Tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên ở Việt Nam Một vài kiến nghị, đề xuất


Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc. Bên cạnh các tôn giáo lớn như: Phật giáo, Công giáo, Hòa Hảo...còn có hệ thống tín ngưỡng dân gian rất phong phú, đa dạng như: Tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Anh hùng dân tộc; Tín ngưỡng thờ Thần Tài, thờ Tổ nghề(1)..v.v..nhưng tiêu biểu nhất vẫn là tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên (TCTT). Tín ngưỡng này tồn tại, gắn kết, thẩm thấu vào các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng khác; tồn tại, phát triển qua các thời kỳ lịch sử dân tộc. Do vậy, TCTT là hiện tượng xã hội có tính phổ biến, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đã và vẫn chiếm được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người Việt; lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, dù sống ở trong nước hay ở nước ngoài. Đó là sự bồi lắng, kết tụ những giá trị đạo đức quý báu của con người Việt Nam.

Là một loại hình tín ngưỡng đã tồn tại ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có nước ta, Tín ngưỡng TCTT là một sản phẩm đặc biệt của văn hóa tinh thần mà qua thời gian đã trở thành một phong tục truyền thống mang tính đặc trưng của người Việt; mặc dù là hình thái của phép ứng xử, nhưng không phải là ứng xử giữa người với người mà là giữa con người với những giá trị tâm linh. Chính vì lẽ đó, TCTT có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống của nhân dân ta, là một trong các thành tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng có của nền văn hóa Việt Nam.

Khái niệm, đặc điểm Tín ngưỡng TCTT

Tín ngưỡng là sự tin tưởng, ngưỡng mộ và sùng bái thần thánh, đấng siêu nhiên có ảnh hưởng, chi phối đến đời sống của con người; là một sản phẩm văn hoá do mối quan hệ giữa người với người, con người với tự nhiên, với xã hội tạo thành. Ở đâu có niềm tin thì ở đó hình thành tôn giáo, tín ngưỡng. Tín ngưỡng TCTT là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, được hình thành rất sớm, tồn tại lâu dài trong xã hội và được thể hiện thông qua nghi lễ thờ cúng của mỗi người, mỗi gia đình và mỗi cộng đồng xã hội. Không quy định phức tạp như tôn giáo, tín ngưỡng TCTT có nội dung bình dị và thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ; bởi thế nó dễ dàng được thế tục hóa trở thành nếp sống, phong tục, bám rễ sâu trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam. Theo Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2004:“Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thể hiện sự tôn thờ Tổ tiên; tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng; thờ cúng thần, thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội”.

Theo từ điển Tiếng Việt, Tổ tiên là những người thuộc những thế hệ đầu tiên của một dòng họ hay một dân tộc, đã qua đời, như: cha mẹ, ông bà, cụ kỵ…Họ là những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng người đang sống; các bà Cô, ông Mãnh (ông Hoàng), là những người thân thích trong dòng họ, chết trẻ hoặc chết vào giờ linh thiêng(2)…có ảnh hưởng to lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của thế hệ đang sống và các thế hệ sau này. Trong quá trình phát triển của lịch sử, khái niệm này cũng có sự biến đổi, phát triển. Nó không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi huyết thống gia đình, dòng tộc... mà đã mở rộng ra phạm vi cộng đồng, xã hội. Sự hình thành và phát triển của đất nước, dân tộc còn gắn liền với tên tuổi của những người có công tạo dựng, gìn giữ cuộc sống của cộng đồng(3), của dân tộc Việt Nam, được nhân dân tự nguyện tôn thờ. Họ là những vị vua, những anh hùng, những danh nhân văn hóa…trong lịch sử, đã có công đánh giặc, xây dựng, bảo vệ quê hương, kiến thiết đất nước, khi sống được tôn sùng, kính nể, khi mất được nhân dân tưởng nhớ, thờ phụng…như là: Vua Hùng, là người sinh ra các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam và Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày giỗ quan trọng nhất của người Việt Nam, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012; là Ngài Trần Hưng Đạo, với chiến công hiển hách 3 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông, được nhân dân gọi là "Cha" và thờ phụng, tổ chức cúng, giỗ vào tháng 8 (AL) hàng năm(4)...v.v…Ngày nay, ngày càng nhiều nơi trong cả nước, nhân dân đã lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Với tấm gương, đạo đức sáng ngời và những công lao to lớn của Người đối với đất nước, với dân tộc; Người đã trở thành con người vĩ đại nhất của thời đại; xứng đáng trở thành vị Quốc tổ thế kỷ 20 và của thời đại mới kế thừa truyền thống lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của cha ông ta.

