Thành đạo - Ý nghĩa nhân bản tuyệt đối


“Từ đống rác bên đường, một đóa sen xuất hiện, làm đẹp ý mọi người, từ vũng bùn tội lỗi, phiền não của thế gian, xuất hiện một bực Thánh, trí tuệ lợi quần sanh” (Kinh Pháp cú 58, 59). Trong trường hợp khác, Đức Phật cũng khẳng định: “Con người là tối thắng, vì có hai khả năng, một là có khả năng thành tựu Đạo Bồ đề, hai là làm cho Chánh báo (Tâm), Y báo (hoàn cảnh xã hội) đẹp đẽ, an vui, hạnh phúc” (Kinh Anh Lạc). Như vậy sự phát triển Tâm Bồ đề, lòng Từ bi từ thấp đến cao, từ khởi đầu cho đến cứu cánh thành Phật. Đó là nội dung bài viết “Thành đạo – ý nghĩa nhân bản tuyệt đối” của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ban biên tập xin đăng toàn văn bài viết này để quý độc giả chúng ta cùng trau dồi năng lượng tu tập, ngõ hầu đoạn tận khổ ưu, tu hành tinh tấn, chứng ngộ niết bàn.


THÀNH ĐẠO – Ý NGHĨA NHÂN BẢN TUYỆT ĐỐI

Xuất phát từ tâm Từ bi, Trí tuệ sẵn có của mỗi con người, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni khi còn là một chúng sinh bình thường, là một tội nhân trong địa ngục A tỳ, vì thương xót một tội nhân khác, nên Ngài đã phát tâm cứu độ: “Cho tôi thay tội nhân đang bị hành hạ (tiền thân Đề Bà Đạt Đa) kéo xe lửa đến nơi đến chốn, để anh ấy khỏi bị quỷ sứ đánh đập, khổ đau” (Kinh Bản Sanh). Ngay sau khi phát tâm Bồ đề từ lòng thương vô hạn, nên Ngài đã thoát khỏi địa ngục, không những một mình Ngài mà tội nhân khác (tiền thân Đề Bà Đạt Đa) cũng được thoát kiếp, và từ đó xem như Tâm Bồ đề đã phát và hình thành ý nghĩa Bồ tát và Bồ tát đạo, tiến lên cho đến khi giác ngộ hoàn toàn. Thế nên Khế Kinh nói: “Từ đống rác bên đường, một đóa sen xuất hiện, làm đẹp ý mọi người, từ vũng bùn tội lỗi, phiền não của thế gian, xuất hiện một bực Thánh, trí tuệ lợi quần sanh” (PC 58, 59). Trong trường hợp khác, Đức Phật cũng khẳng định:  “Con người là tối thắng, vì có hai khả năng, một là có khả năng thành tựu Đạo Bồ đề, hai là làm cho Chánh báo (Tâm), Y báo (hoàn cảnh xã hội) đẹp đẽ, an vui, hạnh phúc” (Kinh Anh Lạc). Như vậy sự phát triển Tâm Bồ đề, lòng Từ bi từ thấp đến cao, từ khởi đầu cho đến cứu cánh thành Phật. Theo Kinh Chiêm Sát có bốn giai đoạn Thành đạo:

1. Đầy đủ niềm tin là Thành Đạo (Thành Phật)
Xuất phát từ Tâm sáng suốt, nhận thức rằng mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, do đó mình đầy đủ Phật tánh và đủ khả năng thành Phật. Tin các pháp xưa nay thanh tịnh, đầy đủ các công đức và đủ các năng lực, đó là ý niệm thành Đạo, thành Phật rồi. Thế nên, Kinh A Hàm nói: “Nếu các Tỳ kheo, đệ tử Đức Như Lai đầy đủ bốn niềm tin không biến cải là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin Giới, thì nhất định sẽ chứng quả A La hán, thấp nhất sau khi mãn phần cũng chứng được Sơ quả, không còn đọa vào ác đạo” (Kinh Gương Chánh Pháp). Và từ đó phát triển thêm một số ý nghĩa đặc thù trong hệ thống giáo lý đạo Phật trên lập trường của Giới luật, như Kinh Phạm Võng nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, do đó Ta là Phật đã thành, còn các ngươi là Phật sẽ thành, nếu người nào tin được như vậy thì Giới phẩm đã trọn vẹn”.

