Đạo lực và Nghiệp lực
Đạo Lực là sức mạnh của tâm thức đã chuyên chú vào một mục đích, không bị phân tán bởi vọng niệm và vọng thức.
Tôn giáo là hình thức quy tập tín ngưỡng nhân gian sau khi trường phái tâm linh biến thể. Những tôn giáo lớn có mặt trên hành tinh, khởi nguồn đều từ hướng đích tâm linh chứ không chủ trương tín ngưỡng tôn giáo. Không riêng trường phái tâm linh, bất cứ hệ phái nào, tổ chức nào, qua một thời gian cũng đều biến thể, biến tướng để thích nghi căn trí đương đại. Nói cách khác, các trường phái đều bị căn trí đương đại tác hưởng đưa đến biến tướng.
Riêng Phật giáo, khởi nguyên khi đức Thế Tôn còn hiện tiền, sinh hoạt thường nhật của giáo đoàn là sáng đi khất thực, trưa về độ Ngọ, chiều thiền định và nghe pháp. Riêng Đức Phật, giảng thuyết cho tín chúng sau thời Ngọ, chiều dành pháp thoại cho Tăng chúng, khuya cho chư Thiên. Trong giáo Tạng Bắc Tông lẫn Nam Tông không cho thấy thời nào dành công phu bái sám tụng niệm chuông mõ. Hầu hết chuyên về Thiền định. Các quốc gia thuộc Bắc truyền, để thích ứng với đời sống lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, việc Thiền định khó thâm nhập khi mà cơ bắp hoạt động suốt ngày; vì thế, chư Tổ chế tác các thời công phu bái sám giúp cho hành giả tại gia cũng như xuất gia dùng làm phương tiện nhiếp tâm, duy trì niềm tin. Từ đó, phát sanh nhiều hình thái phụ thuộc nhu cầu của xã hội như ma chay đám tiệc...
Thiền định có công năng nhiếp phục vọng tưởng, triển khai trí tuệ, ngăn chận nghiệp hành, chuyển hóa nghiệp thức và phát sanh lòng từ. Công phu tu tập đòi hỏi thời gian miên mật hành trì mới đem lại kết quả cho một "ĐẠO LỰC". Đạo Lực là sức mạnh của tâm thức đã chuyên chú vào một mục đích, không bị phân tán bởi vọng niệm và vọng thức. Tâm lực sản sanh một năng lượng tròn đầy từ bi và trí tuệ, có công năng nhiếp phục và chuyển hóa, gọi là Đạo Lực.
Hành giả công phu miên mật, do năng lượng dương bao phủ nên các âm lực khó tác động; nghiệp quả cũng được bào mòn và chuyển hóa tùy thuộc Đạo Lực của mỗi hành giả.
Thời Phật tại tiền, hàng ngàn đệ tử đều chứng đắc cũng do Đạo Lực của một bậc đạo sư có công năng bạt nghiệp để Tăng đoàn tu tập. Khi công viên quả mãn của một hành giả thành đạt, nghiệp quá khứ trở lại để được chuyển hóa và thăng hoa.
Theo định luật Nhân-Quả, dù là Thánh nhân cũng phải trả nghiệp tích lũy từ khi còn mang xác phàm. Việc giải nghiệp của bậc Thánh, hoặc do tự thân chọn lựa hoặc do Đạo Lực hóa giải biến nặng thành nhẹ, nghiệp nhẹ sẽ được hòa tan vào công hạnh vị tha. Tuy nhiên, Đạo Lực của một cá thể khó mà chuyển hóa cộng nghiệp của một tập thể, nhưng Đạo Lực một cá thể có khả năng tác động tâm thiện của một tập thể, giúp tập thể ý thức về cộng nghiệp để chuyển hóa cộng nghiệp theo phương hướng tuệ giác. Một tập thể có đạo lực mạnh, năng lượng dương đủ khả năng hóa giải nghiệp cộng đồng ở một mức độ tương ứng với công năng hành trì của tập thể đó.
Âm Lực luôn tồn tại song hành với Dương Lực, âm lực mạnh, lấn át dương lực thì nghiệp quả nặng dồn dập xẩy đến; dương lực mạnh thì âm lực bị pha loãng, nghiệp quả đến nhẹ nhàng hơn.
Hành thiện, lợi tha chỉ là phúc báu nhân thiên hữu lậu, gặt hái nhiều lợi ích cá nhân song song với nghiệp quả quá khứ đang hiện hành; vì vậy có những người giàu sang phú quý vẫn gặp lúc tai ương, cho dù đương sự vẫn hành thiện hiện tại. Ngược lại, những hành giả đạt được mức độ tâm linh siêu thức, tuy cuộc sống không dư dả nhưng luôn an lạc, và nghiệp quá khứ có đến cũng chỉ là gió thoảng. Thường những bậc tuệ giác toàn phần hay từng phần đều chấp nhận quả đến một cách tự nhiên hơn là tự hóa giải dưới hình thức khác.
