Đạo Đức Phật Giáo Với Việc Xây Dựng Đạo Đức Con Người Việt Nam Hiện Nay


Trên thế gian này, từ cổ chí kim, có nhiều tôn giáo, xuất hiện tồn tại, cho đến ngày nay. Có nhiều tôn giáo, giáo phái tín ngưỡng, thành lập sinh hoạt, chỉ một thời gian, rồi tự biến mất. Theo luật đào thải, cái gì xấu dở, không được tiện dụng, không lợi ích gì, không ai chịu dùng, không ai nghe theo, sẽ không tồn tại. Nhờ trí sáng suốt, chúng ta có thể, phân biệt rõ ràng, tà giáo chánh giáo. Tà giáo là những, giáo phái tín ngưỡng, không đem lợi ích, đến cho con người, không đem bình yên, ở trong tâm trí, chỉ đem lợi lộc, cho một thiểu số, giai cấp lãnh đạo. Tà giáo chủ trương, không cần trí tuệ, chỉ cần đức tin, làm cho con người, ngày càng u mê, ngu ngơ tăm tối, nhắm mắt tin càng, bất cứ những gì, vị giáo chủ nói, bất cứ những gì, giáo hội phán ra, không được suy nghĩ, phân biệt đúng sai, thường được gọi là: những người cuồng tín. Tà giáo thường hay, xúi giục tín đồ, hy sinh tài sản, của cải vật chất, kể cả sanh mạng, bất cứ giá nào, để được phong thánh, được lên thiên đàng. Tà giáo có mặt, ở các xứ nghèo, lạc hậu chậm tiến, dân trí thấp kém, và còn xuất hiện, ở xứ văn minh, vật chất cực thịnh, chẳng hạn như là: xứ Canada, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản. Tà giáo phát triển, phạm vi giới hạn, không gian thời gian, không thể phát triển, trên khắp toàn cầu, nếu không xử dụng, chiến tranh xâm lược, thủ đoạn tinh thần, mê hoặc nhân tâm, linh thiêng huyền bí, cưỡng ép hôn nhân, chính trị kinh tế. Khoa học nhân loại, ngày càng phát triển, tà giáo lu mờ, niềm tin lung lay, tín đồ giảm sút, giáo chủ lo âu.

Chánh giáo là những, tôn giáo chân chánh, chỉ dạy pháp môn, phương pháp dẹp trừ, phiền não khổ đau, đem lại bình yên, trong tâm con người, đem lại an lạc, hạnh phúc hiện đời, giúp đỡ con người, giác ngộ giải thoát, khỏi vòng sanh tử, luân hồi nghiệp báo. Chánh giáo chủ trương, bất tùy phân biệt, cũng không kỳ thị, phát triển đến đâu, hòa nhập đến đó, trong sự hòa bình, hòa hợp bình an, không gây chiến tranh, không gây mâu thuẫn, không chống trái nhau, như nước pha sữa, tuy hai mà một. Chánh giáo chủ trương, tự do tín ngưỡng, phát triển tâm linh, tự nguyện tự tín. Chánh giáo luôn luôn, đem lại cho người, những niềm an ủi, ngay trong đời sống, những niềm vui tươi, cho những tâm hồn, đang bị nhiệt não, vì các hệ lụy, của thế gian này. Khoa học nhân loại, ngày càng phát triển, chánh giáo sáng tỏ, chứng minh rõ ràng, niềm tin vững chắc, nhờ các phát minh, khoa học kỹ thuật. Dĩ nhiên tín đồ, đông hơn nhiều hơn, tin tưởng vững hơn, có nhiều lợi ích, thực tế rõ ràng, ngay trong cuộc sống.

Người ta cho rằng: tất cả tôn giáo, đại cương giáo lý, thảy đều giống nhau, chẳng hạn như là: khuyên răn dạy dỗ, làm lành lánh dữ, cải ác tùng thiện, nhằm đạt mục tiêu, kiến tạo xã hội, an ninh trật tự, bình yên hạnh phúc. Nói chung, để đạt cứu cánh, hầu hết tôn giáo, đều dạy con người sống có “Đạo Đức”. Thế giới luôn luôn, đề cao phát triển, đạo đức con người, đạo đức của nhân loại. Vậy ta thử tìm hiểu đạo đức Phật giáo với việc xây dựng đạo đức con người ở Việt Nam ta hiện nay như thế nào?

I - Khái Niệm Về Đạo Đức

  I.1- Định Nghĩa Chung Về Đạo Đức

Thuật ngữ Đạo Đức (moral) đượchình thành rất sớm trong xã hội chiễm hữu nô lệ, khoảng thế kỷ thứ IV trước công nguyên, gắn liền với tên tuổi nhà tư tưởng vĩ đại Aristot (384-322 trước công nguyên). Thời kỳ xa xôi người ta quan niệm đạo đức là những chuẩn mực chung nhằm điều chỉnh hành vi con người, sao cho tạo nên mối quan hêj hài hoà giữa con người với nhau, giữa con người với xã hội.

Theo tiếng Hy Lạp cổ Ethos là luân lý, là thói quen, là phong tục tập quán, thông qua đó mà điều chỉnh hành vi của con người. Ngoài ra Ethos còn có nghĩa là nơi cư ngụ, là quê hương xứ sở, là nguồn gốc lai lịch họ hàng.

Trong nho giáo đạo đức được lý giải ở cương thường, hay mở rộng ra là luân thường.

Đạo là chỉ những mối quan hệ nhằm duy trì một trật tự từ gia đình tới xã hội. Đó là quan hệ vua- tôi, cha mẹ- con cái, chồng- vợ, anh- em, bạn- bè. Trong 5 mối quan hệ trên, 3 quan hệ đầu là phụng tùng, tạo thành tam cương: bầy tôi phải trung thành với vua, con cái phải có hiếu, phải phục tùng cha mẹ, vợ phải phục tùng chồng. Ta có thể hiểu: “Đạo chính là đường đi nối lại của nề nếp, có phép tắc rõ ràng. Theo nghĩa đen và nghĩa bóng của từ, đạo là con đường đúng đắn từ nơi đi cho đến nơi tới. Đạo là hệ thống những nguyên lý, những phép tắc, những quy luật cơ bản của sự vận động”(1).

