Chữ Hiếu từ những góc nhìn
Nỗi buồn chữ hiếu hôm nay
Thử gõ vài từ như “ngược đãi cha mẹ” lên Google, chúng tasẽ thấy hàng loạt tin tức trên các báo về tình trạng đối xử tàn tệ, thậm chí độc ác của con cái đối vối cha mẹ. Ví dụ như:
1/ Chiều 28-4, Công an thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cho biết đang tạm giữ Nguyễn Hoàng Minh, 40 tuổi để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Minh là người đã đánh cha ruột là ông Nguyễn Văn Bé (85 tuổi) trong đoạn clip gây phẫn nộ dư luận xuất hiện trên mạng xã hội vào ngày 27-4. Dù bà Đào Thị Cương (79 tuổi, mẹ ruột của Minh) cố gắng can ngăn, nhưng Minh vẫn liên tục đấm mạnh vào đầu cha, đẩy cha té ngã xuống đất. Tiếp đó, Minh cầm một cây rựa vung lên cao nhưng bị ông Bé nắm lại. Sau đó, Minh cầm rựa đuổi theo cha mình ra ngoài khiến người cha phải chạy trốnvào một căn nhà có cổng sắt. Ông Bé bị chấn thương vùng đầu phải khâu nhiều mũi.
2/ Trường hợp ông N.X.K, sinh năm 1950, ở quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Cả tuổi trẻ chăm sóc vợ bệnh tật, tới khi vợ ông nằm xuống, ông lại phải gánh chịu nỗi đau người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, con trai lớn cũng mất sau một vụ tai nạn. Người cha già với những nỗi đau khắc khoải trong tâm hồn vẫn hoàn thànhtrách nhiệm của một người cha, là chỗ dựa và vun đắp hạnh phúc cho người con gái út.
Tâm niệm cả đời ông là được khỏe mạnh để chăm sóc cho cháu, đỡ đần cho con. Nhưng trời không chiều lòng người, ông bị bệnh nặng và phải nằm viện. Sau khi làm phẫu thuật, sức khỏe của ông Ký ngày càng yếu. Không những không được con gái (chị K) chăm sóc tận tình, ông còn bị con rể (anh H) đánh đập, hành hạ một cách nhẫn tâm và dã man. Cận Tết âm lịch năm 2016, ông bị chị K và anh H lôi ra tắm bằng nước lạnh. Mỗi một gáo nước lạnh dội xuống là một cái gáo giáng vào đầu ông. Ông không còn khả năng tự chủ, chỉ biết ú ớ van lạy. Rồi hai người con lôi ông ra khỏi nhà tắm, không cho mặc quần áo để nằm co ro trên giường, (http://vietbao.vn/Doi-song-Gia-dinh/).
Và còn nhiều tin bài khác nữa. Buồn chăng?
Đấy là thiểu số, còn số đông thì sao? Có ai đã từng nghe các bậc cha mẹ tâm sự thật nỗi lòng của họ hôm nay chưa? Họ giấu vào lòng mình những buồn phiền vì không muốn con biết. Chúng tôi đã từng nghe nhiều bậc cha mẹ, người thì cay đắng, người thì nhẹ nhàng hơn xem như quy luật muôn đời: con trẻ sao chóng quên!
Có người tâm sự: “Anh ơi, em mất con em rồi!”. Sao thế, mới thấy nó về thăm nhà mà? Vâng, nó về thăm nhà với một cô vợ chưa cưới nhưng đã ở chung bên Pháp rồi. Nó yêu cầu vợ chồng em hỏi vợ, chính thức hóa mối quan hệ ấy cho nó, nhưng cả hai đứa đều không hề thăm hỏi tụi em lấy một lời! Lạnh lùng quá anh ạ! Bao nhiêu tiền bạc, công sức mình lo cho nó mà bây giờ vậy đó. Sau đám hỏi, tụi nó lại qua Pháp, mua nhà, vô quốc tịch luôn rồi. Không biết chừng nào về Việt Nam nữa? Đám cưới nó tính làm ở bển luôn!
Lại có bậc cha mẹ điện sang thăm hỏi con, chừng vài ba câu, là nghe nó nói: Còn gì nữa không má! Thôi con cúp máy nhen! Phải chăng thời buổi này sự thờ ơ đã len lỏi trong tâm hồn con người, lạnh lùng đến vô cảm! Nghèo thì nói là do sinh kế không báo hiếu được. Giàu thì cũng bận bịu, tiếc thời gian đến thế sao?
Cha mẹ già đâu cần chocolate hay iphone, mà chỉ cần những lời thăm hỏi ân cần. Có một clip trên mạng “Thư gửi con”, trong đó có đoạn viết “Có những lúc cha già không muốn tắm, đừng giận cha và la mắng nặng lời, ngày còn nhỏ con vẫn thường sợ nước hay từng van xin: Đừng bắt tắm, mẹ ơi!”. Chúng ta liên tưởng đến ông Ký ở mẩu tin phần trên khi bị con xối nước và bỏ lạnh. Hãy nhớ ca dao xưa kia:
“Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con...”
Còn ở villa, nhà cao cửa rộng mà thiếu sự ân cần, thiếu sự quan tâm thì cũng chưa tròn đạo hiếu!
Hiếu vẫn là cương thường của muôn đời
Cương thường ở đây là giềng mối ràng buộc các mối quan hệ con người với nhau. Đã không còn cái thời cổ xúy cho tam cương ngũ thường mà có những điều cần phải loại bỏ như quân thần cương, “Quân xử thần tử, thần bất tử, thần bất trung”, hay phụ tử cương “Phụ xử tử vong, tử bất vong, tử bất hiếu” nữa! Nhưng hiếu vẫn là cương thường, trong xã hội thể hệ, với những cái nhân và cái quả của mối giao hỗ đó mà có vợ chồng, cha con, bạn bè, anh em...
