Tiêu nghiệp vãng sinh và đới nghiệp vãng sinh
Gần đây nhiều nơi đã sôi nổi tranh luận về hai vấn đề liên quan đến Tịnh Độ tông. Một thuyết cho rằng muốn được vãng sinh cần phải tiêu trừ hết vọng nghiệp (tiêu nghiệp vãng sinh), một thuyết khác cho rằng không cần phải tiêu trừ hết vọng nghiệp mà có thể mang nghiệp vãng sinh (đới nghiệp vãng sinh). Cả hai thuyết đều có lí riêng, chẳng thể dung hòa.
Người theo quan điểm tiêu nghiệp vãng sinh nói: Đới nghiệp vãng sinh là một lập luận tai hại, nó không chỉ phá hoại ước nguyện lâm chung được vãng sinh của hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ mà còn hại đến sự nghiêm tịnh của toàn thể tông Tịnh Độ. Vì bản thân của nghiệp chính là nhiễm ô, là chướng ngại, cùng với Tịnh Độ đã không xứng hợp mà còn là nhân chướng đạo, thế thì làm sao có thể mang nghiệp mà vãng sinh cõi Phật Tây phương? Vì thế, trong kinh điển, Phật và Bồ-tát chưa bao giờ nói ‘đới nghiệp vãng sinh’. Đây là một tư tưởng vô cùng sai lầm.
Người theo quan điểm đới nghiệp vãng sinh thì nói: Từ đới nghiệp vãng sinh tuy không phải Phật và Bồ-tát trực tiếp nói nhưng trong kinh luận không phải là không bao hàm ý này. Kinh Na-tiên tì-kheo nói: “Như đặt tảng đá lớn trên chiếc thuyền, nhờ sức chở của thuyền mà đá không bị chìm, nếu không có thuyền thì dù hòn đá nhỏ cũng chìm”. Đá dụ cho người đã tạo nghiệp, thuyền dụ cho nguyện lực của Phật. Đó không phải là minh chứng rất rõ ràng nhờ lực Phật mà có thể đới nghiệp vãng sinh sao? Vì thế hành giả Tịnh Độ tông chỉ cần tin sâu nguyện thiết, nhất tâm niệm Phật, không cần phải tiêu nghiệp, khi lâm chung nhất định vãng sinh. Lập luận tiêu nghiệp vãng sinh là ma nói, chẳng nên tin, cần phải bài trừ.
Như thế ai cũng cố chấp vào quan điểm của mình không bỏ, làm cho hành giả Tịnh tông không có một đường hướng nhất quán, khiến người hậu học không biết đâu mà nương theo, không biết tu như thế nào là đúng. Vì thế cần phải đưa ra một kết luận chính xác, quét sạch đám mây nghi ngờ, để có một chính kiến giúp hậu học không bị lạc đường.
Muốn phán quyết vấn đề này, trước phải làm rõ xuất xứ của hai quan điểm, sau đó so sánh biện luận thì sẽ dễ dàng thấy được mâu thuẫn tồn tại, rồi từ đó qui nạp, đưa ra kết luận chính xác.
Quan điểm tiêu nghiệp vãng sinh.
1. Thấy gần đây, người tu theo Tịnh Độ không chịu chân thật niệm Phật mà thực hành hai khóa sớm tối theo chúng một cách nhàn hạ, khi xong một thời thì tính là việc niệm Phật đã xong, không cần tiếp tục dụng công niệm Phật để cải tạo tập khí hư vọng tham luyến chấp trước, chuyển đổi vọng tâm, vọng niệm của mình để lắng trong tâm cấu nhiễm mà thường đem trách nhiệm vãng sinh tịnh độ trong tương lai giao phó cho đức Phật A-di-đà.
Nếu lâm chung mà không thấy Phật, Bồ-tát đến tiếp dẫn, không sinh về Tây phương thì đổ trách nhiệm cho Phật và Bồ-tát. Nhân điều này, đại sư Liên Trì từng than: “Người niệm Phật thì nhiều mà người được sinh về Tây Phương thì ít”. Đó là do hành giả niệm Phật, tâm không chuyên nhất tha thiết, chỉ thích dễ dàng mà bỏ quên mình. Vì thế cần phải đánh tiếng chuông cảnh tỉnh, đề xướng “tiêu nghiệp vãng sinh” để cảnh tỉnh quần chúng niệm Phật đang mộng mị.