Đức là những quy định, những yêu cầu phải thực hiện cho đúng trách nhiệm của mỗi giới, mỗi người. Ví dụ như đối với nữ giới yêu cầu thực hiện tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh). Đối với nam giới phải giữ 5 đức (nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm).

Có thể nói, đạo dức là phép ứng xử có nhân phẩm giữa người này với người khác. Đạo đức luôn là mối quan hệ hai chiều, đòi hỏi mỗi người phải thực hiện theo đúng vị trí của mình trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hay ngoài xã hội. Đapọ đức là phương thức xác lập mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, là phương thức điều chỉnh quan hệ giữa cá nhân và xã hội

Theo C.Mác thì cho rằng, đạo đức chính là lực lượng bản chất của con người trong sự phát triển của nó theo hướng ngày càng đạt tới giá trị đích thực của cái thiện.

Đạo đức, được đề cập trong từ điển tiếng Việt là: “những tiêu chuẩn, những nguyên tắc được đư luận xx hội thừa nhận, quy định hành vi quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội”(2).

Qua các ý kiến khác nhau, chúng ta có thể khẳng đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập những hành vi và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, được thể hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và thông qua dư luận xã hội.

_______________

(1). Quang Đạm: Nho giáo xưa vào nay, NXB văn hoá- Thông tin 1999, tr. 109

(2). Từ điển tiếng Việt( 1997), NXB Đà Nẵng, tr. 280

I.2- Ý Nghĩa Về Đạo Đức Phật Giáo

Khi bàn đến đạo đức, triết học lại nổi lên câu hỏi cơ bản: "Nguồn gốc của các nguyên tắc đạo đức là gì và đâu là giá trị của các nguyên tắc ấy?". Câu hỏi kép gồm hai  vế ấy có vế đầu liên hệ đến tâm lý học và vế sau liên hệ đến siêu hình học. Những tranh cãi thuộc vế đầu là: Nguyên tắc đạo đức là do kinh nghiệm hay do kế thừa, hay do xã hội, do lý trí, do bẩm sinh, và chi tiết hơn liên hệ đến lòng trắc ẩn, tự kỷ, vị tha, trách nhiệm, bổn phận... Những tranh cãi thuộc vế thứ hai là: Giá trị của các nguyên tắc đạo đức có thể quy vào một không? Giá trị tuyệt đối là gì, lý tưởng, thượng đế...? Từ đó đạo đức học bị chia thành nhiều loại như đạo đức học duy nghiệm, duy lý, duy nghiệm lý, rồi lại bị chia thành các phái như chủ nghĩa hoan lạc, khoái cảm, duy dụng, duy nhiên, duy cảm v.v...

Ước vọng có một đạo đức học đúng đắn, hiệu nghiệm và phổ quát cho mọi người luôn luôn là chính đáng. Cái yêu cầu ấy còn mạnh mẽ hơn với lòng yêu tuyệt đối luôn bùng cháy trong con người và khiến con người quay tìm đạo đức học trong tôn giáo. Nhưng tôn giáo thường đầy rẫy những luận giải siêu hình; nó thiết lập các giáo điều, nó ra mệnh lệnh, nó đòi hỏi sự tuân phục, thuần tín ở đấng tối cao... Phật giáo không phải là một tôn giáo theo nghĩa ấy và đạo đức học của Phật giáo có thể là đạo đức học cho mọi người.

Đức Phật dạy: "Ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, này Pahàrada, Pháp và luật của ta chỉ có một vị là vị giải thoát". Ngài còn dạy: "Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay ta chỉ nói lên sự khổ và diệt khổ". Trong lần chuyển pháp luân đầu tiên tại Benares, giảng về Tứ Đế Đức Phật xác định đây là khổ, nêu nguyên nhân của khổ, nói đến sự chấm dứt khổ (giải thoát, Niết bàn) và con đường diệt khổ. Thế là Ngài đã tuyên bố mục đích của mọi hành động của con người và của giáo lý của Ngài là nhằm giải thoát khỏi khổ đau. Đối chiếu ý nghĩa này với định nghĩa chung về đạo đức học đã nêu, ta có thể nói toàn bộ giáo lý của Đức Phật là một giáo lý đạo đức, hay Phật học là đạo đức học, một đạo đức học xây dựng trên giải thoát, do một người đã giải thoát truyền dạy, lấy giải thoát làm cứu cánh, lấy giải thoát làm chuẩn tắc để đánh giá các hành động. Xác định nền tảng giải thoát này là xác định toàn bộ ý nghĩa, đối tượng, mục đích, phương pháp của đạo đức học Phật giáo.

Xác định nền tảng của đạo đức học Phật giáo là giải thoát, ta có thể dễ dàng giải đáp câu hỏi cơ bản đã nêu trên: Giải thoát là nguồn gốc của các nguyên tắc đạo đức. Thực ra mệnh đề này là kết quả của sự lập luận rằng: Do khổ, do kinh nghiệm khổ mà nảy sinh ra cái nguyên tắc đạo đức cơ bản là sự diệt khổ, thoát khổ, đẩy đưa đến sự diệt khổ tuyệt đối, cứu cánh, đấy là giải thoát tối hậu, Niết bàn. Giải thoát là mặt bên kia (mặt tích cực trong ý nghĩa đạo đức) của khổ đau, giải thoát và khổ đau là hai mặt của một thực tại đang hiện hữu tại đây, giờ đây. Vậy thay vì bảo giải thoát là nguồn gốc của các nguyên tắc đạo đức, ta có thể bảo khổ cũng là nguồn gốc ấy. Từ đây vế thứ hai của câu hỏi cũng được dễ dàng giải đáp : "Giải thoát là giá trị tối hậu đích thực của các nguyên tắc đạo đức."

