TP. HCM: Những khoảnh khắc đáng nhớ sau Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình và tọa đàm “Nghệ thuật diễn thuyết trong lễ hội Phật giáo”
Thực hiện chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) năm 2019, được sự chấp thuận của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thể theo đề nghị từ Ban Văn hóa Phật giáo của các tỉnh thành trên toàn quốc để thống nhất cách sử dụng ngôn từ phù hợp trong các sự kiện Phật giáo, đặc biệt là người dẫn chương trình Phật giáo. Ban Văn hóa Trung ương kết hợp với Ban Văn hóa Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Dẫn chương trình Phật giáo và tọa đàm “Nghệ thuật diễn thuyết trong lễ hội Phật giáo” cho chư Tôn đức Tăng Ni Ban Văn hóa Phật giáo trong toàn quốc.
Sau 04 ngày triển khai Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình và tọa đàm “Nghệ thuật diễn thuyết trong Phật giáo” được tổ chức từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 12 năm 2019 (nhằm ngày 29 tháng 11 đến ngày 02 tháng 12 năm Kỷ Hợi) tại Tu viện Khánh An, số 1055/3D Quốc lộ 1A, phường An Phú Đông, quận 12, TP. HCM với sự tham gia của các đại diện TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); Ban Văn hóa Trung ương; Ban Văn hóa Phật giáo các tỉnh, thành phố trên toàn quốc với số lượng gần 500 người đã thành công ngoài mong đợi. Đây là lần đầu tiên Ban Văn hóa Trung ương tổ chức chương trình tập huấn, dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình Phật giáo cho chư Tôn đức Tăng Ni cho Ban Văn hóa Phật giáo các tỉnh thành trong toàn quốc với mục đích: Tọa đàm “Xướng ngôn viên lễ hội Phật giáo” nhằm đưa ra quy chuẩn thống nhất sử dụng ngôn từ trong các sự kiện Phật giáo trên toàn quốc; Rèn luyện quý Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử có bản lĩnh, tự tin diễn thuyết trước công chúng; Luyện giọng nói và cách phát âm theo chuẩn mực, hạn chế dùng giọng nói địa phương, từ địa phương; Hỗ trợ quý Tăng Ni trở thành diễn giả, người hoạt ngôn, nhạy bén, xử lý tình huống nhanh gọn, linh hoạt, hài hòa; Xây dựng kỹ năng cho quý Tăng Ni trở thành người lãnh đạo, quản lý, tổ chức, đạo diễn các sự kiện, chương trình; Lễ hội tâm linh, văn hóa Phật giáo; Tạo nền tảng vững chắc để quý Tăng Ni thuận duyên trên con đường hoằng dương chánh pháp, lợi đạo ích đời. Là cơ hội quý báu trong việc truyền tải thông điệp từ bi và trí tuệ của đạo Phật đến với quảng đại quần chúng.
Có thể nói việc dẫn chương trình các sự kiện Phật giáo cần có sự thống nhất và khuôn mẫu trong cách sử dụng ngôn từ phù hợp, tạo ra quy ước xướng ngôn trong chốn thiền môn là vấn đề chư Tôn đức lãnh đạo giáo hội từ Trung ương đến địa phương hết sức trú trọng. Nhằm hướng dẫn nâng cao các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho quý Tôn đức Tăng Ni và thành viên Ban Văn hóa Phật giáo các tỉnh, thành đã từng dẫn chương trình, thuyết giảng có thêm nhiều kinh nghiệm và chuyên nghiệp hơn trong việc xử lý các tình huống. Việc chư Tôn đức Tăng, Ni tham gia Khoá bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình Phật giáo là một trong những hoạt động thiết thực, hữu ích để được trao đổi và rèn luyện những kỹ năng mềm, phát huy nét văn hóa, tinh thần đạo Phật đến gần hơn với quần chúng nhân dân.
Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Dẫn chương trình Phật giáo và tọa đàm “Nghệ thuật diễn thuyết trong lễ hội Phật giáo” cho chư Tôn đức Tăng, Ni Ban văn hóa Phật giáo trong toàn quốc là sự kiện quan trọng, là dấu ấn đặc biệt bởi đây là khoá học bổ ích, giúp các chư Tôn đức Tăng, Ni trong ngành văn hoá của giáo hội Phật giáo Việt Nam được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và những phát ngôn chuẩn nhằm truyền đạt những thông điệp và kỹ năng uyển chuyển phù hợp ra trước công chúng. Khoá tập huấn có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng về hình thức, sâu sắc về nội dung như:Vai trò, nhiệm vụ của người dẫn chương trình; Kỹ năng thuyết trình; “Tiếng nói sân khấu”: Giúp người dẫn chương trình phát âm chuẩn; “Nghệ thuật diễn cảm”: Giúp người dẫn chương trình tạo được cảm xúc cho thính chúng bởi sự biến đổi âm điệu trong lúc nói; “Phong cách sân khấu”: Giúp người dẫn chương trình hiểu biết về cách phục trang và quan trọng hơn hết là tư thế chuẩn khi xuất hiện trước công chúng cũng như những cử chỉ diễn đạt bằng tay, bằng mắt mang nét riêng của nghệ thuật dẫn chương trình Phật giáo; “Nghệ thuật biên soạn lời dẫn”: Giúp người dẫn chương trình biết cách khai thác đề tài và sử dụng ngôn từ phù hợp với buổi lễ; “Phương pháp phối hợp”: Hướng dẫn cách phối hợp giữa hai hay nhiều người dẫn chương trình sao cho hoà quyện, nhịp nhàng. Ngoài ra còn một số kỹ năng khác (ví dụ: Giao lưu trên sân khấu, nghệ thuật sử dụng ngôn từ hài hước,…).
Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Dẫn chương trình Phật giáo và tọa đàm “Nghệ thuật diễn thuyết trong Phật giáo” là dấu ấn đặc biệt. Sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng, tất cả những giáo trình, giáo án do chư Tôn đức và các giảng viên đứng lớp đã soạn sẽ được BTC biên tập lại. Ban Văn hóa Trung ương sẽ xây dựng bộ tài liệu chuẩn và xuất bản thành cuốn sách tài liệu chuyên môn cho Tăng Ni tham khảo, làm tư liệu xướng ngôn lễ hội Phật giáo căn bản có sự thống nhất trên toàn quốc, bổ túc những kỹ năng cần thiết cho người dẫn chương trình lễ hội Phật giáo, đáp ứng những nhu cầu thực tiễn trong xu hướng phát triển của Giáo hội.
Kết thúc khóa học, chúng tôi đã có phỏng vấn ngắn đại diện Tiểu Ban báo chí khóa tập huấn và các học viên tham dự.
Ban Báo chí của khóa tập huấn, mặc dù tập hợp nhiều huynh đệ từ các nơi về tham gia, tuy tác nghiệp chưa chuyên nghiệp nhưng cùng một tâm huyết, đồng lòng chung sức, tất cả vì sự thành công của khóa tập huấn. Với tầm vóc rộng lớn của một khóa tập huấn cấp Trung ương, chắc chắn sẽ có nhiều thách thức cần vượt qua, nhưng với sự nỗ lực của toàn thể ekip Ban chúng tôi tin rằng sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất bằng hết khả năng của Ban.
