Cảm Ơn Người Mắng Ta Vì Họ Giúp Ta Tiêu Nghiệp
Phật dạy chúng ta “Khẩu hòa vô tranh”. Phật biết được những hiểu lầm, kết oán của tất cả chúng sanh. Tám, chín phần mười đều do lời nói tạo thành, nên gọi là “Nói nhiều ắt sai”. Lời không nên nói quá nhiều, nói nhiều sẽ có sai lầm, dễ dàng dẫn đến nghi hoặc, hiểu lầm của người khác, thế là liền kết oán với người. Sau khi kết oán thì oan oan tương báo không hề ngừng dứt. Ngay trong hữu ý, vô ý tạo thành rất nhiều chướng nạn trên đạo Bồ đề, cho nên người xưa dạy chúng ta: “Nói ít một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật”. Bạn thấy như vậy tốt chừng nào.
Ngay khi chúng ta muốn nói chuyện, lời nói vừa tới cửa miệng, liền: “A Di Đà Phật”, biến thành “A Di Đà Phật” thì tốt. Cách này rất tuyệt! Khẩu hòa vô tranh chân thật làm đến được khẩu hòa vô tranh, chính là một ngày từ sớm đến tối nhìn thấy người hoan hỷ vui vẻ “A Di Đà Phật” cho dù người ta nói chuyện gì với chúng ta, đều nói “A Di Đà Phật”, vậy thì tốt, tâm bình khí hòa. Một câu A Di Đà Phật này là chân ngôn, ngoài câu A Di Đà Phật ra toàn là vọng tưởng. Đọc kinh cũng không thể được. Niệm Phật mới có thể vãng sanh, mới có thể thành Phật. Đọc kinh vẫn còn có thể khởi vọng tưởng, vọng tưởng xen tạp ngay trong kinh văn thì kinh đó có đọc cũng không có hiệu quả, không có tác dụng. Nên người xưa nói: “Đọc kinh không bằng niệm chú, niệm chú không bằng niệm Phật”. Vì sao vậy? Phật hiệu rất đơn giản, vọng tưởng rất khó mà xen tạp ở trong. Nếu càng dài thì càng dễ xen tạp.
Các vị tưởng tượng xem, bạn đọc chú Lăng Nghiêm, nhất định có vọng tưởng xen tạp ở trong đó. Thời gian quá dài, sức mạnh nhiếp thọ của chúng ta không đủ. Niệm một chú vãng sanh, chú vãng sanh tương đối rất ngắn, tinh thần tập trung từ đầu đến cuối đọc qua một biến đại khái vẫn không đến nỗi xen tạp. Nhưng nếu như bạn đọc một lúc 30-50 biến nhất định có vọng niệm xen tạp ngay trong đó.
Phật hiệu đơn giản, ngày trước tôi truyền dạy cho mọi người, chính là niệm một câu Phật hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” sáu chữ mười lần, một hơi niệm mười lần. Trong mười câu Phật hiệu không xen tạp một vọng niệm. Một phút có thể làm được, một phút lực nhiếp thọ chúng ta có thể làm được, năm phút thì ko thể làm được. Một phút có thể làm được nên mỗi ngày thời khóa này của bạn chính là một phút mười câu Phật hiệu – mười câu Phật hiệu này tương ưng với nguyên tắc niệm Phật của Bồ tát Đại Thế Chí đã nói. Bồ tát nói “tịnh niệm tương tục”, tịnh niệm này không hoài nghi, không xen tạp, tương tục là từng câu từng câu liên tục mười câu. Vậy thì được rồi, một ngày niệm chín lần là ít nhất, đương nhiên càng nhiều càng tốt. Chí ít mỗi ngày phải niệm chín lần, tạo thành một thói quen, làm như vậy chân thật là một lòng chuyên niệm, lại có một nguyện vọng khẩn thiết cầu sanh Tịnh độ, làm đến được một lòng chuyên niệm làm gì mà không vãng sanh chứ. Cho nên đừng xem thường một ngày chín niệm, chân thật có hiệu quả. Đó là thuộc về tịnh niệm liên tục, cho nên nhất định phải làm đến được ‘khẩu hòa vô tranh’.
Tất cả pháp thế gian đều là giả, đều không phải thật, có gì đáng để tranh luận. Người ta tán thán ta là giả đừng ưa thích, không phải là thật. Người ta hủy báng ta, nhục mạ ta cũng là giả, hà tất phải sân hận. Họ mắng người khác vì sao bạn không tức giận? Đó không phải là mắng ta, do mắng người khác nên bạn không hề tiếp nhận. Khi họ mắng bạn, bạn tiếp nhận về thì liền tức giận, bạn đến chính mình cũng xem thành người khác. Họ mắng người khác không liên quan gì tới ta, vậy thì bạn sẽ không tức giận. Ta là giả thôi, danh là giả thôi, tướng cũng là giả thôi. Người ta mắng, người ta làm nhục thực tế mà nói cũng vì cái danh này, cái tướng này gió thổi qua tai không hề có liên quan. Đây là chân tướng sự thật.