Dù Phật giáo không hề muốn bị xếp như một triết thuyết như duy nghiệm, duy lý, duy cảm v.v... nhưng Phật giáo, đạo đức học Phật giáo, không thể không là đối tượng nghiên cứu cho các nhà triết học và không thể tránh khỏi sự sắp xếp phân loại của các nhà nghiên cứu đạo đức. Thế thì hãy tạm gọi đạo đức học Phật giáo là đạo đức học Duy giải thoát mà phương Tây có thể nên gọi bằng một từ triết học mới nào đó, đại loại như "Emancipisme"! Và như vậy, vấn đề muôn thuở của đạo đức học nói chung như lương tâm hay ý thức đạo đức, tức cái khả năng nhận biết giá trị đạo đức của các hành động được đạo đức học Phật giáo gọi là ý thức giải thoát, hay ở mức độ cao gọi là trí giải thoát. Trí giải thoát lại còn được xem là nguồn gốc của lương tâm, của ý thức đạo đức tức là của chính nó, hiểu theo lập luận của E.Kant khi ông gọi nguồn gốc ấy là lý trí thuần túy thực tiễn, cái nhân tố phát khởi những mệnh lệnh quyết định. Nếu Descartes đẩy ý thức đạo đức lên thành các tác phẩm của thượng đế, nếu Spencer đẩy lùi nó vào cái thói quen do di truyền thì đạo đức học Phật giáo gọi nó là dư y của ý thức giải thoát, một thiện nghiệp trong quá khứ và có thể được vun đắp thêm trong hiện tại.

Trước khi bàn tiếp hãy nhận định về cái thuật ngữ nổi cộm trong đạo đức học, đó là từ hạnh phúc (le bonheur). Người ta dễ dàng chấp nhận rằng mọi hành động đích thực của con người là nhằm mưu cầu hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là gì? Câu trả lời cũng thường dễ dàng không kém: Hạnh phúc là sự thỏa mãn vật chất và tinh thần! Nhưng những yêu cầu vật chất, tinh thần của mỗi cá nhân lại khác nhau tùy theo hoàn cảnh, cá tính, thời gian v.v... Có phải những yêu cầu ấy là tiền bạc, sức khỏe, vợ con, sự tiện nghi... và là sự được khen, được yêu, được lao động, được thực hiện lý tưởng được gần gũi Thượng đế...? Nếu thế thì ý nghĩa của hạnh phúc vẫn mãi mãi là mối trnh cãi. Đạo đức học Phật giáo nêu rõ cái kinh nghiệm cơ bản về hạnh phúc là sự lạc thọ, tức sự thọ nhận cái cảm giác an vui, cái hoan hỷ tâm vậy. Đạo đức học Phật giáo đồng nghĩa hạnh phúc với giải thoát, hiểu hạnh phúc là phù hợp với con đường giải thoát. Đến đây, giáo lý vô ngã của Đức Phật đóng vai trò quan trọng trong đạo đức học Phật giáo. Vì vô ngã là bản chất của hết thảy mọi sự vật, là chân lý nên mọi hành động trái với vô ngã (tức hành động hữu ngã) là trái với bản chất của các sự vật, là trái với chân lý, tức là gây khổ đau, trở ngại cho sự giải thoát. Khi ta thực hiện vô ngã thì ta thấy có hạnh phúc, tức thấy có giải thoát. Vậy vô ngã có thể xem là đồng nghĩa với giải thoát. Trong một nghĩa hẹp, hành động vô ngã là một hành động quên mình, vị tha, là từ bi, hỷ xả, mang tinh thần đạo đức xã hội mà mọi người đều xem là thiện hạnh.

Trở lại việc đánh giá hành động: Đạo đức học Phật giáo lấy tiêu chuẩn giải thoát, vô ngã để đánh giá một hành động và cái chủ thể đánh giá là ý thức giải thoát. Do mức độ tu tập, hành trì, ý thức này có thể cao, thấp khác nhau. Lương tâm, ý thức đạo đức hay ý thức giải thoát mang tính tự do trong chính nó và như đã nói nó có thể bị sai lầm, bị yếu kém khiến một cá nhân bị thoái thất hay chịu nhận khổ đau. Cho nên sự tu tập mới được đạo đức học Phật giáo đề cao, đấy là ý nghĩa tích cực của đạo đức học Phật giáo.

II- Đạo Đức Phật Giáo Với Việc Xây Dựng Đạo Đức Con Người Việt Nam

    II.1- Vai trò của Đạo Đức Phật Giáo Trong Sự Trưởng Thành Nhân Cách

Phong cách đạo đức và luân lý phải luôn là biểu hiện tự nhiên của kinh nghiệm tôn giáo xuất phát từ nội tâm và tình cảm thật sự giữa con người. Tuy nhiên không phải vì thế mà đạo đức và luân lý được xem như là điểm bắt đầu của tôn giáo. Làm như thế là áp đặt không tự nhiên và cưỡng ép trên con người. Thật ra, nhiều tôn giáo thường quan niệm rằng chỉ khi nào bị khiếp sợ, con người mới chịu chấp nhận sống hòa hợp với nhau. Từ đó, nhiều người có phong cách "rất đạo đức" chỉ vì lo sợ rằng nếu không làm như thế, họ sẽ bị "thượng đế trừng phạt". Hoặc nếu không sợ bị thượng đế trừng phạt, họ sống " đạo đức" vì hy vọng là sẽ được ban thưởng, nếu không phải ngay trong cuộc đời này, thì ít nhất sau khi chết cũng được trọng thưởng trên thiên đường.