2. Hiện nay rất nhiều người niệm Phật hiểu lầm về hàm nghĩa của đới nghiệp vãng sinh. Họ cho rằng chỉ cần chúng ta có tín có nguyện và thực hành khóa tụng sáng tối, thì dù có làm một vài việc không được tốt thì cũng không có gì đáng ngại, nhất định có thể đới nghiệp vãng sinh!
Một hôm, người viết thấy rất nhiều người phơi cá, phơi tôm ở nhà họ Thẩm liền hỏi:
- Vùng Chu sơn chẳng phải đa phần là theo Phật giáo sao?
Đáp:
-Vâng, chúng tôi đều là tín đồ Phật giáo.
Tôi hỏi một cách nghi ngờ:
-Thế thì vì sao quí vị còn sát sinh?
Đáp:
- Chúng tôi là đới nghiệp vãng sinh.
Họ hiểu từ ‘đới nghiệp vãng sinh’ như thế, lẽ nào chẳng phải đã hủy hoại hình tượng thánh thiện, thanh khiết của Tịnh tông?
3. Vì thanh trừ những tập tục hủ lậu tạp nhiễm không tốt gần đây của Tịnh tông, vì chấn hưng Phật giáo, cùng bảo vệ yếu chỉ của Tịnh tông khỏi bị mai một dẫn đến tiêu vong nên phải đề cao tiêu nghiệp vãng sinh, nhằm cảnh tỉnh và hi vọng hành giả Tịnh tông có thể chân thật vãng sinh mà chẳng phải phải hô suông khẩu hiệu.
Quan điểm đới nghiệp vãng sinh
1. Sợ người cho pháp môn Tịnh Độ là khó mà không dám tin và hành trì, làm thương tổn Tịnh tông, đoạn mất tuệ mạng của chúng sinh.
2. Hiểu lầm, cho rằng tiêu nghiệp vãng sinh khó thực hành, không biết như thế nào mới tiêu nghiệp, mới được vãng sinh? Đa phần mọi người cho rằng cần phải trừ sạch vô minh, nghiệp hết, tình không mới gọi là tiêu nghiệp. Như thế chẳng phải là quá khó, bao nhiêu người có thể làm được? Vì thế cần phải kiên quyết phản đối.
3. Chưa hiểu một cách chính xác tinh nghĩa nội hàm trong đới nghiệp vãng sinh, chỉ biết đới nghiệp vãng sinh là dễ dàng, mà không biết nghiệp mang theo để vãng sinh là nghiệp gì? Lại không hiểu rõ khi hướng tâm niệm Phật chính là chỗ gần gũi thiết thật nhất để tâm nghiệp của mình tiêu trừ, là chính nhân vãng sinh trong tương lai.
Xét hai quan điểm đã thuật ở trên, bất luận là người chủ trương tiêu nghiệp vãng sinh hay là người chủ trương đới nghiệp vãng sinh đều xuất phát từ ý tốt, đều là vì bảo hộ hành giả Tịnh Độ tông có thể chân thật vãng sinh Tây phương, không phải lầm lẫn đưa đến thất bại. Mục đích chính vốn hoàn toàn giống nhau, không trái nghịch thì đâu khó gì mà không dung hợp để đi đến một kết luận nhất trí?
Muốn đi đến một kết luận nhất trí, trước nên bắt đầu thảo luận từ chữ ‘nghiệp’, bởi vấn để trung tâm của hai luận thuyết này là nghiệp. Nghiệp là gì? Khởi tín luận nói: “Vô minh là nhân sinh tam tế. Tướng thứ nhất của tam tế là nghiệp tướng. Nghiệp tướng là gì? Nguyên lai chúng ta từ vô thỉ đến nay không giữ được thể tính chân như, vô minh mê hoặc, bất giác tâm động, đó chính là nghiệp”. Vì thế, nghiệp nghĩa là động tác, kinh gọi là ‘hoặc nghiệp’. ‘Tướng’ nghĩa là nhân tâm động che mờ Bản giác viên minh, từ Chân như vốn vô tướng biến thành vọng tướng hư không, tứ đại, tức là tướng phần mà Pháp Tướng tông đề cập; từ trí quang vốn có biến thành năng kiến hư vọng, tức là kiến phần. Vạn pháp trong thế giới của hết thảy chúng sinh đều nương vào hai phần kiến tướng mà hình thành. Hai phần này cũng tức là năng kiến tướng và cảnh giới tướng là tướng tế thứ hai và thứ ba trong Khởi tín luận.