Không những Phật nói thế, mà về sau Tổ cũng nói như vậy. Như Đức Lục Tổ nói: “Nào ngờ tự tánh vốn đã thanh tịnh, nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt. Nào ngờ tự tánh vốn không dao động. Nào ngờ tự tánh vốn đã đầy đủ. Nào ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp” (Kinh Pháp Bảo Đàn).

Thậm chí, một nhà thơ, một người bình thường trong thế gian cũng cảm nhận được ý nghĩa của Phật qua bốn câu thơ:
 
“Phật ở đâu xa, Phật ở lòng
Cõi lòng thanh tịnh tợ hư không
Tòa sen phảng phất hương thơm ngát
Át cả bùn nhơ, át bụi hồng”.

                                                  (Cụ Xuân Thủy)
 
Tóm lại, tin đầy đủ là thành Đạo, là bước khởi đầu trong quá trình tu hành của tất cả chúng sanh, của Bồ tát và của hành giả tìm về Bến giác, xem như đã thành Đạo, từ thuở ban đầu. Do đó, Kinh Hoa Nghiêm nói: “Niềm tin là đầu mối của Đạo (cửa ngõ vào Đạo). Niềm tin là mẹ các công đức. Niềm tin có khả năng nuôi lớn căn lành. Niềm tin có thể vượt khỏi lưới ma. Niềm tin có thể đưa đến thành tựu Đạo quả Vô thượng Bồ đề” (Tín vi đạo nguyên công đức mẫu. Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn. Tín năng siêu xuất chư ma đạo. Tín năng thành tựu Bồ đề quả).

2. Hiểu rõ là Thành Đạo (Thành Phật)
Như Đức Phật dạy: “Trong các loài chúng sanh nhiều chân, bốn chân, hai chân (Lưỡng túc – Loài người) là có đủ điều kiện tu hành chứng quả A la hán (còn gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (Kinh Tương Ưng – Phẩm Loài người)”. Vì như chúng sinh A tu la thì quá sân hận, còn chư Thiên thì quá vui sướng, loài súc sinh thì quá ngu si, chúng sinh trong địa ngục thì quá khổ đau, chỉ có con người là không khổ không vui, có sức chịu đựng dẽo dai, bền bỉ, thông minh trí tuệ có đủ điều kiện tu hành thành tựu Phật quả (Kinh Lục Thú).

Qua đó, mỗi con người đều có khả năng tu hành thành Phật. Các Bồ tát, chư Phật đã thành Phật, thì chúng ta cũng sẽ thành Phật. Như Tổ Quy Sơn nói: “Những người đi trước là bậc trượng phu, thì mình cũng sẽ là bậc trượng phu, không nên tự khinh mình mà thối lui (thối Tâm Bồ đề) (Bỉ ký trượng phu ngã diệc dĩ, bất năng tự khinh nhi thối khuất)”.

Để củng cố niềm tin và sự hiểu rõ, Đức Phật đã khẳng định: “Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ Trí tuệ - Tuệ giác và đức tướng (phước đức và 32 tướng tốt) của Như Lai (Nhất thiết chúng sinh cụ hữu Như Lai trí huệ đức tướng (Kinh Hoa Nghiêm)”. Không những chư Phật đã nói như thế, mà chư Tổ cũng khẳng định như vậy. Như Bố Đại Hòa thượng nói: “Ta có nhà Tam bảo, trong vốn không sắc tướng, ngời ngời tự tại chẳng làm chi, phơi phới rồi thì sẽ thấy kỷ” (Nhạc Lâm Ngữ Lục). Quả thực: Trăng trong in khắp muôn dòng nước. Thông cỏi tha hồ bốn gió rung. Xưa mê nay tỉnh là như thế. Đạo cả sâu xa lòng hiểu lòng.

