Chuyển hóa nóng giận


Cần thực tập thêm pháp tu rải tâm từ. Tâm từ càng tăng trưởng thì tâm sân luôn được tưới tẩm làm cho mát dịu. 

HỎI: Ba tôi thọ giới Bồ-tát tại gia và tu niệm Phật theo pháp môn Tịnh độ đã nhiều năm nhưng chưa hóa giải được nóng giận. Xin được hướng dẫn cách tu để ba tôi chuyển bớt tâm sân. Tôi được biết có một cách tu, sau khi công phu thì đọc bài nguyện: “Nguyện cho con (chúng sanh) thoát ly nguy hại, nguyện cho con (chúng sanh) thoát ly phiên não, nguyện cho con (chúng sanh) thoát ly khổ ách, nguyện cho con (chúng sanh) an lạc hạnh phúc” có người áp dụng và có kết quả tốt trong việc chuyển hóa nóng giận. Ba tôi có thể ứng dụng pháp này không? Mong quý Báo chia sẻ thêm.

(HẠNH ĐÔNG, wangmo7477@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Hạnh Đông thân mến!

Về căn bản, ba của bạn đã có những nỗ lực tu học thật đáng trân trọng. Mọi pháp tu đúng như Chánh pháp, dù cách tu khác nhau nhưng đều có một điểm chung là thành tựu giới-định-tuệ. Ba của bạn dụng công giữ giới, tu tập niệm Phật đã nhiều năm nhưng còn nhiều nóng giận, có thể vì nhiều nguyên nhân.

Trước hết là biệt nghiệp nóng giận của mỗi người vốn khác nhau. Người nhẹ nghiệp nóng giận thì họ luôn mát mẻ, tươi vui, đời sống nhẹ nhàng dù không tu hành gì nhiều. Ngược lại người nặng nghiệp nóng giận thì dù rất cố gắng tu tập nhưng vẫn không chuyển hóa được nhiều, có lúc không thể kiểm soát hết thân tâm của mình, khiến những cơn giận có nguy cơ bùng phát.

Hiện ba của bạn đã thành tựu giới (nếu giữ các giới trọn vẹn), đã có thành tựu một phần về định (nhờ thực hành niệm Phật) nhưng vì thường nóng giận, nên có thể đoán định rằng ông chưa mấy thành tựu về tuệ. Và điều cần lưu ý là, giới và định sẽ trợ duyên tích cực cho việc chuyển hóa nóng giận, nhưng từ bi và trí tuệ mới thực sự có năng lực nhổ bật gốc rễ nóng giận.

Về tu giới, người tu giữ giới nhưng không tự hào vì mình có giới, thương người chưa biết giữ giới chứ không khinh khi, giữ giới đem lại hạnh phúc chứ không phải trói buộc hay gánh nặng. Khi giữ giới, đặc biệt là tại gia Bồ-tát giới, cần giữ trọn mà thân tâm nhẹ nhàng, an vui và tự tại. 

Ba của bạn tu niệm Phật theo pháp môn Tịnh độ. Trong pháp tu này, hai yếu tố được chú trọng đầu tiên là niệm và định. Tiếc rằng, bạn không nói rõ ba của bạn niệm Phật thế nào. Nhưng cần lưu ý là, một số người tuy có niệm Phật mà không có chánh niệm. Vì sao có hiện tượng ấy? Nếu chỉ niệm Phật ngoài miệng, niệm Phật để tính chuỗi, niệm Phật như một thói quen thì chỉ dừng lại nơi hình thức niệm Phật. Niệm Phật theo cách này thì dù tu niệm có bao năm đi nữa cũng không thể chuyển hóa phiền não.

Chỉ khi nào niệm Phật, miệng niệm (thành tiếng hoặc thầm), tai nghe Phật hiệu rõ ràng, tâm ý biết rõ và chuyên nhất vào Phật hiệu. Niệm Phật như thế mới có chánh niệm, nhờ chánh niệm sâu dày khiến cho định lực càng tăng thêm. Năng lực của chánh niệm và chánh định giúp cho hành giả nhận diện về thân tâm một cách tỏ tường, bén nhạy. Nếu tâm có các phiền não, đơn cử như nóng giận thì sẽ thấy rất rõ quá trình hình thành, tồn tại và hoại diệt của chúng. Trong trường hợp này, chính năng lực của chánh niệm sẽ giúp hành giả kiểm soát, hạn chế và chuyển hóa được cơn giận.

Điều cần yếu là chế tác năng lượng từ bi, nhân tố quan trọng nhằm hóa giải nóng giận. Dĩ nhiên, lòng từ có được  là nhờ tu tập thiền quán rải tâm từ. Bạn đã biết thực tập “Nguyện cho con (chúng sanh) thoát ly nguy hại, nguyện cho con (chúng sanh) thoát ly phiên não, nguyện cho con (chúng sanh) thoát ly khổ ách, nguyện cho con (chúng sanh) an lạc hạnh phúc”, đây chính là một phần của pháp thiền rải tâm từ. Tâm từ được rải đến khắp chúng sanh, từ thân đến sơ, từ thương đến không thương, từ gần đến xa, bao trùm pháp giới… đạt đến vô lượng. Thiết nghĩ, ba của bạn cần thực tập thêm pháp tu rải tâm từ này. Tâm từ càng tăng trưởng thì tâm sân luôn được tưới tẩm làm cho mát dịu. Tâm từ đạt đến vô lượng thì có khả năng dung nhiếp, hóa giải hoàn toàn sân hận.

Quan trọng nhất là phát huy tuệ giác để thấy rõ sự nóng giận, thù hận, bất mãn cùng các nguy hại của nó. “Một đốm lửa sân có thể thiêu rụi cả rừng công đức”. Quán sát sâu sắc hơn để thấy rõ: Ai giận? Giận ai? Không thực có người giận, không thực có người hay vật (việc) để giận, cũng không thực có cơn giận. Nóng giận như “hoa đốm giữa hư không” do duyên sanh thì cũng do duyên diệt.

Như vậy, ngoài việc tu giới và định (niệm), ba của bạn cần tu tập thêm từ bi và trí tuệ. Chỉ và Quán cần luôn có mặt trong sự tu niệm hàng ngày. Đó chính là phương pháp cốt lõi có thể giúp ba của bạn chuyển hóa được nóng giận cùng với các phiền não khác.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN