Ảnh hưởng của Ni sư Trí Hải đến Phật giáo Việt Nam và quốc tế
Đối với Phật giáo trong nước
Phật giáo truyền vào nước ta “từ những năm trước hoặc đầu Công nguyên”, “các cao Tăng Ấn Độ đến truyền giáo trực tiếp, thời điểm đó có thể xưa hơn thời điểm Phật giáo vào miền Nam Trung Hoa khá nhiều” và luôn lấy tinh thần “duy tuệ thị nghiệp” làm đầu. Trải qua các thời kì tiếp biến, dung hợp, phát triển, Ni chúng tại miền Nam và nhất là tại Học viện Phật giáo Việt Nam Tp Hồ Chí Minh chiếm tỉ lệ trí thức cao nhất và họ được khuyến khích phát triển toàn diện các lĩnh vực.
Phật học viện Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh hiện nay được đánh giá là Phật học viện giáo dục Tăng tài đứng đầu nước ta và hiện đang có tiếng vang trên thế giới. Năm 2019 này, lần đầu tiên, Học viện mở khóa đào tạo tiến sĩ cho các Tăng Ni sinh trên thế giới về học, thu hút đông đảo Tăng tài hội tụ tại đất nước Việt Nam giàu đẹp, thân thiện, mến khách; đồng thời cũng là giữ âm đức cho hồn thiêng sông núi, cho thiện pháp và chánh pháp được lan tỏa khắp đất nước và Phật giáo tiếp tục đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Phật học viện này năm nào cũng có số lượng Tăng Ni sinh đậu học cao nhất, với quy mô bề thế, mang tầm quốc tế, đội ngũ giáo thọ sư và giáo sư thế học được tuyển chọn gắt gao. Học viện đã gửi rất nhiều Tăng Ni trong nước ra nước ngoài học tập, quá trình phiên dịch Đại Tạng kinh cũng như số lượng đầu sách trong thư viện được đánh giá nhiều nhất tại nước ta, phải nói là phong phú các tài liệu của tất cả các hệ phái.
Học viện được như ngày hôm nay cũng là nhờ công sức của nhị bộ đại Tăng, trong đó cơ sở ban đầu được chung sức xây đắp từ những Tăng tài trí thức nhiệt tâm như Ni sư Trí Hải đóng góp phụng sự. Vì vào thời bấy giờ, Ni trưởng không những am hiểu Tam Tạng kinh điển, không chỉ là giáo thọ sư mà còn là dịch giả, nhà thơ Phật giáo.Sau này và bây giờ, Học viện Phật giáo Sóc Sơn tại Hà Nội và Học viện Phật giáo Huế tại miền Trung cũng đang hướng đến sự phát triển giáo dục Phật học cao nhất góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp của Phật giáo thời hiện đại; lấy yếu tố trí tuệ, chánh pháp, giáo dục làm ngọn đèn.
Hiện nay, Việt Nam cũng ủng hộ tích cực những chủ trương giáo dục Phật học theo đường hướng của nhiều chư Tăng Ni như Ni sư Trí Hải đã dấn thân. Hiện tại, Phật giáo và nhà nước cũng hết sức trân trọng những vị Ni, những nữ giới là những học giả, bác sĩ, giáo sư, nhà hoạt động xã hội,…đưa Phật giáo vào đời nhằm ban vui cứu khổ bằng việc “nói lên tiếng nói trung thực của giáo pháp, tức là lời dạy rõ ràng và minh bạch của đức Phật”[12,lời tựa của HT Piyadassi Maha Thera]; chung tay vì sự nghiệp hoà bình, hợp tác, bình đẳng trên tinh thần vận dụng lời Phật dạy vào xã hội hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa; khẳng định người nữ sống theo lời Phật dạy, ưa mến thiện pháp, là những sứ giả nối kết tình tình hữu nghị giữa các nước trên thế giới vì an vui và hạnh phúc của nhân loại.
Đối với Phật giáo thế giới
Hội Sakyadhita - Hội nghị Ni giới thế giới - Hội những người con gái của Đức Thế tôn được thành lập năm 1987, tập hợp đông đảo mọi thành phần nữ giới trong Phật giáo, nhằm tạo ra sự phát triển cao nhất của Phật giáo thông qua vai trò của nữ giới nơiGiáo hội. Và hiện nay, hội đã có hàng ngàn thành viên thuộc hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, con số này còn không ngừng được gia Tăng.