Tóm lại, Kinh Hoa Nghiêm nói: “Biết tất cả pháp, đều từ tự tánh phát sinh, thành tựu trí tuệ tuyệt đối, Pháp thân thanh tịnh, là do chính mình, chớ không phải do ai khác” (Tri nhất thiết pháp, tức tự tâm tánh, thành tựu huệ thân, bất do tha ngộ).

3. Thực hành đầy đủ và Thành Đạo (Thành Phật)
Tin hiểu là một lẽ, mà thực hành lại là một lẽ. Nếu thiếu thực hành thì không có kết quả. Như Bồ tát Mã Minh nói: “Tất cả chúng sanh đều có Chơn như, nhưng nếu chỉ nói Chơn như thì không thể chứng được Chơn như. Do đó phải y cứ Chơn như tu tập, mới mong chứng được Chơn như Niết bàn Bồ đề Vô thượng” (Luận Đại Thừa Khởi Tín).

Từ cơ bản ấy, sự tu tập về các thiện pháp Lục độ: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ; Thập độ: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Bát nhã, Phương tiện, Nguyện lực và Trí. Theo Kinh Sở Hành Tạng (Cariya Pitaka): Bố thí, Trì giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Chơn thật, Quyết định, Tâm từ, Tâm xả (Kinh Tiểu bộ). Do tu tập các thiện pháp thành tựu Niết bàn và Bồ đề. Tức thành tựu Phúc đức và Trí tuệ. Trong đó, Phúc đức là Bố thí, Trí giới, Nhẫn nhục, Thiền định. Trí tuệ là Tinh tấn, Bát nhã, Phương tiện, Nguyện lực và Trí. Thế nên, Kinh Hoa Nghiêm nói: “Xưa vì chúng sinh khởi Đại bi, tu hành Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ Ba la mật, nên được tướng tốt thân đẹp đẽ, chúng sinh trông thấy đều vui mừng…” (Phẩm Thập Địa). Đồng nhất ý nghĩa Kinh A Hàm nói: “Bố thí thành Phật đạo, đủ 32 tướng tốt, Chuyển Pháp luân Vô thượng. Quả báo do Bố thí” (Kinh Tăng Nhất – P.10). Tóm lại, do thực hành đầy đủ mà thành Đạo, hay thành Phật là tiến trình thứ ba của hành giả tu Bồ tát đạo. Nếu ai thực hành được như thế, là thực hành đầy đủ Thành Đạo. Thế nên Cổ Đức nói:
 
“Mỗi bước dạo chơi chốn Niết bàn
Lướt dòng sinh tử chớ hề nan
Chân không dần bước trong ly niệm
Tịnh độ là đây, cũng Niết bàn”.

4. Chứng quả đầy đủ là Thành Đạo (Thành Phật)
Đạt đến mục đích cứu cánh là viên mãn. Do đó, những gì cứu cánh mới gọi là xong như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đoạn trừ hoàn toàn phiền não vô minh, Ngã chấp, Pháp chấp không còn, thành tựu 3 loại Trí huệ (Trí biết đời tương lai – Thiên nhãn, Trí biết đời quá khứ – Túc mệnh, Trí biết đời hiện tại – Lậu tận minh); 5 thứ mắt Trí tuệ (Nhục nhãn, Thiên nhãn, Đạo nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn); 5 phần Pháp thân (Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát Tri kiến Pháp thân) cho nên thành Đạo vào ngày Rằm. Công viên quả mãn, việc độ sanh đã xong nên Đức Phật nhập Niết bàn vào ngày Rằm. Như Kinh A Hàm nói: “Này A Nan, các ngươi còn mong chờ gì ở Đức Như Lai nữa? Những gì cần làm Ta đã làm xong, những gì cần nói Ta đã nói xong, những ai đáng độ Ta đã độ xong, đệ tử của Đức Như Lai đã đầy đủ tám chúng, giáo pháp Như Lai đã truyền bá phổ cập rồi. Do đó, sau 3 tháng kể từ ngày hôm nay Ta quyết định nhập Niết bàn vào ngày Rằm” (Kinh Du Hành, Kinh Niết Bàn).  

