Chư Tăng vùng Thuận Hóa sang Hoằng Hóa tại Đất nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào


  1. Mở đầu
Lào là một trong ba nước Đông Dương mà trong thời kỳ Pháp thuộc được sinh hoạt như là một hệ thống quốc gia của ba nước Việt Nam, Camphuchia và Lào quốc nằm trong hệ thống thuộc địa của Pháp thuộc khu vực Đông Nam Á. Lào có diện tích rộng 236.800 km2, Đông giáp Việt Nam, Tây giáp Thái Lan, phía Bắc giáp vùng đồi núi Vân Nam Trung Hoa và Myanmar và phía Nam giáp Campuchia[1].
Trong thời gian này nhân dân hai nước Việt Nam và Lào giao lưu sinh hoạt rất gần gũi và thân thiện. Vì vậy, số lượng người Việt sang Lào sinh sống rất lớn, là thành phần đông nhất trong số các nhóm tộc người nước ngoài sinh sống trên khắp đất nước Lào.
Đứng về phương diện văn hóa tín ngưỡng thì người Lào là nước đa sắc tộc, đa phần có ba bộ tộc chính là Lào Lùm chiếm 68 %, Lào Thơng (Lào Trung du) chiếm 24%, và nhóm ba là Lào Sủng số lượng ít hơn (theo thống kê điều tra dân số năm 1995 của chính phủ). Về phương diện tín ngưỡng, đa phần người dân Lào theo tín ngưỡng Phật giáo, theo thống kê chiếm 67% theo Phật giáo hệ Nguyên Thủy –Theravada.
Riêng về người Việt đã sang Lào sinh sống từ rất lâu, trong giai đoạn thời nhà Nguyễn đã có người Việt sang sinh sống tại đây, nhất là các tỉnh miền Trung đất nước Lào. Nhiều nhất là trong thời kỳ Pháp thuộc khi ba nước Việt, Lào, Campuchia trở thành Liên bang Đông Dương.
Đa số Việt kiều sang Lào làm ăn sinh sống nhiều nhất vẫn là những người dân theo tín ngưỡng Phật giáo, những Việt kiều lúc đầu, họ sống gần gũi nhau và lập ra những bản làng để giữ gìn nguồn cội, nhưng dần dần về sau có một số tu sĩ với tâm nguyện, hoặc có thể là do các tập thể Việt kiều theo Phật giáo đã về cố quốc để thỉnh cầu các vị Tăng già sang để hướng dẫn tinh thần và từ đó đã xây dựng nên những ngôi phạm vũ như ngày hôm nay.
Trong số Việt kiều ở Lào, thì tại hai tỉnh Champasak và Savannakhet có được sự gần gũi với các tỉnh miền Trung của Việt Nam nên đã thường xuyên liên hệ với cố quốc và đã cầu thỉnh được một số chư Tăng tại đây sang để hướng dẫn tinh thần tín ngưỡng cho người dân tại đây nhất là bà con Việt kiều tại những tỉnh miền Trung nước Lào xa xôi này.
  1. Những vị đại sư Tăng già hoằng pháp tại Lào
Đại sư Nhật Trung, tự An Khang: Đại sư Thích Nhật Trung, thế danh Đoàn Hữu Thạch, xuất gia tại chùa Bồ Đề, đường Chi Lăng, thành phố Huế. Sau đó ngài đã lên tu học tại Tổ đình Quốc Ân – Huế và được đắc pháp với Hòa thượng Phương trượng Tổ đình thuộc thiền phái Lâm Tế. Sau một thời gian, ngài đã hành hóa sang Lào. Tại làng Pungoudom có một Việt kiều tên Lê Cửu, là một vị quan cửu phẩm của triều đình nhà Nguyễn ở Việt Nam, di cư sang Lào khai khẩn vùng đất này rồi lập bản làng người Việt. Ông Lê Cửu đã phát tâm cúng một mảnh đất xây dựng một ngôi chùa nhỏ vào năm 1938, lúc đầu chỉ là một thảo am. Đến năm 1942 với sự hộ trì của các Phật tử Việt kiều ngài đã trùng tu xây dựng quy mô hơn và đặt tên là Trang Nghiêm tự. Năm 1972, đại sư Thiện Dung, một vị bán thế xuất gia trông coi chùa và đã đứng ra trùng tu chùa đến năm 1973 thì hoàn thành. Vào thập niên 1990, Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp đã được Giáo hội cử sang Pakse hành hóa và tiếp tục Trụ trì chùa Trang Nghiêm hướng dẫn cho bà con Việt kiều tu tập cho đến ngày nay.