Từ đó có thể biết nghiệp chính là tạo tác. Chúng sinh mê, ngộ bất đồng, tạo nghiệp cũng sai khác, chiêu cảm quả báo cũng chẳng giống nhau. Nghiệp mà phàm phu tạo là nghiệp hữu lậu, cảm quả báo phần đoạn sinh tử trong ba cõi sáu đường. Nghiệp Nhị thừa tạo là vô lậu nghiệp cảm quả báo ở cõi Phương tiện hữu dư y. Bồ-tát tạo nghiệp chẳng phải hữu lậu, chẳng phải vô lậu, cảm quả báo ở cõi Thật báo trang nghiêm.
Phàm phu vì quá si mê, chấp cảnh huyễn cho là thật có, mê giả tướng nhận là chân, vì thỏa mãn tư dục của chính mình, không ngại tạo các ác nghiệp, nên sinh tử không dứt, luân hồi vần xoay, nay muốn vãng sinh Tịnh độ, hoành siêu Tam giới, nếu không nhổ gốc rễ sinh tử này (mê tướng mà vọng động tạo nghiệp) thì làm sao có thể chân chính đạt được tâm nguyện vãng sinh Tịnh độ?
Có người nói:
- Vãng sinh tịnh độ là dựa vào nguyện lực từ bi rộng sâu của đức Phật A-di-đà tiếp dẫn thì cần gì phải tiêu nghiệp mới có thể vãng sinh?
Đáp:
- Hoặc nghiệp bất tịnh, thế lực của nó khiến chúng sinh tham đắm luyến ái hết thảy giả tướng ở thế giới Ta-bà, Đức Phật dù có đến tiếp dẫn nhưng vì tâm nghiệp tạp nhiễm mà chẳng thấy Phật, lạc mất cơ hội tốt vãng sinh. Vĩnh Minh Diên Thọ thiền sư nói: “Phật như mặt trăng ở trên trời, ảnh hiện nghìn sông vạn dòng, nhưng do nước đục chẳng thấy trăng. Tâm người niệm Phật nếu không thanh tịnh sáng suốt thì giống như nước đục không thể thấy mặt trăng, người ấy không thể thấy Phật”. Lâm chung không thấy Phật thì làm sao mà vãng sinh?! Có nhiều người niệm Phật hoặc vì tham đắm tiền tài bảo vật mà lạc đọa làm quỉ giữ tiền; hoặc nhân luyến ái vợ con mà đọa thành quỉ giữ nhà. Hoặc tham luyến thân thể và thích phần mộ đẹp đẽ của mình mà thành quỉ giữ thây…Cổ đức nói: “Không thể vừa ôm cọc vừa chèo thuyền”. Ý câu này nói rằng nếu như chúng ta muốn vãng sinh Tây phương nhưng lại tham luyến thế giới Ta-bà không buông bỏ thì giống như ôm lấy cây cọc ở bờ này mà lại muốn chèo thuyền qua bờ kia thì dù có vận hết sức để chèo, thuyền cũng không thể tiến về phía trước. Như thế làm sao có thể sinh về Tây phương?
Nói như thế, sinh Tây phương há chẳng phải rất khó sao? Chẳng có gì khó! Đức Phật dạy: “Niệm một câu thánh hiệu Di-đà có thể tiêu trừ tội nặng trong tám mươi ức kiếp sinh tử”. Nay chúng ta hằng ngày niệm Phật, giờ giờ niệm Phật, đâu chỉ một câu danh hiệu thì còn sợ tội nghiệp nào chẳng tiêu trừ? Thế thì, tiêu nghiệp vãng sinh có gì khó? Chỉ cần chúng ta thấy được hết thảy âm thanh, hình sắc, tài vật, lợi dưỡng, vợ con….như mộng, như huyễn, như bọt bóng ảo ảnh, chẳng chút chân thật mà bỏ tâm tham luyến; ngược lại dụng toàn tâm lực thực hành pháp niệm Phật, tâm niệm tai nghe một cách tinh cần khần thiết thì nghiệp lớn nào mà chẳng tiêu?
