Công năng diệu dụng của lục tự niệm Phật "Nam mô A Di Đà Phật"


Tịnh độ là một tông phái chủ trương lập đại nguyện hướng về Tây Phương Cực lạc, nơi có đức Phật A di đà là giáo chủ. Một trong những pháp môn của Tịnh Độ là niệm hồng danh đức Phật A di đà để tâm thu về một niệm. Cốt là để dẹp yên não phiền điên đảo.

Duyên khởi:

Đức Phật thị hiện ra đời, chuyển bánh xe pháp, mở ra tám vạn bốn ngàn pháp môn cho chúng sinh tùy căn cơ mà tu tập. Mỗi pháp môn lại có những yếu chỉ và diệu dụng riêng biệt. Xong dù pháp môn nào, cũng không ngoài mục đích diệt tận vô minh để tầm cầu giải thoát.
 
Tịnh độ là một tông phái chủ trương lập đại nguyện hướng về Tây Phương Cực lạc, nơi có đức Phật A di đà là giáo chủ. Một trong những pháp môn của Tịnh Độ là niệm hồng danh đức Phật A di đà để tâm thu về một niệm. Cốt là để dẹp yên não phiền điên đảo.
 
Niệm Phật có công năng vô cùng to lớn, người niệm hồng danh lục tự “Nam Mô A Di Đà Phật” đến mức nhất tâm bất loạn có thể đạt tới cảnh giới giải thoát nơi tâm và khi thân mạng đã mãn được tiếp độ về Tây Phương. Bởi vậy đã có thơ rằng:“Chữ Nam quy y để diệt tội. Chữ Mô cải đổi tội lỗi xưa. Chữ A Di dứt trừ tam đồ khổ. Chữ Đà Phật diệt trừ 10 ác duyên”
 

 

 

Chánh luận:

Công năng của niệm Phật có thể gồm thâu vào hai vế đối “Niệm Phật phương năng tiêu túc nghiệp; Kiền thành tự khả chuyển phàm tâm”- Đại ý là niệm phật có thể tiêu trừ tội lỗi nghìn trùng ở muôn đời kiếp chất chồng và chuyển hóa tâm phàm tục thành tâm thánh quả. Khi phân tích lục tự niệm phật có thể thấy ý nghĩa cụ thể của nó:
 
Chữ Nam quy y để diệt tội. “Nam” là quay về nương tựa. Vậy ai nương tựa, vì sao phải nương tựa và nương tựa vào đâu, công năng của sự nương tựa ra sao?. Trước hết, chúng sinh là những người phải nương tựa. Lý do của sự tựa nương là do chúng sinh chìm đắm trong biển đời dâu bể, bị vô thường xúc não thân tâm, vì vô minh khởi ngã chấp và pháp chấp làm cho mê mờ không tỉnh giác đến mức hành nghiệp, phải thị hiện ra đời để chịu thân tướng nhiều đời kiếp. Chính khi đó chúng sinh cần một nơi để tựa nương, cũng giống như chết đuối thì cần có cọc để bấu víu. Chúng sinh nương tựa vào đâu: Chính là nương tựa vào ba ngôi quý báu ở đời là Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Nương tựa Phật giúp chúng sinh tự giác, giác tha và hành trì giác hạnh. Nương tựa Pháp giúp chung sinh thấu triệt bể pháp, tăng trưởng tâm bồ đề, tuệ giải thoát. Nương tựa Tăng giúp chúng sinh sống an vui, hòa hợp và cầu “văn tuệ”. Vậy, chúng sinh nhờ nương tựa Tam Bảo mà lìa hẳn ngu si, vun bồi trí tuệ, thoát được mọi tội lỗi hỗn hào điên đảo. Đó là để chừa bỏ lỗi sau. Một chữ Nam mà tựa nương bất thoái.
 
Chữ Vô, cải đổi lỗi xưa: Vô là không, là nghĩa vạn vật thế gian, cho đến cả các dòng tâm thức cũng đều bị cái vô thường bào mòn hư hoại. Do vậy, những tham chấp ngã chấp và pháp chấp xưa nay đã gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi. Thấu triệt lẽ “vô” ở đời nên chúng sinh phát lòng sám hối lỗi xưa, nguyện xin chưa bỏ. Vả lại, biết rằng tội tính vốn không – chỉ do nhân duyên mà có nên không còn vật vã với nó. Ngược lại thường quán tưởng những điều vô như sau: “Quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, quán thọ thị khổ”. Nên từ bỏ hết trở về Không. Một chữ Vô làm buông rơi hết mê lầm tham chấp.
 
Chữ A di trừ tam đồ khổ. A di là trí tuệ thấu triệt nhân và quả của ba ác đạo. Quả của tam đồ là: Súc sinh, Ngã quỷ, Địa ngục. Nhân của Súc sinh là lấy của phi pháp, sát sanh hại mạng nên phải đọa lạc súc sinh để làm trâu ngựa trả nợ đã vay, để làm gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, lợn cho người ta đòi mạng. Nhân của Ngã quỷ là keo kệt, bủn xỉn, rít róng, nên thường phải chịu đói, rét, cực khổ để báo đáp. Nhân của Địa ngục là ngũ nghịch đại tội (Giết cha, giết mẹ, giết bậc A la hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng). Những tội lỗi như thế và những tội khác nữa đều phải chịu những hình phạt muôn đời kiếp nơi địa ngục.  Khi có trí tuệ thấu triệt nhân quả như vậy, mọi nguyên nhân của tam đồ ác đạo được đoạn lìa, chúng sinh nhờ đó mà thoát vòng đọa lạc.
 
Chữ Đà Phật trừ mười ác duyên. Mười ác duyên là mười nhân duyên làm chúng sinh sanh tử không ngừng. Ba duyên nghiệp về thân gồm: sát, đạo, tà dâm; Bốn nghiệp duyên về khẩu gồm: vọng ngôn, lưỡng thiệt, ác khẩu và ỷ ngữ; Ba nghiệp về ý là: Tham, Sân, Si. Nay với Phật đà – đấng có trí tuệ hoàn toàn rốt ráo, trí tuệ có thể phá tan mọi u mê tăm tối thì những nhân duyên ác độc vì vậy mà được dẹp yên.
 
Chúng sinh đi dần trên hành trình trí tuệ này sẽ đoạn lìa gốc chồi sinh tử, dần dần đạt đến “nhất thiết trí” của Phật – đồng như Phật.
 
Kết luận:
 
Như vậy, câu niệm Phật với công năng diệu dụng: quy y tam bảo, sám hối lỗi lầm, thấu triệt nhân duyên, đắc thành trí tuệ, đã trở thành một pháp môn rất cần thiết cho hành trình tu của người tu Tịnh Độ, và cũng là hành trình cho mọi đường tu.
Với sở học còn thiển cận. Mong các bậc thiện tri thức chỉ giáo!
Bùi Trọng Tài
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6 năm 2014