Đại sư Thích Minh Lý (1915-1995): Đại sư thế danh Nguyễn Phước Ly, con vua Thành Thái (1879-1954) và bà Võ Thị Đức (1870-1938). Ngài sinh năm 1915 tại cố đô Thuận Hóa. Lúc ngài sinh ra là lúc thực dân Pháp bắt vua Thành Thái đi đày vì tội chống lại chính quyền bảo hộ. Năm 15 tuổi, ngài theo mẹ đi vào Nam lánh nạn, lúc thì Sài Gòn, khi thì Châu Đốc và cuối cùng trôi dạt đến đất Campuchia. Tại đây, ngài xuất gia và mang pháp danh Thích Minh Lý. Với tâm niệm phục vụ chúng sinh, cúng dường chư Phật, ngài đã đi khắp đất nước Lào, Thái Lan, Campuchia,... Ở đâu ngài cũng cống hiến hết mình cho việc truyền bá Phật pháp như xây chùa, đắp tượng, quy y cho nhiều Phật tử từ Thượng, Trung, đến Hạ Lào. Ngài đã xây chùa Châu Giác ở cây số 2 Hạ Lào năm 1950; vận động xây chùa Hùng Sơn ở Paksong năm 1952,… Năm 1962, ngài quay về Sài Gòn tham gia đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm độc tài. Năm 1964, ngài trở lại Lào và năm 1966 ngài khai sơn chùa Kim Sơn. Chùa Kim Sơn ở xóm sân bay Bankhuataphan, thuộc Pakse tỉnh Champasak. Chùa có kết cấu kiến trúc theo dáng dấp của chùa Thái Lan, Lào và Campuchia, có rất nhiều tháp ở phía trước. Chùa có tượng đài Quan Thế Âm, có thờ thổ địa và xây dựng tam quan theo kiến trúc Việt Nam. Ngài viên tịch năm 1995, thọ 80 tuổi[2].
Hòa thượng Thích Diệu Thanh (1890-1972)[3]: Hòa thượng sinh năm 1890 tại thôn Đa Nghi, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hòa thượng thế danh là Nguyễn Hữu Thanh và là một vị bán thế xuất gia. Lúc còn sinh tiền ngài đã quy y với Hòa thượng Thanh Thái, hiệu Phước Chỉ, đệ tam tổ Tổ đình Tường Vân, Huế, được Hòa thượng Bổn sư ban cho Pháp danh Trừng Tịnh, hiệu Diệu Thanh.
Trong thời gian đất nước đang trong thời kỳ chống Pháp, ngài đã đưa con (Hòa thượng Chánh Pháp) lúc ấy lên 14 tuổi vào Huế xin làm đệ tử Hòa thượng Tịnh Hạnh ở chùa Tường Vân, Huế và rồi ngài theo dân di cư lên Lào lập chùa Diệu Giác ở tỉnh Savannakhet để tu học và hướng dẫn Phật tử Việt kiền tu tập.
