Thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ: “Chất liệu chính của người dẫn chương trình Phật giáo”
Ban Tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình Phật giáo đã giới thiệu về Thượng tọa Thích Trí Chơn – Trưởng Ban Văn hóa Phật giáo TP. HCM, Trưởng Ban Trị sự GHPG VN quận 12, Trụ trì Tu viện Khánh An – địa chỉ đăng cai tổ chức “Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình Phật giáo” này bằng một câu nói thật ấn tượng với toàn bộ khán phòng: “Người thổi hồn vào micro…”! Thượng tọa Thích Trí Chơn đã thu hút mọi người bằng những bài giảng đầy sức thuyết phục khiđảm nhận vai trò người dẫn chương trình trong các Phật sự lớn của GHPG VN.
Thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ với các học viên tham dự “Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình Phật giáo” bằng giọng trầm ấm nhưng đầy nội lực đó là đối với người dẫn chương trình, chất giọng cao hay thấp, đủ các chất giọng, nhưng cái quan trọng là giọng THIỀN! Lợi thế của chúng ta là người tu, nên chất giọng của người tu rất cần được chú trọng. Thượng tọa chia sẻ: Thuở nhỏ ở trong ngôi chùa nhỏ, 4 giờ sáng là thời lễ tán, chiều cũng tán… Sư phụ cho tập hét vào những cái chum to, để làm gì? Ngày đó chưa hiểu lắm. Nhưng nhờ sự khổ luyện đó mà giờ đây chúng tôi có chất giọng trầm. Thở bụng, lấy hơi thở làm chỗ trụ để luyện giọng, luyện âm; buông lỏng toàn thân, lấy mũi mình làm đối tượng, biết quán chiếu hơi thở đi vào, hơi thở đi ra, thiền định để có nội lực; gọi là phong cách ngôn ngữ; hãy bơi trong biển ngôn ngữ, nhưng đừng dính mắc và ngôn ngữ, bị chết chìm trong ngôn ngữ; người dẫn chương trình giỏi, có bản lĩnh, có tri thức được thể hiện từ kiến thức, tri thức. Văn là người vì chỉ nghe tiếng, tiếp xúc với người ta sẽ hiểu được phong cách của người đó.
Có 2 cách để nắm bắt phong cách ngôn ngữ: Thứ nhất là khẩu ngữ tự nhiên. Thứ hai là ngôn ngữ chắc lọc. Ngôn ngữ chắc lọc là ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ chính luận, ngôn ngữ hành chính, văn chương. Đặc biệt người tu, nhất là người dẫn chương trình Phật giáo cần phải biết một loại nữa (hình thức) là văn biền ngẫu, văn đối. Ngôn ngữ khoa học dành cho các luận văn, đề án…; Ngôn ngữ hành chính là loại đơn giản, dễ hiểu, tránh đa ngôn, đa từ. Trong một sự kiện thường có 2 phần: phần hành chính, và phần lễ hội. Có hai loại ngôn ngữ mà người dẫn chương trình thường sử dụng, đó là ngôn ngữ hành chính và ngôn ngữ văn chương, cần bám sát thực tế, chân thực thì mới đạt được hiệu quả.
Sự khác biệt của người dẫn chương trình là phải biết mày mò, làm mới, cái sống động, mới mẻ đều do chúng ta tìm tòi. Tiếp theo đó là năng lượng tiềm tàng: là năng lượng bên trong – chính là công phu thiền tập. Cốt lõi của người dẫn chương trình là chỗ đó – nó nằm ở năng lượng tiềm tàng – chính là thiền tập – đó là điều cốt lõi của người dẫn chương trình.
