Chồng giết vợ, vợ giết chồng vì đâu nên nỗi
Những mâu thuẫn, nghi ngờ hoặc hiểu lầm phát sinh trong quá trình chung sống cần được sẻ chia và tháo gỡ kịp thời. Sự chịu đựng của con người chỉ có giới hạn và rất nguy hiểm nếu bùng vỡ. Trong những trường hợp dù đã cố gắng phục thiện, hàn gắn đổ vỡ, nói chung là mọi nỗ lực đều không thể cải thiện được tình trạng hôn nhân bất hạnh thì nên “giải thoát” cho nhau.
Thời gian gần đây, qua các phương tiện truyền thông, người ta không khỏi bàng hoàng khi thực trạng chồng sát hại vợ, vợ giết hại chồng với nhiều nguyên nhân và mức độ dã man khác nhau, diễn ra ngày càng nhiều.
Trong bối cảnh đất nước từng bước hội nhập và phát triển cùng với xã hội có nhiều biến động như hiện nay, thực trạng này tuy được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại hay thuyên giảm.
Nguyên nhân thì có nhiều, giải pháp thì không phải thiếu nhưng để tìm ra nguyên nhân và giải pháp căn cơ nhất nhằm chặn đứng hay ít ra làm giảm thiểu hiện tượng suy đồi đạo đức trầm trọng này là điều chẳng dễ dàng.
Vợ chồng là mối quan hệ giữa hai người dưng khác họ được gắn kết bằng tình, nghĩa và trách nhiệm. Người ta thường nghĩ rằng lập gia đình xong là ổn định. Khi dựng vợ hay gả chồng cho con cái xong, các bậc cha mẹ thường hay thở phào, nhẹ nhõm như đã làm xong bổn phận. Kỳ thực, tất cả chỉ mới bắt đầu vì đời sống hôn nhân luôn vận động với nhiều bất ổn, trong đó đòi hỏi hai người phải thực sự yêu thương nhau và kiện toàn rất nhiều yếu tố khác mới có thể làm nên hạnh phúc.
Khi hôn nhân có dấu hiệu trục trặc, ốm yếu cần phải tìm cách chạy chữa, trị liệu. Nếu không được trị liệu đúng cách, chẳng những không cứu vãn được cuộc hôn nhân mà còn để lại những hậu quả khó lường.
Không kể đến các vụ giết chóc khác xảy ra tràn lan, chỉ riêng việc giết hại dã man người thân (cha, mẹ, chồng, vợ, con cái) khiến xã hội quan ngại và báo động về cái ác đang gia tăng nơi con người. Sự quan ngại ấy rất đúng đắn và cần thiết vì cái ác quá rõ ràng, đối tượng gây án gần như mất hết nhân tính, sự tàn sát thân nhân lại xảy ra liên tục và tất nhiên, đều có căn nguyên của nó.
Trong tâm thức mỗi người đều có đầy đủ các hạt giống thiện ác, tuy rằng có khác biệt về mật độ nhiều ít của các hạt giống ấy giữa người này và người kia. Song con người vốn không hẵn là ác mà cuộc sống sẽ biến một người thiện có-ác có, trở thành kẻ sát nhân máu lạnh, không biết chùn tay với cả người thân.
Cuộc sống với nhiều biến động phức tạp đã tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách cá nhân. Có thể nói, xã hội chúng ta đang gánh chịu cái kết quả do những nguyên nhân của chính chúng ta đã tạo ra trước đó.
Một thời gian dài chúng ta nỗ lực phủ nhận niềm tin về ông trời, sự trừng phạt của thánh thần, quả báo của việc ác v.v… nhưng chúng ta lại chưa thiết lập được các giá trị khác về sự công bằng để thay thế.
Hậu quả là con người trở nên trống rỗng, không sợ trời, chẳng ngán thánh thần, không sợ quả báo mà nghiêm trọng hơn là cũng chẳng còn tin vào sự công bằng của xã hội, sự nghiêm minh của pháp luật… thì nhân cách đạo đức của họ bị băng hoại, xuống cấp một cách trầm trọng.