Chính vì vậy, với mỗi người dân Việt Nam, TCTT đã trở thành một nhu cầu tình cảm thiết yếu, một sinh hoạt truyền thống thể hiện lòng biết ơn cội nguồn, biết ơn Tổ tiên trước mỗi bước đi lên. Vì thế TCTT đã được giữ gìn, bảo tồn qua các thăng trầm của lịch sử, ăn sâu vào trong tâm thức của từng người dân bất chấp mọi mưu đồ xâm lược, đồng hóa của giặc ngoại xâm. Tín ngưỡng TCTT giống Tín ngưỡng thờ các danh nhân, anh hùng dân tộc ở chỗ, người được thờ phụng đều là nhân vật có thật trong lịch sử, “sinh vi tướng, tử vi thần”, khi thác đi, các ngài được coi là thần thánh, là thần tượng và việc thờ cúng đều nhằm đề cao tấm gương họ cho hậu thế noi theo. Có thể nói, TCTT chính là đạo nghĩa, là lòng tri ân, tri kỷ của người Việt với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Chính trong việc TCTT, ông cha ta đã gửi vào đó mục đích giáo dục truyền thống, nhắc nhở con cháu hôm nay phải hiếu nghĩa với người thân, gắng trở thành con ngoan, trò giỏi…và qua việc thờ cúng, con cháu mong muốn thể hiện phần nào sự hiếu thảo, lòng thành kính, biết ơn các bậc đã sinh thành, nuôi nấng và tác thành cho mình. Sự thanh cao, ý nghĩa nhân văn của TCTT đã trở thành đạo lý, lẽ sống, là nét đẹp trong truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là hình thức sinh hoạt tâm linh có vai trò liên kết, tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống cũng như ngày nay hết sức chặt chẽ. Do vậy, nó là loại hình tín ngưỡng quy tụ sức mạnh cộng đồng, tạo nên sự đồng thuận xã hội rất lớn lao. Vì thế, không chỉ các tôn giáo du nhập từ bên ngoài, các tôn giáo nội sinh như Cao Đài, Hòa Hảo, mà ngay cả các tín ngưỡng dân gian khác cũng phải biết dựa trên cơ sở của TCTT, phải dung hòa, chịu tác động của TCTT ở sự biết ơn cội nguồn, biết ơn các đấng sinh thành.

Nói đến tín ngưỡng là phải nói đến sự thờ phụng và thực hiện các nghi thức đặc trưng do con người đặt ra…“Thờ” là hoạt động thể hiện thành kính, lòng biết ơn, tưởng nhớ Tổ tiên, thể hiện niềm tin vào sự che chở, bảo hộ, trợ giúp của Tổ tiên, “Cúng” là yếu tố mang tính nghi lễ, là sự thực hành các động tác: Quì, lạy, vái, khấn…và được qui định bởi quan niệm, phong tục, tập quán của mỗi cộng đồng, dân tộc. Sự “thờ”, “tôn thờ” là nội dung, còn “cúng” là hình thức biểu đạt của nội dung thờ (5). Thời gian cúng, giỗ là những ngày húy kỵ của Tổ tiên, ngày lễ, Tết, mồng 1, ngày rằm (âm lịch) hàng tháng. Ngoài ra, việc cúng Tổ tiên còn được tổ chức vào những ngày trong gia đình có sự kiện quan trọng như: Cưới hỏi, làm nhà, thi cử, nhậm chức...Đồ lễ trên bàn thờ được đặt tùy tâm của người cúng nhưng phải thanh khiết và được dành riêng. Bàn thờ Tổ tiên bao giờ cũng đặt ở trên cao, tại nơi trang trọng nhất trong nhà. Thông qua các nghi lễ thờ cúng, con người mong muốn được sự che chở, phù hộ của Tổ tiên để đạt được những nguyện ước trong cuộc sống. Chính điều đó đã giúp họ sống tốt hơn, nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn xây dựng hạnh phúc gia đình, cùng đoàn kết, gắn bó với nhau hơn trong cộng đồng. Đó cũng là nền tảng tâm linh vững chắc để củng cố và phát triển phẩm chất, nhân cách người Việt Nam, giáo dục truyền thống "yêu nước, thương nòi" cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau. 

