Có nên thờ cả Chúa và Phật trên một bàn thờ không?



HỎI: 

Con là phật tử và chồng con là một người có đạo. Thật sự gia đình chúng con không có vấn đề phức tạp nhiều về tôn giáo vì chúng con đều tôn trọng lẫn nhau. Chồng con cũng thích nghiên cứu Phật giáo và con cũng hay đi nhà thờ với chồng con. Tuy nhiên thật sự chúng con đang có vấn đề không biết nên trang hoàng bàn thờ như thế nào cho đúng. Chúng con sống ở nhà riêng không phụ thuộc vào hai gia đình. 

Tuy nhiên nếu để cả bàn thờ ông bà rồi hai bàn thờ Phật và Chúa cả lên, chúng con thấy không ổn. Chồng con luôn chiều ý con và để cho con vui tùy thích muốn thế nào cũng được. Tuy nhiên, điều này lại làm con cảm thấy áy náy, nhất là những ngày tết và giỗ chạp càng khó khăn hơn vì con luôn muốn cúng chay còn chồng con theo đạo việc cúng giỗ không cần thiết, có khi chỉ là thắp nhang. 

Xin Sư cho con biết chúng con nên làm như thế nào để việc thờ phượng được hài hòa và gia đình con cái đều vui vẻ với nhau.
 
ĐÁP: 

Việc thờ Phật, thờ Chúa:

Năm 1960, Sư xuất gia tại Tổ đình Linh Sơn, núi Dinh, Bà Rịa Vũng Tàu, địa phương này đạo Ki-tô nhiều hơn đạo Phật. Tuy nhiên chỉ có Tổ đình Linh Sơn là có tới năm sáu trăm tăng, ni tu hành. Tại tổ đình vẫn có một bàn thờ Giêsu Christ, hỏi ra thì mới biết có 03 nguyên nhân thờ: một là để tỏ lòng thiện cảm với cho người Ki-tô hữu, hai là để tỏ tình đoàn kết các tôn giáo tại địa phương, ba là thờ bậc thánh xuất thế khuyến thiện loài người.

 Ngoài ra, trong giới phật tử của tổ đình cũng có một số gia đình: chồng hoặc vợ theo đạo Ki-tô, do đó thờ Giêsu Christ là để dung hòa giữ gìn hạnh phúc cho những đôi vợ chồng có người theo đạo Ki-tô. Một phật tử theo Tổ đình Linh Sơn nay là 55 năm, ông hiện nay ngoài 80 tuổi, vẫn còn sống ở Bình Hòa, Tp.Hồ Chí Minh. Ông là phật tử thì thờ Phật Thích Ca bên tay trái, từ ngoài nhìn vào, bà theo đạo thờ Giêsu Christ bên tay phải từ ngoài nhìn vào, như vậy gia đình này Thầy ai nấy giữ, Thánh ai nấy thờ không có gì xung đột từ 55 năm qua. Thỉnh thoảng Sư có đến thăm ông cụ rất vui vẻ. Đạo ai nấy thờ, thánh ai nấy giữ, đạo nào cúng kiến theo đạo nấy thấy cũng vui vui, rất hạnh phúc.
 
Trích một vài lời Phật dạy:

Trong cộng đồng con người chúng ta phải có nơi nương tựa để có cuộc sống ấm áp trước những cơn đại hồng thủy, an cư lạc nghiệp trước những cơn mưa gió bão bùng, sấm sét, lũ quét, lũ lụt, sự nương tựa đó chính là niền tin vào tôn giáo, đấng cứu thế. Tuy nhiên phải tùy duyên phận mà chúng ta đi theo đạo, hoặc đạo Chúa hay đạo Phật, hay các đạo khác.v.v...
 