Sau khi khai lập chùa Diệu Giác xong ngài đã để lại cho Phật tử quản lý, tự sinh hoạt các Phật sự, còn ngài tiếp tục sang Thái lập thêm chùa Diệu Giác ở tỉnh Mukadahan, vì tại đây bà con Việt kiều xa xứ rất đoàn kết và luôn hướng về Tổ quốc yểm trợ tinh thần chống Pháp của bà con bản quốc.
Sau thời gian hành đạo ở Lào và Thái Lan, ngài biết mình sức khỏe già yếu nên đã nhắn con là Hòa thượng Chánh Pháp, đương kim Trụ trì chùa Phổ Quang, Huế về hậu sự của mình và sau đó ngài xả báo thân năm 1972, thọ 82 tuổi tại Mukadahan, Thái Lan. Nhục thân ngài được trà tỳ và xây tháp thờ tại ba nơi là chùa Diệu Giác ở Thái Lan, chùa Diệu Giác ở  Lào và một phần đưa về Việt Nam.
Hòa thượng Thích Nhật Liên: (1923-2010)[4]: Hoà thượng thế danh Diệp Quang Tiền, pháp danh Tâm Khai, tự Thiện Giác, hiệu Trí Ấn Nhật Liên. Ngài sinh ngày 13 tháng 10 năm Quý Hợi (1923) tại thôn Xuân Yên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình thâm tín Phật giáo. Thân phụ là cụ ông Diệp Chí Hoan; thân mẫu là cụ bà Phan Thị Đường. Hai cụ sinh hạ được 5 người con: 4 nam, 1 nữ. Ngài là con thứ trong gia đình, sau anh trưởng là thầy Diệp Tôn (Thích Thiện Liên).
Năm 13 tuổi (1932), được sự đồng ý của song thân, Ngài cùng anh trưởng đầu sư xuất gia với Hòa thượng Giác Nguyên, Trụ trì chùa Tây Thiên Di Đà tại Huế. Hai anh em Ngài được Hòa thượng truyền thọ Tam quy Ngũ giới, đồng thời làm lễ thế độ xuất gia và cho Ngài pháp danh Tâm Khai, tự Thiện Giác.
Hòa thượng may mắn được xuất gia vào thời điểm phong trào chấn hưng Phật giáo đang lên cao (1935). Tại Huế có Hội An Nam Phật học (sau này đổi là Hội Việt Nam Phật Học), thành lập năm 1932, xuất bản nguyệt san Viên Âm và mở thêm trường Sơ đẳng Phật học tại chùa Trúc Lâm - Huế (sau trường này được dời về chùa Bảo Quốc – Huế) do Hòa thượng Thích Trí Độ làm Đốc giáo. Được phép của Hòa thượng Bổn sư, Ngài đã tòng học tại Sơ đẳng Phật học đường dù thời gian nhập đạo chưa lâu.  
Năm 18 tuổi (1940), Ngài theo học tại Phật học đường Tây Thiên do Sơn môn Tăng già Thừa Thiên – Huế thành lập. Cùng năm, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cũng là Hòa thượng Đường đầu, truyền thọ giới Sa di tại chùa Tây Thiên.
Năm Ngài 22 tuổi (1944), sau khi tốt nghiệp tại Phật học đường Tây Thiên, Ngài được cử vào giảng dạy tại Thích Học Đường của Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại tỉnh Trà Vinh
Năm 23 tuổi (1945), Ngài ra Phan Thiết, Bình Thuận giảng dạy Phật pháp tại chùa Phật Quang (Chùa Cát).
Năm 24 tuổi (1946), Ngài trở về trú tại chùa Long An của gia tộc Ngài, thuộc liên thôn Xuân Yên, Nhan Biều, huyện Triệu Phong. Ở đây, Ngài nhận lời làm Giảng sư của Tỉnh hội Phật giáo Quảng Trị. Đồng thời, Ngài cùng các vị trong Sơn môn Tăng già Quảng Trị thành lập Phật học đường Quảng Trị đặt tại chùa Long An.
