Tìm đặc trưng riêng cho sắc phục Phật giáo Việt Nam
Trang phục của người xuất gia (hay còn gọi là pháp phục của Phật giáo) bao gồm pháp phục nghi lễ và pháp phục thường nhật. Ở Việt Nam, pháp phục Phật giáo có sự ảnh hưởng rất lớn từ Phật giáo các nước khác. Để tránh sự nhầm lẫn cũng như tìm cho mình một bản sắc riêng, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giao cho Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng Đề án về “Định hướng pháp phục Phật giáo Việt Nam” nhằm tìm kiếm pháp phục có đặc trưng riêng, phù hợp với văn hóa truyền thống lâu đời của Phật giáo.
Pháp phục Phật giáo được xem là hình thức thể hiện thân giáo, đó là pháp tướng bên ngoài của người xuất gia nên các chế tài trong luật nghi quy định rất rõ về các hình thức của pháp phục. Tuy nhiên, do sự đa dạng của các hệ phái như Bắc truyền (hay còn gọi là Bắc tông), Nam Truyền (hay còn gọi là Nam tông) và Khất sĩ nên trang phục của mỗi Hệ phái này lại có những điểm khác nhau. Chị Nguyễn Thị Hoa, người thường xuyên đi chùa, lễ Phật cho biết, bản thân chị không thể phân biệt được trang phục trong Phật giáo vì mỗi tăng ni ở các chùa khác nhau lại có những trang phục khác nhau. Nhiều khi chị còn nhầm lần giữa Phật tử và người tu hành: Khi mà tôi đi chùa thì việc phân biệt trang phục của các tăng ni, phật tử thì không phân biệt được, vì mỗi lúc mỗi thầy lại mặc kiểu khác nhau. Tôi thấy việc sử dụng trang phục trong Phật giáo nên chuẩn hóa theo quy định nhất định để cho phật tử có thể phân biệt được và có cách xưng hô phù hợp.
Không chỉ người dân và phật tử khó khăn khi phân biệt trang phục của người tu hành, đã có câu chuyện về Phật giáo các nước khi đến Việt Nam tham dự Đại lễ Phật đản nhầm lẫn Phật giáo Việt Nam với Phật giáo các nước khác. Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những sự nhẫm lẫn này dễ nảy sinh nhiều vấn đề, vì vậy Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng và triển khai đề án “Đặc trưng Pháp phục Phật giáo Việt Nam” nhằm tìm ra sự khác biệt về pháp phục, phù hợp với văn hóa, khí hậu ở Việt Nam: Y phục đến Việt Nam cần phải có đặc trưng riêng, khí hậu của Việt Nam cũng phải ôn hòa, cho nên giờ chất liệu vải cũng phải khác, màu sắc cũng phải khác. Ngay cả ở sắc phục ở miền Bắc khác, miền Trung khác, miền Nam khác. Rồi Bắc Truyền khác, Nam truyền khác, và cả Khất sỹ cũng phải khác. Vì vậy, vấn đề sắc phục ở Việt Nam ta cần phải có đặc trưng riêng
Đại đức Thích Giác Hoàng, phó Tổng thư ký, kiêm chánh văn phòng học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện cho phái Khất sỹ cho rằng, việc tìm đặc trưng cho pháp phục Phật giáo Việt Nam nói chung và các Hệ phái nói riêng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, với những Hệ phái đã có đặc trưng riêng rồi thì không cần thay đổi, với những trang phục có sự ảnh hưởng thì cần phải thay đổi: Bây giờ các thầy bận áo tràng Bắc tông nhìn qua người ta tưởng là thầy Trung Quốc, thầy Đài Loan, bây giờ các thầy cũng từ áo nâu đó, cải tạo như thế nào để người ta nhìn vào biết là biết đây là áo các thầy Việt Nam. Như áo của các thầy Khất sĩ đây thì không thể nhầm lẫn được, nếu những người học Phật đây là biết ngay. Không lẫn lộn đâu được cho nên không phải thay đổi, cái gì mà nó biến chất, cái gì tiếp biến quá xa thì mình thay đổi, còn cái gì mà nó giữ được phong thái xưa và mang đặc trưng là không nên thay đổi”
Việc tìm được tiếng nói chung về pháp phục trong các Hệ phái nói riêng và Phật giáo nói chung là việc làm không dễ. Trước đây đã có nhiều Tăng, ni hàng Giáo phẩm đã đề cập vấn đề này, nhưng vì nhiều lý do mà chưa thực hiện được. Do vậy, việc thực hiện Đề án “Đặc trưng Pháp phục Phật giáo Việt Nam” được Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai được kỳ vọng sẽ tìm được tiếng nói chung về pháp phục đối với từng Hệ phái cũng như cho toàn Giáo hội mỗi khi Phật Giáo Việt Nam giao lưu, tiếp xúc với Phật giáo trên toàn thế giới./.
Thu Thùy - Duy Quyền