Chúng ta không thể dùng sự sợ hãi và khủng bố để đánh thức niềm tin chân thành hay xây dựng những hành vi thật sự đạo đức trong con người. Tuy nhiên, những tư tưởng mà chúng ta lĩnh hội từ bên ngoài hay tự mình suy nghĩ ra thường có tác động lâu dài trên tình cảm, tư tưởng, và hành động, và qua đó, trên toàn bộ phát triển nhân cách của chúng ta. Nếu một người nào đó bị chìm đắm trong nỗi sợ hãi về cuộc sống ở địa ngục, người đó sẽ ngày càng lo sợ, và triệt để thi hành những quy tắc đạo đức mang tính giáo điều và cưỡng bức. Trái lại, nếu một người có tâm tính hân hoan giàu tình yêu thương, lòng từ bi, và hoan hỷ, cuộc sống nội tâm của người ấy sẽ ngày càng hạnh phúc và, qua những tình cảm thương yêu giữa con người, sẽ phát triển thành một nhân cách vừa tự do vừa đầy ý thức trách nhiệm xã hội.

Ngay từ đầu, lời dạy của Đức Phật chỉ có một mục đích: Đó là giúp tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ đau và giúp tất cả chúng sinh được sống hạnh phúc, vui tươi, và tự do. Do đó, tất cả những gì khủng bố, trói buộc, đe dọa, và làm con người đau khổ đều đi ngược lại Phật pháp.

Vai trò của tôn giáo không phải là rao giảng những quan điểm đạo đức và luân lý một cách giáo điều. Trái lại, về bản chất ý nghĩa, tôn giáo là một khuynh hướng tâm lý bẩm sinh của loài người, một loại năng lực tâm linh có xu hướng ly tâm (centrifugal) đi ngược lại và chủ yếu là đối trọng lại năng lực tâm linh có xu hướng hướng tâm (centripetal) tự nhiên của lòng vị kỹ. Do đó, tôn giáo cũng giống như cuộc đời, nó có ý nghĩa tự nó. Nó là một loại đời sống tâm linh trong đó con người cố gắng nâng cao nhạân thức của mình lên một trình độ khác, không những vượt cao và xa hơn bản thân cá nhân họ, mà còn hòa nhập vào vũ trụ vô biên nầy. Bản chất của tôn giáo là đưa con người thoát khỏi sự cô lập của chính mình và sống hòa hợp với những chúng sinh khác trong xã hội và trong vũ trụ vô biên nầy. Trong quá trình trưởng thành và phát triển nầy, con người trở thành một cá nhân có khả năng thể hiện tình cảm và tư tưởng của mình một cách tự nhiên và không bị chi phối bởi bất cứ một thế lực cưỡng ép nào từ bên ngoài.

Như đã nói ở trên, việc đồng hóa tôn giáo với đạo đức là lỗi lầm nghiêm trọng nhất của con người, và những đánh giá như "thiện" và "ác" thật ra chẳng có liên hệ gì đến tôn giáo cả. Và vì thế, luân lý đạo đức Phật giáo không hề bắt đầu với những huấn thị như "Con phải như thế này" hay "Con sẽ như thế kia." Mỗi người đều được xem như một cá nhân với những mức độ trưởng thành về trí tuệ, tâm linh khác nhau và từ đó, là những cá nhân hoàn toàn trách nhiệm về sự phát triển trí tuệ và tâm linh của mình.

     II.2- Đạo đức trong nếp sống người Phật tử

Nếp sống đạo là nếp sống luôn luôn có phản tỉnh, không buông trôi, không phóng túng. Cái gương mà Đức Phật nói không phải là cái gương soi mặt, mà là cái gương tâm hồn soi chiếu lại mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của mình có hợp hay không với nếp sống đạo; nếp sống Phật giáo, có hại hay không có hại đối với mình; đối với người, có lợi hay không có lợi, đối với mình và đối với người, đem lại hạnh phúc hay là gây ra đau khổ bất hạnh cho mình và cho người.

Vì sao Đức Phật lại khuyên chúng ta phải phản tỉnh nhiều lần?

Đó là do quá trình diễn biến của nghiệp, có thể chia làm ba giai đoạn: giai đoạn một là giai đoạn dụng tâm, cũng gọi là tác ý. Thông thường, chúng ta gọi là ý muốn. Thí dụ hôm nay là ngày Lễ Phật Đản. Nhưng ngay từ ngày hôm qua và trước nữa, có vị đã có ý muốn hôm nay đến chùa lễ Phật, nghe giảng, làm nhiều Phật sự và thiện sự khác. Nhưng cũng có những vị chắc chỉ là số rất ít nhân ngày Lễ Phật Đản lại muốn đi xem bói, xem toán, mong được "vào cầu" một chuyến để phát tài, phát lộc.

Ngay trong giai đoạn ý muốn này, chúng ta cũng phải phản tỉnh, phải xét xem muốn như vậy là đúng hay không đúng, hợp hay không hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, có lợi lạc cho mình và cho người hay không, đem lại hạnh phúc hay là gây ra đau khổ, cho mình và cho người hay là cho cả hai.

Nếu trong giai đoạn ý muốn, quý vị phản tỉnh thấy vào ngày Lễ Phật đản mà đi xem bói xem toán là không thích hợp, là nêu gương xấu mê tín dị đoan cho vợ con, họ hàng bè bạn và những người khác thì quý vị hãy kiên quyết từ bỏ ý muốn đó đi. Ngược lại, đối với ý muốn đi chùa, lễ Phật, nghe thuyết giảng, làm nhiều Phật sự và thiện sự khác. Các vị phản tỉnh thấy ý muốn đó là tốt đẹp, đem lại an lạc cho mình và cho người khác, hiện nay cũng như về sau, thì quý vị hãy cương quyết thực hiện ý muốn đó, mà cũng chính vì tuyệt đại đa số các vị đã có ý muốn tốt đẹp đó, cho nên hôm nay chúng tôi có duyên lành thuyết giảng trong một hội chúng đông đảo và hồ hởi như thế này.