Một hành giả đang tu tập và một hành giả đạt được tuệ giác, vấn đề tác nhân sẽ mang một giá trị khác nhau. Bậc tuệ giác hành xử sẽ không lưu dấu nhân quả. Một hành giả đương hành, tâm thức chưa vào trạng thức "Bạch Tịnh" thì A Lại Da Thức vẫn tích lũy nhân hạnh, vì thế: "Bồ Tát sợ Nhân, chúng sanh sợ Quả"! Nói thế không có nghĩa Bồ Tát thực thụ tác hành tùy thuộc nhân quả, mà Bồ Tát sợ chúng sanh tạo nhân xấu hơn là lãnh quả xấu.
Chúng sanh tích lũy nghiệp lực nhiều đời để khi mang thân phàm sẽ chịu sự chi phối nghiệp lực có sẵn mà người đời thường bảo là ĐỊNH NGHIỆP. Định nghiệp đã được nghiệp thức lập trình thì khó mà hóa giải, nhưng có thể được chuyển hóa nếu hành giả đạt được Đạo Lực vững vàng. Song song ĐỊNH NGHIỆP là BẤT ĐỊNH NGHIỆP. Bất định nghiệp có thể hóa giải theo công hạnh hướng thiện hoặc Đạo Lực kiên định.
Hình thức tôn giáo, cho dù hướng thiện cũng chỉ gặt hái phước báu hữu lậu mà khó hóa giải nghiệp lực. Ngoại trừ hành giả hướng đến con đường tâm linh do một chân sư chứng đắc hướng dẫn, năng lượng siêu thức của vị thầy tâm linh nâng năng lượng sinh thức của đệ tử nhập lưu giòng Thánh, được năng lượng dương bảo hộ hành giả thường xuyên, nếu hành giả vẫn miên mật trong pháp hành. Một câu niệm Phật sẽ bình thường nếu người hành trì như thói quen của chiếc máy, nhưng sẽ khác và hiệu quả hơn khi được một chân sư chứng đắc hướng dẫn cùng một câu niệm Phật như nhau. Cũng thế, sách vở không giúp sinh viên trở thành bác sĩ, việc thực tập do giáo sư bác sĩ hướng dẫn mới thực sự có kết quả của học vị.
Giáo Pháp của Phật vô lượng pháp môn, nhưng ít ai đạt chứng hay đắc pháp, bởi mạng mạch bị gián đoạn, thiếu vắng các chân sư liễu ngộ. Thời Phật tại tiền, 10 người tu, 10 người chứng. Sau vài trăm năm số đắc pháp còn phân nửa, và thời đại con người tiến hóa vật chất thì tâm linh bị gián đoạn khá lâu. Tuy nhiên, vẫn có những chân sư ẩn tu vì thế nhân hành trì chưa đủ chuẩn để tiếp nhận mạch pháp.
Người có tâm hướng thiện thấp, thường cầu khẩn vào tôn giáo, người có căn cơ tâm linh cao, thường khát vọng tìm hướng đi chân lý, vì họ biết rằng càng bị ràng buộc vào hình thức lễ nghi tôn giáo thì khó mà đưa đến giải thoát. Hành giả có nhiều khát vọng tìm cầu chân lý để bù đắp vào khoảng trống tâm linh thì sẽ được đáp ứng bởi lực lượng chân sư liễu ngộ. Đệ tử không thể tìm thầy mà chỉ có thầy mới đến với đệ tử nếu đệ tử đủ tiêu chuẩn cho sự khát vọng tâm linh. Cổ nhân đã bảo: "Hữu cầu tắc ứng". Thánh kinh cũng nói: "Gõ cửa sẽ được mở". Quan trọng của người tìm cầu chân lý, có nghĩa mong có một pháp hành đủ năng lực thăng hoa tâm thức, giải thoát hiện tiền thì sự khát vọng không thể thiếu. Khát vọng là động lực mở cánh cửa đi vào đạo lộ tâm linh giải thoát. Một khi xác định giải thoát là con đường "ắt có và đủ" để hóa giải mọi nghiệp lực hiện tiền và chuyển hóa nghiệp lực quá khứ, hành giả không còn con đường nào khác của Tâm Linh, chối bỏ mọi tham đắm thế gian, cho dù tham đắm việc thiện hay tham đắm một tôn giáo. Còn tham đắm là còn bị ràng buộc.
Đạo Lực là lưỡi gươm cắt đứt mọi chướng duyên nghiệp thức, vì Đạo Lực là sự tuệ giác nhìn sự diễn biến của nghiệp quả chỉ là trò chơi bong bóng của nghiệp thức trong mọi chúng sanh. ĐẠO LỰC và NGHIỆP LỰC chỉ cách nhau đường tơ kẽ tóc dưới cái nhìn của bậc toàn giác.
Minh Mẫn