Năm 28 tuổi (1950), Ngài trở lại Huế ở tại chùa Tây Thiên hầu cận Bổn sư và qua chùa Linh Mụ phụ giúp Hòa thượng Sư thúc trông nom sinh hoạt chùa.
Cuối năm 1950, Ngài rời Huế vào Sài Gòn hỗ trợ với quý thầy ở Phật Học Đường Nam Việt (ban đầu trụ sở đặt tại chùa Sùng Đức – Chợ Lớn, sau dời về chùa Ấn Quang - Sài Gòn) trong công tác tổ chức và phát triển giáo dục Phật giáo ở nơi này. Ngài nhận làm Giáo thọ Phật học đường và tham gia Hội Phật học Nam Việt (chùa Xá Lợi) làm Cố vấn Ban Quản trị Trung ương hội, kiêm chủ biên tạp chí Từ Quang, cơ quan Hoằng pháp của Hội trong buổi đầu.
Năm 29 tuổi (1951), Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam họp tại chùa Từ Đàm, Huế để thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Ngài là một trong số 51 Đại biểu Phật giáo toàn quốc và là một trong 7 thành viên của Phái đoàn Phật giáo Nam Việt. Cùng năm, Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập và Ngài được cử giữ chức vụ Tổng thư ký sáng lập hội, trụ sở đặt tại chùa Hưng Long, sau đó dời về chùa Ấn Quang.
Năm 30 tuổi (1952), Ngài thọ Cụ túc giới, tại Giới đàn chùa Ấn Quang, do Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm Hòa thượng Đường đầu.
Năm 31 tuổi (1953), Ngài vận động tổ chức Đại hội Tăng già Nam Việt; Đại hội được mở tại chùa Ấn Quang. Lần đầu tiên có hơn 500 Tăng ni và đông đảo đồng bào Phật tử khắp miền Nam tham dự. Đại hội suy tôn Hòa thượng Huệ Quang, nguyên Tổng lý Hội Lưỡng xuyên Phật học Trà Vinh lên ngôi Pháp chủ Phật giáo Nam Việt. 
Năm 32 tuổi (1954), Ngài nghỉ việc tại Phật học đường Nam Việt; hai lần vân du sang Cao Miên, mở Lớp bồi dưỡng Giáo lý và mở khóa Huấn luyện Trụ trì cho Tăng già Việt Kiều tại chùa Kim Chương ở Nam Vang.
Năm 33 tuổi (1955), Ngài được Giáo hội cung cử ủy nhiệm đảm trách Phật sự tại Lào, và được toàn thể Chư Tăng và Phật tử Việt Kiều suy tôn lên ngôi Đạo Thống Phật Giáo Việt Nam tại Lào, kiêm Trụ trì chùa Bàng Long ở thủ đô Vientiane, Lào.
Từ năm 1960 đến 1968, nhiều Phật sự đã được Ngài thực thi trên đất Lào như trùng tu chùa Bàng Long với quy mô rộng lớn, thành lập Phật học viên Huyền Quang, Ni bộ Đại thừa Phật giáo Việt Nam tại chùa Bàng Long. Sau đó vì lý do an ninh quốc gia Lào, ngày 19/9/1969 Ngài trở lại Việt Nam và lưu trú tại chùa Xá Lợi ở Sài Gòn.
Năm 48 tuổi (1970), Ngài đảm nhiệm ngôi chùa cổ Văn Thánh, Thị Nghè, Gia Định rồi ra công chỉnh trang, tu sửa, thay đổi cách bài trí, biến nơi đây thành ngôi Già lam thanh tịnh trang nghiêm.
Năm 53 tuổi, Ngài đảm nhiệm chức vụ Chứng minh Đạo sư kiêm phụ trách chùa Long Thọ, trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Long Khánh ngày 15/01/1975.