Nếu mọi việc chúng ta làm, mọi lời chúng ta nói, mọi ý nghĩ của chúng ta đều được phản tỉnh xem xét cẩn thận ngay từ trong giai đoạn ý muốn, như lời Đức Phật dạy La Hầu La, thì bao nhiêu sai lầm, tội ác và bất hạnh đã không xảy ra trong thế giới đầy đau thương này.

Giai đoạn hai là giai đoạn một việc đã bắt đầu làm, đang làm. Ngay trong giai đoạn này, giai đoạn việc làm đang diễn biến, chúng ta vẫn tiếp tục phản tỉnh: việc này chúng ta đang làm hợp hay không hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, có gây thiệt hại cho mình, cho người khác, cho cả hai hay không, hay là ngược lại, có đem an lạc cho mình, cho người khác, cho cả hai hay không? Nếu qua phản tỉnh, xét thấy là có hại cho mình, cho người, cho cả hai thì chúng ta hãy cương quyết tiếp tục việc làm đó, dù có khó khăn cản trở.

Cũng như ngày hôm nay, quý vị hoan hỉ đến đây lễ Phật, nghe thuyết pháp, làm nhiều thiện sự và Phật sự, trong lòng quý vị cảm thấy an lạc, hạnh phúc, trí tuệ các vị tăng trưởng. Nếu quý vị xét thấy đáng như vậy thì quý vị hãy yên tâm tiếp tục làm, trong ngày lễ Phật đản này cũng như trong các ngày lễ Phật khác, hay là mỗi khi có điều kiện.

Trái lại, có những việc quý vị đang làm, đang tiến hành, nhưng trong quá trình làm, quý vị xét thấy không có lợi cho mình, cho người, không có lợi cho cả hai, thì dù ý muốn ban đầu có tốt chăng nữa, quý vị cũng nên chấm dứt ngay công việc đó.

Giai đoạn ba là giai đoạn khi một việc đã được làm xong. Chúng ta cũng cần phản tỉnh xem, việc mà chúng ta đã làm có hợp hay không hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, có gây thiệt hại hay không cho mình và cho người, có gây thiệt hại hay không cho cả hai, có đem lại an lạc và hạnh phúc hay không cho mình và cho người khác hay là cho cả hai. Nếu phản tỉnh và nhận thấy việc đã làm có gây thiệt hại cho mình và cho người khác hay là cho cả hai, thì chúng ta phải thành thật ăn ăn hối lỗi, trung thực bộc lộ lỗi lầm với vị đạo sư hay là với những người bạn đồng tu, đồng đạo của mình. Sau đó, hạ quyết tâm từ nay không làm lại một việc làm có hại như vậy nữa. Nhưng nếu, qua phản tỉnh, nhận thấy việc mình đã làm là hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, đem lại hạnh phúc an lạc cho mình và cho ngưòi khác, hay cho cả hai, thì chúng ta thật sự hoan hỷ, sẵn sàng làm lại việc đó một lần nữa, nhiều lần nữa mỗi khi có điều kiện, vì hạnh phúc an lạc của bản thân mình và của mọi người.

Đối với mỗi việc làm của thân, tức là thân nghiệp, dù khi còn là ý muốn, hay là khi đang làm, hay là sau khi đã làm xong, Đức Phật đều khuyên La Hầu La cũng như tất cả Phật tử chúng ta đều nên tỉnh táo xem xét, là thiện hay là bất thiện, nếu là thiện, thì hãy tu học ngày đêm để tăng trưởng những việc làm thiện đó. Và nếu là bất thiện thì cũng hãy cố gắng ngày đêm để dứt bỏ, đoạn trừ, đề phòng, ăn năn, hối lỗi, để cho những pháp bất thiện đó không bao giờ còn tái phạm nữa.

Không những đối vói việc làm nơi thân, mà cả đối với lời nói, đối với mỗi ý nghĩ chớm nở trong tâm mình, Đức Phật cũng đều khuyên chúng ta phản tỉnh xem xét là thiện hay bất thiện. Nếu là thiện, thì học tập phát huy tăng trưởng lên, nếu là bất thiện, thì phấn đấu không mệt mỏi để diệt trừ, xóa bỏ. Và chỉ sau nhiều lần phản tỉnh như vậy đối với việc làm, lời nói và ý nghĩ cuả mình, chúng ta mới có thể tiến dần tới chỗ tất cả ba nghiệp của chúng ta, thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp dần dần được trong sạch sáng sủa, hoàn toàn hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo. Chúng ta, dần dần thực hiện theo đúng lời dạy của Đức Phật, như đã ghi trong Kinh Pháp Cú:

"Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm giữ ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy".

Tâm ý giữ trong sạch, phải là mối quan tâm thường xuyên và hàng đầu của mọi Phật tử chúng ta, xuất gia hay tại gia. Vì sao vậy? Thưa quý vị, đây là vì, thông thường, người ta suy nghĩ trước rồi mới nói, mới làm, tất cả chúng ta đều tâm niệm câu kệ I của Kinh Pháp Cú:

"Ý dẫn đầu các Pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như bánh xe vật kéo"

Nghĩa là: Tâm ý đã bất thiện, nhơ bẩn, đầy tham sân si, thì lời nói, hành động với tâm ý như vậy cũng sẽ bất thiện, nhơ bẩn, đầy tham sân si, và đem lại quả báo đau khổ.

Trái lại, như Kinh Pháp Cú nói:

"Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình".

Nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, là nếp sống với tâm ý trong sạch. Đó cũng chính là nếp sống hạnh phúc. Một niềm hạnh phúc mình tự tạo cho mình, đem lại cho mình chứ không phải người nào khác, dù là cha mẹ, bà con cũng không làm được. Đó chính là ý tứ cuả câu kệ 43 trong kinh Pháp Cú:

"Điều mẹ cha, bà con
Không có thể làm được,
Tám hướng chánh làm được,
Làm được tốt đẹp hơn!".

