Bài học về kỹ năng sống nằm ngay trong cuộc sống



Mấy năm trở lại đây, nhiều trường phổ thông nước ta thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm huấn luyện về kỹ năng sống cho các em học sinh. Có nơi còn tổ chức những khóa học tập trung, như “Trại hè Thanh Đa,” “Trại hè trong quân đội,”... chưa kể bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động đoàn thể của Đội, Đoàn hay Hướng đạo sinh… cũng nhắm đến nội dung rèn luyện về kỹ năng tương tự. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của môn học này cùng sự khiếm khuyết về kỹ năng nói chung trong việc truyền dạy tri thức. Trong khuynh hướng ôm đồm nhiều mục tiêu của ngành giáo dục, sự khiếm khuyết, phiến diện trong chương trình đào tạo đã được thể hiện rõ rệt qua sự nở rộ các hoạt động ngoại khóa, bao gồm cả học thêm, học ngoại ngữ, luyện thi… tràn lan, phổ biến, tốn kém nhiều nhân lực, tài lực, vật lực của toàn xã hội.
Riêng môn Kỹ năng sống trong các hoạt động ngoại khóa, tuy góp phần bổ sung những khiếm khuyết về nội dung học tập ở nhà trường, trên thực tế vẫn mang tính chất “giải pháp tình thế”, “giáo khoa”, chưa có chuyển biến sâu sắc, chưa thoát khỏi quan niệm “truyền thống” về đào tạo kỹ năng. Đối với những môn học về kỹ năng, bản thân người học phải được thực hành thường xuyên, làm nhiều lần, lặp đi lặp lại mới có thể biến hành vi quen thuộc thành kỹ năng, từ kỹ năng thành thục đạt tới mức độ điêu luyện sẽ trở thành kỹ xảo. Kỹ năng không chủ ở việc học, mà nằm ở việc hành, sự rèn luyện. Học kỹ năng sống không nhằm đạt chỉ tiêu về số lượng tiết học hay học phần, mà cần hướng tới việc thực hành thông qua quá trình rèn luyện. Trang bị kỹ năng sống giúp cho các em học sinh có khả năng đáp ứng được đòi hỏi thích nghi với những thay đổi có thể xảy ra trong cuộc sống. Thế gian vô thường, cha mẹ không thể trải thảm đỏ nhằm nâng đỡ con em mình trên mọi chặng đường đời, giúp cho chúng không bao giờ gặp trắc trở. Vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm truyền dạy cho các em cách đi trên chính đôi chân của chúng. Thương yêu bằng cách không cho các em làm gì chính là thương mà làm hại chúng. Vì thế mà thấy rằng môn học kỹ năng sống phổ biến trong và ngoài nhà trường bấy lâu nay xét về bản chất đã nằm ngay trong cuộc sống.

Trên thực tế, các khóa huấn luyện về kỹ năng sống chẳng cần tổ chức tốn kém, học tập đâu xa, mà có thể thực hiện hàng ngày ngay trong chính ngôi nhà của các em. Vấn đề nằm ở sự liên kết giữa các bậc phụ huynh, thầy cô giáo chuyên trách và nhà trường trong việc thiết kế nội dung cùng những kỹ năng cụ thể cho phù hợp với từng nhóm đối tượng. Kết quả của môn học được kiểm chứng thông qua hoạt động thực tiễn, đồng thời phản ánh tương ứng từ phía nhà trường, phụ huynh và học sinh. Việc đưa môn kỹ năng sống trong phạm vi làm việc nhà vào nội dung giáo dục từ lâu đã được áp dụng ở một số nước tiên tiến, nhất là ở Đức. Có một phụ huynh từng đưa con gái sang Đức học ở nhờ gia đình quen. Tuần đầu tiên, cô con gái chị được đối xử như thượng khách, chẳng phải làm việc gì, cuối tuần tha hồ ngủ nướng, đi chơi... Đến tuần thứ hai, tuần lễ cô gái bắt đầu tới trường học tập trên nước Đức, chủ nhà nhắc nhở khéo về trách nhiệm làm việc nhà của vị thượng khách. Ban đầu, cô gái không tin vào “mệnh lệnh” tế nhị của chủ nhà, trong khi chính mắt mình thấy con gái bà chủ cũng trạc tuổi mình phải làm việc nhà để nhận số tiền ít ỏi do hoàn thành trách nhiệm mỗi ngày. Cô hỏi con gái bà chủ: “Ở Đức tại sao trẻ em phải làm việc nhà?” Cô gái con bà chủ không khỏi ngạc nhiên, trả lời rằng: “Trẻ ở đây bắt đầu từ sáu tuổi đều phải làm việc nhà, đó là quy định của pháp luật. Vả lại, tiền ăn sáng hay tiền tiêu vặt có được là nhờ làm việc nhà, chứ cha mẹ chẳng cho không”. Cô gái thượng khách bác lại rằng: “Cả ngày đi học mệt rồi, về nhà chẳng lẽ còn phải làm việc nữa?”. Cô con gái bà chủ trả lời thản nhiên: “Thế chẳng lẽ cha mẹ chúng tôi kiếm tiền không mệt sao?”. Cô thượng khách nhỏ nghe xong bỗng cảm thấy thẹn. Cô gái này đến từ Trung Quốc. Hoàn cảnh trẻ em ở Trung Quốc giống hệt ở Việt Nam. Trẻ em lớn lên nhờ tình thương yêu của cha mẹ theo lối không cho làm gì cả. Thậm chí nhiều trẻ em chưa từng biết đói.

