Chữ Đức trong Phật giáo


 

Ngành địa lý phong thủy cho rằng: “Tiên tích đức, hậu tầm long” nghĩa là trước phải có đức sau mới nghĩ đến chuyện tìm long mạch, tức là tìm sự giàu sang. “Có đức mặc sức mà ăn”, có đức thì mới có thể tìm thấy long mạch, mới có sự giàu sang. Tử vi thường nói “Đức năng thắng số’’. ‘’Đức trọng quỷ thần kinh’’. Người có đạo đức khiến cho ma quỷ cũng phải sợ.

Qúy vị tụng kinh nhiều, niệm phật nhiều ma quỷ tự động sợ, né đi chỗ khác. Người có đức đến nhà nào thì nhà đó giàu lên, khá lên. Người tu lâu, đạo cao đức trọng đi tới đâu ban phước tới đó, làm cho nơi đó phồn thịnh, phật tử kéo đến tu học càng ngày càng đông. Quý là ở chỗ đó. Cho nên tất cả chúng ta học Phật là học đạo đức. Đức trong đạo phật không phải là đức nói suông. Đức là những hành động thiện, lời nói thiện, suy nghĩ thiện.

chữ đức

Chúng ta tới chùa là tới bằng tâm bố thí, giữ giới, niệm phật, tụng kinh, báo hiếu cha mẹ, giúp đỡ anh chị em, kính trọng người lớn tuổi…như vậy là ta đang tạo đức. Cho nên trong đạo, quý vị thấy có nhiều người xuất gia thọ giới tỳ kheo 10 năm, 20 năm trở lên có đạo hạnh gọi là đại đức (là người có thời gian dài ít nhất 10 năm công phu khổ luyện). Đó là chưa kể trước đó phải trải qua thời gian dài làm “điệu’’, làm chú tiểu. Nếu có 25 năm xuất gia thọ giới tỳ kheo, 45 năm tuổi đời sẽ gọi là Thượng tọa. Chúng ta nghe hai tiếng thượng tọa biết vị ấy có 25 năm công phu tu hành. Hòa thượng là vị có 45 năm tuổi đạo, 65 năm tuổi đời. Như vậy, Hòa thượng là một vị đức độ, có thời gian công phu, hoằng pháp, làm phật sự 45 năm. Thật phước đức vô cùng vô tận.

Cuộc đời hoằng pháp của đức Phật để lại pháp bảo vô cùng quý giá trong suốt 45 năm giáo hóa độ sanh . Hơn1/4 nhân loại trên thế giới theo đạo Phật. Phật giáo được bình chọn là một tôn giáo lớn ở bình diện bình đẳng, hòa bình. Người Phật tử chúng ta, kể từ lúc ta quy y, 20 năm, 30 năm, 50 năm …nghe năm tháng quy y thấy biết sự cao dày của đức.

Ta đến chùa tạo biết bao nhiêu công đức; bố thí, cung kính tam bảo, tụng kinh, bái sám, ngồi thiền v.v Trong đạo Phật, đức không phải chỉ có trong hiện tại mà còn là sự nối tiếp nhân quả của đức trong tiền kiếp xa xưa. Đạo Phật là đạo tin có luân hồi. Vì có luân hồi nên đời này có thể không biết ai lớn hay ai nhỏ hơn ai. Chú tiểu này ngồi ở đây. Nếu theo luân hồi có thể từng là sư phụ. Ta có nghĩ tới chiều sâu về nhân quả, luân hồi mới quý trọng những người nhỏ tuổi này. Trong kiếp này, đối với chúng ta, chú tiểu này hiện đang còn nhỏ nhưng có chủng tử giác ngộ từ lâu xa nên mới có mấy tuổi đầu đã được xuất gia làm chú tiểu. Nghĩa là chú xuất gia rất sớm so với nhiều người khác. Có những người đã hơn năm mươi, sáu mươi, tám mươi tuổi đời nhưng tánh tình có khi còn chưa già dặn. Còn người nhỏ tuổi nhưng đã có hạt giống giác ngộ, thường được dạy dỗ nên hình tướng, phong cách giác ngộ, từ tốn, ung dung.

Trong kinh có đề cập đến đức Phật Thích Ca có ba đức: Bi đức, Trí đức,Tịnh đức

Bi đức

Bi đức là tình thương bao la, là lòng trắc ẩn. Trí đức là trí tuệ cao cả không gì sánh bằng, ví dụ như trí tuệ của Phật tổ. Tịnh đức là trước mặt, sau lưng, tâm của Phật vẫn như như vậy, không thay đổi.

Bi đức, trí đức, tịnh đức là ba đức tánh của Phật nên khi ta lạy Phật là ta lạy ba đức tánh này.

Kẻ thù của tâm bi là sự độc ác, thờ ơ. Ta đến với Phật là học bi đức, học tu theo hạnh của Phật. Bi là hài hòa, dễ thương, không ác ý, không ngã mạn, không độc tài…Có bi đức, cuộc sống sẽ tự tại, hạnh phúc. Có bi đức, ta được nhiều người quý trọng. Trong kinh nói chư thiên - những người vô hình - cũng ngưỡng mộ người có bi đức.

Người vợ, người chồng có bi đức trong tâm, cha mẹ có bi đức trong tâm giúp con cái hưởng được bóng mát cuộc đời. Những ông cha bà mẹ có đời sống hiền hòa, gần gũi để lại trong tâm con cháu bài học vô giá về đạo đức. Những ông cha hay đánh đập răn đe con cái, tuổi thơ lớn lên trong sự giáo dục nghiêm khắc, mạnh mẽ quá làm cho con cái khiếp đảm, sợ hãi nhưng không kính trọng cha mẹ.

Đọc hồi ký của bà Phạm Phương Thảo “ Đi qua thời gian” có câu nói: “Giáo dục các con trong nhà tuyệt đối không nói nặng trước mặt con, không nói xấu người khác trước mặt con, có những mâu thuẫn ở chỗ này, chỗ nọ nhưng hạn chế nói về những nghịch ý đối với trẻ thơ’’. Đó là một cách giáo dục con rất hay, rất gần với đạo Phật.

Cho nên với bi đức, ngày xưa đức Phật đã đi khất thực ở ngoài đường là có ý giáo dục, gần gũi những người bình dân để tiếp độ cho họ. Đi khất thực ôm bình bát xin ăn không phải vì thiếu thốn mà để giúp cho tất cả mọi người có thể gieo duyên bố thí cúng dường .

Đức Phật xuất thân dòng dõi vua chúa, cao lương mỹ vị không thiếu nhưng Ngài dạy tăng đoàn của Ngài đi xin ăn, đó là hạnh tu, là hình thức diệt ngã, bỏ tánh tự cao tự đại, nếu không thì không thể thành phật. Đó là một hình thức tiếp độ cho chúng sanh. Con người bận rộn không có điều kiện đến chùa. Đi khất thực là tạo điều kiện cho mọi người gieo duyên lành với đạo pháp. Thực ra, khi đi khất thực , chỉ một bình bát mà có biết bao nhiêu người cúng dường: bánh mì, chapatti, sữa, cơm, khoai, cá, rau…Các Sư khất thực có gì ăn nấy, nhiều món trộn chung với nhau thì nói ngon làm sao được nhưng như vậy cũng là cách giúp cho chư tăng diệt tâm tham ăn vì khoái lạc.

Cho nên ta đến chùa lạy Phật là lạy bi đức của Phật. Có bi đức là có hạnh phúc, là có tình thương đối với những người chung quanh. Tình thương không chiếm hữu độc quyền, ích kỷ. Thương mà không biết thương thì gây thương tích cho người mình thương. Không có bi đức, tình thương sẽ là tình thương chiếm hữu. Thương người ta mà không hiểu người ta, người ta không thích sầu riêng mà cứ mua sầu riêng cho ăn hoài đến ngộp thở là khổ. Do vậy có hiểu mới thương. Thương phải có hiểu. Khi ta có tâm đại bi, ta mới có tình thương cho dành cho mọi người. Nếu cha mẹ có tình thương đối với con cái, con lầm lỡ thì cha mẹ dùng tâm đại bi mà dạy con bằng ái ngữ. Trong chùa, sư phụ thường dùng tâm đại bi nhiếp phục chúng tăng. Trụ trì mà độc đoán, kiêu căng thì tăng chúng đau khổ, trụ trì cũng đau khổ. Tu sao cho được tâm đại bi, xóa bỏ tâm bất thiện, tâm nhỏ mọn, kiêu căng là được.

