Thông cáo báo chí: Triển lãm "Đặc trưng Văn hóa Phật giáo Việt nam"
Phật giáo được ra đời từ Ấn Độ, lan tỏa nhiều nơi trên thế giới. Khi du nhập vào mỗi quốc gia, dân tộc, với tính chất dung hòa, Phật giáo đã nhanh chóng thích ứng với tín ngưỡng, phong tục tập quán, điều kiện, môi trường sống bản địa để tạo nên những nét riêng của Phật giáo của mỗi quốc gia, dân tộc.
Cách ngày nay khoảng 2000 năm, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam bằng hai con đường (đường bộ và đường biển). Trong đó, bằng đường biển, Phật giáo được truyền trực tiếp từ Ấn Độ vào nước ta thông qua hải thương. Trên đất nước ta, các hoạt động truyền giáo của các tăng sĩ Phật giáo Ấn Độ phát triển mạnh mẽ đã hình thành những trung tâm Phật giáo lớn như: Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam). Đây là những trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa ở Việt Nam. Ngay từ khi du nhập, Phật giáo đã có một sự dung hợp kỳ diệu với các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa của từng vùng tạo nên sắc thái văn hóa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc. Với triết lý đạo đức, nhân sinh sâu sắc và tính chất từ bi, hỉ xả, bao dung, độ lượng, phù hợp với tâm tính người Việt Nam, Phật giáo đã được cư dân Việt tiếp thu một cách tự nhiên để rồi cùng với thời gian, Phật giáo đã ăn sâu vào trong tâm thức, phát triển lan tỏa trong đời sống người Việt Nam và dần trở thành tôn giáo dân tộc, tôn giáo bản địa, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Các chuẩn mực của đạo đức Phật giáo có tác dụng điều chỉnh hành vi, nhân cách con người, ảnh hưởng tích cực trong đời sống nhân dân, phù hợp với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì thế, dẫu ở thời kỳ nào, Phật giáo cũng sẽ sống đồng hành cùng dân tộc, nó đã, đang và sẽ đáp ứng nhu cầu tâm linh cho mọi thế hệ người Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng tuy hai mà một”.
Trong xu hướng hội nhập quốc tế, để tránh những “lai căng” văn hóa đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại để phát triển văn hóa dân tộc tiến tiến, hiện đại mà vẫn giữ được nét truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam đồng thời từng bước triển khai Đề án “Định hướng đặc trưng pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” hiệu quả, chất lượng, đạt được những mục tiêu Đề án đặt ra là tạo dấu ấn văn hóa Phật giáo thời đại Hồ Chí Minh, Ban Văn hóa Trung ương GHPHVN tổ chức triển lãm “Đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam”với các chủ đề:
Đây là hoạt động mở đầu trong chuỗi các hoạt động triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Định hướng đặc trưng pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” (đã được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN phê duyệt (tại Quyết định số 271/2015/QĐ.HĐTS ngày 14/7/2015).
Qua triển lãm, Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN mong muốn bước đầu cung cấp cho phật tử, công chúng một số hình ảnh thể hiện khái quát nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam thông qua: pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản. Từ đó giúp phật tử, công chúng bước đầu tìm hiểu những giá trị văn hóa Phật giáo truyền thống, góp phần nâng cao nhận thức cũng như ý thức cho công chúng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung đồng thời mong nhận được những ý kiến đóng góp của phật tử, công chúng trong quá trình thực hiện công việc nghiên cứu, xây dựng định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam của Ban Văn hóa Trung ương GHPHVN.
Trưng bày mở cửa từ ngày 16/12/2015 đến 16/06/2016
Trong khuôn khổ chương trình triển khai Đề án, cùng Lễ khai mạc Triển lãm, Ban Văn hóa Trung ương đồng thời tổ chức:
- Lễ ra mắt Website Ban Văn hóa Trung ươngGHPHVN .
- Tổ chức tọa đàm, thảo luận 4 nội dung Đề án.
- Lễ ký kết với các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện 4 nội dung Đề án: pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản
Ban Văn hóa Trung ương GHPHVN trân trọng cảm ơn đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đã quan tâm tới dự và đưa tin!
Để phục vụ cho công tác lưu trữ thông tin, Ban Văn hóa Trung ương GHPHVN rất mong các đồng chí phóng viên vui lòng gửi lại bài viết đã đăng trên báo theo địa chỉ:
Sư cô Thích Tuệ Huy
Phó Chánh văn phòng, phụ trách Truyền thông Ban Văn hóa Trung ương
Email: canhlinhtu.bn@gmail.com
BAN VĂN HÓA TRUNG ƯƠNG |