Lễ ký kết hợp tác giữa Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN và Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh miền Bắc, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội về các đề án văn hóa: Pháp phục, ngôn ngữ, nghệ thuật và biểu tượng văn hóa Phật giáo
Hà Nội, chiều ngày 19/3/2025, tại Hội trường Trúc Lâm - Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội), Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã tổ chức lễ ký kết hợp tác với Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn La, Bắc Kạn, Lào Cai và Bắc Giang. Sự kiện này nhằm thúc đẩy thực hiện các đề án văn hóa trọng điểm, bao gồm: pháp phục, ngôn ngữ, nghệ thuật và biểu tượng văn hóa Phật giáo.
Buổi lễ có sự quang lâm chứng minh và tham dự của: Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS), Trưởng Ban Giáo dục Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Hiện - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hưng Yên; Hòa thượng Thích Thanh Phụng - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Ninh; Thượng tọa Thích Lệ Trí – Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN; Thượng toạ Thích Minh Tường - UVTT Ban Văn hoá TƯ, Đại đức Thích Tuệ Minh – Phó Thư ký kiêm Chánh VP1 Ban Văn hoá TƯ, Đại đức Thích Minh Hải – Phó Văn phòng Ban VHTƯ; Sư cô Thích Giác Ân - Phó Văn phòng TT Ban VHTƯ .
Về phía đại diện từ Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh miền Bắc có sự hiện diện của:
Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Phó Viện Trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Phó Trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh.
Thượng toạ Thích Đạo Mẫn – Chánh Văn phòng Học viện PGVN Hà Nội
Thượng tọa Thích Đức Nguyên - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hòa Bình.
Thượng tọa Thích Quảng Truyền - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lạng Sơn.
Thượng tọa Thích Nguyên Toàn - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Giang.
Thượng tọa Thích Thanh Quy - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban Pháp chế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Điện Biên.
Thượng tọa Thích Thanh Đường - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban TT Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Cao Bằng.
Thượng tọa Thích Thanh Phúc - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tuyên Quang.
Thượng tọa Thích Thanh Quang - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban TT Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hưng Yên.
Đại đức Thích Minh Đức - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sơn La.
Đại đức Thích Giác Như - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Kạn.
Đại đức Thích Chân Tín - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Phó Trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lào Cai.
Phát biểu khai mạc lễ Ký kết, Hòa thượng Thích Thọ Lạc bày tỏ tri ân đến Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh miền Bắc đã đồng hành trong việc triển khai các đề án văn hóa. Hòa thượng trình bày tầm quan trọng của sự thống nhất trong bốn lĩnh vực chính: ngôn ngữ, pháp phục, di sản và kiến trúc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Những năm qua, Ban Văn hóa Trung ương đã triển khai các chương trình trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam, và nhận được sự phối hợp tích cực từ các địa phương.
Theo đó Hoà thượng nhấn mạnh: “Giá trị văn hóa dân tộc là kết quả sáng tạo, tích lũy của một cộng đồng, một dân tộc, được phản ánh trong các di sản, tài sản văn hóa vật thể, phi vật thể, được cộng đồng lựa chọn, thừa nhận và khao khát hướng tới thông qua sự trải nghiệm lịch sử. Việc gìn giữ, kết thừa và phát huy văn hóa dân tộc đóng vai trò quan trọng, cốt lõi trong quá trình phát triển. Theo đó Hoà thượng cũng nêu bậc về ý nghĩa và khái quát 4 đề án Ngôn ngữ, Pháp phục, Nghệ thuật - Kiến trúc và Di sản Văn hóa Phật giáo, đồng thời nêu rõ tầm quan trọng của 4 đề án này trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá Phật giáo phải mang tính đặc trưng và đồng hành cùng dân tộc.
Một trong những nội dung trọng tâm của lễ ký kết là việc tiếp tục thực hiện dự án Trụ Kinh Chuyển Pháp Luân tại các tỉnh thành trên cả nước, nhằm tạo dấu ấn đặc trưng cho Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, Ban Văn hóa Trung ương đề xuất thống nhất bản kinh tụng niệm chung cho các lễ cầu siêu, cầu an, Vu Lan, Phật đản, góp phần tạo sự đồng nhất trong thực hành nghi lễ.
Những định hướng quan trọng
Phát biểu tại lễ ký kết Hòa thượng Thích Thọ Lạc bày tỏ quan điểm rằng, trong bối cảnh hội nhập, việc bảo tồn bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam là hết sức quan trọng. Các nội dung cần được quan tâm thực hiện gồm:
-
Ngôn ngữ Phật giáo: Hệ thống hoành phi, câu đối trong các chùa nên sử dụng tiếng Việt để tăng tính đại chúng.
-
Pháp phục: Quy định rõ về màu sắc trang phục của Tăng Ni và cư sĩ để đảm bảo tính thống nhất.
-
Di sản văn hóa: Phối hợp cùng Ban Trị sự các tỉnh để lập danh mục và bảo tồn các di sản Phật giáo.
-
Nghệ thuật Phật giáo: Tổ chức hội thảo và nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực như điêu khắc, hội họa, sân khấu, điện ảnh liên quan đến Phật giáo.
Hòa thượng cũng nhấn mạnh rằng, khi Phật giáo Việt Nam hội nhập với thế giới, cần giữ được bản sắc riêng, tránh lai tạp. Trong nước, các nghi lễ cần được tinh giản nhưng vẫn đảm bảo sự trang nghiêm và ý nghĩa tâm linh.
Buổi lễ ký kết hợp tác giữa Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh miền Bắc đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thống nhất và phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam. Qua đó, các đề án văn hóa sẽ tiếp tục được triển khai đồng bộ, góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị tinh thần Phật giáo đến đông đảo Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước.
Ban đạo từ tại buổi lễ, HT.TS Thích Thanh Quyết tán thán công đức của Hòa thượng Trưởng Ban Văn hóa Trung ương cùng chư tôn đức Thường trực Ban Văn hóa Trung ương đã triển khai thực hiện sâu rộng 4 đề án trên với Phật giáo các tỉnh, thành trên cả nước. Đây là công việc thực sự có ý nghĩa to lớn nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp, tập trung đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, thời gian, nhân lực, vật lực để thực hiện các chương trình, kế hoạch, nội dung các đề án một cách bài bản, khoa học và đã đạt được kết quả quan trọng.
Kết thúc buổi lễ, Thượng toạ Thích Đạo Hiển thông qua dự thảo bản ký kết, Ban Văn hóa TƯ cùng BTS GHPGVN các tỉnh đã tiến hành thực hiện nghi thức ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện đề án Ngôn ngữ, Pháp phục, nghệ thuật và một số biểu tượng văn hóa Phật giáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Dịp này, Ban Văn hóa T.Ư trao quà lưu niệm đến chư tôn đức chứng minh và chư tôn đức Hội đồng Điều hành Học viện và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh.
Dưới đây là hình ảnh chư Tôn đức tại buổi lễ ký kết:
Tịnh Minh
Liên Quang