Một người dẫn chương trình là người chính diện, chịu trách nhiệm về chương trình chính diện này. Người dẫn chương chúng ta không vì mình, nhưng chúng ta phải để lại dấu ấn cá nhân. Dấu ấn của một cá nhân đem lại một phong cách, một sắc thái không bị pha trộn với bất cứ ai. Ví dụ: MC Lại Văn Sâm. MC Tạ Bích Loan…
Có một điều cần lưu ý: Người dẫn chương trình cần phải biết đốt cháy mình. Trong ngôn ngữ nghệ thuật có câu “tự đốt cháy mình”, khi đó người dẫn chương trình phải hóa thân, biết sống chết hết mình vì công việc, tập trung vào việc phải làm, không sao lãng, mới đạt hiệu quả.
Ngôn ngữ đã là công cụ của người dẫn chương trình, ngoài ngôn ngữ còn là ánh mắt – ánh mắt để hiểu, thương tất thảy những xung quanh, ánh mắt còn quản lý khán phòng, nhìn để xem, để hiểu, để biết điểm dừng, điểm đến.
Làm sao để tránh run? Việc bị run khi dẫn chương trình, do một số yếu tố cơ bản sau: Do thiếu bản lĩnh, sợ sai, sợ trách nhiệm; áp lực lớn .v.v… Để có một giải pháp tốt hơn cả, không có gì thay thế, chính là quay về với hơi thở. Quý chư tôn dành thực tập 20 phút mỗi ngày, sẽ khắc phục được tình trạng bị run. Nhưng, cũng cần nói rằng, nếu không có sự run đó, người dẫn chương trình khó thành công. Sự run đó làm nên sự phấn khích, khi đã khắc phục được, sự run đó sẽ làm nên thành công sau này cho người dẫn chương trình.
Vai trò của người dẫn chương trình là điều khiển, giới thiệu, làm chủ chương trình, diễn viên đặc biệt, biên tập chương trình. Giới thiệu thành phần tham dự là để bày tỏ sự trọng thị, tôn kính chư tôn đức, còn là giới thiệu cho mọi người cùng biết của nhân vật đó, điều cốt yếu là nêu được giá trị của buổi lễ. Phát ngôn viên (đại diện cho một chính thể) còn xướng ngôn viên là người dẫn chương trình cần phải biết và điều tiết hợp lý để đạt kết quả như ý.
Thượng tọa Thích Trí Chơn cũng đã dành thời gian lắng nghe các câu hỏi và giải đáp các câu hỏi, các thắc mắc của chư Tôn đức Tăng, Ni nêu ra. Ví như một Chư ni đã nêu việc nơi địa phương: Người giới thiệu chương trình phải xử lý, xưng hô thế nào trước chư Tôn đức Trưởng lão cao niên nhưng không tham dự các công việc phụ trách, quản lý nữa; và với quý sư thầy còn trẻ, thậm chí cả sư cháu nhưng đang giữ các cương vị trọng trách của phật giáo địa phương thì phải xử lý như thế nào? … Bằng kinh nghiệm và kiến thức sâu dày, bằng tâm yêu thương rộng lớn, Thượng tọa Thích Trí Chơn đã đem đến cho cả hội trưởng, cho chư Tôn đức Tăng, Ni và Phật tử một bài học chất lượng, có giá trị sâu sắc.
Chúng ta quán chiếu trong tâm từ, trong yêu thương, trong thiền định để mỗi người dẫn chương trình Phật giáo đạt được kết quả . Người dẫn chương trình thật giỏi, là người quay về chính mình thật giỏi. Người dẫn chương trình thật hay là người thu nạp các kiến thức khoa học, đời sống để có được một năng lượng yêu thương rộng lớn. Chúng ta hãy dành thời gian học Kinh yêu thương nhiều hơn, hãy thiền định nhiều hơn, công phu tu tập đạt được hiệu quả…” – Lời chia sẻ, nhắn nhủ của Thượng tọa Thích Trí Chơn trong buổi học về “Kỹ năng cần thiết của người dẫn chương trình Phật giáo” là bài học vô cùng quý báu đối với đại chúng đang tìm học. Buổi học khép lại trong sự tri ân, biết ơn của các học viên là nhưng chư tôn đức tăng, ni về buổi chia sẻ ấn tượng này.
Bài: Diệu Thủy – Ảnh: Bo Nguyễn