Tâm hướng chánh là tâm thiện, tâm lành, tâm trong sạch.

Trái lại, con ngưòi có tâm bất thiện cũng là người bất hạnh nhất trên đời, một nỗi bất hạnh còn lớn lao hơn, đáng sợ hơn là điều ác kẻ thú đem lại cho mình nữa. Kinh Pháp Cú viết:

"Oan gia hại oan gia,
Kẻ thù hại kẻ thù,
Không bằng tâm hướng tà,
Gây ác cho tự thân".

Trước hết phải tự tạo cho mình một môi trường tốt với những môi trường tốt, những thiện trí thức, như sách Phật thường nói. Trong kinh Tiểu Kinh Mãn Nguyên (Kinh Trung Bộ số 110), Đức Phật giới thiệu cho chúng ta rõ thế nào là nếp sống của một người bất thiện. Một người bất thiện, là một người đầy những tánh bất thiện, như không có lòng tin, không biết xấu hổ, không biết sợ hãi, nghe ít, biếng nhác, thất niệm, kém trí tuệ. Người bất tiện suy tư như người bất chánh, suy tư tự làm hại mình, suy tư làm hại người khác, suy tư làm hại cả hai. Người bất thiện nói năng như người bất chánh: Nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm. Người bất thiện hành động như người bất chánh, sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục. Như vậy, với những định nghĩa trên chúng ta biết ngay thế nào là người bất thiện và giúp chúng ta tự tránh không trở thành người bất thiện.

Phật tử thường xuyên đến đây Lễ Phật, nghe giảng kinh đọc sách Phật, cùng nhau nói chuyện đạo lý, làm các việc Phật sự và thiện sự, đó chính là tự tạo cho mình một môi trường tốt bài trừ niệm ác, nẩy sinh niệm lành, niệm thiện. Một người làm thì khó, hay là mới bắt đầu làm thì khó. Nhưng nếu có tổ chức, nhiều người cùng làm và làm nhiều lần, thành quen, thành nếp thì công việc khó khăn mấy cũng sẽ hoàn thành tốt đẹp.

Có môi trường tốt rồi, có bạn bè tốt rồi, chúng ta còn phải nổ lực bản thân nữa.

Một điều nữa, chúng ta cũng cần ghi nhớ là niệm thiện nói chung mạnh hơn niệm ác, cũng như ánh sáng mạnh hơn bóng tối vậy. Niệm ác sỡ dĩ chi phối chúng ta được là vì chúng ta không biết nó là ac. Nếu nhận mặt nó được là ác, thì tự nhiên nó sẽ tan biến đi. Chính vì vậy, mà Kinh sách Phật khuyên chúng ta nên luôn luôn chánh niệm tỉnh giác, biết rõ mình đang nghĩ gì, nói gì, làm gì và ý nghĩ đó, lời nói đó, việc làm đó là thiện hay bất thiện, đem lại an lạc hay đau khổ cho mình và cho người. Có người nghĩ ác mà không biết mình là ác. Con người như thế rất khó tu tập bỏ ác làm lành. Cũng như có người làm điều thiện mà không biết mình làm điều thiện thì cũng rất khó tăng trưởng điều thiện.

Cuộc sống của người Phật tử phải là một cuộc sống tỉnh táo, biết thiện là thiện để phát huy điều thiện vốn có, học những điều thiện mình chưa có. Đồng thời cũng phải biết ác là ác thì mới loại bỏ điều ác mình đã phạm và phòng hộ những điều ác chưa sanh khởi. Nói tóm lại, tăng điều thiện vốn có, học những điều thiện chưa có, bỏ điều ác vốn có, tránh điều ác chưa có: đó phải là nếp sống tinh tấn của mọi Phật tử chúng ta.

Thực là sai lầm khi có một người nào đó buộc tội đạo Phật chúng ta như là tiêu diệt mọi tình cảm của con người, như là phi nhân bản! Trái lại, có thể nói đạo Phật là đạo nhân bản nhất bời vì nói giúp cho mọi ngưòi phấn đấu để trở thành những con người hoàn thiện, những bậc Thánh trên thế gian này, những con người hội tự một cách đầy đủ và hoàn mỹ nhất những đức hạnh từ bi và trí tuệ. Con người có trí tuệ và tình thương rộng lớn (từ bi): đó phải là hướng phấn đấu của tất cả chúng ta, vì đó là mẫu mực, của con người hoàn thiện theo quan điểm Phật giáo.

Đó là một hướng phấn đấu cụ thể, không có gì là viễn vông xa vời, Đức Phật và hằng bao thế hệ đệ tử đắc đạo của Ngài chứng tỏ con người mẫu mực hoàn thiện đó không phải là một cấu trúc không tưởng mà đã là, đang là, sẽ là những con người sống, thực tại nếu biết cố gắng phấn đấu theo con đường. Bát chánh đạo mà Đức Phật đã vạch ra.

Giá trị bất hủ của đạo Phật chính là ở chỗ nó vạch ra con đường cụ thể giúp cho mỗi người chúng ta trở thành con người hoàn thiện, con người sống hạnh phúc và tự do, con người mẫu mực về trí tuệ và tình thương rộng lớn.

Đó cũng chính là bức thông điệp mà Đức Phật để lại chúng ta: bức thông điệp kêu gọi mọi người chúng ta hãy phấn đấu để trở thành những con người hoàn thiện, những con người giải thoat khỏi ba độc Tham, Sân và Si, những con người tâm giải thoát và trí tuệ giải thoát, xứng đáng là học trò đức Phật, con đẻ tinh thần cuả Đức Phật.

Trong thế giới đầy hận thù này, chúng ta hãy sống không hận thù, hãy nêu gương sáng của cuộc sống đầy tình thương. Trong thế giới đầy bóng tối này, bóng tối của đe dọa chiến tranh, và nếp sống phi đạo đức, chúng ta hãy thắp lên ngọn đèn của trí tuệ, của hiểu biết và thông cảm.