Hỏi: Vì sao lại dễ như thế?
- Vì nghiệp từ tâm sinh, chẳng phải nơi nào khác đến. Như nay chúng ta tâm tâm chẳng khác, niệm niệm tại Phật. Phật chính là tâm, tâm chính là Phật, toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, còn chỗ nào để nghiệp trụ?
Lại hỏi:
- Ngay nơi sát-na chúng ta lâm chung thấy được Phật A-di-đà cùng các thánh chúng đến tiếp dẫn, nếu những người không thấy thì còn có nghiệp gì và không có nghiệp gì? Chẳng phải là vì thường ngày chúng ta niệm Phật đã làm cho nghiệp tiêu hết rồi sao? Cũng chẳng phải là từ tâm của Phật, Bồ-tát nhiếp thọ, khiến nghiệp của chúng ta được tiêu trừ rồi sao?
Đáp:
- Điều vừa nói giống như lập luận tiêu nghiệp vãng sinh đứng vững, thế thì luận đới nghiệp vãng sinh lẽ nào đã lầm lạc? Không! Đới nghiệp vãng sinh cũng chẳng sai lầm. Chúng ta sở dĩ được vãng sinh là nhờ vào công phu niệm Phật thuần thục, không còn tham luyến buộc ràng ở cõi Ta-bà. Điều đó, thuật ngữ gọi là “tịnh nghiệp thành thục”. Tịnh nghiệp ấy tuy chẳng phải là nhiễm nghiệp, những cũng là nghiệp, mang nghiệp này mà vãng sinh, lẽ nào chẳng phải đới nghiệp vãng sinh?
Người hạ phẩm vãng sinh, tâm chưa hoàn toàn thanh tịnh, còn có chấp tướng, còn có xứ sở, còn có sinh tại, vì thế chỉ có thể vãng sinh ở cõi phàm thánh đồng cư. Chữ ‘phàm’ này thật chỉ cho chúng sinh đới nghiệp vãng sinh. Nếu là thượng phẩm thì sanh tức vô sanh, vô sanh tức sanh, một phương tức là mười phương, mười phương tức là một phương, tịnh uế không khác, đông tây chẳng hai, tâm không ý tịnh mà chẳng thấy không tịnh, tuyệt học vô vi mà chẳng có vô vi, cũng chính là chẳng có chỗ để gọi là đới nghiệp hay không đới nghiệp. Không đới nghiệp chẳng phải là nghiệp đã tiêu trừ hết sao?
Hoặc có người nói: Tịnh nghiệp thành thục mà gọi là đới nghiệp vãng sinh, tựa hồ như có chút miễn cưỡng? Thế thì chúng ta tiến thêm một bước nữa là xét đến vấn đề nhiễm nghiệp mà mọi người thường cho là đới nghiệp vãng sinh. Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta mê mà chẳng giác, chấp tướng sâu nặng, cấu nhiễm tràn đầy, nay tuy chuyên cần dụng công niệm Phật, có chút giác ngộ, hiểu được pháp thế và xuất thế đều bất khả đắc, nghiệp chướng tội khiên lại như hoa đốm hư không, như trăng dưới nước, vốn không thật có. Tuy ngộ được lí nhưng tập khí đã được huân bao đời khó có thể một mai trừ sạch mà phải dụng công lâu ngày, dần dần phá trừ mới có thể dần đến thượng thừa. Hoàn toàn chẳng phải ngay lập tức có thể phá trừ vô minh nghiệp chướng một cách triệt để.
Ở Thiền tông, người khai ngộ gọi là chứng Sơ địa, là Kiến Đạo vị; tại Pháp Tướng tông là thông đạt vị. Sau đó là Tu Đạo vị, nghĩa là từ Nhị Địa đến Thập Địa, và từ Thập Địa trở lên đến Phật quả là Cứu Cánh vị. Ở giai đoạn Tu Đạo vị, hành giả phải nỗ lực dụng công phá trừ từng phần vô minh tập chướng mới có thể thăng tiến từng địa. Ai có thể một đời thành tựu, tiêu sạch vô minh đốn chứng Phật quả?
