TP. HCM: TT. Thích Đức Lợi chia sẻ “Những điều cần thiết của người dẫn chương trình Phật giáo”
Chiều 25/12/2019 (ngày 30/11 năm Kỷ Hợi), ngày thứ 2 trong chương trình tập huấn Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Dẫn chương trình Phật giáo và tọa đàm “Nghệ thuật diễn thuyết trong lễ hội Phật giáo” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh do Ban Văn hóa Trung ương kết hợp với Ban Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 12 năm 2019, tại Hội trường Tu viện Khánh An (phường An Phú Đông, quận 12, TP. HCM) Thượng tọa Thích Đức Lợi đã có buổi chia sẻ về “Những điều cần thiết của người dẫn chương trình Phật giáo” với chư Tôn đức Tăng, Ni thành viên Ban văn hóa TƯ và Ban văn hóa của 63 tỉnh thành trong cả nước.
Thượng tọa chia sẻ: trong tất cả các chương trình, lễ hội,… vai trò của người dẫn chương trình rất quan trọng. Trong thời đại ngày nay, công nghệ đã phát triển mạnh mẽ nên nhu cầu nghe và nhìn rất cần thiết, để có thể tiếp thu những khối lượng lớn thông tin, chúng ta cần nắm bắt và chọn lựa thông tin qua những chương trình sự kiện. Có những sự kiện, những lễ hội được tổ chức rất hoành tráng, chương trình nội dung rất tốt, nhưng đến khi vào việc người dẫn chương trình chỉ thiếu tự tin và lúng túng sẽ làm buổi lễ dễ dẫn đến thất bại.
Vai trò của người dẫn chương trình trong Phật giáo cũng không nằm ngoại lệ. Ngoài những yêu cầu cơ bản của một người dẫn chương trình bình thường thì người dẫn chương trình trong các nghi lễ của Phật giáo cần phải chú trọng trau dồi kỹ năng, kiến thức về Phật pháp, đặc biệt phải hiểu rõ và kỹ nội dung của mỗi chương trình khi đảm nhiệm vai trò MC.
MC trong chương trình Phật giáo cần trang bị những kiến thức cơ bản về Phật giáo. Nếu như trong Phật giáo dùng từ “Cung kính” thì ở ngoài đời dùng từ “Trân trọng”,… Có thể nói những ngôn từ mang tính chất Phật học nếu người dẫn chương trình Phật giáo không trao dồi về Phật học là một thiếu sót.
Về trang phục với người dẫn chương trình đối với Cư sĩ thì có nhiều chọn lựa hơn. Những người dẫn chương trình là Tu sĩ trang phục không quá lòe loẹt, giản đơn nhưng trang nghiêm sẽ tự tin hơn khi tác nghiệp.
Thượng tọa Thích Đức Lợi cũng nhấn mạnh những yêu cầu cơ bản của một MC Phật giáo: “Không nói tiếng địa phương, nói ngọng, nói lắp,… sẽ làm tác động đến người nghe, không có thiện cảm; Nội dung dẫn ngắn gọn, súc tích, mạch lạc tránh nói nhiều, dài dòng, không cụ thể; Linh hoạt xử lý các tình huống trên sân khấu, bình tĩnh và tự tin ứng phó tốt với những tình huống bất ngờ và xây dựng lòng tin trước khán giả bằng sự chân tình”.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:
Tin/Ảnh: Tâm Bình, Bo Nguyễn