Ở một đoạn trong Kinh Pháp Cú, đức Phật khuyên: Con người khi bị sợ hãi không nên nông nổi tựa vào núi rừng, hang động, cây cỏ, miếu thờ. Không có nơi nương tựa nào như thế mà an toàn cả, không có nơi trú ẩn nào như thế là tối thượng cả. Không thể nhờ vào các nơi nương tựa như thế mà giải thoát được tất cả các điều bất hạnh. Ai biết nương tựa nơi đức Phật, Pháp và Tăng sẽ có hiểu biết chân chính về Tứ Diệu Đế - Khổ, nguyên nhân của Khổ, Diệt Khổ, và Bát Chánh Đạo dẫn đến chấm dứt Khổ. Đó mới thật là nơi nương tựa an toàn. Tìm nơi nương tựa như thế mới giải thoát khỏi khổ đau. (Câu 188-192)

Francis Story, một học giả Phật giáo nổi tiếng, đã nêu quan điểm của ông trong việc tìm nương tựa nơi đức Phật như sau: "Con đến quy y nơi đức Phật. Con mong tìm sự hiện diện của đấng Đại Đạo Sư mà do lòng từ bi của Ngài con được hướng dẫn vượt qua dòng thác dữ của luân hồi, do vẻ mặt thanh tịnh của Ngài con được nâng lên khỏi vũng bùn lầy của các tư tưởng tham đắm thế gian, nơi đây con cũng thấy được sự bảo đảm chắc chắn của an lạc Niết bàn mà chính Ngài đã đạt được. Trong phiền não đau đớn, con quay về với Ngài, và trong hạnh phúc con tìm thấy ánh mắt trầm lặng của Ngài. Con đặt trước hình ảnh Ngài không những hoa và hương, mà cả những ngọn lửa đang cháy trong tâm con luôn dao động để được dập tắt và lắng êm. Con đặt xuống đây cái gánh đầy của tự kiêu và tự ngã, cái gánh nặng của lo toan và khát vọng, cái khối nhọc nhằn của sinh tử tái diễn không ngừng".
 
Sri Rama Chandra Bharati, một thi sĩ Ấn, cũng giải thích rất ý nghĩa về việc tìm nương tựa nơi đức Phật như sau:

"Con nương tựa nơi Ngài không vì lợi lạc
Không phải vì sợ Ngài, hay muốn nổi danh
Không phải như mưa đá từ mặt trời vận chuyển
Không phải mong đạt kiến thức rộng sinh
Nhưng là do sức mạnh của tình thương không ngăn cách
Ở nơi Ngài tầm mắt vô song bao quát
Cho con an toàn vượt qua biển luân hồi
Con đê đầu, Bạch Đức Thế Tôn, con xin thành kẻ theo Ngài ".

(Theo sách Vì Sao Tin Phật - Thích Tâm Quang dịch)

Cách thức phụng thờ

Gia đình chỉ cần thiết lập 01 bàn thờ, bên phải thờ đức Giêsu Christ, bên trái thờ Phật Thích Ca, thờ 02 vị Giáo chủ như thế nhưng chỉ sắm một lư hương, 03 chun nước, 01 bình bông, 01 dĩa trái cây có đầy đủ nhang đèn, nhưng tất cả chỉ là 01 phần chứ  không sắm 02 phần. khi cúng kiến thì bạn vẫn cúng chung không nên vái nguyện đơn lẻ. Như vậy lư hương chung, 03 chun nước chung, bình bông chung, dĩa trái cây chung, chung một bàn thờ, hạnh phúc an lạc biết bao khi bạn đến bàn thờ chung lễ lạy. Bạn vẫn còn phân vân, không biết thờ như vậy có đúng và được không?

Sư trả lời: “Thờ như thế là hòa đồng tôn giáo, sum họp một nhà, gia đình không ly tán thân tâm, nếu các bạn khắc kỷ quá gia đình sẽ mất hạnh phúc".