Học viên – ĐĐ. Thích Từ Hiệp – Phó Ban Văn hoá GHPGVN tỉnh Phú Thọ: Những kiến thực cơ bản trong khoá tập huấn đã được các chư Tôn đức và giáo viên đã truyền trao rất căn bẩn cho tất cả các học viên tham dự. Sau khoá học này, ai có duyên làm người dẫn chương trình sẽ nắm vững hơn về kỹ năng cơ bản của một MC. Chúng tôi rất cảm ơn Ban Văn hoá TƯ, Ban Văn Hoá TP. HCM đã thương tưởng đến chư Tăng, Ni ở dưới để tổ chức khóa học bổ ích này. Cảm ơn các Phật tử, các bạn tình nguyện viên đã phục vụ các Tăng Ni sinh chúng tôi trong suốt 04 ngày qua luôn tận tình, chu đáo. Cầu nguyện tam bảo gia hộ cho Ban tổ chức dồi dào sức khoẻ.
Học viên – ĐĐ. Thích Tịnh Hạnh – BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai: Trong khóa tập huấn chúng tôi hiểu thêm và rõ hơn vai trò của người MC, đó là ngoài xướng ngôn viên, phát thanh viên còn là hoạt náo viên. Người dẫn chương trình Phật giáo cũng chính là nhà Hoằng pháp. Đặc biệt là bài chia sẻ của HT. Thích Bửu Chánh nhấn mạnh về ngôn ngữ, văn phong, bối cảnh mang đặc thù riêng của Phật giáo Nam Tông đòi hỏi người MC phải tìm hiểu kỹ hơn trong khi dẫn chương trình. Bởi người MC của lễ hội Phật giáo Nam Tông cũng là người giữ không khí của buổi lễ và là người dẫn dắt buổi lễ. Buổi học rất ý nghĩa, có nhiều điều cần lưu nhớ, chúng tôi cảm ơn Ban tổ chức, Ban Văn hóa đã tạo cơ hội cho chư Tôn đức từ 63 tỉnh thành về Tu viên Khánh An để học, được chiêm nghiệm những bài học quý giá từ chư Tôn đức có thâm niên trong lĩnh vực dẫn chương trình, các MC nổi tiếng của Đài truyền hình, nghệ sĩ, luật sư, … Qua đó được học, được bổ sung thêm kinh nghiệm về nghiệp vụ dẫn chương trình để khi về lại tỉnh nhà của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ cho các huynh để nhằm phổ biến rộng rãi hơn những kỹ năng của người MC. Đó cũng chính cách để hoằng pháp để phát triển phật giáo tỉnh nhà ngày một tốt đẹp hơn.
Học viên – ĐĐ. Thích Đức Niệm – BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre: Được tham dự khóa tập huấn này tôi rất vui và cảm thấy mình thật may mắn. Khóa học đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về vai trò, chức năng và nhiệm vụ của một người dẫn chương trình. Sau khóa học về, chúng tôi có thể áp dụng và tự tin hơn trong vai trò của một MC nhất là trong lĩnh vực MC Phật giáo. Chúng tôi có thể tự tin để tổ chức, viết kịch bản và đạo diễn các sự kiện, chương trình, lễ hội tâm văn hóa Phật giáo. Chúng tôi có thêm nhiều cơ hội quý báu trong việc truyền tải thông điệp từ bi và trí tuệ của đạo Phật đến với quảng đại quần chúng.
Học viên – Sư cô Thích Nữ Thông Hòa – K6 HVPGVN – hiện đang trụ trì Chùa và định cư tại Hoa Kỳ: Trở về Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập học viện, được chư huynh đệ tạo điều kiện cho tham sự khóa tập huấn tôi cảm thấy đây là một điều rất may mắn. Khóa học diễn ra 04 ngày nhưng đã thay đổi cách suy nghĩ, các nhìn nhận vấn đề của một người MC. Sau khóa học tôi cảm thấy tự tin hơn trong vai trò khi mình là một MC. Những điều căn bản của một MC đó chính là: Nắm rõ kịch bản; Quan sát đối tượng hội chúng; Nội dung ngắn gọn thuyết phục mọi người; Giọng nói mạch lạc truyền tải đến người nội dung cần truyền tải, không dài dòng, xúc tích nhưng phải diễn tả hết được tất cả nội dung câu chuyện cần nói đó là thành công của MC. Điều quan trọng nhất đó là thành công của một MC là phải có thanh và có sắc, nếu không có 2 thứ đó thì phải có những điều kiện khác bù đắp lại, đặc biệt có sự thiền tập. Thiền để có nội lực và có sự tự tin sẽ nắm rõ vấn đề để truyền tải nội dung cần chia sẻ đến với hội chúng.