Đức Phật dạy: tất cả chúng sanh đều có hạt giống giác ngộ nên tránh đừng xúc phạm người khác. Có tâm đại bi thì tâm sân si, ghen tức, ngã mạn sẽ lắng dịu. Nếu tâm đại bi không phát triển thì những phiền não hằng ngày làm người ta đau khổ. Phiền não, ghen tức, ích kỷ, giận hờn nhiều chừng nào sẽ khổ nhiều chừng đó, ức chế nhiều, đường tăng, huyết áp tăng. Gương mặt người khi ghen tuông rất xấu. Lo sợ nhiều khiến ta cười không nổi, mặt lúc nào cũng hằm hằm vì ta mất khả năng cười. Cười là biểu lộ tâm hoan hỷ. Răng cứng, lưỡi mềm nhưng răng rụng trước lưỡi. Khi người ta chết lưỡi mới chết theo. Cứng quá sẽ gãy sớm. Cho nên, ai có hàm răng đẹp hãy cười, luôn luôn cười cho đời vui hơn. Cười biểu lộ tâm hoan hỷ. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Cười không đúng chỗ thì lỗ mười thang. Người biết cười là người có tâm đại bi.

Bàn tay của người đại bi có thể giúp được người khác, đôi chân của người đại bi chạy nhanh đến cứu người. Đôi tai của người đại bi biết lắng nghe những nổi niềm thống khổ của tha nhân để an ủi chia sẻ. Miệng của người đại bi nói bằng ngôn ngữ từ ái. Bằng không thì tai, mũi, lưỡi , tay chân này làm những điều bất thiện. Miệng không đại bi thì chỉ có nổ, chửi, nói xấu…

Trí đức

Trí đức là sự thông minh sáng suốt. Phật đạt trí đức nhờ tu thiền. Niệm phật, ngồi thiền giúp cho ta có trí huệ. Người có trí đức thấy và tin nhân quả, nghiệp báo luân hồi, tin tứ diệu đế để không dễ duôi.

Ví dụ, có những người thương tiền đi chùa, ai kêu bố thí là không đi chùa nữa. Đối với người chưa có tâm bố thí thì người có trí sẽ hướng dẫn cho họ niệm phật, ngồi thiền. Phật pháp có 84.000.000 pháp môn nghĩa là rất nhiều cho ta chọn lựa. Khi quý vị tu thiền, đạt được tâm tuệ mới nhìn được tất cả.

Chúng ta xem phim 3 D rất sống động. Nhưng 25 thế kỷ trước đức Phật đã dạy 84.000.000 D từ pháp môn thiền Vipassana. Phật dạy tu thiền và nhìn con người dưới lăng kính quán chiếu nhiều nên trí tuệ bừng ngộ. Ngày xưa có nhiều người gặp Phật nghe một câu kinh bỗng nhiên bừng ngộ. Bây giờ có người nói, sao con không ngộ gì cả. Thật ra có ngộ đó chớ. Ngày xưa quý vị cố chấp, bây giờ biết tu nên quý vị hỷ xả. Con cái làm đổ bể đồ đạc, quý vị bỏ qua, chớ hồi xưa là la mắng rồi . Xưa nóng tính, ích kỷ, không bao giờ nhường nhịn ai, giờ thì nhường luôn luôn . Xưa lười đốt nhang, mỗi tuần một cây, bây giờ siêng đốt nhang lạy phật, học hạnh tinh tấn của Phật. Xưa ‘’mô đen’’ bây giờ mô phật, mặc áo tràng. Áo tràng giúp cho ta không sân si, giúp ta sửa tâm, sửa tánh. Nhờ tu nên trí tuệ phát triển. Nếu chưa tu thì lấy chồng chấp có chồng, có tài sản chức vụ cố chấp dính mắc vào tài sản, chức vụ đó.

Đại đức Thiện Minh giảng tại chùa Quan Âm