Trong kinh nói Đẳng giác bồ-tát còn có một phần vô minh sau cùng chưa đoạn tận. Phần vô minh ấy chẳng phải là nghiệp sao? Đẳng giác bồ-tát còn mang nghiệp, thì ai có thể một đời chứng đắc Đẳng giác bồ-tát? Mang một chút dư nghiệp để vãng sinh, phải chăng là đới nghiệp vãng sinh? Thế nên nói đới nghiệp vãng sinh là chính xác, chẳng qua chỉ hiểu lầm hàm ý, ngộ nhận cho rằng niệm Phật cũng có thể làm vài việc ác và nhất định có thể đới nghiệp vãng sinh.
Nói tóm lại, chúng ta niệm Phật chính là thực hành công phu làm tiêu nghiệp chướng. Vãng sinh Tịnh Độ chính là tiêu trừ hoặc nghiệp mà được. Song nghiệp ấy là nhờ năng lực từ bi của Phật để tiêu trừ vì thế chẳng phải là khó. Chúng ta chẳng nên sợ hãi, hoài nghi với luận điểm tiêu nghiệp vãng sinh, và càng không nên nhân sự hoài nghi sợ hãi mà vội vã phản đối quyết liệt. Đồng thời người giữ quan điểm tiêu nghiệp vãng sinh cũng không nên chấp trước trong kinh Đức Phật không nói đới nghiệp vãng sinh mà phản đối đới nghiệp vãng sinh, bài xích cho là ma nói, khiến cho mọi người không yên tâm, như vậy là không thích đáng.
Nên biết, thời đại chẳng đồng, tư tưởng và phương thức biểu đạt cũng khác, cách dùng từ ngữ đương nhiên cũng tùy thời mà chẳng đồng. Phật viên tịch đã hơn hai nghìn năm, thời ấy tuy không nói từ ‘đới nghiệp vãng sinh’, nhưng chỉ cần trong kinh văn bao hàm ý này là được. Xét trên mặt luận chứng, đới nghiệp vãng sinh và tiêu nghiệp vãng sinh tựa hồ như khác nhau nhưng thật chất hoàn toàn không khác, trong tiêu nghiệp có đới nghiệp, trong đới nghiệp có tiêu nghiệp, là một mà hai, là hai mà một, không hề có mâu thuẫn, không cần phải tranh luận.
Ngoài ra, trong những lần tranh luận, cũng có người chủ trương đới nghiệp vãng sinh là chỉ túc nghiệp mà vãng sinh chứ không mang hiện nghiệp. Đương nhiên, luận điểm này được xuất phát từ thiện ý, sợ người hiểu lầm sau khi niệm Phật tu hành vẫn có thể làm những việc ác, khiến mất đi cơ duyên vãng sinh. Nhưng xét từ thực chất của lập luận, ý này tựa như chưa được thỏa mãn. Bởi túc nghiệp và hiện nghiệp chẳng qua là nghiệp được tạo từ quá khứ và nghiệp hiện nay đang tạo. Từ phàm phu vọng niệm mà thấy có ba thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai, nên tựa hồ như nghĩa ấy chính xác, hợp lí, song từ Chân như thật tế mà nhìn thì quá khứ, hiện tại, vị lai vốn không tồn tại.
Kinh Kim cương nói: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại, tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc”, chính là nói tâm trong ba thời gian ấy đều là vọng niệm huyễn hiện, mà thật chẳng thể đắc. Bởi ba thời gian ấy lấy hiện tại làm mốc mà phân thành quá khứ và vị lai, nhưng hiện tại không cố định, vừa mới nói hiện tại đã thành quá khứ. Chúng ta thử xem đồng hồ, từng giây từng giây chuyển động, làm sao có một hiện tại đứng yên? Hiện tại đã không có chỗ đứng thế thì làm sao có quá khứ và vị lai? Vì thế, kinh Hoa nghiêm nói: “Mười cảnh giới xưa nay trọn không rời đương niệm”, nghĩa là ngay nơi một niệm tâm không. Đó gọi là quá khứ và vị lai đều như hoa đốm hư không vốn không thật có, thế thì chỗ nào tìm được ba thời gian? Ba thời gian đã bất khả đắc, vậy không nên nói chỉ mang nghiệp quá khứ mà vãng sinh chứ không mang nghiệp hiện tại mà vãng sinh.