Năm 1979, Ngài được chư tôn môn phái tổ đình Tây Thiên suy cử Trụ trì chùa tổ Tây Thiên, Huế, sau khi Đại lão hòa thượng bổn sư viên tịch. Song, Ngài giao lại cho Pháp điệt coi sóc, rồi trở vào Long Khánh tiếp tục hoằng hóa độ sinh. Ngài đã không ngừng cố gắng vận động tu sửa xây dựng ngôi tam bảo chùa Long Thọ cũng như chùa Văn Thánh, Sài Gòn ngày một trang nghiêm thanh tịnh, biến những nơi này thành chốn già lam thắng địa
Năm 78 tuổi (2.000), rũ bớt duyên sự, Ngài chuyên tâm nghiêm mật hành trì chú Đại Bi và niệm Phật tam muội. Nguyện mãn châu viên, Ngài đã an nhiên niệm Phật đi vào cõi tĩnh lặng Niết Bàn vào lúc 17h, ngày 08 tháng 01 năm 2010 (nhằm ngày 24/11/Kỷ Sửu) tại chùa Long Thọ, tỉnh Đồng Nai. Ngài trụ thế 87 tuổi, 58 hạ lạp. Tháp của Ngài được tôn trí trong khuôn viên chùa Long Thọ.
Ni sư Thích Nữ Đàm Tiến (1941-2008)[5]: Ni sư Đàm Tiến thế danh là Nguyễn Thị Hạnh, sinh ngày 13/10/1941 tại Ưu Điềm Phò Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Ngọc Tuệ, pháp danh Tịnh Xương; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Liễu. Quê quán cả hai ông bà đều ở Thừa Thiên Huế.
Ni sư sang Lào từ rất sớm và quy y với Đại lão Hòa thượng Thích Nhật Liên, hồi ngài đang hành đạo tại đất Lào và được tôn xưng là Đạo thống của Phật tử Việt kiều và ở tại chùa Thọ Quang. Những năm Hòa thượng ở Lào, vì có uy tín với Phật tử Việt kiều ở Lào nhưng không theo chế độ Ngô Đình Diệm, nên Ngô Đình Diệm liên kết với chế độ Lào thời bấy trục xuất Hòa thượng về lại Việt Nam. Thời quy y đó, Ni sư được Hòa thượng ban pháp danh là Nguyên Tiến.
Những năm sau đó, sau khi Hòa thượng Nhật Liên về nước, Hội đã cử Hòa thượng Trung Quán quê quán ở Bắc Việt hiện đang ở Lào thay thế để hướng dẫn sự tu tập của bà con Việt kiều. Sau đó, Ni sư đã xin xuất gia với Hòa thượng Trung Quán năm 1970, sau đó thọ Tỳ kheo ni giới năm 1997 tại chùa Bàng Long nên được ban Pháp hiệu là Đàm Tiến và được cử Trụ trì chùa Diệu Giác do cố Hòa thượng Diệu Thanh sáng lập.
Ni sư Trụ trì đã thành lập ni chúng tại đây và hiện tu tập tại chùa Diệu Giác gồm có 3 vị đã thọ Tỳ kheo Ni giới đó là Đàm Thiện, Đàm Tuệ và Đàm Ngộ.
Đến năm 2008, Ni sư đã viên tịch, thọ 67 tuổi. Tháp, Long vị, di ảnh thiện thờ tại chùa Diệu Giác. Người kế thế Trụ trì chùa Diệu Giác là sư cô Thích Nữ Đàm Luân cũng đã được thọ cụ túc giới tại Thừa Thiên Huế, Việt Nam. Sư cô Đàm Luân nguyên quán Thanh Hóa, nhưng sinh ra trên đất Lào, mẹ là người Hải Dương đã di cư sang Lào vào thời Pháp thuộc.
