Ấn tượng Myanmar


Giữa những ngày hè oi ả, chúng tôi chọn điểm du lịch Myanmar, đất nước nổi tiếng với những ngôi chùa có từ hàng nghìn năm, trải dài những huyền thoại từ khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế - một đất nước 80% dân số theo đạo Phật, luôn giản dị, chân thành và thân thiện theo tinh thần "Từ bi, Hỉ xả, Vô ngã, Vị tha".

Kể từ năm 2010, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) mở đường bay thẳng từ Nội Bài đi Yangon, chỉ mất 2 giờ, không phải qua Bankok (Thái Lan), chờ đợi 6 giờ mới được bay tiếp như trước đây.

Từ sân bay quốc tế Myanmar, 30 phút đi taxi, chúng tôi đã có mặt ở Thủ đô cũ Yangon, còn Thủ đô hành chính đã chuyển về Naypyitaw, cách Yangon 400 cây số. Từ trên xe, chúng tôi không thấy bóng dáng một chiếc xe máy nào, chỉ có xe buýt và xe ô tô con được phép lưu thông. Đường phố rộng, sạch sẽ, đủ cho 8 làn xe chạy không hạn chế tốc độ. Tuyệt nhiên không có cảnh tắc đường, không có tai nạn và rất ít cảnh sát.

Du khách tham quan ngôi chùa Vàng (Shwedagon) ở Thủ đô Yangon 

Anh Hoàng Tùng, một doanh nhân Việt Nam sống ở đây gần 5 năm cho biết: Ở bên này, giao thông được theo dõi qua camera. Chỉ cần một lần gây tai nạn là lái xe bị thu bằng lái vĩnh viễn, không bao giờ được cấp lại. Khi có tín hiệu đèn đỏ, xe nào cố tình vượt sẽ bị phạt ở các mức khác nhau: Sau 1 giây ở mức 1, sau 2 giây ở mức 2, sau 3 giây bị phạt đến sạt nghiệp. Ở Myanmar không có chuyện lái xe đưa tiền hối lộ hoặc cãi nhau với cảnh sát.

Người dân Myanmar thu nhập không cao (khoảng 600 USD/người/năm), đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ có ý thức chấp hành pháp luật rất tốt. Đường phố rất sạch vì không ai vứt rác ra đường.

Quần thể Chùa Vàng 

Dưới những lùm cây, mái nhà, chim chóc bay hàng đàn, bồ câu rợp trời sà cả xuống đường nhưng không ai bắt. Ở góc chợ, người ta còn treo những bông lúa trên cao cho chim ăn. Tinh thần bảo vệ môi trường của người dân bản xứ còn thể hiện ở việc không phun hóa chất cho cây trồng, để rau, hoa quả phát triển tự nhiên. Ấy vậy mà các thứ rau, củ, quả của họ vẫn to, ngon, ngọt, có lẽ do đất đai màu mỡ của các con sông chở đầy phù sa tích tụ. Các hồ nước rộng mênh mông nhờ ý thức bảo vệ của người dân nên lúc nào cũng trong mát.

Ngoài ý thức bảo vệ môi trường, người dân Myanmar còn có tinh thần tiết kiệm. Ở các khách sạn, người ta luôn có những bảng chữ bằng tiếng Anh và tiếng Myanmar, nhắc nhở du khách tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, tiết kiệm xà phòng giặt...

Một gia đình ở Yangon làm lễ đưa con lên chùa 

Ở Thủ đô Yangon, ô tô loại sang, đắt tiền rất hiếm, đa số là xe cũ được bảo dưỡng, tân trang lại. Bởi thế mới có người nói "Đến Yangon, nếu đi taxi phải giữ cửa xe cho khỏi bị bung ra ngoài", là chuyện có thật.

Vào nhà hàng, nếu không dùng hết thức ăn, người phục vụ đưa hộp xốp đựng thức ăn để thực khách mang về hoặc mang ra cửa cho những người lao động nghèo. Anh Thực, sinh viên Việt Nam sang Myanmar thực tập, nói: Được cho như thế, họ không hề tự ái mà còn hãnh diện vì được quan tâm. Mặt khác, theo quan niệm của những người dân ở đất nước có tới 80% dân số theo đạo Phật thì hành động vứt bỏ thức ăn, lãng phí thực phẩm sẽ bị lên án nặng nề.

Một hôm, chúng tôi thuê taxi tham quan thành phố. Có người vô ý để quên điện thoại và ví tiền trên xe. Lạ nước lạ cái, tiếng tăm không biết, xe thì vẫy trên đường, ai cũng nghĩ chắc là đã mất. Nào ngờ, lát sau anh lái xe quay lại khách sạn, tìm mọi cách trả lại người mất. Anh Tùng bảo đó là việc bình thường, người dân Myanmar rất ghét thói trộm cắp vì mọi người đều thấm nhuần giáo lí của Đức Phật. Chẳng thế mà cơn bão lớn năm 2008 làm bong những miếng vàng ròng dát trên tháp Chùa Vàng, trôi theo mưa xuống phố, người dân đều mang trả lại chùa. Ở đất Phật nên ra đường không có cảnh cãi lộn, đánh nhau, ai cũng nhẫn nhịn nhau. Xe cộ lưu thông trên đường, nếu chẳng may va quệt, hai bên xuống xe bắt tay nhau, xin lỗi, hòa giải hết sức thân thiện, không phải nhờ đến cảnh sát can thiệp.

Người dân Myanmar bán dừa trên phố

Được biết, tất cả công dân của Myanmar, khi lên 6 tuổi đã được cha mẹ đưa đến chùa học giáo lí nhà Phật. Nếu bé không thuận duyên tu hành thì vài năm sau cha mẹ đón về, đến tuổi trưởng thành lại một lần nữa đưa lên chùa học đạo.

Tôi từng nghe nói rằng, Myanmar nghèo, lạc hậu không có gì để mua sắm, giải trí. Đúng vậy, đất nước Myanmar chưa giàu bởi sự cô lập quốc tế trong rất nhiều năm. Nhưng đến nơi đây, ta sẽ cảm nhận được lòng hiếu khách của người dân bản địa, cảm nhận không gian yên ả, thanh bình không ồn ã, náo nhiệt, còn thiên nhiên thì gần gũi đến nỗi tưởng như ta xòe tay ra cũng cầm giữ được trong lòng bàn tay.

 

Khúc Nga