Trường hạ Hưng Khánh tổ chức lễ bế giảng lớp an cư kiết hạ 2020 & lễ dâng Y
Ba tháng an cư kiết hạ có ý nghĩa rất lớn đối với hàng xuất gia lẫn tại gia. Đó là thời điểm chư Tăng Ni dành trọn thời gian cho việc tu học, thúc liễm thân tâm, trau giồi Giới-Định-Tuệ, đồng thời đây cũng là cơ hội cho hàng Phật tử tại gia phát tâm gieo trồng ruộng phước thông qua việc cúng dường, ngoại hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho chư Tăng Ni an cư tu học.
Hàng năm đến mùa An cư, chư Tăng Ni tạm gác lại các Phật sự bận rộn như du hóa, hoằng pháp, hoạt động xã hội, từ thiện, vân tập về một trú xứ để chuyên tâm tu học. Trong ba tháng an cư chư Tăng Ni hạn chế mọi tiếp xúc bên ngoài, không bị ngoại duyên chi phối hay làm ảnh hưởng. Những hành giả xuất gia thực hiện phận sự an cư tinh tấn trong việc học pháp, hành pháp, nghiêm trì giới luật sẽ khiến cho công đức, giới hạnh, đạo lực tăng trưởng, xứng đáng là nơi nương tựa và là phước điền của hàng Phật tử tại gia.
Lễ dâng Y
Với chúng Tăng, đầu mùa hạ là ngày đầu năm trong đời sống đạo hạnh, và kết thúc một mùa hạ là kết thúc một năm, tròn một tuổi đạo hạnh sáng ngời. Và do đó, khi tiếng thu gọi khẽ trên cây, lác đác vài chiếc lá vội vã lìa cành, ấy là dấu hiệu của mùa hạ đã hết, mùa thu bắt đầu, cả hoàn vũ trổi khúc ca hoan hỷ, cùng với chư Phật mỉm cười đón mừng các Tỳ-kheo vừa hoàn thành ba tháng nỗ lực tu tập, nội cần khắc niệm chi công, và bắt đầu đặt bước chân trên vạn nẻo đường thực hiện công cuộc hoằng hóa độ sanh với tâm nguyện ngoại hoằng bất tranh chi đức.
Các Phật tử thường nhân ngày này, đem tâm lực và tài vật dành dụm để sắm chiếc y vàng, thành kính dâng lên cúng dường chư Tăng để được thấm nhuần công đức.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Quyết định số 140/QĐ.HĐTS ngày 20/07/2018 và Quyết định số 347/QĐ-HĐTS ngày 25/12/2019), Ban Văn hóa Trung ương phối hợp với các đơn vị đối tác tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Phật tử, công chúng… để chỉnh sửa, bổ sung đồng thời triển khai thử nghiệm trong một số nghi lễ quốc gia, quốc tế quan trọng và nhận được sự đánh giá, đồng thuận cao. Đến nay, bộ pháp phục Phật giáo Việt Nam (thuộc Đề án Pháp phục) đã hoàn thành và đảm bảo đủ điều kiện ứng dụng vào thực tiễn
Và hôm nay trường hạ Hưng Khánh rất vinh dự là một trong những trường đầu tiên ở Hà nội triển khai đề án "Pháp phục Phật giáo Việt nam - Thống nhất trong đa dạng".
Một số hình ảnh buổi lễ
Đại chúng cùng tụng kinh "Chuyển Pháp Luân" - đây là quyển kinh đầu tiên trong của đề án Ngôn ngữ Phật giáo Việt nam thống nhất trong đa dạng của Ban VHTW GHPG VN đã được HĐTS thông qua và thống nhất trên toàn quốc.