  1. Một số tự viện được xây dựng tại các tỉnh miền trung nước Lào
Chùa Long Vân: ở xóm Nhà Đèn. Đây là ngôi chùa khang trang nhất và có ba tượng Phật lớn nhất trong các ngôi chùa Việt ở Pakse. Chùa Long Vân vẫn giữ những nét kiến trúc của chùa Việt Nam phái Bắc tông. Chùa không có nhiều tháp xung quanh như chùa Lào, trừ một tháp của vị khai sơn.
Cách đây gần 70 năm có một người Pháp tạc một pho tượng Phật Bổn sư có rắn Naga có thân làm đài sen để Đức Phật thiền định, bảy đầu rắn làm tán che Phật. Sau đó người Pháp này về nước và giao lại tượng Phật tại một ngôi nhà người Hoa trong xóm. Một người giúp việc trong gia đình này có tên là Trần Quế, một Việt kiều gốc làng Vĩnh Xương - Thừa Thiên bị tâm thần nhẹ, đã phát hiện được tượng Phật ấy khi quét dọn ngôi nhà Hoa kiều tại Pakse. Vì không có nhà cửa nên ông Trần Quế cứ ôm tượng Phật lang thang khắp nơi và thường ngồi tại một gốc cây bồ đề. Cùng thời gian ấy, một người dân trong vùng chiêm bao thấy mảnh đất chỗ ông Trần Quế ngồi ôm tượng Phật xuất hiện những hào quang sáng rực. Mọi người cho đó là vùng đất thiêng và họ dựng một thảo am để thờ. Ngôi chùa đầu tiên bằng gỗ dựng trên khu đất do cụ Nan Kịp, người Lào, phát tâm cúng dường.
Từ đó ngôi chùa nhanh chóng trở thành nơi lui tới thường xuyên của Việt kiều và dân sở tại. Về sau bà con lại xây thêm hai gian nữa thành ngôi chùa ba gian. Một thời gian sau được Hòa thượng Trung Quán và Hòa thượng Nhật Liên hỗ trợ, chùa Long Vân nâng cấp bằng bê tông cốt thép. Hiện nay mặt sau của chùa bị sạt lở nặng. Dòng nước khủng khiếp của con sông Sê Đôn đổ ra sông Mê Kông đã tàn phá đến sát khu chính điện của chùa.
Năm 2006, nhận được văn thư cầu thỉnh của Trưởng Ban hộ tự chùa Long Vân ông Trần Thế Ngữ, có sự đồng thuận của Hội người Việt tại tỉnh Champasak, Phó chủ tịch Đặng Lệ và sự nhất trí của cơ quan Tổng lãnh sự Việt Nam tại tỉnh Champasak Nguyễn Tiến Dũng. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, sau một thời gian làm việc với Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo chính phủ Việt Nam; ngày 10 tháng 01 năm 2007, Hòa thượng Thích Đức Phương, Trưởng ban trị sự GHPGVN tỉnh đã ký quyết định số 08-QĐ/BTS điều cử Đại đức Thích Thanh Tịnh (Phan Phường) tu học tại chùa Trường Xuân thuộc phường Phú Hậu, thành phố Huế và Đại đức Thích Pháp Đăng (Nguyễn Văn Thuận) tu học tại chùa Bảo Lâm, thuộc xã Thủy Xuân, thành phố Huế sang Pakse đảm nhận Trụ trì chùa Long Vân để thực hiện công việc hoằng dương Phật pháp theo như yêu cầu của bà con Việt kiều tại làng Thà Luông, huyện Pakse, tỉnh Champasak.
Sau một thời gian sinh hoạt, nhờ tấm lòng hảo tâm của bà con Việt kiều gần xa, chùa Long Vân quyết định quy hoạch, trùng tu xây dựng khu chính điện và khuôn viên chùa khang trang hoành tráng hơn như ngày hôm nay.
