MC Lễ hội Phật giáo: Cần thiết phải là người con Phật
Đó là chia sẻ của nhiều đại biểu tại tọa đàm khoa học “Nghệ thuật diễn thuyết và xướng ngôn trong lễ hội Phật giáo” diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM. Theo đó, đã đến lúc cần phải xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn trong tổ chức sự kiện Phật giáo làm tài liệu chuyên môn cho tăng ni tham khảo.
Và xem đây là tư liệu xướng ngôn căn bản để có sự thống nhất trên toàn quốc, tránh những thiếu sót, yếu kém trong việc diễn thuyết, xướng ngôn các chương trình Phật giáo như thời gian qua.
Một lời nói bị “rớt lề” còn có thể khỏa lấp
Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, Tổng Biên tập Phật sự online cho rằng, việc cho ra đời bộ quy chuẩn là điều tất yếu, để vận dụng càng sớm càng tốt vào việc dẫn các sự kiện của Phật giáo. “Trong thời buổi thế giới phẳng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, ai cũng có có thể truyền hình ảnh trực tiếp, ai cũng có thể dùng điện thoại mình livestream, hình ảnh đó sẽ phủ khắp không gian mạng. Trước đây có khi một lời nói đó, chúng ta bị “rớt lề” còn có thể khỏa lấp, nhưng ngày nay không như thế nữa. Người xưa thường nói “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” hay lời nói gió thoảng mây bay, xin thưa thời buổi này không như vậy nữa mà tất cả lời nói của chúng ta trong 1 giây đã truyền đi toàn cầu,… cho nên rất cần một bộ quy chuẩn để cho tất cả MC - xướng ngôn Phật giáo có cơ sở, dựa vào bộ quy tắc đó mà thực hiện cho tốt”, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn nói.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ, trong các chương trình Phật giáo có rất nhiều loại hình (khoảng 52 vấn đề thường niên mà Phật giáo phải giải quyết) được chia thành nhiều loại, nhiều mục, cần phải được phân định và có quy định rõ thì hoạt động dẫn chương trình sẽ có hiệu quả hơn. “Lâu nay, phần lớn ở các chùa, các tự viện, những hoạt động Phật giáo đều diễn ra dưới sự thao tác, tự quyết của quý thầy, nhiều phần công việc cứ diễn ra tuần tự, nhưng khó có đúc kết, thiếu bài bản khoa học, cách làm theo thói quen mà hình thành. Vì vậy, những thiếu sót, những vướng mắc hoặc sai sót trong thuyết giảng, tổ chức chương trình, việc không thống nhất giữa Ban tổ chức với người dẫn chương trình là việc khó tránh khỏi”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ thẳng thắn bày tỏ như vậy và cho rằng, những yếu kém cần khắc phục của người dẫn chương trình Phật giáo hiện nay là: Phát âm không rõ ràng, nói quá chậm hoặc quá nhanh; lời dẫn quá dài dòng, thiếu tương tác với người đối diện. Theo Thượng tọa, người dẫn chương trình cần có kiến thức sâu rộng, nắm vững sự kiện, soạn kịch bản chi tiết cho sự kiện… Người dẫn chương trình phải làm cho khán giả đam mê, có tương tác với khán giả và phải làm cho tác giả được tỏa sáng, hòa đồng. Một yếu tố không thể thiếu, đó là đảm bảo sự kiện đúng giờ, thành công, không sơ suất.
Bộ quy chuẩn là văn bản có tính pháp lý, thống nhất
Theo nhiều ý kiến, nghề MC hay xướng ngôn của Phật giáo rất khó khăn và phức tạp, bởi tính đặc thù quá cao và sự chủ động của một MC Phật giáo rất hạn chế. Chính vì thế mà việc dẫn chương trình trong lễ hội Phật giáo cần thiết phải là những người con Phật. “Chính những người tu sĩ Phật giáo chúng ta phải đảm nhiệm vai trò này. Tại sao vậy, MC ở ngoài chúng ta thấy xét trên tất cả mọi mặt rất ưu điểm bởi vì họ chuyên nghiệp rồi… nhưng vào Phật giáo, dùng từ nhiều lúc sai, không biết đâu là hòa thượng, thượng tọa, đại đức, ni trưởng, ni sư,… bên cạnh đó chưa nói đến những ngôn ngữ chuyên dụng của Phật giáo”, Thượng tọa Thích Minh Mẫn phân tích và kể có lần đã bị sự cố khi làm sự kiện.
“Chúng tôi mời cô MC đài truyền hình qua, đã làm việc với giám đốc đài để yêu cầu MC chuyên nghiệp. Nhưng đến khi làm xong bị người dân “ném đá” xây chùa không hết chỉ vì cô MC này mắc những lỗi cơ bản khi dẫn chương trình cho lễ hội Phật giáo”, Thượng tọa Thích Minh Mẫn hài hước kể. Đồng tình quan điểm này, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN cho hay, “thông thường MC Phật giáo mắc một lỗi rất lớn, đó là nói quá dài. Người dẫn chương trình muốn thể hiện mình là người hiểu biết, nhưng chúng ta quên mất rằng nói dông dài thì thông điệp ta muốn truyền đi bị loãng, không chuyển tải và đọng lại được”. Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, trước đây việc dẫn chương trình không đi sâu nhưng thời đại công nghệ thông tin thì người điều khiển lễ hội hết sức quan trọng, bên cạnh đó xuất phát từ thực tiễn là có nhiều chương trình cần chấn chỉnh, thống nhất để mang tính khoa học, nghệ thuật, mang ý nghĩa trí tuệ trong nhà Phật đặt ra, vì thế mà thống nhất với nhau cần có bộ quy chuẩn trong lễ hội Phật giáo.
TS Bùi Hữu Dược, Phó Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng, bộ quy chuẩn như cẩm nang, quy định từ nội dung chương trình của các hoạt động khác nhau, ví dụ ai thì cần giới thiệu và giới thiệu tới đâu… Song song đó, cần vận dụng sáng tạo trong điều kiện cho phép.
“Để làm được điều đó chắc chắn không dễ, không phải nơi nào cũng có thể áp dụng được. Tuy nhiên nếu có quy định chung, ít nhất đó cũng trở thành văn bản có tính pháp lý, thống nhất để mỗi người có cơ sở thực hiện. Chính vì thế rất mong Ban Tư tưởng, Văn hóa của GHPGVN xây dựng bộ quy chuẩn càng sớm càng tốt. Ngoài ý kiến tại tọa đàm này cần tham khảo thêm nhiều ý kiến của các chuyên gia để hoàn chỉnh”, TS Bùi Hữu Dược nói.
THÙY TRANG