Mặt khác, vì quan niệm rằng chỉ có đời sống hiện tại nên rất chú trọng vào thực tế đến nỗi thực dụng một cách triệt để, vun vén cho riêng mình bằng mọi cố gắng có thể để thụ hưởng, để sống gấp sống mòn và bất chấp tất cả.
Những con người này tuy sống trong thời hiện đại văn minh nhưng với tầm nhận thức lệch lạc, thiển cận và bán khai, chỉ tin vào sức mạnh đồng tiền cùng các thế lực ô dù hay băng nhóm, lấy mạnh hiếp yếu làm lẽ sống, luôn thể hiện sự hung hăng, giành giật và hiếu thắng, khi cùng đường thì có thể cuồng sát rồi tự sát.
Ai gặp phải những người chồng, người vợ có quan điểm sống như vậy sẽ tiềm tàng nguy cơ cao về bạo lực, thù hận, trả thù nhau khi “cơm không lành, canh không ngọt” bằng những hành động tàn ác, đê hèn và ngu xuẩn nhất.
Như vậy, nguyên nhân chính yếu và cốt tủy nhất khiến con người ta trở nên hung ác là do lệch lạc về nhận thức và quan điểm sống. Sự chơi vơi, thất vọng và khủng hoảng về các giá trị đạo đức và nhân văn cùng với tâm ác lẫy lừng đã xô đẩy con người đi đến bờ vực của sự hủy diệt.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan do tính hung ác, các nguyên nhân khách quan bên ngoài cũng tác động không nhỏ đến đổ vỡ hôn nhân và các hành vi giết vợ, giết chồng dã man mất hết tính người.
Hiện tại chúng ta đã khá hoàn thiện trong các thủ tục (về gia đình cũng như xã hội) để hợp thức hóa cho hai người xa lạ sống chung, tức hôn nhân. Tuy nhiên, khi đời sống hôn nhân bị trục trặc (mà dường như nó luôn trục trặc, gập ghềnh), gặp phải trở ngại thì chúng ta lại chưa có phương pháp hòa giải, trị liệu hiệu quả hay thu xếp ổn thỏa cho đôi đường.
Sự nghi ngờ, ghen tuông, khổ đau, tủi nhục… nếu không kịp thời chuyển hóa sẽ tích tụ đến một ngày nào đó bùng vỡ mà không gì có thể ngăn chặn hoặc cứu vãn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần làm nên bi kịch chồng giết vợ, vợ giết chồng.
Khi hai người không tự hòa giải được các mâu thuẫn, nghi ngờ thì gia đình của hai bên (bố mẹ và anh em vợ, chồng) là trung gian, là cầu nối quan trọng, có thể gỡ rối cho hai người. Thực tế cho thấy những đại gia đình có ba bốn thế hệ sống chung kiểu “tam đại, tứ đại đồng đường”, tuy hơi bị tù túng song lại hiếm khi xảy ra bạo hành.
Do đặc điểm của cuộc sống hiện đại, ngày nay người ta ít sống chung đại gia đình mà thường xây những tổ ấm riêng lẻ. Tuy nhiên, những gia đình nào có sự quan tâm, liên hệ chặt chẽ với nhau để động viên, hỗ trợ, giải quyết khó khăn và chia sẻ vui buồn, nhất là sự có mặt hay khuyên can kịp thời của các bậc cha mẹ hoặc anh chị em, thì cũng hạn chế được phần lớn việc xảy ra nạn bạo hành.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khác là chưa có sự hỗ trợ, can thiệp kịp thời và hiệu quả của bà con chòm xóm hay các cơ quan chức năng trong việc hòa giải hay ngăn chặn bạo hành. Gần như việc chồng đánh vợ hay vợ đánh chồng đều là vấn đề nội bộ. Bà con láng giềng phần lớn đều không ai dám can thiệp vào chuyện riêng tư của người khác, bởi nguy cơ tự chuốc họa vào thân rất cao.