Phật giáo Việt Nam dưới sự cho phép của Chính Phủ đã tổ chức Hội nghị Ni giới thế giới lần thứ XI từ ngày 28/12/2009 đến ngày 03/01/2010 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh thành công tốt đẹp. Trong thời đại công nghệ 4.0, Ni giới Việt Nam hội nhập quốc Tế cũng đã từng bước năng động “nhập thế bằng công cụ của chính thời công nghiệp mới, số hóa và tận dụng thế giới mạng internet và phương tiện truyền thông hiện đại đa phương tiện, luôn luôn và tức thời để Phật tử có thể tiếp cận được với Phật Pháp”.
Với việc hướng đến quảng bá hình ảnh nữ giới Phật giáo Việt Nam song hành cùng nữ giới Phật giáo thế giới trong việc tu tập và lãnh đạo trong nước cũng như ủng hộ các Phật sự thế giới đã khẳng định và tìm ra nhiều vị nữ lỗi lạc trong lịch sử Phật giáo cả ở Việt Nam và trên thế giới; tuyên dương sự truyền trao chánh pháp và khả năng nhập thế phụng sự của ni giới; khuyến khích thi ca Phật giáo phát triển qua hàng ni chúng; nâng cao và gắn kết cộng đồng nữ Phật tử Phật giáo; đề cao lối sống trung đạo; yêu mến tôn trọng môi trường; khuyến khích Phát triển nữ học giả Phật giáo; tôn trọng bản sắc văn hóa phù hợp với tinh thần Phật giáo; tôn trọng những phương pháp thực hành Phật pháp của các tông phái; ca ngợi những tấm gương ni giới hiện đại.
Điển hình Việt Nam có Ni sư Trí Hải thời hiện đại được đông đảo thế giới biết đến, chứng tỏ Việt Nam thời nào cũng có những con người xuất chúng rất nhạy bén với thực tại và luôn đi trước thời đại. Ni giới quốc Tế hiểu thêm về Phật giáo Việt Nam và những đóng góp của phụ nữ Phật giáo để cùng khẳng định, giao lưu, hợp tác quốc tế.
Đức Phật dạy hàng đệ tử “hãy là người thừa kế chánh pháp, đừng thừa tự tài vật”. Tiếp nối phương châm “duy tuệ thị nghiệp”, thời hiện đại trong giáo đoàn Ni, Ni sư Trí Hải là một trong những vị đứng đầu khởi xướng nền giáo dục Tăng tài hoằng dương chánh pháp. Hiện nay, một số lượng không nhỏ ni trẻ đã xuất ngoại du học tại các nước như: Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan, Neepan, Anh Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Singapo,…vv. Sau khi tốt nghiệp, họ trở về Việt Nam với trình độ chuyên ngành và tầm nhìn xa, cùng với việc vận dụng các công nghệ hiện đại, chư ni đã và đang phụng sự nhiều trong các công tác giáo dục, dịch thuật, viết sách, sáng tác, báo chí, hoằng pháp, phúc lợi xã hội,v.v…
Họ đại diện những gương mặt tiêu biểu về trí tuệ và đạo đức của những quốc gia mang trong mình những hạnh nguyện Bồ Tátlớn lao vì hạnh phúc toàn cầu. Ni tài nhập thế quốc Tế hóa là cầu nối để các tôn giáo khác nhau chia sẻ tiếng nói lương tri, tiếng nói yêu mến cái đẹp; cùng nghiên cứu, bàn bạc và xuất bản những tác phẩm liên quan đến nữ giới Phật giáo; chung tay phúc lợi cho nhân loại,... Qua những việc làm của ni giới cho thấy mong muốn mở rộng khối lục hòa của ni đoàn thế giới, không phân biệt hệ phái; mong muốn đào tạo ni tài và nữ Phật tử trí thức kế thừa mạng mạch Tam Tạng kinh điển; khuyến khích ni giới xuất gia tu tập, hoằng pháp, giữ gìn giới luật; dấn thân nhập thế phung sự vì hòa bình của nhân loại trên tinh thần bình đẳng, giải thoát dựa trên lời Phật dạy.
Thích Nữ Viên Giác