Phật Thích Ca dạy từ bi quảng đại thương chúng sinh, Giêsu Christ dạy bác ái thương người. Phật cứu người ra bể khổ sông mê, Chúa dạy cứu người thoát cơn họan nạn. Phật, Chúa bao giờ cũng kêu gọi hòa bình, đoàn kết; Phật Chúa là những nhà du thuyết hòa bình, không có chiến tranh giết hại tàn sát lẫn nhau. Các bạn sống chung trong một môi trường như thế chắc chắn an cư lạc nghiệp, phú quý vinh hoa.

Chúa có thể cứu một người điên tỉnh lại, Phật giác ngộ một người tà kiến trở về chính kiến. Chúa cứu khổ một người đói, Phật tháo gỡ nạn dốt nát cho người đứng lên thoát khỏi nghèo đói lầm than. Chúa muốn cho mọi người giàu sang quý phái, Phật muốn cho thế giới đại đồng, xóa tan giai cấp người bóc lột người.

Năm 1965, Sư và Sư Giác Nguyên học ở Phân khoa Đại học Vạn Hạnh, tại Thánh đường Cơ Đốc Phục Lâm, học với Mục sư Hiệu trưởng là Phạm Thiện, hằng ngày vẫn tới thánh đường học tập, cúng kinh, thực tập theo các động tác của tín hữu, vẫn phải quỳ trước tượng chúa cúng với các tín hữu cúng kinh ngày thứ sáu. Sư thấy việc làm này chẳng có gì là kỳ thị nữa.

Không trở ngại trong việc lập gia đình với người khác đạo

Tại Quan Âm Tu viện, rất nhiều phật tử lập gia đình với đạo Kitô, nhưng rất hạnh phúc, như: Gia đình Lâm Phước Điền, các con của cô giáo phật tử Huỳnh Thúy Hồng.

Các cháu không có gì kỳ thị với nhau trong việc phụng thờ ông bà, gia đình ông Minh Chất, tuy theo đạo Kitô nhưng thờ Tây Phương Tam Thánh (đức Phật Di Đà, Bồ tát Quan Âm, Thế Chí Bồ tát), thờ Phật Bà Quan Âm lộ thiên. Gia đình Sư có anh Lê Bửu Hảo là phật tử, nhưng khi đi nước ngoài theo Ki-tô giáo, đến khi qua đời có hai đạo Phật và Chúa đến cầu nguyện và tống táng đến nơi an nghỉ cuối cùng.
 
Tại Việt Nam hiện nay người Ki-tô có cải biên về việc cúng kính, phụng thờ ông bà, cho phép Ki-tô hữu lập gia đình với người khác đạo. Sư chấp nhận cho phật tử lập gia đình với gia đình Kitô, không có ý kiến để giữ hạnh phúc cho vợ chồng và hai họ. Sư thiết nghĩ đấy là tính từ bi của đạo Phật và lòng bác ái của đạo Chúa phải được thể hiện trong tín đồ và trong loài người trên hành tinh này mới đúng nghĩa các vị giáo chủ này giáng thế cứu đời.
 
Các bạn phật tử phụng thờ như Sư hướng dẫn trên thì khi các bạn cúng kiến giỗ chạp ông bà chắc chắn gia đình bạn phải nhất trí với bạn thôi! Tại Bình Dương, thành phố Thủ Dầu Một có phật tử Tâm Huệ, một nhân sĩ Phật giáo, lập gia đình với người khác đạo cũng là nhân sĩ Ki-tô hữu, gia đình luôn hạnh phúc và không có việc kỳ thị từng ý kiến trong việc cúng lễ. Đôi khi phật tử Tâm Huệ còn thỉnh chư Tăng về tại gia cúng dường trai Tăng không gặp trở ngại, vì nữ phật tử biết tôn thờ Chúa như thờ Phật.
 
Trăm năm trong cõi người ta
Suy đi nghĩ lại cũng là đỉnh chung
Hành tinh vận chuyển vô cùng
Phật Chúa là bậc tôn sùng như nhau

 
Ghi chú: Nội dung tư vấn là cách nhìn nhận riêng của Hòa thượng Thích Giác Quang


Hòa thượng Thích Giác Quang