Chùa Trang Nghiêm: ở xóm Tân An thị trấn Pakse, thuộc tỉnh Champasak. Chùa do đại sư Nhật Trung, tự An Khang, người họ Đoàn, xuất gia tại chùa Bồ Đề ở đường Chi Lăng, Huế, sau đó tu học tại Tổ đình Quốc Ân Huế và đắc pháp với Hòa thượng Phương trượng thuộc phái thiền Lâm Tế ở nơi Tổ đình này, sau đó sang Lào hành hóa và khai sơn chùa Trang Nghiêm năm 1938. Chùa mới đầu chỉ là một thảo am, đến năm 1942, mới xây dựng quy mô và đặt tên là Trang Nghiêm tự. Năm 1972, Thượng tọa Thích Thiện Dung (tên khai sinh là Đặng Văn Cầm) đứng ra tái thiết, trùng tu với quy mô lớn hơn theo kiểu "tiền Phật hậu Tổ" và đến năm 1973 mới hoàn thành.
Chùa Trang Nghiêm có một cây bồ đề cổ thụ to đến năm người ôm. Bà Ly, một Phật tử của chùa cho biết cây bồ đề có tuổi hơn 70 năm. Bởi vì năm nay bà đã 66 tuổi mà lúc còn nhỏ bà đã thấy cây bồ đề này lớn lắm rồi.
Vào thập niên 90, Giáo hội đã cử Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp sang Lào, Trụ trì chùa Trang Nghiêm, hướng dẫn quần chúng tu học, sửa sang và tu chỉnh cơ sở tự viện, xây dựng khách đường, Tăng xá, cung thỉnh chư Tăng Việt Nam đến chùa Trang nghiêm tổ chức trai đàn chẩn tế, cầu an và cầu siêu cho phật tử tại Pakse và Phật tử tại chùa Trang Nghiêm, người còn kẻ mất đều được lợi lạc và Hòa thượng cũng còn cung thỉnh chư Tăng Việt Nam sang chùa Trang Nghiêm để an cư, diễn giảng Phật pháp và hướng dẫn cho Phật tử Việt Nam tại Lào nói chung và phật tử tại Pakse tu học theo tinh thần Phật giáo Việt nam nói riêng.
Chùa Kim Sơn: ở xóm Sân Bay Ban khuataphan, thuộc Pakse, Champasak. Chùa cấu trúc theo dáng dấp của chùa Thái Lan, Lào và Campuchia, có rất nhiều tháp ở phía trước. Chùa có tượng đài Quan Thế Âm, có thờ thổ địa và có xây dựng cổng tam quan theo kiến trúc Việt Nam. Vị tổ khai sáng chùa là ngài Thích Minh Lý (1915 – 1995). Vị Trụ trì hiện nay là sư Thích Minh Quới[6].
Chùa Thanh Quang: ở bản Đo Xám Xỉ do một sư cô trụ trì. Ngôi chùa này có quy mô nhỏ, nguồn gốc của một gia đình Việt kiều tu tại gia lập nên. Hiện nay, chùa Thanh Quang là nơi thờ tự, tu niệm của các Việt kiều có quan hệ bà con, dòng tộc với chủ ngôi chùa này.
Chùa Bảo Quang: tọa lạc tại thị xã Kaysone thuộc tỉnh Savannakhet đất nước Lào. Chùa do bà con Việt kiều di cư sang thời Pháp thuộc đã đồng tâm hiệp lực xây dựng vào khoảng đệ nhị thế chiến. Vào khoản năm 2005, Ban hộ tự cũng đã có thư cung thỉnh chư Tăng ở tỉnh Thừa Thiên Huế cử hai vị Tăng sang Bảo Quang để hướng dẫn Phật tử tu tập, nhưng vì chưa có người phát tâm Trụ trì luôn tại đây nên hiện vẫn chỉ có chư Tôn đức sang mỗi khi có lễ lớn như Phật đản, Vu lan mới sang để hành lễ.