Tín ngưỡng TCTT và mê tín dị đoan có những điểm giống nhau, đó là đều có tác dụng điều chỉnh hành vi ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với cộng đồng trên cơ sở những điều mà con người tin và noi theo. Song hành vi mê tín dị đoan dễ làm con người trở nên mù quáng, mất đi sức mạnh ý chí, phó mặc số phận vào các thế lực, thần thánh. Điều này gây nên hệ quả không tốt trong đời sống xã hội, làm con người rơi vào tình trạng trì trệ, có hành vi cực đoan, thái quá và phản văn hóa, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc. Một số người đã lợi dụng hoạt động này để tư lợi, “buôn thần bán Phật” gây ra nhiều hậu quả xấu với xã hội, với đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Một số kiến nghị:

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”. Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Để thực hiện đúng pháp luật trong bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, đấu tranh, bài trừ mê tín dị đoan trong các hoạt động Tín ngưỡng nói chung và TCTT nói riêng trong thời gian tới, theo tác giả cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp xã hội về vai trò của việc bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của các hoạt động tín ngưỡng, của việc phòng chống hành vi lợi dụng tín ngưỡng để mê tín dị đoan; biết phân biệt rõ Tín ngưỡng TCTT với các hành vi lợi dụng TCTT để thực hiện mê tín dị đoan. Vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, tiết kiệm, hạn chế đốt vàng mã, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong các hoạt động tín ngưỡng.

Hai là, các ban, ngành chức năng cần chủ động trong việc phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lợi dụng TCTT để thực hiện hành vi mê tín dị đoan. Mặt khác, cần vạch trần bản chất những kẻ lợi dụng lòng tin của quần chúng thực hiện hành vi mê tín dị đoan để lừa bịp, trục lợi; thực hiện tốt nhiệm vụ quản lí các hoạt động lễ hội, thờ cúng để giảm thiểu các hoạt động mê tín dị đoan trong TCTT; hướng dẫn nhân dân thực hiện lễ nghi trong tín ngưỡng theo quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn về nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới.

Ba là, cần có những hình thức xử phạt nghiêm minh đối với người có hành vi mê tín dị đoan trong các hoạt động TCTT; tuyên truyền, lôi kéo nhân dân thực hiện hành vi mê tín dị đoan; buôn bán các ấn phẩm mê tín dị đoan. Cần nêu gương trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, phòng ngừa, tố giác cho các cơ quan chức năng xử lý.

Có thể nói TCTT là tín ngưỡng có giá trị nhân văn sâu sắc, là đạo nghĩa, lòng tri ân của người dân đất Việt với cội nguồn, giáo dục thế hệ các giá trị đạo đức truyền thống, thúc đẩy mọi người tự giác góp phần xây dựng xã hội ổn định, phát triển lành mạnh. Vì vậy, bảo tồn, phát huy những giá trị tích cực của Tín ngưỡng TCTT nói riêng và các tín ngưỡng dân gian nói chung không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là quyền và nghĩa vụ của nhân dân nhằm góp phần vào bảo tồn, phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế.   

Nguyễn Đức Quỳnh