Bỏ phí thức ăn là có tội



Tối hôm đó chương trình thời sự trên truyền hình có một đoạn tin ngắn nói về đám cưới linh đình của một gia đình thuộc tầng lớp người giàu có ở Ấn Độ. Thức ăn được dọn ra thừa mứa phải đem đổ đi khi tan tiệc cưới. Trong lúc đó đa số dân Ấn Độ rất nghèo đói, sống bữa đói bữa no rất khổ sở. Và bản tin kết thúc với câu nói của một nhà hoạt động xã hội “Việc bỏ phí thức ăn trong lúc nhiều người không có cái ăn là có tội”. Những ai có dịp viếng thăm Ấn Độ đều có thể chứng kiến cảnh nghèo đói, thiếu ăn, cơ cực của một bộ phận dân chúng kém may mắn, ở nông thôn cũng như ở các thành thị. Cảnh nhà ổ chuột bên cạnh những cao ốc sang trọng là những cảnh có thể thấy ở bất kỳ một thành phố lớn nào. Nhà ổ chuột ở Ấn Độ thì đúng nghĩa là nhà ổ chuột. Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là những tấm các-tông dựng tạm để người ta có thể chui vô chui ra (không thể thẳng người đi vô đi ra như những nhà gọi là ổ chuột ở Việt Nam ta, vẫn còn có mái được làm bằng tranh, lá hay những tấm tôn cũ sét). Người dân thiếu thốn phải đi ăn xin rất nhiều. Các đoàn hành hương từ Việt Nam sang Ấn Độ luôn luôn có chương trình phát quà từ thiện cho dân nghèo ở xứ này. Trong một đất nước còn nhiều người nghèo, thiếu ăn như vậy, thì việc một bộ phận người giàu có đem thức ăn đổ vào thùng rác thì đúng là có tội. Trên quy mô thế giới, nạn đói vẫn là một vấn đề nhức nhối. Tìm hiểu về nạn đói trên thế giới qua mạng internet, chúng ta có thể đọc thấy những số liệu như sau: - Trong các quốc gia châu Á, châu Phi, và Mỹ La-tinh có hơn 500 triệu người sống trong hoàn cảnh mà Ngân hàng Thế giới gọi là “nghèo khổ cùng cực” (absolute poverty). - Gần 50% số người đói ăn trên thế giới tập trung ở tiểu lục địa Ấn Độ; 40% ở châu Phi và phần còn lại của châu Á; 10% còn lại ở Mỹ La-tinh và một số nơi khác trên thế giới. - Mỗi năm có 15 triệu trẻ em chết đói. - Tổ chức Y tế Thế giới ước lượng có 1/3 số người trên thế giới ăn uống no đủ, 1/3 thiếu ăn và 1/3 đói ăn. Tôi nhớ có đọc được một đoạn trong sách dạy về dưỡng sinh của Ohsawa. Ông ấy nói rằng chúng ta bịnh hoạn vì chúng ta ăn quá nhiều, quá mức cần thiết. Nếu mỗi người chúng ta ăn ít đi 1/3 khối lượng thức ăn mà chúng ta ăn hằng ngày thì chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn và thế giới này sẽ không có người đói ăn. (Dĩ nhiên là với điều kiện là thế giới có được một chính sách phân phối lương thực công bằng tốt đẹp, không có chuyện ăn không hết rồi đem đổ bỏ thức ăn một cách nhẫn tâm). Nói đến chuyện trẻ em chết đói, có lẽ chẳng mấy ai trong chúng ta chưa từng nhìn thấy hình ảnh các trẻ em đang chết đói ở Ethiopia hay ở Nigeria (Phi châu). Trong một thư điện tử (e-mail) được bình chọn là thư điện tử hay nhất trong năm (voted the best email of the year), người ta có thể nhìn thấy hình ảnh những trẻ em da bọc xương, xếp một hàng dài để nhận quà cứu trợ. Có hình ảnh một em ngồi gần một đống rác và ruồi nhặng bu đầy người mà em không xua tay đuổi đi được, có lẽ vì đói quá. Kinh khủng nhất là hình ảnh một em đói gần chết, đang thoi thóp và phía sau em là mấy con kên kên đang chờ để rỉa thịt em. Những hình ảnh như vậy chắc chắn sẽ đánh động lương tâm của nhiều người.