Cái cương thường ấy thẩm thấu vào mối quan hệ giữa người và người, riêng và chung đó làm nội dung sinh mệnh của quốc gia và thế giới. Trong đó, nguyên tắc sinh thực quan hệ đảm bảo sự tồn tục, là then dây chốt yếu của loài người đối với thời gian mà cửa ngõ là nút quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Cách hay nhất chúng ta cần làm là giáo dục đạo hiếu từ thuở còn thơ.
Cũng không nhất thiết phải lấy Nho giáo làm nền tảng, dù có thể lấy trong Hiếu Kinh những tư tưởng như “Cha sinh ra ta, mẹ nuôi nấng ta, thương lắm cha mẹ khó nhọc vì ta. Ân nghĩa sâu xa, trời cao khôn sánh Hiếu là căn bản của đạo đức, giáo hóa từ chữ hiếu mà ra. Đạo hiếu, trước tiên phải thờ cha mẹ, sau đó thờ vua giúp nước, cuối cùng là lập thân. Người con hiếu thảo, ngày thường ở với cha mẹ phải hết lòng cung kính; phụng dưỡng thì phải làm cho cha mẹ vui; lúc cha mẹ có bệnh phải tỏ lòng quan tâm lo lắng”.
Ở một lăng kính rộng hơn, và một tầm cao khác, giáo lý nhà Phật dạy rằng: Đạo hiếu chính là lòng từ bi. Đạo hiếu của người Việt từ xưa có nét đặc thù riêng được đề cập trong Lục Độ Tập Kinh, hiếu đâu phải chỉ thương cha, thương mẹ là đã làm tròn hiếu đạo của một con người, mà còn phải hướng cha mẹ về đường ngay nẻo chánh, giúp cha mẹ vượt qua sai lầm, giúp nghèo cứu đói, thương nuôi quần sinh, là đứng đầu của trăm hạnh.
“Đức Phật bảo các vị Tỳ-khưu: “Này các Tỳ-khưu, con nuôi cha mẹ, bằng những thứ này: cam lộ trăm mùi, để thỏa miệng Người, mọi tiếng thiên nhạc, để thích tai Người, áo đẹp tuyệt vời, rực rỡ thân Người, hai vai cõng Người, chu du bốn biển, trả ơn dưỡng dục đến hết đời con, gọi là hiếu chăng?”. Các vị Tỳ-khưu, bạch đức Phật rằng: “Lạy đức Thế Tôn, gọi là đại hiếu, còn gì hơn nữa?”.
Đức Phật lại bảo các vị Tỳ-khưu: “Này các Tỳ-khưu, tuy được như thế, chưa phải là hiếu, cần phải thực hành: Cha mẹ ngu tối, không kính Tam Bảo; hung ngược, tàn ác, lạm trộm phi lý, dâm dật ngoại sắc, nói dối phi đạo, say sưa hoang loạn, trái lẽ chân chính, hung nghiệt như thế, con hết lòng can, để khai ngộNgười. Nếu còn mê muội, chưa biết tỉnh ngộ, liền đem nhân nghĩa, khai hóa dần dần;... Này các Tỳ-khưu, đời chưa có gì đáng gọi là hiếu. Làm cho cha mẹ bỏ ác làm lành, vâng giữ năm giới và ba tự quy, được thế dù rằng buổi sớm vâng giữ, buổi chiều mất đi, ơn ấy trọng hơn vô lượng công ơn nuôi nấng, bú mớm của cha mẹ mình. Nếu không biết đem giáo pháp Tam bảo, rất mực khai hóa cho cha mẹ mình, tuy là hiếu dưỡng vẫn như bất hiếu”. (Kinh Hiếu Tử - Bản Việt dịch của HT. Thích Tâm Châu).
Như vậy, bản chất của Hiếu là Từ bi, không chỉ phụng dưỡng cha mẹ về mặt vật chất như Hiếu Kinh mà còn phải đánh thức tứ vô lượng tâm trong cha mẹ nếu như ta không may làm con những người thiếu đức. Cha mẹ có bổn phận tuyệt đối với con cái và con cái đối với cha mẹ cũng vậy. Xã hội có nghĩa vụ đối với con cái vì trẻ con sinh ra là phần tử dự bị của xã hội phải bồi dưỡng.
Nói như nhà thơ William Wordsworth “The child is father to the man” (Trẻ thơ kia mầm sinh trưởng nên người). Con cái chính là sự tồn tục nối dài sinh mệnh của cha mẹ. Thiền sư Nhất Hạnh từng khuyên khi xa nhà, nhớ cha mẹ hãy nhìn bàn tay mình, quán trong đó có những tế bào, những ADN của cha của mẹ. Gìn giữ đạo hiếu là gìn giữ cương thường trong quan hệ cha - mẹ con..., rộng hơn giữa các thế hệ và giữa các phần tử trong xã hội.
Có những tế bào yêu thương là gia đình và hiểu bản chất của hiếu như đã nói ở trên là từ bi, xã hội nhân ái sẽ vững mạnh vì những đứa con hiếu thảo chắc chắn sẽ là những công dân yêu cộng đồngvà tổ quốc. Thế nên Đạo Hiếu chính là cương thường của muôn đời.
Hãy trân trọng và gìn giữ!