Bí ẩn mộ cổ cặp đôi 1.400 tuổi nằm giữa kho báu xa hoa
Ngôi mộ cổ đầy cổ vật quý giá của một đôi nam nữ thời nhà Tùy (Trung Quốc) hé lộ nhiều chi tiết chưa từng biết trong lịch sử cổ đại.
Theo Acient Origins, các nhà khảo cổ từ Viện Di tích văn hóa và khảo cổ học An Dương đã phát hiện ra một ngôi mộ cổ lộng lẫy có niên đại từ thời nhà Tùy, tức khoảng năm 581 đến 618 sau Công Nguyên, tọa lạc tại địa phận thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Không những là một kho báu khảo cổ thực sự, ngôi mộ cổ còn giúp hé lộ nhiều chi tiết lịch sử đắt giá. Nó vừa là mộ cổ Trung Quốc truyền thống, vừa mang phong cách Ba Tư huyền bí.
Cận cảnh chiếc “giường quan tài làm bằng cẩm thạch được đặt giữa hầm mộ được xây cất công phu – Ảnh: China Daily
Bên trong mộ, các nhà khảo cổ tìm được một bộ sưu tập lớn các đồ dùng bằng đất nung và đá quý, bao gồm nhiều bức tượng sứ nhỏ được chế tác hết sức tinh xảo. Với niên đại ít nhất 1.400 tuổi, số đồ tạo tác này có giá trị khổng lồ nếu quy ra tiền, cũng như giá trị lịch sử lớn.
Tại vị trí trung tâm của lăng mộ, “báu vật” lớn nhất là một chiếc “giường quan tài” cỡ lớn, nơi an nghỉ của một cặp nam nữ. Toàn bộ chiếc quan tài đặc biệt này được chế tác từ cẩm thạch, được chạm khắc rất nhiều họa tiết biểu trưng cho Phật giáo lẫn Zoroastrianism, một tôn giáo truyền thống lớn ở Ba Tư thời bấy giờ. Trước đó, người ta đã biết những người Ba Tư đã đến Trung Quốc và hình thành cộng đồng riêng ở đây từ thế kỷ thứ 6, nhưng ngôi mộ cổ này là bằng chứng rõ ràng cho thấy 2 nền văn hóa đã hòa quyện như thế nào.
Bên hông chiếc giường cẩm thạch đã được đưa về phòng thí nghiệm và tháo bỏ các vách quan tài – Ảnh: China Daily
Theo tiến sĩ Jiao Peng, giám đốc bộ phận khai quật của Viện Di tích văn hóa và khảo cổ học An Dương, chiếc giường chôn cất bằng cẩm thạch sẽ được xem xét trong một số nghiên cứu chuyên biệt, bởi các hoa văn trên đó có thể hé lộ những điều chưa từng biết về kỹ thuật chạm khắc đá “thượng thừa” của các nghệ nhân thời nhà Tùy.
Một số bước đối chứng cho thấy cặp nam nữ trong mộ là đôi vợ chồng tên Qu Qing. Chưa rõ họ có địa vị cụ thể như thế nào, nhưng chiếc quan tài cẩm thạch, một tấm bia ký dài và chi tiết cùng các đồ tùy táng vô cùng tinh tế đủ cho thấy họ là những người được xã hội tôn vinh. Trong mộ cũng có một tấm di thư hoàn toàn dễ đọc với người hiện đại, được viết bằng kỹ thuật thư pháp điêu luyện.
Cuộc nghiên cứu vẫn đang tiếp diễn và các nhà khoa học tim rằng họ sẽ tìm thấy nhiều chi tiết thú vị về mô hình xã hội thời bấy giờ cũng như những bí ẩn liên quan đến “con đường tơ lụa”.