Chùa Diệu Giác: tọa lạc tại cùng thị xã với chùa Bảo Quang thuộc tỉnh Savannakhet. Đây là một trong hai ngôi chùa Diệu Giác do Hòa thượng Thích Diệu Thanh (1890-1972) khai sáng vào những năm thập niên 30 thế kỷ trước. Ngôi chùa có kiến trúc cũng như không gian thờ tự và chương trình sinh hoạt tu tập mang đậm truyền thống Phật giáo Việt Nam, đem lại một nếp sinh hoạt rất gần gũi với bà con Việt kiều tại đất nước Lào xin đẹp nầy. Hiện tại chùa do Sư cô Thích Đàm Luân trụ trì cùng với ni chúng gồm có 3 vị Ni là đệ tử của Ni trưởng Đàm Tiến tu tập theo truyền thống Phật giáo Việt Nam và luôn có những quan hệ thân thiết với Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.
Một số chùa khác: Với những số chùa ở trên đã có người nghiên cứu thực tế, ngoài ra theo Nguyễn Tiến Dũng (Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai) trong bài viết “Những ngôi chùa Việt trên đất Lào” đăng trong báo Gia Lai điện tử thì có hai ngôi chùa khác mà chúng tôi chưa kiểm tra thực tế được đó là ngôi chùa Châu Giác do ngài Thích Minh Lý xây dựng năm 1950 tại cây số 2 ở Hạ Lào, và ngôi chùa Hùng Sơn ở Paksong một huyện của tỉnh Champasak cũng được ngài Thích Minh Lý khai sáng năm 1952.
  1. Lời kết
Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, các ngôi chùa Việt trên đất miền Trung của đất nước Lào với truyền thống văn hóa tín ngưỡng đa phần mang đậm dấu ấn Phật giáo. Bà con Việt kiều tại đây cũng đã hình thành một nếp sống văn hóa tín ngưỡng và đồng hành với sự phát triển của đất nước Lào, trong đó chư Tăng Việt Nam nhất là các xứ miền Trung Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Việt kiều để đem lại một cuộc sống an lành ngày càng phát triển, làm cho cuộc sống của bà con ngày càng được nâng cao. Đây cũng là khuynh hướng làm cho bà con Việt Nam các tỉnh miền Trung của Việt Nam có khuynh hướng giao lưu làm ăn buôn bán cũng như làm cho sinh viên học sinh mong muốn sang Việt Nam học tập ngày càng nhiều hơn đem lại tình cảm thân thiết hữu nghị giữa Việt Lào ngày càng bền chặt hơn./.
Tài liệu tham khảo:
  1. Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn (2011), Chư Tôn thiền đức và Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, tập 2, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội
  2. Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn (2016), Chư Tôn thiền đức và Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, tập 3, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội
  3. Trần Quang Thuận (2015), Phật giáo trong dòng lịch sử Lào, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội
  4. Nguyễn Văn Thoàn, (2019) Văn hóa Phật giáo trong đời sống của người Việt ở Lào, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ TP HCM
  5. Báo Giác Ngộ Online (29.03.2008)
  6. Trang nhà Hoằng Pháp Online, (30.11.2011)
  7. Gia Lai Online (31.03.2011)
Thích Hải ẤnPhó trưởng ban thường trực Ban văn hóa trung ương GHPGVN

NCS. Phạm Văn PhượngNghiên cứu sinh, Bộ môn Tôn giáo học, trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN

[1] Trần Quang Thuận (2015), Phật giáo trong dòng lịch sử Lào, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr25
[2] Nguyễn Tiến Dũng, “Những ngôi chùa Việt trên đất Pakse Lào”, Giác Ngộ Online
[3] Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn (2016), Chư Tôn thiền đức và cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, tập 3, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
[4] Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn (2011), Chư Tôn thiền đức và cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, tập 2, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
[5] Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn (2016), Chư Tôn thiền đức và cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, tập 3, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
[6] Theo Nguyễn Văn Thoàn, trụ trì chùa Kim Sơn hiện nay là Đại đức Thích Thiện Hữu