Cách rút tỉa chân nhang, văn khấn lau dọn ban thờ
Một số lưu ý khi rút tỉa chân hương dọn dẹp ban thờ
1. Người bao sái :
Ai cũng có thể bao sái ban thờ. Nhưng nếu trong nhà chọn được người chỉnh chu, có tâm trong công việc thờ cúng thì rất tốt, bởi ban thờ tổ tiên là nơi linh thiêng, việc bao sái ban thờ, tỉa chân hương cần làm tỉ mỉ, sạch sẽ và thành kính. Tuy nhiên người bao sái là đàn ông thì tốt hơn còn nếu nhà neo người thì người bao sái cũng có thể là phụ nữ. Trước khi bao sái, người được chọn nên tắm rửa sạch sẽ rồi hãy bắt đầu công việc.
2. Chuẩn bị đồ dùng để bao sái :
Đồ dùng để bao sái bao gồm chậu, khăn, nước ấm, rượu và gừng. Nếu bao sái Phật thì dùng nước ấm không được dùng rượu gừng. Lưu ý những đồ dùng để bao sái nên là đồ riêng không được sử dụng vào việc khác. Các bạn nên chuẩn bị chậu, khăn riêng cho việc lau dọn ban thờ không nên dùng chung vào việc sinh hoạt của gia đình.
3. Xin phép trước khi bao sái:
Trước khi bao sái các bạn nên chuẩn bị mâm ngũ quả, bánh kẹo... sắp xếp trên ban thờ đầy đủ, thắp hương xin phép gia tiên. Các bạn tham khảo :
Văn khấn rút tỉa chân nhang lau dọn ban thờ
4. Cách bao sái ban thờ :
Thường thì bát hương và tượng Phật khi đã an vị rồi thì chúng ta không nên xê dịch, hay chuyển đi, trừ trường hợp có các thầy làm giúp vì sau khi bao sái các thầy sẽ làm lễ an vị Bát Hương và an vị Phật lại. Nếu tự mình làm thì các bạn chỉ nên lau dọn bát hương và tượng Phật mà không làm xê dịch hay xoay hướng. Rửa sạch hai tay bằng rượu gừng, dùng một tay giữ chặt bát hương xuống tránh cho bát hương bị xê dịch. Lấy khăn khô, chổi khô lau quét toàn bộ bụi trên miệng, xung quanh bát hương xuống bàn thờ.
Sau khi lau dọn, lấy 2 tay rút tỉa từng chân hương cho tới khi chân hương còn số lẻ 1 / 3 / 5 / 7 / 9. Thường bát hương thần linh cần để lại 5 chân hương (ngũ hành tề tụ). Bát hương khác để lại 3 chân hương (sinh tài).
Chỗ chân hương rút ra để vào xô riêng, sau khi làm xong việc bao sái ta mang hóa thành tro, không nên thả ra sông làm ô nhiễm môi trường.
Lấy một khăn sạch khô lau dọn tàn từ chân hương cũ rơi xuống, rồi dùng khăn ngâm rượu gừng lau lại một lần xung quanh bát hương là hoàn thành.
Lấy khăn khô lau và thu dọn toàn bộ bụi, tro trên bàn thờ xuống. Lấy một chiếc khăn sạch khác cũng đã ngâm rượu lau lại toàn bộ bàn thờ, sau đó lại dùng khăn khô lau lại một lần nữa.
Đặt lại đồ thờ cúng, thay nước, thay chum gạo muối (nếu có), khấn xin thỉnh các Ngài về, báo cáo tín chủ con đã xong việc.
Nếu nhà có ban thờ Phật, tượng Phật, ảnh Phật thì không dùng rượu để lau, mà nên dùng khăn thấm nước sạch đã được ngâm cánh hoa hồng vàng để lau. Nếu không có thì nước ngũ vị hương hay nước trắng bình thường cũng được.
Tham khảo thêm :
Văn khấn giao thừa trong nhà và ngoài trời
Chúc các bạn tinh tấn!