Cách nhìn của Phật giáo về lối sống thử thời nay


Ngày trước, nam nữ thanh niên không có được sự tự do để tìm hiểu về nhau trước khi kết hôn; hầu hết hôn sự là do cha mẹ quyết định. Có nhiều người đến lúc kết hôn mới biết mặt người bạn đời trăm năm của mình.

Ðấy là thời “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Ðiều này tuy có tạo nên một vài tình cảnh bất hạnh, oái oăm khi bố mẹ chọn người phối ngẫu cho con dựa vào tiền tài, địa vị xã hội, bổn phận gia đình và những vấn đề liên quan, nhưng thông thường, đại đa số bố mẹ đều cố gắng hết sức để chọn lựa cho con những người phối ngẫu mà con cái họ ưng thuận.

Để có đời sống lứa đôi hạnh phúc, lâu dài, cần bắt đầu bằng tình yêu và tiến tới hôn nhân sau khi tìm hiểu kỹ chứ không phải chọn “sống thử” trước hôn nhân một cách dễ dàng, “cầu may”, theo “phong trào”. – Ảnh minh họa

Trong xã hội ngày nay, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và do sự phát triển của xã hội, nam nữ thanh niêm trước khi kết hôn có quyền tìm hiểu và tự do gặp gỡ nhau. Lẽ dĩ nhiên tự thân của vấn đề này không có gì là sai trái, nhưng bởi vì một số nam nữ thanh niên đã không làm chủ được mình, đã tự do quá mức nên những vấn đề tiêu cực đã nảy sinh. Một số đôi nam nữ thanh niên đã rủ nhau sống thử trước hôn nhân, có nghĩa là họ sống chung với nhau như vợ chồng để xem hai người có hợp với nhau không.

Có thể khẳng định rằng, vấn đề chủ yếu mà nam nữ thanh niên muốn thử ở đây chính là vấn đề sinh hoạt giới tính, thử xem hai người có hòa hợp với nhau trong quan hệ chăn gối không. Còn những vấn đề khác chỉ là phụ, thậm chí chúng chỉ là bức màn ngụy trang cho chủ đích chính của họ mà thôi, bởi vì không nhất thiết phải sống thử với nhau mới tìm hiểu được tính cách, quan điểm sống, thói quen… của nhau.

Ðã gọi là thử thì không thể thật được, như khi ta mua áo quần, mặc thử xem có hợp không, hợp thì mua, không hợp thì trả lại, đổi cái khác. Sống thử cũng gần giống như vậy, tại vì giữa hai người không hề có một sự ràng buộc, gắn kết nào khác ngoài mối quan hệ tình cảm hết sức lỏng lẻo. Không có gì đảm bảo là chắc chắn họ sẽ đi đến hôn nhân với nhau. Một khi đã sống thử mà nhận thấy không hợp với nhau thì sao? Thì thôi, “anh đi đường anh, em đi đường em, tình nghĩa đôi ta có thế thôi”. Ðấy là nói đến những đôi nam nữ muốn sống thử thực sự. Bởi có một số trường hợp mượn danh nghĩa sống thử để lợi dụng nhau. Những trường hợp như thế thì không có một tia hy vọng nào về sự kết hôn của họ, họ chỉ làm khổ nhau mà thôi.

Những chuẩn mực đạo đức và nếp sống ở xã hội ta không cho phép nam nữ thanh niên sống với nhau như vợ chồng khi chưa được sự thừa nhận của cha mẹ hai bên, cũng như sự thừa nhận của pháp luật. Vì vậy, họ sống thử với nhau một cách dè dặt, lén lút, thế thì làm sao hai người bộc lộ rõ con người thật của mình để biết là có hợp với nhau hay không. Và một khi bị mọi người phát hiện thì họ sẽ bị cha mẹ trách mắng, bị mọi người dị nghị, bị xã hội lên án, bị ruồng bỏ. Vì thế, họ luôn sống trong tâm trạng lo âu, muốn xa lánh mọi người, và cũng đã có một số đôi nam nữ đã bất chấp tất cả, xem thường tất cả, sống bất cần đời. Như thế là họ tự hủy hoại bản thân, tự làm khổ bản thân.

Hơn nữa, khi người con gái đã trao thân cho người con trai thì rất có thể anh ta sẽ nghĩ rằng, cô này dễ dãi với mình như thế thì với những người khác cô ta cũng có thể sống chung. Thế là anh ta không còn quý mến người bạn gái của mình như trước nữa. Sự sống thử còn ảnh hưởng đến sức khỏe (không loại trừ nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây lan qua đường tình dục) và cả đến cuộc sống của hai người nếu họ còn quá trẻ. Sống thử cũng là một nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức của giới trẻ.