Lại nữa, như ở trên đã nói, nghiệp nghĩa là động tác, không chỉ là làm những việc ác mới gọi là nghiệp mà làm việc thiện cũng gọi là nghiệp. Một đời chúng ta không biết đã tạo bao nhiêu nghiệp; vả lại chẳng phải là thánh hiền thì ai không có lỗi? Nếu đã lỡ tạo những việc ác sợ rằng khó tránh khỏi tội báo. Hoặc có lúc để tâm làm những việc tốt nhưng lại trở thành việc ác hại người; hoặc có lúc làm những việc ác mà chính mình không hề biết. Nếu nói đới nghiệp vãng sinh là chỉ mang nghiệp quá khứ mà không mang nghiệp hiện tại, thế thì những người ấy không kể là làm việc tốt hay việc xấu trong hiện tại, lẽ nào đều chẳng được vãng sinh?
- Nếu thật như thế thì vì sao kinh Quán vô lượng thọ Phật lại nói: “Dù có người tạo tội ngũ nghịch, thập ác, khi lâm chung nếu gặp thiện tri thức khai thị khiến họ nhất tâm sám hội thì trong mười niệm cũng được vãng sinh”?
- Phật không nói dối, kinh chẳng ghi suông, người mang tội ngũ nghịch thập ác khi lâm chung nếu nhất tâm niệm Phật trong mười niệm cũng được vãng sinh. Đó chẳng phải là chứng minh cho lập luận đới nghiệp hiện tại cũng có thể vãng sinh sao? Do đó có thể biết đới nghiệp vãng sinh là không phân biệt túc nghiệp hay hiện nghiệp. ‘Nghiệp’ vốn là do vô minh vọng động của chúng ta tạo nên, nay đã tỉnh ngộ, lấy ánh sáng trí tuệ soi chiếu, thì chẳng kể là nghiệp đã tạo tác từ những đời trước hay những nghiệp đã tạo tác từ đời này đều tiêu trừ. Đó gọi là “tâm tịnh nghiệp tiêu” nên người tạo tội ngũ nghịch, thập ác trong mười niệm khi lâm chung có thể vãng sinh. Việc này giống như một gian nhà tối, không kể là quí vị đã đóng cửa bao nhiêu năm cho đến bây giờ, nhưng một khi mở cửa hay thắp đèn thì bóng tối liền tiêu, nó đâu có phân thành bóng tối hiện tại, bóng tối quá khứ?
Nói đến điều này, có người muốn hỏi:
- Đành rằng nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ có thể tiêu trừ, vì sao ở trên lại nói đến mang dư nghiệp để vãng sinh?
- Câu hỏi này rất hay! Nghiệp đều đã tiêu hết thì còn có nghiệp nào sót lại mà mang? Nên biết, bóng tối trong phòng, tuy nhanh chóng bị biến mất bởi ánh sáng, nhưng do đóng cửa lâu năm, nhưng mùi ẩm mốc nhất thời còn chưa trừ được, phải đợi một thời gian nhờ gió sự thông thoáng và quét dọn vệ sinh, dần dần mới mất mùi mốc. Việc nhất thời chưa thể trừ được mùi ẩm mốc giống như chúng ta chưa tận trừ hết các dư nghiệp, cho nên phải đới nghiệp vãng sinh là vậy.
Chúng tôi biện minh một vài vấn đề, hi vọng những người ngộ nhận hành pháp niệm Phật chỉ là hai thời sáng tối hiểu rõ để cải chính. Ngoài hai thời khóa còn phải biết nhiếp tâm đoan tọa niệm Phật. Cổ đức dạy chúng ta mỗi ngày phải niệm mười vạn danh hiệu Phật, chính là hi vọng tâm chúng ta không giải đãi, mà đem tâm vọng chuyển thành tâm Phật, tạo nên một tư lương chắc thật cho lộ trình vãng sinh sau này. Lại trong cuộc sống phải thường tâm niệm: “Không làm các điều ác, siêng làm các việc lành”, được như thế thì nhất định vạn người niệm Phật thì vạn người vãng Tây phương, còn phải lo nghĩ sợ hãi gì nữa? Chúc mọi người tự tại an lạc, thượng phẩm vãng sinh!