Cho nên hiểu rõ chân tướng sự thật lại đi học Phật, hiểu được một chút đạo lý thì khi họ mắng ta thì ta “A Di Đà Phật, cám ơn đã tiêu tai giải nạn”. Họ là đại thiện tri thức của chúng ta, đại ân nhân. Mỗi câu của họ đều tiêu tai giải nạn thay ta, nghiệp chướng của chúng ta sẽ được tiêu hết. Đây là thật, không phải là giả, cho nên bạn có thể hoan hỷ tiếp nhận, “như như bất động” là tiêu nghiệp chướng. Nếu như bạn thảy đều tiếp nhận nó hết, chính mình ở nơi đó sân hận vậy thì bạn tạo nghiệp chướng. Một cái là tiêu nghiệp chướng, một cái là tạo nghiệp chướng thì ở ngay trong một niệm khi chuyển đổi lại, không những không tạo nghiệp chướng trái lại còn tiêu nghiệp chướng.
Phật thật có trí tuệ, dạy chúng ta tuyệt chiêu này, cho nên đối với tất cả oan gia trái chủ, mỗi ngày chúng ta đem công đức tu tích được hồi hướng cho họ, báo đại ân của họ. Những oan gia trái chủ này ngày ngày tiêu nghiệp chướng cho ta. Nghiệp chướng chúng ta tích lũy từ vô thủy kiếp đến ngày nay vô lượng vô biên, may được những oan gia trái chủ này ngày ngày vì chúng ta tiêu nghiệp.
Các vị phải biết, người mỗi ngày tán thán bạn, tâng bốc bạn không thể tiêu được nghiệp. Tán thán nhiều thì cống cao ngã mạn, họ lại sinh ra nghiệp chướng.
Khẩu hòa vô tranh phải biết được nên làm như thế nào. Ý hòa đồng duyệt, chân thật tu học tương ưng như pháp rồi, bạn quyết định được pháp hỷ, pháp hỷ sung mãn, đời sống của bạn an vui, chân thật gọi là ‘lìa khổ được vui’. Bạn chân thật được an vui. Sự an vui này chân thật các vị phải ghi nhớ: không phải nói bạn được tiền của, cũng không phải nói bạn được công danh, được phú quý, không phải vậy. Được an vui, an vui cùng với công danh, phú quý, tiền của không có liên quan. Nếu không tin tưởng, bạn có thể đi hỏi thử những người có địa vị rất cao, người có tiền của nhiều, bạn hỏi họ xem có an vui không? Họ không vui, một mình họ không dám đi trên phố, sợ người ta ám sát họ, ngày ngày đề cao cảnh giác. Đời sống ở trong sự lo sợ có cái gì vui chứ. Ra cửa phải có rất nhiều vệ sĩ, bạn nói xem có đáng thương hay không? Làm gì được như người nghèo không có thứ gì, muốn đi đâu thì đi, rất tự tại, ai cũng không sợ, cùng với ai cũng đều hoan hỷ. Cho nên an vui không có quan hệ gì với những thứ này. Cái an vui chân thật là pháp lạc, thông hiểu đối với chân tướng của vũ trụ nhân sanh, đó mới là thật an vui. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều có thể tương ưng với lý, tương ưng với đạo lý này, tương ưng với chân tướng sự thật thì làm sao không an vui.
Ý hòa đồng duyệt – Mỗi người chúng ta đều y theo phương pháp, lý luận, cảnh giới của kinh Vô Lượng Thọ để tu học, đều học tập A Di Đà Phật thì thật an vui. Thế xuất thế gian không có bất cứ thứ an vui nào có thể so sánh được với an vui của người niệm Phật. Tu học bất cứ pháp môn khác cũng không thể sánh được với sự an vui của pháp môn niệm Phật. Nếu như bạn nói tôi niệm Phật, niệm được nhiều năm đến nay, niệm rất khổ sở đến một chút an vui cũng không có, đó là do nguyên nhân gì? Vì bạn vẫn chưa vào được cửa, bạn niệm không được tương ưng. Ngày ngày đọc kinh, đạo lý trong kinh nói bạn không hiểu, không rõ ràng, không tường tận, không thể đem những đạo lý này dùng ở ngay trong cuộc sống của chính mình. Có học mà không thể dùng, cái khổ của bạn không thể lìa khỏi. Nếu như cái bạn đã học, thảy đều có thể áp dụng ngay trong cuộc sống thường ngày từng ly từng tí, đều có thể tương ưng với cảnh giới, phương pháp, lý luận của kinh điển thì làm gì có chuyện không an vui. Tây phương gọi là thế giới Cực lạc. Hiện tại chúng ta tuy là chưa đi đến thế giới Cực lạc, thế nhưng không khí của thế giới Cực lạc có rồi, an vui của thế giới Cực lạc có rồi, hiện tại liền có thể có được. Hiện tại là hoa báo chứng thật quả báo thù thắng.
Pháp sư Tịnh Không