Đến khi tình trạng bất ổn của gia đình kia kéo dài hoặc gây mất trật tự trầm trọng ở khu phố mới được các ban ngành quan tâm mời hòa giải, và khi có xô xát dữ dội hoặc gây án mạng nghiêm trọng thì cơ quan an ninh địa phương mới vào cuộc. Nếu như khi người vợ vừa bị chồng giáng một bạt tai, và cảnh sát có mặt ngay sau một cú phone, thì có thể ngăn chặn được những hậu quả bạo hành đáng tiếc.
Giải pháp căn cơ cho vấn nạn bạo hành hôn nhân dẫn đến sát hại lẫn nhau, trước hết vẫn là con người, phải tự hoàn thiện mình bằng sự tu dưỡng đạo đức, hướng thiện. Khi người ta nhận thức rõ về cái ác, sợ hãi về điều ác thì mới có thể chùn tay.
Đức tin tôn giáo, tín ngưỡng có ảnh hưởng to lớn đến điều này. Cho dù vô thần đi nữa, chí ít cần tin vào vận hành của nhân-quả như là một quy luật tất yếu của tự nhiên, làm ác thì sẽ bị ác báo.
Một hệ thống pháp trị thuần túy dù hoàn hảo đến mấy cũng không thể ngăn chặn triệt để cái xấu ác, nếu có thì giải quyết phần hậu quả hơn là nguyên nhân. Trong khi người biết sợ hãi cái ác, quả báo ác sẽ lánh xa điều ác từ trong tâm tưởng. Ngăn chặn và chuyển hóa điều ác từ nguyên nhân, lúc mới manh nha trong tâm ý là điều cực kỳ quan trọng trong việc hóa giải và đẩy lùi tội ác.
Khuyến khích mọi người học tập yêu thương, trau dồi hạnh từ bi bác ái đối với mình và người. Nuôi lớn tình thương con người, loài vật và thiên nhiên sẽ làm cho con người bớt hung hăng.
Đơn cử như một người theo đạo Phật, họ thực tập nuôi dưỡng lòng từ bi, không phá hoại môi trường, không những không giết hại sinh vật bừa bãi mà còn tập ăn chay, và dĩ nhiên trước bất cứ hoàn cảnh nào người này không thể có hành vi giết người, lại càng không thể giết người mà mình từng yêu thương như ruột thịt.
Quan trọng hơn là phải tập nhìn thật sâu để thấy được mình và người bạn đời của mình tuy hai mà một, hai người luôn có mặt trong nhau, một người đau khổ sẽ làm cho cả hai đều khổ… để tha thứ, yêu thương và nuôi dưỡng hạnh phúc.
Những mâu thuẫn, nghi ngờ hoặc hiểu lầm phát sinh trong quá trình chung sống cần được sẻ chia và tháo gỡ kịp thời. Sự chịu đựng của con người chỉ có giới hạn và rất nguy hiểm nếu bùng vỡ. Trong những trường hợp dù đã cố gắng phục thiện, hàn gắn đổ vỡ, nói chung là mọi nỗ lực đều không thể cải thiện được tình trạng hôn nhân bất hạnh thì nên “giải thoát” cho nhau.
Trong mọi thành công, không phải chỉ nhờ một mình ta. Ngược lại, trong thất bại hay đổ vỡ hạnh phúc hôn nhân, không phải chỉ một người có lỗi.
Trong hôn nhân, chữ “duyên” có vai trò quan trọng (tình duyên, duyên nợ, duyên phận…). Còn duyên thì là vợ là chồng, hết duyên là bạn bè và cùng đường không duyên không nợ thì là người dưng, quyết không ôm thù hận.
Và mỗi người, khi chung sống nếu biết trui rèn đức “nhẫn” thì sẽ tránh được những va chạm có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
- QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO VỀ CHIẾN TRANH VÀ XUNG ĐỘT POLGOLLE KUSALA DHAMMA
- [Video] Nghe lại chư Tăng nói về dịch bệnh và cách ly
- 50 tuổi về sau, chuyện đời như đá mòn trong nước, như gió thổi mây trôi…
- ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG LỄ TANG NGƯỜI VIỆT
- Phật dạy về 10 việc không nên làm để bản thân “tâm tịnh lòng an”