Tùy thuận với văn hóa dân tộc, để Phật giáo xứ Nghệ phát triển
Đối với lễ hội Phật đản tổ chức kèm với một lễ hội khác vừa qua tại tỉnh Nghệ An, theo tôi, chúng ta nên hoan hỷ và tùy thuận.
1. Phật giáo Bắc tông Việt Nam có truyền thống dễ chấp nhận những yếu tố văn hóa bên ngoài. Trong nhiều chùa Bắc tông, thần được thờ cúng trong chùa. Vì vậy, đến nay, nếu có việc du nhập những yếu tố văn hóa mới, trong khuôn khổ tương tự do thời cuộc mang lại, thì đó cũng là điều bình thường, theo truyền thống Phật giáo Bắc tông Việt Nam. Theo truyền thống như thế của đạo Phật, thì với sự kiện mới vừa rồi, chúng ta nên hoan hỷ.
Phật giáo Nghệ An tổ chức diễu hành xe hoa kính mừng Phật đản. Ảnh phatgiaonghean.net |
2. Đạo Phật rất coi trọng vấn đề nhân duyên, trong đó những yếu tố như không gian, thời gian có vị trí đặc biệt, đạo Phật gọi thời gian là “thời” và không gian là “xứ”. Xét vấn đề từ yếu tố thời và xứ, thì chúng ta nên tôn trọng tính chất địa phương trong các sự kiện Phật giáo. Có thể có ai đó trong bạn đọc chúng ta không nghĩ như thế là cần thiết, nhưng tăng, ni, phật tử một địa phương thấy điều đó là cần thiết và họ làm như thế, trong khi, so với truyền thống Phật giáo thì vẫn là điều có thể chấp nhận, thì chúng ta nên hoan hỷ, tùy thuận. Trong mối quan hệ chia sẻ, thông cảm, nếu anh em, quyến thuộc, thân bằng của ta muốn một điều, mà xét từ truyền thống là phù hợp, thì chúng ta nên đồng thuận, hoan hỷ, chung vui. Càng thân thiết hơn nếu xét trên tinh thần lục hòa, ở đây là hòa hợp về ý kiến trong việc cùng giải thích. Ý kiến giải thích của tôi có thể xem là “đồng giải” để tạo sự hòa hợp chung.
Những điều mà bạn đọc ghi nhận, phản ánh, so với việc không có một xe rước Phật nào hết, thì việc không có xe rước Phật, như một số tỉnh thành, trong đó có những thành phố lớn đã có truyền thống như Tp.HCM, là đáng nói hơn nhiều. Nên lấy việc có được một đoàn xe rước Phật trang nghiêm, vui vẻ, thành kính làm điều đáng mừng, hơn là chú ý vào các chi tiết nhỏ.
Các chi tiết nhỏ càng không nên để ý khi chúng ta coi mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền ở mọi thời đại là thuận lợi căn bản đối với Phật giáo, là đại cục để gìn giữ và phát triển.
Mối nguy cải đạo sang các tôn giáo phương Tây là mối nguy lớn trong thực tế đối với đạo Phật. Quan hệ tốt với chính quyền là môi trường tốt để Phật giáo Việt Nam giải bài toán bị cải đạo xâm hại. Cho nên, điều chúng ta quan tâm là đại cục an nguy của Phật giáo trước hiểm nạn cải đạo, cũng là không nên đặt quan tâm vào những tiểu tiết nào đó, mà xét ra, chúng ta nên tùy thuận, hoan hỷ.
Bạn đọc nghĩ sao nếu Phật đản năm nay, Phật giáo Tp.HCM làm được như Phật giáo Nghệ An, một địa phương mà Phật giáo chỉ trong giai đoạn phục hồi vào thời gian gần đây, có một đoàn xe rước Phật, gồm cả những chi tiết mà bạn đọc ghi nhận. Vậy cũng là tốt, là đáng mừng, hơn là không có gì hết, chẳng có xe rước Phật nào hết.
Quan điểm hoan hỷ với Phật giáo Nghệ An của tôi là quan điểm đặt trên nền tảng lợi ích của Phật giáo Việt Nam. Từ lợi ích đối với Phật giáo Việt Nam, chúng ta cần tầm nhìn xa, vượt lên những tiểu tiết, cảm tính, thấy được giá trị của quan hệ tốt đẹp giữa Phật giáo với chính quyền. Sự hoan hỷ là môi trường tốt để hành đạo, hoằng pháp.
Minh Thạnh
Minh Thạnh