Coi chừng đẩy con cái vào đường cùng...


Thời điểm này, điểm của kỳ thi tốt nghiệp PTTH đã có và chỉ ít ngày nữa thôi thì chỉ tiêu tuyển sinh cũng như số điểm chuẩn xét tuyển vào đại học, cao đẳng cũng được các trường đưa ra và khi đó các thí sinh mới chính xác biết được mình có đỗ đại học, cao đẳng hay không.


Đừng bao giờ ngừng hy vọng. Niềm tin sẽ giúp chúng ta
vượt qua những thất bại, nỗi đau và đạt được những điều tưởng như không thể...

Chuyện đỗ đại học, cao đẳng hay không còn chưa ngã ngũ và thí sinh vẫn còn phải chờ đợi, nhưng ngay từ lúc này để biết được mình có đỗ tốt nghiệp PTTH hay không thì đã quá rõ ràng, bởi so sánh với số điểm tương ứng mình đạt được để soi chiếu ngưỡng tổng số điểm trung bình của tất cả các môn thi cộng lại.

Đỗ tốt nghiệp PTTH vẫn biết là dễ khi mà tỉ lệ đỗ thường rất cao, có khi lên tới hơn 90%, thậm chí gần 100% ở một số trường THPT, thế nhưng không phải là không có thí sinh bị "trượt vỏ chuối" vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Khi bị trượt tốt nghiệp PTTH, hay cao, đẳng đại học thường thí sinh sẽ rất buồn chán, các em rơi vào trạng thái chơi vơi khi mà đại đa số không thiết một điều gì, cái gì, thậm chí là nỗi buồn chán còn tác động khiến các em không muốn ăn, muốn chơi.

Sự buồn chán của các em là khó tránh khỏi khi mà trong lúc bạn bè của các em thì vui vầy trong niềm sung sướng đỗ đạt, còn các em bị trượt thì chỉ muốn giấu mình trong phòng để nhâm nhi nỗi chán chường.

Trên thực tế đã từng có không ít em do thi trượt, buồn chán mà dẫn tới suy nghĩ nông nổi, dại dột khi tìm cách tự tử để giải thoát khỏi nỗi buồn chán bế tắc trước mắt. Hậu quả đau đớn mà các em có suy nghĩ bồng bột, dại dột như vậy để lại cho cha mẹ, cho gia đình các em là quá lớn, không gì có thể cứu vãn được nữa khi sự thể đã là quá muộn.

Để an ủi động viên con cái, cũng như tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra thì cha mẹ hãy là "người bạn" tâm giao thường trực của con trong giai đoạn con biết kết quả thi và bị trượt. Tuyệt đối không được trách mắng con hay dùng những lời lẽ sỉ vả theo kiểu "Mày học ngu như vậy thì có thể làm nên trò trống gì!", hay "Học, thi cho nó phí cơm phí gạo..."..., mà hãy động viên an ủi con cái để con vơi bớt nỗi buồn.

Hãy nói với con rằng: Con còn trẻ, thi trượt chỉ là một sự vấp ngã đầu đời và con còn có nhiều cơ hội sửa sai ở năm thi kế tiếp.

Bạn cũng có thể chỉ bảo, định hướng cho con các kế hoạch ôn luyện thi để "phục thù" vào năm kế tiếp, đồng thời gieo vào con niềm hy vọng đại loại như: "Bố, mẹ tin rằng khi đầu tư ra 5-7 tháng để ôn luyện thật kỹ càng kiến thức thì ở kỳ thi sau nhất định con sẽ đỗ với số điểm cao!", hay là: "Học tài thi phận mà con, vì vậy con không nên buồn mà hãy nhanh chóng vượt qua nỗi buồn để ôn luyện và coi kỳ thi thất bại này là động lực để vươn tới ở kỳ sang năm"...

Động viên an ủi, chia sẻ, giải bày tâm tự nguyện vọng cùng con khi con đang mang một nỗi buồn mênh mang là thi trượt đó là điều mà tất cả các bậc phụ huynh nên và cần làm bởi đây là "phương cách" hữu hiệu nhất để con bạn bớt buồn, cũng như tránh được những hậu quả đáng tiếc khi con suy nghĩ dại dột.

Trên thực tế thì vẫn có không ít các bậc làm cha làm mẹ khi phát hiện con mình thi trượt đã tổng sỉ vả con, nhiếc mắng con một cách thậm tệ khiến con đã buồn càng buồn thêm. Khi gặp các trường hợp cha mẹ như vậy các em đóng cửa nằm lì trong nhà còn đỡ, chứ có không ít em đã vì quá buồn mà bỏ nhà đi lang thang, thậm chí tìm phương cách giải thoát tồi tệ nhất là... tự tử!

Như đã nói, chính những lời trách cứ, chửi bới, nhiếc móc của cha mẹ các em chẳng khác nào "lửa đổ thêm dầu" và khiến các em càng bế tắc không có phương hướng giải quyết...

Nguyễn Thị Hải
(Đại học Văn hóa Hà Nội)