Hơn nữa, chứng quả đầy đủ, thành Đạo như trong Kinh Pháp Cú nói: “Ta đi lang thang trong vòng luân hồi, trải qua bao kiếp sống, tìm mãi không gặp kẻ làm nhà (nghiệp). Hỡi kẻ làm nhà, người không được làm nhà nữa (thân ngũ uẩn). Kèo cột rui mè của người đã bị Ta bẻ vụn. Trí của Ta đã đến Vô thượng Bồ đề. Tâm Ta đã hoàn toàn an tịnh (Niết bàn) và không còn những ái dục nữa” (PC. 153 - 154). Từ đó, suy ra về sau các Kinh đều xác định như trên: “Vô cấu thức của Đức Như Lai là cảnh giới thanh tịnh vô lậu, giải thoát khỏi hai chướng (Phiền não và Sở tri), Tương ưng Đại viên Cảnh trí” (Kinh Như Lai Xuất Hiện Công Đức).

Tóm lại, sự thành Đạo là một quá trình chuyển biến nội tại của mỗi người, mà tất cả chúng sanh đều có thể thực hiện. Chẳng qua sự thực hiện ấy chưa đúng mức và chưa viên mãn, chưa cứu cánh, nên chưa được như Phật nhưng chắc chắn sẽ được. Thế nên Kinh Niết Bàn nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Do đó, Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Từ đó xác định: Một chúng sanh đã thành Phật, hay một chúng sanh sẽ thành Phật là điều hoàn toàn thuận lý, thể hiện trọn vẹn bốn ý nghĩa: “Tin đầy đủ là thành Đạo, Hiểu đầy đủ là thành Đạo. Thực hành đầy đủ là thành Đạo. Chứng quả đầy đủ là thành Đạo”. Nói cách khác là thành Đạo từng giờ, từng phút, từng giây trên lộ trình giác ngộ giải thoát. Như Kinh Lăng Nghiêm Chánh Mạch nói: “Mỗi bước chơn đi là mỗi bước tiến gần đến Đạo quả Vô thượng Bồ đề”.

Và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một chúng sanh, một con người đã vươn lên từ vũng bùn tội lỗi, khổ đau trong thế gian này, nỗ lực tu hành, tích lũy công đức, đoạn trừ hết phiền não vô minh, cuối cùng Ngài đã thành Phật cách nay 25 thế kỷ (523 trước Tây lịch) dưới cội cây Tất Bát La (Bồ đề Đạo tràng – Bodhigaya làng Uruvela nước Ma Kiệt Đà, nay là thành phố Gaya, thủ phủ Patna, bang Bihar Cộng hòa Ấn Độ) và tất cả chúng sanh cũng đều sẽ thành Phật như Ngài. Quả thật như Cổ Đức nói:
 
“Thế giới thuở nào đang tối tăm
Rồi đêm thành Đạo sáng hơn Rằm
Tâm tư đọng dưới Bồ đề thọ
Thành Đạo đi vào với tháng năm
Thế giới ba nghìn chuyển động kinh
Đêm đen tĩnh mịch thấy tâm mình
Chúng sanh thế giới từ đâu đến?
Thấu rõ ba đời kiếp nhân sinh
Hư không rực sáng ánh hào quang
Vạn loại hoan ca khúc khải hoàn
Thiên ma dục giới đều quy phục
Dưới bóng Từ quang muôn chứa chan”./.