Tượng Phật ngọc hòa bình thế giới trở lại Việt nam
Ngày 16-3-2016, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ thông tin báo chí về việc tôn trí tượng Phật Ngọc Hòa bình thế giới tại chùa Hoằng Phúc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tham dự buổi họp báo, có Thượng tọa Thích Đức Thiện, tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông Trần Tiến Dũng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ báo chí xuất bản, Ban tuyên giáo TW, ông Nguyễn Thái Phiên - Cục phó cục báo chí, Cty Truyền thông, bà Lại Phương Trà - Giám đốc thương hiệu Ngân hàng BIDV.
Việc tạo tác bức tượng Phật Ngọc được dẫn dắt từ những mối nhân duyên huyền diệu. Trước đó, ngài Zoba Rinpoche từ xứ Tây Tạng đã từng quán tưởng và tiên đoán ông Ian Green, một Phật tử người Úc sẽ có duyên với khối ngọc quý này và tạc thành bức tượng Phật để “thắp sáng đến toàn thế giới”.
Ngày 15-12-1999, tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 54, mục 174 của chương trình nghị sự Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận Đại lễ Phật đản hay còn gọi là đại lễ Tam hợp: Kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn là đại lễ Vesak LHQ. Đây là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới vì hòa bình. Thật màu nhiệm, đúng 1 năm sau khi Liên hợp quốc lấy ngày Vesak là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới vì hòa bình, khối ngọc thạch nặng 18 tấn có tên là “niềm kiêu hãnh của Bắc Cực” đã được phát hiện tại miền Bắc Canada. Đây là khối ngọc được đánh giá là “sự khám phá của Thiên niên kỷ”.
Năm 2009, tượng Phật Ngọc Hòa Bình đã được hoàn thành và mang về tôn trí tại Bảo tháp Từ Bi, vùng Bendigo, nước Úc. Bức tượng nặng trên 4 tấn, cao 2,7 mét, được đặt ngồi trên một ngai vàng thạch cao khoảng 1,4m. Vẻ đẹp và kích thước của bức tượng Phật Ngọc được coi là kỳ quan của thế giới và đã được nghênh đón tại nhiều nước trên thế giới và tới Việt Nam lần thứ nhất vào năm 2009.
Trong không khí trang trọng, ấm áp, Thượng tọa Thích Đức Thiện đã chia sẻ: “Nhờ hội đủ duyên lành, từ ngày 27-3 đến ngày 5-4-2016 (nhằm ngày 19 – 28 tháng 2 năm Bính Thân), Phật Ngọc hòa bình thế giới sẽ trở lại Việt Nam lần thứ 2. Trong lần trở lại Việt Nam lần này, điểm dừng chân đầu tiên của bức tượng Phật Ngọc sẽ được tôn trí tại chùa Hoằng Phúc, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình để đồng bào, phật tử được chiêm bái. Nguồn năng lượng dồi dào từ Phật Ngọc hòa bình thế giới đem lại sự may mắn, tâm bình an và mọi điều tốt lành tới quý vị khi tới chiêm bái”.
Trả lời câu hỏi về quan điểm của UBND tỉnh Quảng Bình với sự kiện tôn trí tượng Phật Ngọc Hòa bình thế giới tại chùa Hoằng Phúc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, ông Trần Tiến Dũng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “UBND tỉnh Quảng Bình cảm ơn Thượng tọa Thích Đức Thiện và các cán bộ, nhân viên Ngân hàng BIDV đã trùng tu ngôi chùa cổ Hoằng Phúc. UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để đảm bảo thật tốt vấn đề an ninh trật tự. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Lệ Thủy hoàn thành các cơ sở hạ tầng sạch đẹp để việc nghênh đón, tôn trí Phật Ngọc Hòa bình thế giới được trang nghiêm, thanh tịnh. Vừa qua, Đại Lễ Khánh hạ đã được tổ chức tại chùa Hoằng Phúc với số lượng phật tử tham dự gần 10.000 người cùng các khách mời gần xa nên chúng tôi tin tưởng sự kiện sắp tới cũng sẽ diễn ra tốt đẹp”.
Chùa Hoằng Phúc là ngôi quốc tự cổ xưa tồn tại gần 1000 năm tại dải đất miền Trung và gắn với cuộc đời hoằng pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Năm 1301, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã thuyết pháp, truyền giảng giáo lý Phật pháp tại chùa Hoằng Phúc Cổ tự. Trải qua năm tháng, ngôi cổ tự đã nhiều lần được trùng tu và gần đây chùa Hoằng Phúc đã được cán bộ, nhân viên Ngân hàng BIDV công đức đại trùng tu và khánh thành tháng 1-2016. Ngôi chùa mang kiến trúc truyền thống và là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, một địa linh mà bất cứ ai khi tới Quảng Bình cũng muốn tới chiêm bái.
Tin bài : Diệu Viên
Ảnh : Quảng tâm