TP. HCM: Nghệ sĩ Ưu tú Cao Đức Xuân Hồng chia sẻ về “Cách luyện giọng nói của MC”
Là khách mời diễn giả (cư sĩ) thứ 04 của Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình Phật giáo và tọa đàm “Nghệ thuật diễn thuyết trong Phật giáo” được tổ chức từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 12 năm 2019 (nhằm ngày 29 tháng 11 đến ngày 02 tháng 12 năm Kỷ Hợi) tại Tu viện Khánh An, số 1055/3D Quốc lộ 1A, phường An Phú Đông, quận 12, TP. Hồ Chí Minh do Ban Văn hóa Trung ương kết hợp với Ban Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức, sáng ngày 26/12/2019 (ngày 01/12 Kỷ Hợi) tại hội trường Tu viện Khánh An cho các chư Tôn đức Tăng, Ni đã được lắng nghe phần trình bày của Nghệ sĩ Ưu tú (NSUT) Cao Đức Xuân Hồng về cách “Luyện giọng nói”.
Mở đầu bài giảng, diễn giả đạo diễn NSUT Cao Đức Xuân Hồng đã tương tác với các học viên những kinh nghiệm và xác định lại vai trò, nhiệm vụ của người dẫn chương trình. Diễn giả đã nhấn mạnh về năng lực của người dẫn chương trình, kiến thức sẽ là phần quan trọng nên người dẫn chương trình phải tìm hiểu và phân tích thông tin của chủ đề. Song song là giọng nói, phải rõ ràng về ngữ điệu, chất giọng phải được rèn luyện.
Khi nói đến những kỹ năng bồi dưỡng cho người dẫn chương trình Phật giáo (hay gọi tắt là MC) thì giọng nói đóng một vai trò rất quan trọng trong giao tiếp hay diễn giảng trước đại chúng. Khi một người MC mà giọng nói không rõ ràng, tật nói ngọng theo từng vùng miền do tính chất địa lý là khuyết điểm lớn nhất của người dẫn chương trình hay diễn thuyết. Nhưng những khuyết điểm trên ta có thể hoàn toàn rèn luyện để khắc phục, sửa chữa được qua các bước rèn luyện, cách luyện giọng nói hay và truyền cảm qua các phương thức. Có nhiều ý kiến cho rằng, khi đánh giá một người nào đó, nhiều khi không cần biết họ đang nói về cái gì, mà chỉ cần nghe giọng nói của họ thế nào là đủ. Qua đây chúng ta cũng có thể hiểu về vai trò của giọng nói quan trọng thế nào rồi. Dù bạn không có một chất giọng trời sinh nhưng bạn vẫn có thể luyện tập để cải thiện giọng nói của mình.
Có 5 cách luyện giọng nói hay và truyền cảm mà ai cũng có thể áp dụng:
1. Hơi thở là yếu tố rất cần cho giọng nói hay, tốt. Muốn có giọng nói tốt, trước tiên cần phải có một làn hơi dài và cột hơi ổn định. Tuy nhiên, để có một làn hơi dài và ổn định thì kỹ thuật lấy hơi ở bụng là mang lại hiệu quả cao nhất, hổ trợ cho việc tập luyện. Khi rèn luyện hơi thở, nên đứng thẳng, vai thẳng, lưng thẳng, chân thẳng rộng bằng vai, ban đầu nên hít vào bằng mũi, điều khiển cho hơi đi xuống bụng (nén hơi) lại vài giây, sau đó đưa hơi ra bằng miệng đều đặn, ổn định (tập luyện nhiều lần).
2. Phát âm khi giao tiếp hay diễn thuyết cần phải phát âm rõ và to để người nghe có thể tập trung hoặc bị thu hút bởi giọng nói của diễn giả. Để rèn luyện phát âm rõ ràng, ta phải đọc thường xuyên mỗi ngày vài trang sách, điều này có thể khắc phục dễ dàng vì các chư Tôn đức Tăng, Ni, quý vị Phật tử thường xuyên mỗi ngày tụng đọc trong các thời công phu, tịnh độ.
3. Âm lượng và Tốc độ giọng nói rất quan trọng, khi giao tiếp hoặc thuyết trình, đứng trước đại chúng người ít kinh nghiệm sẽ bị áp lực, tâm trí lúng túng nên có thể nói nhanh mất kiểm soát hoặc nói không vào trọng tâm của đề tài. Điều này dẫn đến hệ quả khó chịu cho người nghe, nếu nói quá nhanh sẽ bị vấp hoặc nói sai thông tin và không kịp xử lý. Ngược lại khi tốc độ quá chậm sẽ làm bài diễn thuyết trở nên rời rạc khiến người nghe mệt mỏi chán nản. Muốn được thành công chúng ta cần phải luyện tập các bài diễn thuyết càng nhiều càng tốt, các bài tập luyện về điều tiết hơi thở sẽ là công cụ quan trọng giúp điều chỉnh âm lượng nói to nhỏ rõ ràng, điều tiết ngữ âm hoàn hảo. Hơi thở chủ động sẽ xóa tan ức chế về mặt tâm lý giúp diễn giả truyền đạt thành công bài diễn thuyết.
4. Nhịp điệu và tiết tấu khi nói một giọng nói thu hút và giọng nói kết hợp hài hòa giữa tiết tấu và nhịp điệu, âm lượng, tốc độ và sự truyền cảm nhịp nhàng.
5. Truyền cảm là yếu tố cần thiết cho giọng nói. Một giọng nói rõ ràng, mạch lạc đến đâu cũng sẽ khó để lại dấu ấn trong tâm trí người nghe nếu như giọng nói ấy thiếu đi sự truyền cảm, sự chân thành xuất phát từ bản thân của diễn giả, để người nghe cảm nhận được cảm xúc của người dẫn chương trình, ngôn ngữ hình thể cũng góp phần thành công cho người dẫn chương trình.
Người có giọng nói hay sẽ tự tạo hấp dẫn cho bản thân khiến cho người nghe chú ý, yêu mến và thành công khi dẫn chương trình. Cuối buổi giảng, NSUT Xuân Hồng mời 2 quý Thầy lên sân khấu để trải nghiệm cách lấy hơi thở để có giọng nói tốt đã tạo nên không khí vui vẻ và sôi nổi cho tất cả các học viên tham dự Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình Phật giáo và tọa đàm “Nghệ thuật diễn thuyết trong Phật giáo”.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:
Tâm Bình – Bo Nguyễn