Xã hội không nhìn chúng ta, đánh giá chúng ta qua sách Phật và tượng Phật, mà nhìn chúng ta, đánh giá chúng ta qua con người cụ thể của chúng ta, qua việc làm và lời nói cụ thể của chúng ta, có thể hiện trung thành hay tương phản lại với ý tưởng từ bi và trí tuệ của Đạo Phật.

Đức Phật cũng vậy, Ngài nhìn chúng ta đánh giá chúng ta không phải qua tượng, tranh Phật, qua sách Phật ghi chép lời Ngài có đúng hay không, mà là qua nếp sống hàng ngày cụ thể của Tăng ni Phật tử chúng ta có thật là nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo hay không. Nếu thật sự, chúng ta sống, ứng xử, hành động theo đúng những lời dạy cuả Phật, thì dù Đức Phật có nhập Niết Bàn cách đây ba ngàn năm, nhưng Ngài vẫn luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, theo dõi hướng dẫn, khích lệ chúng ta.

II. 3- Đạo Phật có thể đem lại những gì cho giáo dục Đạo Đức ngày nay

Giáo dục căn bản là truyền đạt. Thế hệ này truyền lại cho thế hệ khác kinh nghiệm sống của một cộng đồng. Những lý thuyết, những thực hành, những thủ thuật trong các nghề nghiệp để sinh nhai kiếm sống, đó là một phần rất thực tiễn, không thể thiếu của giáo dục. Nhưng chỉ là một phần mà thôi. Vì sống chính là quan hệ mình với mình, mình với người, mình với vạn vật, với thiên nhiên. Chỉ một trong những quan hệ ấy không được hài hòa là cuộc sống mất an lành. Mình mà không yên được với chính mình thì có trốn tránh cách nào, bằng say sưa, bằng trác táng hay bằng hành động; có trốn đi đâu, và rừng sâu, ra hải ngoại, thì ngày đêm vẫn không khỏi đối mặt với chính mình. Kinh nghiệm sống làm sao cho yên vui, cũng thiết yếu chẳng kém gì cơm ăn, áo mặc. Cái đó cũng là giáo dục truyền lại. Mà kinh nghiệm này, nhà Phật có trên hai ngàn năm bề dầy.

II.3.1-  Quan hệ người với người: chữ hòa

Cạnh tranh là một nguyên tắc trong xã hội, ở khắp nơi ngày nay; trẻ con từ thuở thơ ngây đã tập tành tranh đua. Tranh đua, giành giựt, lấn át để qua mặt người. Khôn khéo ra, thì bàn tay có thể bọc nhung, nhưng mà bên trong thường là bàn tay sắt.

Nhà Phật khác thế, lấy chữ hòa làm nguyên tắc sống chung. Nói hòa là trước hết hàm ý khác biệt. Đường không phải là nước thì mới hòa với nước. Giống y như nhau thì gọi là "đồng", rót nước lã vào nước lã thì đã chẳng dùng tới chữ hòa. Ý này ta thấy rất rõ trong câu "Hòa nhi bất đồng, đồng nhi bất hòa", hòa mà không giống nhau, giống mà không hòa với nhau.

Như vậy, nói hòa cũng là nói chấp nhận sự khác biệt của nhau. Chính vì tính cách khác biệt của các thành phần, cho nên hòa hợp lại có thể nảy sinh những đặc tính khác lạ, mà đơn thuần cộng đặc tính riêng của các đơn vị thành phần lại không sao có được. Hòa cácbon với sắt thì ra thép, độ bền chắc, độ sắc bén khác hẳn với các bon, với sắt tinh chất.

Cái quí của hòa cũng chính là ở chỗ đó. Chẳng những nhân khả năng lên mà còn tạo nên những khả năng mới, nên sức mạnh mới, hệ quả của sự tổng hợp thành công.

Nhà Phật có xác định sáu nguyên tắc để sống trong hòa hợp. Vốn là để cho Tăng già, nhưng nới rộng ra, đối với bất cứ một nhóm người cùng chung sống nào, những điều này vẫn giữ nguyên giá trị:

Một là cùng ở một nơi, thân hòa đồng trú. Mới xem qua dường như là một ghi nhận thường tình, nhưng chính vì không lưu tâm đến điểm thường tình này mà các khu chung cư chuồng thỏ chỉ để về ngủ ban tối, ban ngày phải bôn ba đi kiếm sống ở những đâu đâu đã đưa vào thế bế tắc khó xử cho nhiều ngoại ô các tỉnh lớn khắp nơi trên thế giới, như Paris, Lyon ở Pháp ngày nay. Không nơi cùng nhau chia sẻ sinh hoạt thường ngày, làm lụng, ăn học, mua bán, nhậu nhẹt, tán gẫu, thể thao, giải trí, v.v... thì dù là đường phố, dinh ốc có quy hoạch đẹp đẽ như Brasilia trước đây, người nào có điều kiện đi nơi khác được cũng đều bỏ ra đi. Vì mãi mãi đó chỉ là những dãy nhà không hồn, không sao biến thành khu phố, thành thị xã, sinh động như những khu xóm cổ truyền bình thường. Đã gọi là sống chung thì phải có nơi có chốn thích nghi cho sự chung sống.

Hai là không cãi cọ nhau, khẩu hòa vô tranh. Không cãi để mà cãi, nhưng cũng chẳng phải là cái tinh thần "ba phải". Chẳng phải là cái hòa cả làng của "dĩ hòa vi quí" sao cũng được, cũng cam chịu, chỉ có ngậm miệng cúi đàu, chẳng phải cái thái độ mà bề trên kẻ cả nhồi vào não cho đám thấp cổ bé miệng trong làng trong nước.