Trong xã hội ta, việc ăn uống thừa mứa và phí phạm thức ăn cũng không phải là chuyện khó thấy. Những ai từng vào những quán ăn, quán nhậu ở đất Sài Gòn này đều có thể nhìn thấy rất rõ cảnh bỏ phí thức ăn một cách đáng xấu hổ của những thực khách ở đây. Vào quán nhậu là để uống bia rượu nhưng người ta vẫn kêu món ăn ê hề và do mải mê thù tạc chén chú chén anh, người ta không bao giờ ăn hết những đĩa thức ăn để đầy trên bàn nhậu. Khi thực khách nhậu xong, đứng dậy ra về, nhà hàng sẽ giải quyết những đĩa thức ăn đó như thế nào? Cảnh phí phạm thức ăn như vậy cũng có thể thấy rất rõ ở các nhà hàng buff et. Thức ăn luôn để đầy trong các quầy buff et và thực khách tha hồ tự chọn thức ăn đầy đĩa của mình. Tôi thường nhìn thấy nhiều người lấy thật nhiều thức ăn nhưng không ăn hết rồi lại đến quầy lấy thêm đĩa thức ăn khác. Trong lúc thực khách đang ăn thì những người phục vụ vẫn bưng dẹp đi các đĩa còn thừa thức ăn mà thực khách không ăn nữa. Những đĩa thức ăn còn thừa đó sẽ đi đâu? Nhiều người có nhận xét rằng một số người Việt Nam mình có thói quen xấu khi ăn buff et vì họ lấy thức ăn nhiều quá và ăn không hết rồi bỏ phí. Chuyện bỏ phí thức ăn cũng nhức nhối không kém ở các đám cưới. Một đám cưới thường có mấy chục bàn và thực đơn bao giờ cũng là năm hay sáu món. Đến khi món cuối được dọn lên, thường là những món để ăn no như cơm chiên hay lẩu thì thực khách đã no rồi và họ bắt đầu đứng lên để ra về. Không biết nhà bếp sẽ xử lý những món ăn này như thế nào? Có lẽ tất cả chúng ta, khi còn nhỏ ở với gia đình, đều được cha mẹ nhắc nhở về việc phải biết quý trọng hạt cơm chúng ta đang ăn với những lời dạy như “Hạt cơm là hạt ngọc của Trời, chúng ta không nên phí phạm”. Chúng ta luôn được nhắc nhở là phải vét hết cơm trong chén và thức ăn trên đĩa trước khi rời bàn ăn. Nếu còn nhỏ được cha mẹ thường xuyên nhắc nhở như vậy thì lớn lên chúng ta tránh được tật xấu bỏ phí thức ăn. Ở trường chúng ta lại được dạy những câu ca dao, những câu chuyện về công lao của người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa, hạt gạo để ta biết trân quý thức ăn nuôi sống ta hằng ngày để mà không phí phạm. “Ai ơi bưng bát cơm đầy” Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.

Vấn đề của thế giới hiện nay là sự bất công trong việc phân phối của cải vật chất. Một thiểu số người giàu có đã chiếm hữu phần lớn của cải vật chất của thế giới và nạn đói vẫn còn hoành hành ở nhiều khu vực trên trái đất này. Mặc dù những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, của phương thức sản xuất, thực phẩm không thiếu, nhưng quanh ta vẫn còn nhiều người đói ăn. Trong khả năng của từng người, chúng ta nên sống giản dị, không phung phí và phát tâm giúp đỡ những người nghèo khổ, thiếu ăn chung quanh ta. Chúng ta không làm được chuyện gì lớn lao để thay đổi được hoàn cảnh của những người thiếu đói trên trái đất này thì ít nhất chúng ta cũng tham gia làm từ thiện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh cơ cực quanh ta, trong địa phương, trong cộng đồng của mình. Trong tổ dân phố của tôi có những quỹ từ thiện rất đáng cho cư dân hảo tâm đóng góp: “Hũ gạo tình hồng” cung cấp gạo hằng tháng cho các cháu học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học; “Bữa cơm cho người già neo đơn” giúp cho các cụ già neo đơn bệnh tật không nơi nương tựa một số tiền nhỏ và một lượng gạo hằng tháng, và vài quỹ từ thiện khác nữa. Trong một buổi họp bàn về việc đóng góp cho các quỹ từ thiện trong tổ dân phố, tôi ngồi cạnh một chị bán xe bánh mì ở góc đường. Chị quay qua tôi tâm sự: “Tôi không dư dả gì. Gia đình chúng tôi bớt ăn, bớt tiêu, bớt phung phí một chút là tôi có thể đóng vào các quỹ để giúp trẻ em nghèo và các cụ già neo đơn tội nghiệp”. Quý hóa thay tấm lòng của một cư dân lao động. „


Nguyễn lai Trung