Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ: “Dẫn chương trình Phật giáo, những yếu kém và khắc phục”
Lần đầu tiên, trong lịch sự Phật giáo nước nhà, Ban Văn hóa TW Giáo hội phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã tổ chức một khoá bồi dưỡng nghiệp vụ Dẫn chương trình Phật giáo và tọa đàm “Nghệ thuật diễn thuyết trong lễ hội Phật giáo” dành cho các chư tôn đức Tăng Ni của GHPG VN. Có thể nói, bằng những lời chia sẻ chân thành của các vị diễn giả. Tin rằng, sau khóa bồi dưỡng sẽ có những gương mặt xuất sắc trong hoạt động văn hóa Phật giáo sâu rộng ở trong cộng đồng xã hội.
Trong ngày 25/12/2019 (ngày 30/11 năm Kỷ Hợi), ngày thứ 2 của chương trình tập huấn Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Dẫn chương trình Phật giáo và tọa đàm “Nghệ thuật diễn thuyết trong lễ hội Phật giáo” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh do Ban Văn hóa Trung ương kết hợp với Ban Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức, từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 12 năm 2019, tại Hội trường Tu viện Khánh An (phường An Phú Đông, quận 12, TP.Hồ Chí Minh), Thượng tọa Thích Nhật Từ đã có buổi chia sẻ về những điều cần thiết của người dẫn chương trình Phật giáo với các chư tôn đức Tăng, Ni thành viên Ban văn hóa TƯ và Ban văn hóa của 63 tỉnh thành trong cả nước.
Theo Thượng tọa, trong các chương trình Phật giáo (PG) có rất nhiều loại hình (khoảng 52 vấn đề thường niên mà PG phải giải quyết) được chia thành nhiều loại, nhiều mục, cần phải được phân định và có quy định rõ thì việc hoạt động dẫn chương trình PG sẽ có hiệu quả hơn. Lâu nay, phần lớn ở các chùa, các tự viện, những hoạt động PG đều diễn ra dưới sự thao tác, tự quyết của quý thầy, nhiều phần công việc cứ diễn ra tuần tự, nhưng khó có đúc kết, thiếu bài bản khoa học, cách làm theo thói quen mà hình thành. Vì vậy, những thiếu sót, những vướng mắc hoặc sai sót trong thuyết giảng, tổ chức chương trình; Những việc không thống nhất giữa Ban Tổ chức với người dẫn chương trình là việc khó tránh khỏi.
Thượng tọa đã chỉ dẫn cách thức bài bản mà MC cần lưu tâm, để đạt được hiệu quả khi thực hiện công việc. Đó là người dẫn chương trình (MC) cần có kiến thức sâu rộng, nắm vững sự kiện cần dẫn chương trình, nhất thiết phải có mối liên hệ chặt chẽ với Ban Tổ chức để các khâu công việc được thống nhất; Soạn kịch bản chi tiết cho sự kiện, thời gian biểu phải chính xác đến từng phút; Chạy lượt kịch bản trước khi sự kiện chính thức hoạt động; nên sử dụng các mẩu giấy nhắc từ đầu đến cuối sự kiện, để trách bỏ sót hoặc nhầm lẫn. Vai trò của người dẫn chương trình phải đảm bảo thời gian, đúng giờ, đúng chương trình, nhất là các chương trình truyền hình trực tiếp. Người dẫn chương trình phải làm cho khán giả đam mê, có tương tác với khán giả, và phải làm cho tác giả được tỏa sáng, hòa đồng. Một yếu tố không thể thiếu đó là đảm bảo sự kiện đúng giờ, thành công, không sơ suất, hấp dẫn.
Trong bài giảng của TT. Thích Nhật Từ đề cập đến những yếu kém cần khắc phục. Đó là khắc phục yếu kém về kỹ năng: Phát âm không rõ ràng, phát âm quá chậm hoặc quá nhanh; Lời dẫn của MC quá dài dòng, thiếu tương tác với người đối diện; Khắc phục yếu kém về kiến thức – đây là sự khắc phục vô cùng cần thiết, triệt để và quan trọng, vì đó là sự đảm bảo cho thành công hay thất bại của sự kiện. Ngoài ra, MC rất cần khắc phục tình trạng ỷ lại vào bộ nhớ hoặc có sự giới hạn cầm chừng; khắc phục sự yếu kém về tính linh hoạt v.v…
Bài: Diệu Thủy – ảnh: Bo Nguyễn