Theo phương pháp giáo dục truyền thống minh triết của người Nhật, muốn trẻ nhỏ thông minh hãy bỏ đói mấy phần. Trẻ no đủ sẽ ít động não, ù lì, kém thông minh… Trẻ nhỏ trong những đô thị lớn của nước ta đã tăng nhanh căn bệnh dư cân, béo phì, còn làm việc nhà dường như vẫn phải nhờ đến sự tác động của hoạt động ngoại khóa có tên là Kỹ năng sống. Thay vì biến
các em thành ký sinh, các bậc phụ huynh hãy dạy cho các em thói quen biết lao động và yêu lao động. Nếu chúng ta cứ nghĩ rằng thương con có nghĩa là nuôi dưỡng, nuông chiều theo lối để cho con mình không phải làm gì, sẽ có lúc đến ngày gánh chịu hậu quả. Và xã hội trong tương lai sẽ càng có thêm nhiều phần tử, đối tượng ăn không ngồi rồi, ăn trên ngồi trốc, không làm việc gì mà muốn hưởng thụ, đi ăn cướp dưới nhiều hình thức khác nhau. Làm việc nhà từ lâu đã được thể chế hóa bằng Luật – một cách thức pháp chế hóa khía cạnh hành vi mà ở ta lâu nay vẫn bị liệt vào phạm trù đạo đức - theo tư duy đưa cuộc sống vào luật (chứ không phải đưa luật vào cuộc sống). Căn bệnh vô cảm thường bị lên án bấy lâu nay một phần được hình thành từ chính cách thức giáo dục của các bậc phụ huynh, nhà trường, những người gửi gắm nhiều niềm tin vào tương lai xán lạn của con em mình trên cơ sở tước mất điều kiện cho các em cảm nhận cuộc sống, học một cách mù quáng, vô tri, dẫn tới vô cảm, ù lì. Học nhiều không đồng nghĩa với thông minh, trưởng thành… Chiếc cặp nặng trĩu trên vai các em mới chỉ cho thấy khía cạnh vô tri một chiều, chứ chưa thấy hành trang trên vai các em bước vào tương lai. Bên trong chiếc cặp có thể nói còn quá nhiều kiến thức vô bổ, lỗi thời, không xác định được trách nhiệm của học sinh đối với tương lai. Học sinh chỉ biết tuân phục nhằm tiêu hóa mớ kiến thức nặng nề, mà chưa thấy trách nhiệm rõ ràng từ phía ngành giáo dục trong việc biến kiến thức thành trách nhiệm của các em đối với bản thân và đất nước. Tư duy giáo dục tại các nước tiên tiến từ lâu đã chuyển đổi từ quan niệm “Lấy hiện tại ra để kế thừa quá khứ” sang “Tương lai quyết định hiện tại”. Theo đó, ngành giáo dục phải giúp cho các em học sinh: Thích nghi được với xã hội đương đại; Có khả năng tự lý giải; Biết mình đang đầu tư gì cho tương lai; và Biết biến toàn bộ kiến thức thu nhận được trở thành trách nhiệm đối với tương lai. Kiến thức tiếp thu ở nhà trường mà không được sử dụng trong tương lai kể như vô bổ và lãng phí. Mọi sự thay đổi đều khởi đầu từ tư tưởng và kết thúc bằng thói quen. Thói quen như tòa “lô cốt” kiên cố, khó phá vỡ trong hành vi con người. Sự thay đổi của tư tưởng, nhận thức đôi khi bị trở lực của thói quen làm cho vô nghĩa. Trong những trường hợp đó, nhận thức giống như bộ luật của lý trí có tác dụng dùng để phán xét thay vì biến thành động lực để chuyển hóa thành hành động. Trong số những người có năng lực phản biện lại tính bất hợp lý của thói quen, số người có khả năng thay đổi nó bao giờ cũng chiếm số ít. Đặc biệt, thói quen khó thay đổi nhất thường ẩn náu trong thành trì của nền giáo dục - nơi mệnh danh là thánh đường tri thức luôn đòi hỏi phải có những bước đột phá, không ngừng sáng tạo. „


Lê Hải Đăng