắng lặng tâm thức để đạt đến định trong cuộc sống ồn ả đầy lo toan, khẩn trương, căng thẳng… Có thể có ai đó chán ngán kêu lên: người xưa dễ học võ, học đạo hơn và có thành tựu đỉnh cao khi cảnh sống của “họ” trong sáng, yên ả hơn?! Thực ra mỗi thời có cái lo riêng, chưa hẳn vậy, ngày xưa có gánh nặng cơm áo kiểu ngày xưa…
Trong điều kiện bây giờ, có được một khung cảnh thiền tịch tịnh trang nghiêm, nếu có núi có đồi càng hay, khó lắm thay! Công việc cuốn ta chạy bước thấp bước cao chua kịp, vừa ăn cơm vừa dỗ con hay trả lời điện thoại; cả tuần dành được vài mươi phút ngồi đọc kinh kệ hay sách hướng dẫn thiền đã quí lắm, lại có mấy cuộc gọi, mời nhậu hay đi chơi! Ở những chung cư cao cấp, người có cuộc sống được cho là tốt, tiện nghi đầy đủ, phòng ốc đẹp, có lòng dành hẳn một phòng để làm nơi thờ Phật và hành thiền trên tầng cao… Nhưng số ấy không nhiều đâu. Vậy để thành tựu thiền tông phải làm sao, cho số đông người có đam mê nhưng đời sống khó khăn?
Ngoài đời đã vậy, trong chùa chiền hành thiền và công phu cũng đâu có dễ. Công quả suốt ngày đêm, xem phim cổ cung có thể hiểu chút ít. Gánh nước, chặt củi, khiêng đá… Nếu không có phương pháp và nhất là định hướng tâm linh trước và đầy đủ, người tu học vô hình chung trở thành một lao động khổ sai thực thụ, một cu li không công, làm lâu chai tay chai chân và ra đời...giỏi việc nhà!
Nhưng người học đạo (nói chung) đã biến quá trình lao động (biệt ngữ tôn giáo: lao tác) thành quá trình công phu, thiền trong động. Cũng việc ấy, nhưng với dụng ý rõ rệt đã nói, quá trình lao động thành quá trình rèn luyện ý chí, nghị lực, thể lực, và tất nhiên - võ thuật, đồng thời - thiền trong động. Năm năm, mười năm, hai mươi năm… những chú tiểu, tăng ni hay chỉ là người công quả bình thường, tùy căn cơ trình độ và quyết tâm có thể “tốt nghiệp” thiền tông với những mức độ khác nhau trong khi mắt phàm chỉ đơn giản nhìn thấy họ...lao động giản đơn, có gì đâu? Vâng, cũng không có gì đâu, thiền mà. Điều quan trọng là khi đã biến quá trình lao động cực nhọc thành quá trình công phu, lao động trở thành niềm vui lớn, mồ hôi được trả giá cao nhất; cũng xin lạm bàn: biến lao động thành công phu không chỉ áp dụng được với thiền tông, phạm vi có thể rất rộng trong thế giới võ thuật đa màu sắc nhưng có những điểm rất chung.
Nói vậy chứ không phải vậy, khó lắm. Trai mang ngọc trong mình nhưng không phải mọi con trai đều có ngọc, ngọc có được qua quá trình quằn quại đớn đâu trong thân thể trai và có duyên sỏi cát rơi vào trai ũng có xác suất không cao lắm, nhưng không phải vì thế mà ngọc trai rất quí đó hay sao?
Nguyễn Thành Công
Nguyễn Thành Công