Vì ba là đã khác nhau thì cách nhìn -- "kiến"-- không giống nhau được. Không cách nào khác là bàn bạc thảo luận -- trong tinh thần hòa nhã -- nhưng phải đến nơi đến chốn mới cùng nhau "giải", nghĩa là vượt mâu thuẫn, đi tới một cái nhìn tổng hợp sự việc, đầy đủ hơn, phong phú hơn cái nhìn riêng của mỗi người. Ấy là nguyên tắc kiến hòa đồng giải.

Bốn là có lợi thì phải chia đều với nhau, lợi hòa đồng quân. Đối với các nhà tu hành, nguyên tắc này đã là cần luôn luôn nhắc nhở, thì đối với người sống trong thế tục lại càng thiết yếu biết chừng nào.

Năm là cần có luật lệ, có những qui định cho các quan hệ, được mọi người đồng thuận theo và ai ai cũng phải tuân thủ. Đối với người tu hành thì đó là giới luật chung cho Tăng già, câu chữ gọi là giới hòa đồng tu.

Sáu là luôn luôn ý thức vui vẻ với nhau, ý hòa đồng duyệt.

Chữ hòa nhà Phật với nội dung cụ thể của nó : chấp nhận khác biệt, bàn bạc thảo luận bình đẳng rốt ráo, công bằng phân chia quyền lợi, luật pháp công minh ai ai cũng phải tuân thủ, chữ hòa ấy đáng được đề nghị làm giá trị cho xã hội chúng ta ngày nay.

II.3.2- Quan hệ mình với mình

Xin bàn  về hai điểm độc đáo của nhà Phật; quan niệm về thân xác và  về trí tuệ.

    a- Với thân xác: Thể xác, tâm thần là một, trong lý thuyết, phương pháp, kỹ thuật giáo dục con người. Với những phương pháp giản dị của nhà Phật, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể cảm nhận trong thân xác ảnh hưởng của tình cảm, của tư tưởng xuất hiện và biến đi trong tâm thần. Và từ thân xác tác động ngược lại vào tình cảm, vào tư tưởng. Tác động vòng tròn qua lại này là cơ sở cho một chương trình huấn luyện toàn diện thể xác, tình cảm tâm trí con người.

Chúng ta đã bỏ cái lối giáo dục ấy. Dù rằng đâu đó đôi khi vẫn còn rơi rớt cái xu hướng tôn sùng lý lẽ của uy tín, nhưng chúng ta đã bỏ lối học từ chương, ít nhất là trên nguyên tắc.

Và cũng đã từ nhiều thế hệ, chúng ta học theo lối học của phương Tây. Phát huy suy luận, phát triển lý tính.

Đó là một điều hay, nhất là cho chúng ta. Trọng lý trí là phải, điều đáng nói là cái giáo dục chúng ta học được theo khuôn mẫu Tây phương duy lý trí đến mức độ cực đoan, xem như sự thật chỉ có thể là kết quả cuối cùng của một quá trình tư duy. Quên rằng chỉ lạnh lùng lý trí là sẽ mù lòa trước sự kiện, nhất là trong quan hệ người với người, mà chỉ con mắt của tấm lòng mới thấu đáo được. Quên rằng ngoài lý trí, con người còn tiếp xúc sự vật, tiếp xúc đồng loại bằng tình cảm, bằng trực giác. Chương trình giáo dục hiện hành chỉ chuyên trau dồi lý luận, không chút ngó ngàng đến trực giác. Chẳng mấy ai mà cái hồn nhiên trực giác chẳng bị quên lãng, sứt mẻ đến thui chột sau những năm dài học theo các chương trình giáo dục ngày nay. Nhưng thử hỏi có sáng tạo nào mà không có phần của trực giác chăng. Dù là trong nghệ thuật hay trong khoa học.

   b- về trí tuệ

Cái trí thức nhạy bén, thấu đáo quan hệ, quy luật che lấp sau hiện tượng của sự vật và kết tinh hài hòa của học hỏi, suy luận và trực giác. Và những phương pháp, kỹ thuật nuôi dưỡng, phát triển trực giác của nhà Phật là kinh nghiệm quí báu trong kho tàng văn hóa chung của loài người.

Tóm lại, với tiềm năng đem lại quan niệm, lý thuyết, phương pháp và kỹ thuật trong hai vấn đề: 1) Phát triển hài hòa thể xác và tâm thần; 2) Hài hòa lý trí với trực giác; chỉ riêng bấy nhiêu cũng đủ là những đóng góp đáng quý của nhà Phật cho giáo dục ngày nay.

Để kết thúc bài viết tôi muốn giới thiệu một nền trật tự đạo đức mới, được xây dựng từ những lời dạy Đức Phật, và được áp dụng trong thời điểm hiện tại, nếp sống đạo đức này sẽ làm giảm thiểu những nguy cơ một chiến tranh hạt nhân và mở đầu một kỷ nguyên trong đó hòa bình, an toàn và hòa hợp sẽ trở thành những đặc điểm thường hằng nổi bật nhất, và các giá trị con người được tán dương và tôn trọng:

Hiến dâng đời sống của chúng ta cho hạnh phúc và an lạc của mọi loài hữu tình, phục vụ cho hòa bình, giải trừ quân bị và tình huynh đệ quốc tế.

Sống một đời sống bình dị, lành mạnh và biết đủ, để hiến nhiều thì giờ, nhiều năng lực cho hòa bình và hạnh phúc của mọi loài hữu tình.

Từ bỏ mọi hành động đưa đến xung đột và chiến tranh, thực hiện mọi hoạt động đưa đến hòa bình hòa hợp và thông cảm quốc tế.

Tôn trọng đời sống của mọi loài hữu tình, tôn trọng đời sống hành tình của chúng ta, tôn trọng môi trường sống trong sạch của chúng ta.

Chung sống hòa bình, cộng đồng hợp tác, trong tinh thần hòa hợp quốc tế và tình huynh đệ con người.

Thích Giác Ân