Khi đã sống thử mà cảm thấy không hòa hợp được với nhau, chia tay nhau thì hậu quả còn đau buồn hơn nữa, nhất là đối với phái nữ. Nếu như cô gái dùng quá nhiều thuốc ngừa thai thì có khả năng dẫn đến vô sinh. Ngược lại, nếu cô không phòng ngừa cẩn thận thì rất có thể sẽ bị mang thai ngoài ý muốn. Thường thì cô gái phải hủy bỏ phôi thai đó, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cho cô gái, thậm chí là có thể dẫn đến vô sinh và đấy là một việc làm bất nhân, thiếu hẳn tính người. Nếu như cô gái giữ lại thai nhi thì sẽ có rất nhiều khó khăn đối với cuộc sống của cô ta sau này. Và đứa trẻ được sinh ra cũng sẽ gặp nhiều bất hạnh. Ðiều này đã tạo nên gánh nặng cho xã hội.

Giả như may mắn không bị mang thai, thì cô gái cũng rất dễ bị người chồng sau này của mình không quý trọng lắm. Hơn nữa, khi hai người không đi đến hôn nhân với nhau thì quãng thời gian sống thử ấy sẽ trở thành nỗi ám ảnh trong lòng hai người, nó làm cho tình yêu không còn mà tình bạn cũng mất đi sự cao đẹp.

Mặt khác, khi sự sống thử không đi đến hôn nhân, dù cho họ có muốn rửa sạch vết nhơ cũng không đơn giản. Vì thế, họ thường nghĩ “phóng lao thì phải theo lao”, nhất là người con gái, cô ta sẽ nghĩ rằng, mình không còn gì để mất, không còn gì để phải giữ gìn nữa, dù cho mình có làm lại cuộc đời, có sống nghiêm túc thì cũng không thể nào xóa nhòa vết nhơ của quá khư. Chính suy nghĩ này đã khiến cho cô ta ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi, xem thường các chuẩn mực đạo đức, luân thường đạo lý, thậm chí cô ta còn có tư tưởng trả thù đời, tìm cách phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác, quyến rũ, mê hoặc những người đàn ông bằng sự khêu gợi dục tình, bằng niềm vui xác thịt. Thật là nguy hại vô cùng.

Chính vì những nguy hại như thế, nam nữ thanh niên không nên sống thử trước hôn nhân. Dẫu biết rằng, tình dục là quan trọng trong đời sống hôn nhân, nhưng nó không phải là tất cả. Nếu nói rằng, sống thử trước hôn nhân sẽ giúp tìm được người bạn đời phù hợp. Vậy thì tại sao ở phương Tây, rất nhiều đôi nam nữ thanh niên đã sống thử với nhau trước khi kết hôn, thế mà tỷ lệ những vụ ly hôn ngày càng gia tăng? Hơn nữa, xác suất để tìm được một người bạn đời hoàn toàn phù hợp là rất thấp. Ðể tìm được một người bạn đời phù hợp bằng cách sống thử thì hậu quả của nó là quá nghiêm trọng, cái giá phải trả cho việc làm này quá đắt, không ai dại gì mà tự dẫn mình vào con đường nguy hại ấy.

Cho nên đã đến lúc các bạn nam nữ thanh niên có tư tưởng “tiến bộ” này cần suy nghĩ lại, cần ý thức được những gì từ văn hóa ngoại nhập là đáng để học theo và những giá trị truyền thống nào cần phải được giữ gìn và phát huy, không nên học đòi một cách thiếu sáng suốt. Ðừng tự nguyện làm nô lệ cho những ham muốn thấp hèn, cho những ý nghĩ thiếu sáng suốt để rồi hủy hoại đời mình, trở thành sâu mọt trong xã hội, trở thành kẻ lạc loài.

Người viết thiết nghĩ, một khi các bạn nam nữ thanh niên tự rèn luyện nhân cách của mình, tự hoàn thiện bản thân mình, xây dựng tình yêu trên nền tảng thương yêu và trách nhiệm thì tự nhiên sẽ có được sự hòa hợp trong đời sống hôn nhân. Giả như có nảy sinh sự không hòa hợp trong tình dục thì vẫn có thể khắc phục được nếu cả hai người có thiện chí với nhau và thực sự thương yêu nhau.

Ðể có thể loại bỏ ý tưởng sống thử trước hôn nhân của một số nam nữ thanh niên, không để họ trở thành những kẻ bị xã hội ruồng bỏ và không phải đau khổ nhiều về việc làm sai trái của mình, để cho xã hội không còn những thiếu nữ trở thành nạn nhân của sự tự do quá mức, bớt đi những đứa trẻ bất hạnh ngay từ lúc chào đời, ngoài việc tự thân họ phải cố gắng để hoàn thiện chính mình thì vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội cũng không kém phần quan trọng. Có thể nói rằng, trong sự sai lạc của họ, gia đình, nhà trường và xã hội cũng có dự phần trách nhiệm.

Vì thế, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm hơn nữa trong việc chăm sóc và giáo dục con cái, không nên để cho con quá tự do trong sinh hoạt. Tạo điều kiện cho con cái tham gia vào các hoạt động tích cực để các em phát triển tốt cả về thể chất lần tinh thần. Ðặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức cho con cái thông qua sách báo, các phương tiện truyền thông và nhất là bằng tấm gương hiền thiện hết sức sinh động của chính phụ huynh trong đời sống hàng ngày. Ðôi khi cha mẹ đóng vai trò một người bạn để gần gũi tâm sự, chia sẻ với con, để động viên, khích lệ con.

Nếu cha mẹ là những người Phật tử thì nên hướng dẫn cho con đến chùa lễ Phật, khuyến khích con em mình tham gia vào các buổi học giáo lý, các khóa tu ngắn ngày hay các buổi thiền tập. Nếu được như thế thì con em họ sẽ được thấm nhuần giáo lý chân-thiện-mỹ của đạo Phật. Những lời dạy đầy ý nghĩa của Ðức Phật cũng như những tấm gương đạo hạnh của chư vị Thánh hiền, nếp sống thanh tịnh của chư Tăng, lòng tốt của bạn đạo sẽ dần dần tác động vào tâm thức cũng như vào lời nói, việc làm của các em, sẽ đánh thức lương tri của các em, làm cho các em biết thương yêu và tôn trọng mọi người, có trách nhiệm đối với cuộc sống của mình, có trách nhiệm với những gì các em đã làm, đang làm và sẽ làm. Khi các em đã có ý thức trách nhiệm, biết thương yêu và tôn trọng mọi người thì các em sẽ không làm những điều sai trái, khổ mình và hại người, các em sẽ không rủ nhau sống thử nữa.

Nhà trường và xã hội cũng nên có những biện pháp đủ mạnh và thiết thực hơn để giúp nam nữ thanh niên có một nếp sống lành mạnh, vừa đem lại niềm vui cho bản thân vừa đóng góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương. Ðối với nhà trường, ngoài việc tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, cần tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động xã hội, đổi mới nội dung giáo dục, nên lồng ghép hoặc đưa trực tiếp các nội dung giáo dục về giới tính vào trong nội dung dạy học sao cho phù hợp với từng cấp học, bậc học để giáo dục cho thanh thiếu niên. Ðừng để thanh thiếu niên bị mù mờ về vấn đề tế nhị này rồi sinh tò mò, tự tìm hiểu, tự làm thử thì nguy hiểm vô cùng.

Về phía xã hội thì cần phải nghiêm khắc hơn nữa đối với những vấn đề có nguy cơ dẫn đến loại hình sinh hoạt tình dục không lành mạnh. Cần tạo dư luận lên án mạnh mẽ những nếp sống đồi trụy, những con người bị suy thoái đạo đức, sống thừa, sống lạc loài trong xã hội. Tuy nhiên, khi họ đã có sự hối cải, muốn làm lại cuộc đời thì không nên xa lánh và khinh miệt họ mà nên gần gũi động viên, khích lệ họ, tạo điều kiện cho họ hòa nhập với cộng đồng.

Và người viết cũng muốn nói thêm rằng, những ai đã lỡ bước lầm đường, đã lỡ sống thử thì đừng vội kết tội mình, đừng nghĩ rằng mình đã mất tất cả, mình không còn cơ hội để sửa đổi. Không đâu, bạn vẫn có thể trở thành một người tốt, vẫn có thể được mọi người quý mến nếu bạn thật lòng muốn sửa đổi. Con người ta có lầm lỗi cũng tương tự như cái áo bị dính bụi, nếu mình giặt nó, tuy là không được như lúc ban đầu, nhưng dù sao thì nó cũng sạch hơn là khi không giặt, sạch hơn là cứ mãi để cho bụi bám vào, phải vậy không bạn?

Ðức Phật đã dạy “Quay đầu là bờ”, “Buông dao đồ tể, lập địa thành Phật”. Trong tác phẩm Mùa lạc của Nguyễn Khải, có một câu văn rất hay: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy”. Thế đấy bạn ạ! Ðừng vội nản lòng, hãy cố gắng lên để làm lại cuộc đời, để rửa sạch những vết nhơ đã vướng phải.

Mong sao mọi người đều được sống trong an lành, hạnh phúc, biết cảm thông và chia sẻ với nhau, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày thêm tốt đẹp.