Học viên – Sư cô Thích Nữ Viên Giác – Phó Thư ký Ban Văn hóa tỉnh Tiền Giang: Tôi rất tâm đắc buổi chia sẻ của Nghệ sĩ ưu tú Xuân Hồng về hướng dẫn cách luyện giọng nói, cách lấy hơi. Qua bài giảng tôi thấy 2 yếu tố thanh và sắc là điều tâm đắc nhất với người Tu sĩ. “Sắc – Phong thái trang nghiêm; Thanh – ổn định truyền cảm truyền tải nội dung đến với khán giả được rõ ràng hơn giúp buổi lễ thành công”. Qua buổi học luyện thanh, giọng nói đã dạy cho các học viên biết cách giữ hơi lâu, khi nào lên giọng, khi nào xuống giọng, khi nào cần cường độ âm thanh rộng hơn, sâu hơn, … Với cách luyện giọng, như diễn giả chia sẻ, các tu sĩ phần lớn trong khi ngồi thiền đều điều tiết đếm hơi thở nhưng chưa đúng kỹ thuật. Qua buổi học luyện giọng nói, các chúng tôi có thêm kỹ thuật để làm sao khi giảng pháp, tụng kinh chất giọng được chuyển tải hết ý nghĩa lễ hội, thời kinh, thời pháp đến người nghe một cách tốt nhất.
Học viên – ĐĐ Thích Hoàng Tâm – TP Hồ chí Minh: Người dẫn chương trình trong Phật giáo ngoài việc am hiểu về kiến thức, giáo lý và hiểu được ngôn từ theo đúng chánh pháp của Đức Phật, khó hơn với việc làm MC ở ngoài đời. MC ngoài đời đòi hỏi sự nhanh nhạy uyển chuyển người thực hiện chương trình hoặc even phải chỉnh chu. MC phật giáo ngoài những yêu cầu như vậy còn phải có những đặc thù riêng như: xây dựng kịch bản phải kỹ, trau chuốt ngôn từ trình lên chư Tôn đức; luyện giọng nói phù hợp; kiến thức phải rộng để ứng xử về giáo lý nội điển và ngoại điển, luôn luôn phải tự tìm tòi, học hỏi chánh pháp, về giáo lý,… mới có thể thành công trong dẫn chương trình lễ hội Phật giáo.
Có thể nói Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Dẫn chương trình Phật giáo và tọa đàm “Nghệ thuật diễn thuyết trong lễ hội Phật giáo” do Ban Văn hóa Trung ương phối hợp với Ban Văn hoá TP. Hồ Chí Minh tổ chức đã thành công ngoài mong đợi. Ban tổ chức xin thành kính niệm ân chư Tôn đức HĐTS, Văn phòng II TW GHPGVN, chư Tôn đức thường trực Ban văn hóa Trung ương, Ban Văn hóa TP. Hồ Chi Minh, các cấp chính quyền địa phương sở tại cùng các nhà hảo tâm, quý Phật tử ngoại hộ đã hết lòng hỗ trợ, tạo điều kiện tối ưu để Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Dẫn chương trình Phật giáo và tọa đàm “Nghệ thuật diễn thuyết trong lễ hội Phật giáo”được thành tựu viên mãn.
Xin chắp tay nguyện cầu cho Phật pháp trường tồn, người người ấm no hạnh phúc, cầu nguyện đạo pháp ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn để mang ánh sáng trí tuệ và giác ngộ đến cho mọi người, mọi nhà.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:
Hồ Thuỷ – Bo Nguyễn