Bốn loại biện tài


 
tu-loi-và-loi-tha

Mục tiêu tu học của người đệ tử Phật là tự lợi và lợi tha - Ảnh: Như Danh

Thế Tôn thành tựu đầy đủ bốn loại biện tài nên tự tại vô ngại truyền trao Chánh pháp cho trời người và chúng sinh được thấm nhuần ơn pháp. Hàng đệ tử của Ngài cũng thành tựu biện tài nên Chánh pháp được lưu truyền đến tận ngày nay. Mục tiêu tu học của người đệ tử Phật là tự lợi và lợi tha. Để lợi tha được viên mãn, biện tài là một trong những phương tiện cần yếu, nên Thế Tôn từng huấn thị “Hãy cầu phương tiện thành tựu bốn biện tài”.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có bốn loại biện tài. Thế nào là bốn? Nghĩa là nghĩa biện, pháp biện, từ biện và ứng biện.

Thế nào gọi là nghĩa biện? Nghĩa biện là lời nói của người này, người kia như Trời, rồng, quỷ thần nói đều có thể phân biệt được nghĩa. Đó gọi là nghĩa biện.

Thế nào gọi là pháp biện? Như Lai thuyết mười hai bộ kinh. Nghĩa là Khế kinh, Kỳ dạ, Bổn mạt, Kệ, Nhân duyên, Thọ ký, Tự thuyết, Tạo tụng, Sanh kinh, Phương đẳng, Hợp tập, Vị tằng hữu; và các pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, các pháp thật không thể phá hoại, có thể tổng trì. Đó gọi là pháp biện.

Thế nào gọi là từ biện? Như chúng sanh ở trước có lời hay, dở; lời đàn ông, lời đàn bà; lời Phật, lời Phạm chí, Trời, rồng, quỷ thần; lời của A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la nói, tùy theo căn nguyên của họ mà thuyết pháp cho. Đó gọi là từ biện.

Thế nào gọi là ứng biện? Lúc đang thuyết pháp không có khiếp nhược, không sợ hãi, hay làm vui hòa bốn bộ chúng. Đó gọi là ứng biện.

Nay Ta sẽ dạy dỗ các thầy! Nên như Ma-ha Câu-hy-la. Vì sao thế? Câu-hy-la có bốn biện tài này, hay cùng bốn bộ chúng rộng phân biệt nói. Như ngày nay, Ta xem trong các chúng không có ai được bốn biện tài hơn Câu-hy-la. Như Lai có bốn biện tài này. Thế nên, hãy cầu phương tiện thành tựu bốn biện tài. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Khổ lạc,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.92)

Trước hết là nghĩa biện, hiểu được nghĩa lời nói của mọi loài như kinh dạy là điều vạn nan. Có nhiều trường hợp, chúng ta nghe hết những gì người khác nói nhưng chưa chắc đã hiểu thâm ý họ muốn gì. Thành ra, ngoài sự nghe hiểu thông thường cần tinh tế và sâu sắc mới có thể cảm nhận, hiểu được ý người khác nói.

Pháp biện tức thông suốt giáo pháp. Nắm vững yếu nghĩa của giáo pháp, xuyên suốt từ tục đế đến chân đế, từ hữu vi đến vô vi, từ Nguyên thủy đến Phát triển. Nhờ thông hiểu giáo pháp mới có thể diễn đạt và truyền trao một cách sáng tỏ, nhất là dung thông các quan điểm dị biệt nhằm hoằng dương Chánh pháp hữu hiệu.

Từ biện là “tùy theo căn nguyên của họ mà thuyết pháp cho”. Có nhiều đối tượng nghe pháp với căn cơ, nhận thức, hoàn cảnh, tâm lý khác nhau. Nếu quán chiếu sâu sắc, chúng ta sẽ thấy họ đều có điểm chung, đó là khổ và nhu cầu giải khổ. Vận dụng tâm từ để yêu thương và thuyết pháp hợp căn cơ, khiến cho tất cả đều được thấm nhuần và lợi ích.

Ứng biện là nói pháp vô ngại, không có khiếp nhược, không sợ hãi, ứng đối lanh lợi khiến người nghe cảm phục, hoan hỷ tùy thuận theo. Người đệ tử Phật luôn ghi nhớ và thực hành lời dạy “Hãy cầu phương tiện thành tựu bốn biện tài”. Chúng ta không cầu trọn vẹn như Tôn giả Câu-hy-la, chỉ cần một phần biện tài của ngài thôi cũng góp phần không nhỏ trong việc hoằng dương Phật pháp trong bối cảnh xã hội hiện nay.