Chiếc áo cứu người
Với vài tấm tôn và mấy thanh gỗ cũ do cư dân đóng góp ban đầu, dần dần cũng thành nơi thờ phượng, đồng thời có chỗ cư trú cho nhà sư. Nhờ đó vị sư an tâm tu tập, sớm tối kinh kệ. Theo thời gian, nhờ lối xóm và khách thập phương, cái am trở thành ngôi chùa nhỏ.
Minh họa: Nhuận Thường
Từ khi được nghe lời kinh tiếng kệ cộng với tiếng chuông tiếng mõ, dân trong xóm có phần “hiền” hơn, trẻ con ít tụ tập đánh nhau, người lớn cũng bớt bài bạc. Nhưng cũng như các xóm nghèo khác, các tệ nạn khác vẫn còn.
Xóm nghèo, nhà sư còn nghèo hơn, đời sống đạm bạc, rau dưa cũng qua ngày. Nhưng áo quần thì cũng đến lúc phải thay, phần lớn đã cũ mèm, duy chỉ chiếc áo cà-sa là còn nguyên vẹn vì nhà sư trân quý lắm. Mỗi tối trước khi đi ngủ, nhà sư cẩn thận treo trước giường nằm của mình.
Một đêm tối không trăng, nhà sư nghe tiếng còi inh ỏi của cảnh sát, rồi tiếng những bước chân chạy ngoài đường hẻm. Một bóng hình người lách qua khe cửa chùa không bao giờ khóa. Dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn dầu trên bàn thờ Phật, nhà sư thấy một cô gái đứng hốt hoảng một giây lát rồi vội lấy chiếc áo cà-sa quàng vào người. Ngay lúc ấy nhóm cảnh sát ập vào đưa mắt nhìn khắp mọi nơi rồi nhanh chóng biến mất. Tất cả mọi sự kiện xảy ra quá nhanh đến nỗi nhà sư chưa kịp định hồn thì cô gái trả chiếc áo lại cho nhà sư và biến mất.
Sau đó thì nhà sư cũng kịp nhận ra sự việc. Cầm lên chiếc áo còn phảng phất mùi nước hoa rẻ tiền, sư buồn rười rượi. Một cảm giác bị xúc phạm tột cùng. Chiếc cà-sa cao quý đã nhuốm màu tục lụy. Tội lỗi không thể nào chối cãi. Cay đắng mùi đời nhà sư từng trải và rồi cũng vượt qua được, nhưng nỗi oan ức này làm sao đây?
Một lát sau nhà sư lại nghĩ, chiếc áo đã cứu giúp một người trong cơn hoạn nạn, hơn nữa một cô gái đáng thương. Giả sử cô bị bắt, cá nhân cô bị khổ, bị tù tội và có thể còn nhiều người thân, vốn nhờ cô mà sống, sẽ ra sao đây?
Sáng hôm sau nhà sư quyết định giặt áo. Để gột bỏ mùi nước hoa tục lụy, nhà sư thêm nhiều xà-bông và giặt mạnh tay. Ôi thôi, dưới tác động của lực chà xát, chiếc áo bị rách nhiều mảng. Buồn rầu, nhà sư đem phơi, chờ áo khô và xếp cất.
Những ngày sau đó dân trong xóm thấy nhà sư trong thời kinh, quấn chiếc chăn từ cổ đến chân. Họ cứ nghĩ sư bị cảm lạnh nên không ai nói gì.
Sau đó ít hôm, khi tụng xong thời kinh tối, nhà sư thấy sau lưng mình một cô gái quỳ dâng một món quà. Cô nói: “Con là cô gái tối hôm nọ đường đột vào đây. Nhờ chiếc áo của thầy và nhờ ơn thầy mà con thoát được tai nạn. Sau đó con đã hối hận vì đã làm vẩn đục chiếc áo tu hành của thầy. Mấy ngày hôm nay con cố gắng tìm để thỉnh một chiếc khác. May mắn có người chỉ cho con ngôi chùa chuyên may áo dành cho tu sĩ Phật giáo. Nhờ thế con mới đem về đây, xin thầy nhận cho”.
Cảm động, nhà sư nói: “Con không có lỗi gì hết. Thầy xem đó chỉ là tai nạn. Thầy nhận ra lòng chân thành của con nên thầy hoan hỷ nhận món quà này. Tiện đây, thầy khuyên con nên bỏ cái nghề không có gì tốt đẹp này và làm lại cuộc đời. Đạo Phật không có thành kiến với bất kỳ ai. Ai cũng có thể thành Phật mà”.
“Thầy thương con nên thầy nói thế, chứ thân con bây giờ ô uế, làm sao có thể nhìn thẳng vào mắt ai được”.
“Hoa sen biết vươn lên từ bùn mà tỏa hương. Con hiểu rồi chứ?”.
Cô gái lạy tạ rồi lui ra và biến mất sau liếp cửa chùa, không để nhà sư đưa tiễn.
Cao Huy Tấn